Nội dung chi tiết

TRƯỚC THỀM TRĂM NĂM TUỔI
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 10/03/2009 .Lượt xem: 3111 lượt. [In bài]

Hồ Duy Lệ

Đó là một người chỉ sống thêm bốn năm nữa đã bước vào tuổi trăm năm. Ông tên là Phạm Ký, người làng Hà Thanh, xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn.

Năm lên sáu tuổi, cha mẹ đã cho ông đi học chữ Nho, chẳng may, khi ông vừa tròn tám tuổi thì cha qua đời, để lại bà mẹ trẻ và mấy anh em. Người chú thương cháu, đưa ông qua làng Tân Hạnh, gởi ở nhà ông Cửu Giáo, tức thầy Trần Tuân để học chữ Quốc ngữ. Thầy giáo là em ruột của mẹ, ông gọi bằng cậu. Đó là những năm tháng ông biết đến chữ thương: thương cha, thương mẹ, thương cậu nhà nghèo mà tận tụy dạy dỗ đàn con em trong làng, cho chúng biết chữ Đất Mẹ mà không đòi hỏi phải trả tiền công cho thầy, và ông cũng biết thương vua Thành Thái vì dân, vì nước mà chống lại bọn thực dân Pháp nên phải bị đi đày.

Học hết lớp nhất, ông ra Huế thi vào trường Quốc Học. Thi không đậu, mẹ cho ông vào trường tư thục Hồ Đắc Hàn. Từ ngôi trường này, ông đã có được những người bạn tốt như Đỗ Quang, Phan Bôi, Nguyễn Quang Sang, cùng nhau sinh họat trong nhà Hội Quảng Nam ở Huế và được tiếp xúc với nhà yêu nước danh tiếng Phan Bội Châu.

Cậu học trò Phạm Ký nhỏ tuổi nhất trong số anh em lúc bấy giờ đã theo các anh chị trường Quốc học Huế tham gia bãi khóa, xuống đường. Năm 1927, ông đi Đà Nẵng chơi cho biết thành phố có con sông Hàn. Ông có ý nguyện muốn được đi xa, thì một người bà con mách nước, chỉ cần lót tay 5 đồng Đông Dương cho Lý trưởng xã Phước Ninh là xin được cái căn cước, đi đâu mà không được!

Cầm được cái căn cước trong tay, ông về nói với mẹ là muốn đi vào Sài Gòn để làm ăn sinh sống, được biết đó biết đây. Mẹ và gia đình không thể ngăn được khát vọng của chàng trai trẻ tháo vát, mạnh mẽ và luôn xông xáo, thế là ông được đặt chân đến Sài Gòn hoa lệ, tấp nập người xe từ dạo ấy.

Để có thể sống được trên đất Sài Gòn, ông xin vào làm thuê cho hãng Comptoir Industriel do một người Pháp có vợ Việt điều hành. Tại đây, ông gặp nhà thầu khoán Trương Châu, người có tư tưởng tiến bộ, đã cho nhau am hiểu tình hình trong nước và quốc tế lúc bấy giờ.

Cuối năm 1928, ông Hoàng Đôn Vấn người Bình Định đã kết nạp Phạm Ký vào tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Rồi ông được tổ chức giới thiệu đến làm việc ở xưởng dầu Nhà Bè để có điều kiện tiếp xúc với anh em công nhân. Muốn vào được đây, ông phải mặc quần đen, áo đen đóng vai công nhân khuân vác. Đây là một xưởng lớn có đến 3000 công nhân, làm việc ngày đêm rất nặng nhọc. Thời kỳ này, ông tham gia vào tổ chức An Nam Cộng sản Đảng.

Một hôm đang hai tay xách hai thùng dầu nặng trịch chất lên cao thì lỡ tay khiến thùng dầu bị rơi xuống, va vào chồng thùng đổ nhào, làm mấy thùng bị méo mó. Tên cai liền bảo với “chef” người Pháp. Hắn ta hằm hằm bước đến, miệng chửi liên tục, dang tay giáng cho ông một bạt tai, không thể bị làm nhục, ông liền đưa cánh tay chắc nịch lên đỡ rồi giáng vào mặt tên “chef” một tai chóe lửa làm hắn ngã nhào. Tức thì, những tiếng vỗ tay của anh em vang lên. Bị ê mặt trước đám đông, hắn lệnh tống Phạm Ký vào buồng tối, nhốt một ngày một đêm rồi đuổi việc, không trả cả tiền công cho ông đã làm trước đây.

