Lấy món ăn của mẹ để làm ý tưởng khởi nghiệp.
Thời gian gần đây tại các cuộc triển lãm, trưng bày hàng nông sản trong và ngoài tỉnh, có một sản phẩm “Hương bột - phát triển cùng nông dân”, đó là sản phẩm khởi nghiệp của cô gái trẻ Nguyễn Thị Hương. Ngày trước trên cơ thể Hương xuất hiện nhiều khối u nên Mẹ lo và thương cho con gái. Hằng ngày Mẹ Hương tần tảo trồng các loại đậu quanh vườn hái phơi khô, rang chín rồi xay thành bột bổ sung thêm dinh dưỡng cho Hương. Cứ thế, mỗi ngày Hương đều uống ngũ cốc từ tay Mẹ, nhờ đó sức khỏe Hương dần khá lên, da hồng hào, căn mịn, cân nặng theo đó cũng tăng. Và từ đó Lê Thị Hương nảy sinh lấy món ăn của Mẹ để làm ý tưởng khởi nghiệp.
Mục tiêu đầu tiên mà Hương hướng đến chính là đem lại sức khỏe cho bản thân và người tiêu dùng. Với thông điệp “gói ghém yêu thương” từ món ăn của Mẹ, sau một thời gian làm thử nghiệm, năm 2015 Hương cho ra sản phẩm ngũ cốc mang thương hiệu “Hương bột” được nhiều người tin dùng. Bột ngũ cốc của Hương đầy đủ các loại đậu đen xanh lòng, đậu đỏ, đậu trắng, đậu nành, mè đen, hạt sen, đậu ngự, gạo lức, hạnh nhân, lúa mạch và những loại hạt được thu mua tại địa phương… (gạo lức được thu mua từ người dân ở huyện Bắc Trà My). Đặc biệt, tất cả công đoạn từ chọn hạt, rang hạt, thiết kế bao bì, nhãn mác,… đến đóng gói đều một tay của cô gái trẻ.
Những ngày đầu khởi nghiệp là những chuỗi ngày với muôn vàng khó khăn. Để hoàn thiện một sản phẩm đưa đến tay người tiêu dùng, đầu tiên, Hương đã nghiên cứu rất nhiều, nhất là kiến thức về dinh dưỡng cũng như nhu cầu của người tiêu dùng. Thứ hai là nguồn gốc nguyên vật liệu, vì lúc này mới bắt đầu khởi nghiệp thì không đủ khả năng để bao tiêu, nếu yêu cầu người nông dân trồng đậu sạch và mua số lượng ít thì lại rất khó, lại càng không thể mua nguyên liệu ở chợ. Thứ ba, khi hoàn thiện cho ra sản phẩm thì Hương lại gặp khó khăn trong việc marketing: làm thế nào để lấy được niềm tin của khách hàng? Làm sao để khách hàng tin mình, biết đến mình, sử dụng sản phẩm của mình? Khâu này thực sự khó. Thứ tư, khi sản phẩm bắt đầu bán được thì phải mở rộng quy mô sản xuất, phải đầu tư thêm về máy móc, lúc đó Hương lại khó khăn về vốn....
Những lúc khó khăn như vậy, Hương nhiều lần muốn bỏ cuộc, nhưng khi nghĩ lại đậu mẹ mình trồng đem ra chợ bán thì người ta không mua, chờ thương lái tới mua thì họ ép giá vì quá rẻ, nhưng để dùng thì không hết nên Hương lại càng quyết tâm hơn.
Hướng đến sức khỏe người dùng
Cơ sở sản xuất sản phẩm xanh Hương bột- mỗi tháng cho ra thị trường hơn 100kg bột ngũ cốc, giá bán 200.000 đồng/kg (tùy loại). Ngoài bột ngũ cốc, thời gian gần đây Hương còn có các sản phẩm như: trà đậu rang mộc, muối rang lá chanh sả ớt, đặt biệt sản phẩm muối rang của Hương được nhiều khách hàng ưa chuộng. Hương cho biết, khó khăn hiện nay để duy trì khởi nghiệp đó là vốn; còn về quá trình chế biến, để rang được mẻ đậu ngon phải rang đi rang lại và phải đổi mẻ rang liên tục thì đậu mới thơm, ngon. Đến nay, sản phẩm của Hương đã có mặt trên các thị trường Điện Bàn, Hội An, Tam Kỳ, TP.Đà Nẵng, TP.HCM, một số khách hàng còn đặt lượng lớn bột ngũ cốc gửi biếu người thân ở nước ngoài. Trên trang facebook cá nhân, Hương chia sẻ ”Bao năm đèn sách, bao năm ngồi văn phòng Hương nhận ra một điều rằng ánh mặt trời chứa nhiều vitamin D hơn là máy điều hoà”…
Đặt tâm huyết vào sản phẩm của mình, ngũ cốc Hương Bột từng bước chinh phục thị trường; được người tiêu dùng đón nhận và tin tưởng. Ngoài ra, để quảng bá thương hiệu, chị Lê Thị Hương đã mang sản phẩm tham gia nhiều cuộc triển lãm, trưng bày hàng nông sản từ cuối năm 2018 đến nay. Năm 2019, sản phẩm bột ngũ cốc Hương Bột được đánh giá xếp hạng OCOP 3 sao cấp tỉnh. Chị Lê Thị Hương chia sẻ, tham gia chương trình OCOP là cơ hội để cô học hỏi cách thức sản xuất sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn chất lượng đã được công nhận.
Chị Lê Thị Hương-cho biết: Sản phẩm Bột ngũ cốc được kết hợp từ nhiều loại hạt ngũ cốc thơm ngon, dinh dưỡng, đặc biệt có nguồn gốc rõ ràng, gồm: Đậu đen xanh lòng, đậu đỏ, đậu xanh, đậu nành,gạo lứt, Tây đỏ, đậu ngự, yến mạch, mè đen, hạt sen. Đa số các loại hạt này do chính chị phối hợp với người dân địa phương các vùng Điện Bàn, Đại Lộc trồng. Phương pháp chế biến hoàn toàn thủ công, đậu được rửa sạch sẽ "lượm sạch, rửa, ngâm, sấy khô, rang" đảm bảo vệ sinh, không có chất bảo quản, phụ gia. Đặc biệt, với số lượng khách hàng gia tăng từng ngày, để có đủ ngũ cốc cung ứng cho thị trường, Lê Thị Hương chủ động kết nối với các hộ nông dân ở thị xã Điện Bàn, hướng dẫn người dân trồng đậu organic và hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Theo đó, các sản phẩm của cơ sở Hương Bột sản xuất ngày càng chuyên nghiệp từ khâu chế biến, thành phẩm cho đến bao bì ra thị trường.
Cứ như thế, Hương đã cố gắng từng bước một. Một cánh cửa mở ra, Hương đã tham gia cuộc thi “Những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo trong phụ nữ” do Hội LHPN tỉnh Quảng Nam phát động, Hương đã tiếp cận được những chính sách hỗ trợ cho phụ nữ khởi nghiệp từ Nhà nước, Hương nhận được nhiều sự hỗ trợ, quan tâm của Hội LHPN các cấp từ khâu kết nối nguyên vật liệu đến đầu ra sản phẩm. Với ý chí và nghị lực của Hương, thương hiệu Hương Bột đang ngày càng khẳng định chất lượng, uy tín trên thị trường và được nhiều người tiêu dùng trên cả nước đón nhận.