Mất việc ở xưởng nhà Bè, ông xin vào làm ở xưởng sắt FACI. Tại đây, ông tổ chức được một Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng gồm ông và hai đồng chí nữa là Phạm Kim Sơn và Lê Quang Sung. Tại đây, còn có một Chi bộ gồm Lương Văn Cang, Lê Văn Lương và Hoàng Quốc Việt thuộc Đông Dương Cộng sản Đảng. Cả hai cùng hợp tác lập ra tờ báo “Thợ thuyền” rồi lập nên các tổ chức biến tướng để dễ bề tập hợp quần chúng đấu tranh như Công hội, Hội bóng đá.

Ngày 25/9/1930, chi bộ lấy tên PACI được thành lập, Phạm Ký làm bí thư. Ông lấy ngày này làm ngày vào Đảng của mình, ngoài tên gọi là Dục ở nhà, ông có các bí danh, An, Chánh. Làm thơ, lúc ghi Phạm Ký, lúc lấy bút danh là Công Ý.

Buổi sáng ngày 7 tháng 11 năm 1930, có cuộc mít ting kỷ niệm lần thứ 13 Cách mạng tháng Mười Nga, chàng trai trẻ cao to Phạm Ký vừa bước lên bục phát biểu, chưa nói hết ý nghĩa của ngày kỷ niệm thì một tên cò người Pháp chòm lên, kéo chân ông lôi xuống khỏi bục, cho ông máy đạp, rồi còng tréo tay, tống ông lên xe chở về bót Cầu Muối. Ở đây, bọn còTây và Việt gian tay sai An Nam hỏi cung, dùng roi quất sa sả vào người, kẹp ông giữa hai song sắt rồi dí điện vào. Ba ngày không lấy được ở ông một lời khai, chúng tống ông vào nhà giam Catina, một nhà tù giam cầm tra tấn rất dã man những người cộng sản lúc bấy giờ ở Sài Gòn.

Những ngày bị giam ở bốt Cầu Muối (nay ở trên đường Lê Thị Hồng Gấm, thành phố Hồ CHí Minh), ăn cơm gạo mục và cá khô mặn, chàng trai Phạm Ký đã viết nên mấy lời “Nhắn nhủ” lớp thanh niên trước vận mệnh của đất nước đang bị thực dân Pháp đô hộ. “Nhắn nhủ” được viết bằng gạch đỏ trên bức tường nhà giam, sau đó được anh em bạn tù thuộc lòng, như sau:

                      Nhắn nhủ cùng ai đến chốn này

                      Vàng than thử thách chính là đây

                       Búa rìu sấm sét không lay chuyển

                      Dạ sắt gan đồng chớ đổi thay

                     Ở với nhân dân ghi nghĩa cả

                     Nhớ vì đoàn thể giữ lòng ngay

                      Bảo toàn khí tiết ngời nhan phẩm

                      Đồng chí, đồng bào quý lắm thay

Giặc Pháp giam Phạm Kỳ ở bốt Catina ba tháng, thì một hôm chúng đẩy lên xe áp giải ra “Bòi thẩm đoàn” kết án ba năm tù, tống giam vào nhà tù Khám Lớn. Tháng 5 năm 1933, chúng cho ra tù nhưng không cho xuất hiện ở Sài Gòn vì biết trước sau gì chàng trai trẻ xông xáo này cũng tìm cách liên lạc với “đồng bọn”, tập hợp công nhân, thợ thuyền chống lại chính quyền đương thời. Chúng đưa ông về quê nhà Điện Hòa trong tình trạng “quản thúc”.

- Tại sao gọi là Khám Lớn? –Tôi hỏi ông.

- Lúc đó, bọn thực dân Pháp chưa xây đủ nhà tù, nhưng Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, hoạt động mạnh. Chúng bắt bớ nhiều, không đủ chổ giam, vì vậy chúng ngăn hai con đường: La rue Grandiere và La rue Espagne làm thành một cái khám nhốt tù, rồi gọi là Khám Lớn. Trong cái Khám Lớn này, chúng chia ra nhiềm khám nhỏ như khám nữ (giam toàn đàn bà), khám ninh (tội phạm an ninh), khám 5, khám 6.

Khám nữ và khám ninh nằm ở tầng 1, khám 6 nhỏ hơn, ở trên cao nhất. Mới bắt vào, chúng giam ông ở khám 2. Tại đây, ông vận động anh em tù đấu tranh đòi cải thiện dời sống, bị chúng phát hiện “tên chủ mưu” liền tống ông vào cát – sô (cache –chaud), một nơi giam giữ rất nóng. Ba tuần thì đưa lên khám 6.

Ở khám 6, ông được gặp các đồng chí Ngô Gia Tự, Bùi Quang Sung, Lý Tự Trọng.

Bị giam ở Khám Lớn, ngoài những người Cộng sản ở Sài Gòn còn có nhiều anh chị em nông dân ở lục tỉnh tham gia đấu tranh bị bắt.

Ngoài việc đánh đập, hù dọa, uy hiếp, cố tình làm ai bị đưa vào tù cũng sợ, nên trước khi bước vào Khám Lớn, đập vào mắt mọi người là hình ảnh tử tù bị lên máy chém, máu me kinh khủng. Bước vào bên trong cổng liền thấy hiện lên một cái may chém giống như một chiếc xe cam – nhông trông rất dễ sợ, một hình ảnh luôn uy hiếp, làm run sợ những ai chống lại chúng. Nhưng những người Cộng sản trẻ tuổi lúc bấy giờ có hề sợ chi “súng kề cổ”, sợ chi máy chém, nhà tù. Các cuộc đấu tranh đòi cải thiện bữa ăn, chống đánh đập diễn ra liên tục, mỗi ngày một đông người tham gia.

Trước đó, số anh chị em “tù kinh tế”, “tù thường phạm” chưa dám đấu tranh, trong số họ còn có những “chef” đàn anh bắt đàn em cung phụng ngay cả khi bị giam trong tù. Khi có tù chính trị, các đồng chí đã tiếp xúc, giải thích cho anh em tù kinh tế hiểu tội ác của kẻ thù, vạch mặt bọn “xân – tân” thầu cơm và nhà bếp ăn bớt cơm của tù nhân, và thôi gọi “chef” nữa mà gọi là “đại biểu” để bàn bạc, phối hợp trong các cuộc đấu tranh.

Vì có sức mạnh của đám đông, vì các đồng chí cộng sản bị bắt lúc đó là những người có học, giỏi tiếng Pháp, nên hể thấy quan Pháp thoáng qua thì “mời” chúng vào để được trình bày nguyện vọng, những khi khám trưởng, khám phó ló mắt kêu gọi, nói chuyện thì anh em xông ra tiếp cận hoặc cướp micro phát biểu, hô vang “phản đối đánh đập”. Nhờ đấu tranh có lý, có lẽ nên quan Pháp sợ và chấp nhận  yêu sách.

Mỗi lần làm reo, nhất là la ré vang rền trong các khám làm chúng rất sợ, nhất là khi những tiếng la ré vang ra đến tận chợ Bến Thành, cả chợ cũng xôn xao hưởng ứng, chúng càng lo ngại hơn.

Một trong những cuộc đấu ranh lớn, gây tiếng vang là cuốc phản đối án tử hình của đồng chí Lý Tự Trọng. Cuộc đấu tranh kéo dài hơn 9h sáng đến tận khuya, mặt cho chúng phun nước bẩn vào tù nhân ngã lăn quay. Chúng chất một đống roi mây ở chổ cửa, thay nhau vào quất anh em nào dám ló ra. Mấy anh em to khỏe như Phạm Ký thường chạy tuôn ra dưới làn nước vòi rồng, chụp đầu một tên cai kéo vào cầu tiêu hoặc tát nước vào mặt, có anh đưa chân khèo làm cho mấy tên cai ngã lăn quay, ướt như chuột lột, rồi tiếp theo là tiếng vỗ tay, tiếng cười thách thức chúng nó. Cuộc đấu tranh ấy vang động ra tới chọ Bến Thành, nhưng chúng vẫn đưa Lý Tự Trọng lên máy chém.

Bọn lính Pháp ở Khám Lớn có cả da đen lẫn da trắng. Anh em gọi bọn gác – dan (gardien) là bọn canh gác hay cảnh sát và một lũ ma tà thường dùi cui ma – trắc (mamtraque) sẵn sàng đàn áp. Thường Tây da trắng đẩy Tây da đen vào các cuộc đàn áp để tránh đòn.

Về quê hương được ba năm, ông trở lại Sài Gòn. Năm 1937, ông tham gia phong trào Mặt trận bình dân. Trong cuộc đấu tranh, ông bị bắt ở Cát Lái, đến năm 1940 thì được ra tù, giải về Điện Hòa. Ông lại lao vào tham gia công tác ở huyện Điện Bàn, tham gia cướp chính quyền ở Hội An năm 1945.

Mùa xuân, tháng 2/1948, ông hoạt động ở vùng bị tạm chiếm, đang ở Điện Hòa thì bị địch tung quân vào bao vây. Anh em du kích Điện Hòa dựa vào con sông La Thọ và sông Bầu Sấu để tránh địch và đánh địch. Trong lòng đất thì có hầm bí mật, khi bị thì chui vào, trong làng thì lấy nhà dân làm cơ sở. Trên con sông luôn có một chiếc thuyền con sẵn sàng qua lại. Nhờ chiếc ghe, hễ giặc đến bên này, ta bơi qua bên kia sông, giặc đến bên kia sông ta lại bơi qua bên này. Ông nhớ một cô gái chèo đò tên là Lê Thị Trương luôn có mặt những lúc ông cần qua sông.

Lúc ấy, có lẽ bị “việt gian” báo nên chúng đổ quân hai phía từ tờ  mờ sáng. May có chàng trai ba Xí, người giúp việc trong nhà, dậy sớm, quẩy gàu ra sông gánh nước tưới thuốc lá phát hiện bọn Tây đang lùng sục, anh chào thật to:

- Chào ông lớn ! Chào ông lớn!

Chỉ có một hầm bí mật ngoài bụi tre bên bờ sông nhưng không thể chạy ra hướng hầm, không kịp nữa, ông bận nguyên quần đùi, choàng cái áo cánh ra hè vác cuốc đi về phía bờ sông, lom khom đào mương thoát nước. Đang đào thì thấy một bà chị trong xóm bước tới nói:

- Bọn Tây tới đông như kiến, anh trốn đâu chứ?

- Cảm ơn chị, không sao đâu, chị tránh đi.           

Chị ta vừa đi một đoạn thì một tốp lính lê dương ào tới, chụp cổ ông ta lên:

- Việt Minh! Việt Minh!

Ông ngừng tay cuốc, chỉ vào cái hục vừa đào, nói:

- Tát nước, bắt cá, bắt cá, Poison, Poison (cá)

Tên lê dương bóp cứng cổ ông, định kéo về bót. Ông xin thả, nó không nghe. Đang giằng co, bỗng nghe một loạt tiểu liên vang lên ở xóm ngoài, có cả tiếng người la hét..

Nghe tiếng súng sau lưng, lại có tiếng la, một tên Tây chĩa súng lên trời bắn hai phát đùng đùng, rồi kéo cả tốp chạy về hướng có tiếng súng nổ tiếp cứu …

Thì ra, đứa con rễ của ông là Nguyễn Hữu Hạnh và anh Hồng Đức vừa đánh gục tên lính gác ở đầu xóm, cướp súng chạy… Tốp lính gác ở cạnh thấy vậy liền bắn súng báo động…

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, ông không đi tập kết mà ở lại đòi thi hành Hiệp định. Lúc bấy giờ, ông là Phó bí thư Huyện ủy Điện Bàn. Không lường hết được sự phản bội trắng trợn của bọn tay sai và can thiệp Mỹ… không thể để bị bắt bớ, giam cầm quá nhiều, cấp trên cho phép đưa bớt một số cán bộ ra miền Bắc. Ông vẫn chưa đi ngay.

Nhớ một lần, khoảng tháng 3/1956, hôm đó ông đang ở trong nhà bà Chước ngoài xóm Đồng thôn Bích Trâm. Mới sáng đã thấy tên Tá công an xã Thanh Trung (nay là xã Điện Hòa) đi vào nhà bà Chước. Ông vào buồng. Biết nguy hiểm, nhưng không thể thoát, ông lấy cây súng lục ra, lên đạn …

Hắn vào đứng giữa nhà, nhìn quanh, rồi lên tiếng:

- Nhà mụ Chước sửa lại đẹp kinh hè!

Bà Chước hơi hoảng, chưa mở miệng nói gì, thì hắn bước ra sân, đi một vòng quanh nhà, lại vào, mở cửa buồng.

Ông nhìn sững hắn, nói to:

- Tôi đây, anh Tá, anh bắt tôi không, nói cho tôi biết.

Bị hỏi bất ngờ và giọng oang oang có phần đe dọa, lại có súng lục cầm tay, hắn hoảng, vòng tay lúng túng:

- Anh Dục đây mà. Tôi không dám.

- Như vậy là người biết điều lắm! Ông vẫn đứng tựa vào cái giường tre, nói với giọng bề trên.

- Tôi rất quý anh. Tôi nói cho anh biết, cả ngày hôm nay, tôi vẫn ở lại đây. Anh hãy bảo vệ tôi nghe!

- Dạ, Dạ. Anh yên tâm – Hắn chụm hai tay, nói rồi bước ra khỏi nhà, đi không quay lại.

Không chần chừ, ông liền tuôn ra phía sau nhà bà Chước, chạy vào đám mía gần đó.

Đang tiết tháng ba, cả làng như đang đổ ra đồng làm đất tỉa đậu phụng. Ông biết bà con đều là người tốt bụng, vì vậy không ở trong đám mía mà lội ra đồng, qua giữa bà con đi khỏi xóm Đồng…

Đến năm 1975, ông “vượt biên” ra miền Bắc, được đưa vào làm công tác tổ chức của Ban thống nhất Trung ương cho đến năm 1976 nghỉ hưu.

Sau hòa bình năm 1975, ông về Quảng Nam – Đà Nẵng tham gia công tác Mặt trận và làm thơ, tham gia các hoạt động của người về hưu, của câu lạc bộ những người yêu thơ…

Dù ở làng quê thân yêu, ở Sài Gòn hoa lệ hay ở trên đất Bắc khi đất nước còn hai miền, ông vẫn nhớ về những ngày gian khổ hôm qua, nhớ những đồng chí, đồng bào đã bị rơi vào tay giặc. Họ là những người dũng cảm, can trường, hy sinh nhiều nhất, song cũng gặp nhiều trắc trở, đắng cay trong cuộc sống. Họ đáng được Đảng và Nhà nước chú ý, quan tâm nhiều hơn.

Trong dịp 30 năm giải phóng Đà Nẵng 29/3/2005, tôi đến nhà thăm ông. Trong phòng có treo bức trướng chữ Hán Phúc Lộc Trường Thọ và rất nhiều những tập thơ, sách, báo trên hai đầu giường ông nằm, một khung giấy chứng nhận 70 năm tuổi Đảng được tặng vào năm 2000. Vậy đến năm 2005 này, ông đã có 75 tuổi Đảng.

Sinh năm Canh Tuất 1909 mà ông vẫn còn nhớ nhiều chuyện thời xa lắc xa lơ. Hôm nào khỏe, ông lấy giấy bút ghi thơ. Sau cuộc nói chuyện rất thú vị, theo ông là “không đầu, không đuôi, nhớ chi, nói nấy”. Ông hỏi hết tên tôi, rồi ký tặng tôi tập Vẫn thì thầm. Ông nói, đây là tấm lòng chung thủy với Đảng, với nhân dân… mà ông muốn gởi lại cho đàn con cháu, cho hậu thế trước thềm của tuổi một trăm…

 

[Trở về]
Các tin mới hơn:
NHÀ LAO VĨNH ĐIỆN
NHÀ YÊU NƯỚC LÊ ĐÌNH DƯƠNG
NHÀ YÊU NƯỚC PHAN THÀNH TÀI
BÀI THƠ CA NGỢI ĐỒNG CHÍ ĐINH TÙNG
BÀI THƠ THƯ NHÀ
MỘT HỘI PHÓ NHIỀU NGƯỜI CHƯA BIẾT
CÁI CHẾT NGHIỆT NGÃ CỦA PHẠM XANG
BA MẸ CON CÙNG MỘT CHI BỘ
GƯƠNG BẤT KHUẤT CHỐNG TỐ CỘNG
RA ĐI … QUYẾT TỬ !
    
1   2   3   4   5  
    
Các tin cũ hơn:
TỪ MẢNH ĐẤT KIÊN TRUNG BẤT KHUẤT
LỜI GIỚI THIỆU
LỜI TỰA

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm