Nội dung chi tiết

CỤ TRẦN CÔNG CHƯƠNG NGƯỜI CHỦ MƯU ĐỐT PHÁ TỈNH THÀNH QUẢNG NAM TRONG PHONG TRÀO DUY TÂN KHỞI NGHĨA NĂM 1916
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 10/03/2009 .Lượt xem: 3929 lượt. [In bài]

Trần Quốc Luyện

1.Thân thế:

Sau hào ước Giáp Thân 1884, thực dân Pháp ra sức áp đặt nền thống trị trên khắp nước ta, nhưng lòng dân không ngớt căm phẩn, các phong trào đấu tranh chống Pháp liên tiếp xảy ra. Sau phong trào Cần Vương và Văn Thân, cuộc Duy Tân khởi nghĩa năm 1916 do hai cụ Trần Cao Vân và Thái Phiên chủ động gây chấn động khắp các tỉnh miền Trung, tạo nên tiếng vang sâu rộng trong dư luận. Người cầm đầu dân quân Quảng Nam chủ quân đốt phá chiếm tỉnh thành Quảng Nam hầu tiếp ứng cho cuộc khởi nghĩa Duy Tân là cụ Trần Công Chương, cháu họ của cụ Trần Cao Vân.

Cụ Trần Công Chương (tên thật là Trần Phú Trách), sinh năm Đinh Hợi 1887, quê quán làng Tư Phú Đông, phủ Điện Bàn, Quảng Nam, là con thứ năm của cụ Trần Phú Sĩ (tục gọi Hương Văn) và bà Nguyễn Thị Dương, gọi cụ Trần Cao Vân bằng chú, cùng chung tộc Trần Công làng Tư Phú. Thuở nhỏ theo học cụ Quảng Xướng trong làng, và các thầy đồ ở các làng lân cận, do tư chất thông minh, hiếu học, nên chẳng bao lâu sau tiếng đồn là văn hay chữ tốt. Vốn sinh trưởng trong gia đình nông dân, cụ Trần Công Chương vẫn chân lấm tay bùn, làm ruộng nương, giúp đỡ cha mẹ, và ý thức sâu sắc nổi khổ của người dân quê đầu tắt mặt tối, làm không đủ ăn mà còn gánh chịu sưu cao thuế nặng, cường hào quang lại áp chế, thực dân Pháp bóc lột.

Âm vang của phong trào Cần Vương do cụ Nguyễn Duy Hiệu làm thủ lĩnh ở Quảng Nam, nhất là ảnh hưởng các hoạt động chính trị của cụ Trần Cao Vân và Võ Thứ ở hai tỉnh Phú Yên và Bình Định đã thổi bùng ngọn lửa uyêu nước âm ĩ trong  lòng, cụ Trần Công Chương quyết chí nối gót, theo gương các sĩ phu yêu nước tham gia phong trào Duy Tân cải cách do các cụ Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng hô hào (1904 – 1908). Cụ Trần Công Chương tinh thông cả Hán học và Quốc ngữ. Cụ ra sức cổ súy việc học quốc ngữ và bài trừ hủ tục, hô hào cắt tóc ngắn, bỏ búi tóc, dùng hàng nội hóa, mặc áo ngắn… Thời gian này, cụ thường lên xuống Làng Bất Nhị tiếp xúc với cụ Trần Quý Cáp, nhiệt liệt cổ vũ tân học, khai thông dân trí, đề xướng dân quyền. Cụ Trần Công Chương đi lại họat động suốt ngày đêm khắp tỉnh Quảng Nam.

2.Tham gia phong trào chống thuế:

Trong khi phong trào Duy Tân cải cách và phong trào Đông Du đang dao động dân khắp thành thị thôn quê thì phong trào cự sưu, chống thuế bùng nổ năm 1908.

Khởi đầu tại Đại Lộc, một số hương lý là học trò, nhân ăn đám giỗ, trong lúc hào hứng, bàn phiếm chuyện sưu cao thuế nặng, rồi bổng nảy ra ý định làm đơn kêu xin Tỉnh Tòa giảm bớt sưu thuế cho dân. Việc lấy chữ ký ly hào vừa xúc tiến thì một tên lý trưởng đến báo cáo viên tri huyện Đại Lộc. Tri huyện Đại Lộc hoảng hốt vội báo xuống tỉnh. Những người khởi xướng nghe tin vội kéo đến huyện để trình bày, nhưng viên tri huyện đã đi xuống tỉnh.

Nhân dân dọc đường rủ nhau nhập đoàn lên đến năm – sáu ngàn người. Khi đến tỉnh thành Quảng Nam, họ được lính gác cho biết là đốc Quảng Nam đã xuống tòa sứ Quảng Nam báo cho viên công sứ Pháp. Sự việc không ngờ hóa thành to chuyện, họ lại rủ nhau kéo luôn xuống tòa công sứ Pháp. Số người gia nhập đông lên hàng ngàn. Viên công sứ Pháp bảo với ba người đại diện của đoàn xin xâu là sẽ trình lên Nam triều và toàn quyền xét trả lời, nhưng phải giải tán về chờ đợi. Đoàn biểu tình vẫn xôn xao, rủ nhau ở lại chờ đợi ngày thêm đông. Ba người đại diện bị bắt đày đi Lao Bảo ngay. Đoàn biểu tình bị giải tán bằng võ lực, nhưng số người vẫn cứ đông thêm. Cuối cùng, viên công sứ phải đích thân ra hứa là sẽ cứu xét giảm xâu thuế. Còn tri huyện Đại Lộc bị cách chức, đoàn biểu tình mới lần lượt giải tán ra về.

Như vậy, phong trào lúc đầu có tính tự phát, nhưng liền sau đó, các sĩ phu yêu nước đã nắm lấy cơ hội, vận động nhân dân chuyển vận lương thực, mang nồi niêu, lều chiếu đến bao vây tòa công sứ Pháp, đồng thời họ cũng huy động nhân dân đến bao vây tỉnh đường tổng đốc Quảng Nam và khắp các phủ huyện trong  tỉnh. Đề đốc Trần Tuệ, tri phủ Tam Kỳ, bị dân vây bắt, hốc máu chết khi toan chạy trốn. Tại phủ Điện Bàn, tri phủ Trần Văn Thông bị dân bắt bỏ lên xe kéo đi xin xâu, nhưng đến bến đò Phú Triêm, nhờ có lính tập ở Hội An kéo lên gặp cứu thoát. Có ba người biểu tình bị rơi xuống sông chết, đám tang chôn cất đông đúc, long trọng, đồng bào ai náy đều chích khăn tang trắng để tang. Vải trắng dùng để tang, đến hàng mấy gánh, đều do đồng bào ủng hộ cả.

Chính cụ Trần Công Chương đã tham gia mạnh mẽ thúc đẩy phong trào chống thuế này, vận động đồng bào tham gia, nấu cơm tiếp tế cho đoàn biểu tình ở tòa công sứ, ở tỉnh và các phủ huyện.

Phong trào cự sưu nhanh chóng lan rộng khắp các tỉnh miền Trung, từ Thanh Nghệ vào đến Khánh Hòa, Bình Thuận, sôi động nhất là Bình Định, Quảng Nam, Khánh Hòa, Nghệ An.

Thực dân Pháp và quan lại phản công, bắn giết ngay tại chổ hoặc truy tầm, bắt giam, đặc biệt nhắm vào các sĩ phu yêu nước và các thành phần nhân dân xu hướng phong trào “tân học”, Duy Tân cải cách. Các cụ Tiểu La Nguyễn Thành, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Cao Vân, Phan Thúc Duyện, Châu Thượng Văn… đều bị bắt giam và đày đi Côn Đảo. Hơn 2000 người bị bắt giam tại nhà lao Hội An, trong số đó có cụ Trần Công Chương. Bị coi là kẻ cầm đầu xúi giục phong trào, cụ bị tra tấn bằng đủ mọi cực hình, nhưng trước sau như một, cụ không khai một lời. Cụ giả câm suốt ba năm liền. Để biết cụ quả thực câm hay giả, bọn quan lại dùng cây sắt nướng đỏ rực, thừa lúc đêm khuya, cụ ngủ say, áp vào người, hầu mong cơn ngũ mê, cụ bất giác phản ứng tự nhiên, kêu thét ra lời chăng. Nhưng mưu mô bọn giặc không thành, cụ chỉ u u, ơ ơ mà thôi. Cụ được tha về, mình đầy vết thương cháy thịt. Cụ có cảm tác bài thơ như sau:

“Phá tan ngục tối ánh dương quang

Về lại quê nhà rộn tiếng vang

Lửa đỏ trui rèn thân sắt thép

Lòng son vẹn giữ tấm trung can

Ngọn cờ nghĩa hội vung tay phất

Công cuộc Duy Tân dấy nước tràn

Đạp đổ cường quyền bè lũ giặc

Huy hoàng xây dựng lại giang san”

Thời gian ở nhà, cụ lập gia đình với bà Trần Thị Lê, làng Kỳ Lam, sanh được một gái, một trai.

3. Tham gia phong trào Duy Tân khởi nghĩa:

Năm 1915, khi cụ Trần Cao Vân ở tù Côn Đảo 6 năm, được tha về và hoạt động Việt Nam Quang Phục Hội, cụ Trần Công Chương tiếp tục hoạt động cùng cụ Trần Cao Vân trong phong trào Duy Tân khởi nghĩa.

Cụ Trần Công Chương thường liên lạc với cụ Phan Thành Tài, người được cách mạng cử giữ chức Nam Ngãi Kinh Lược và cụ Lê Đình Dương, y sĩ tân học, người được cử giữ chức Tổng Trấn Quảng Nam, Trần Công Chương được phân công tập hợp chuẩn bị đội dân binh đánh lấy thành tỉnh Quảng Nam, cùng với các tỉnh khác nhất tề khởi nghĩa. Cụ cho may sẵn, tàn trữ trong nhà nhiều bộ đồng phục dân binh cùng các vũ khí, giáo mác.

Theo kế hoạch dự định, khi cụ Trần Cao Vân và Thái Phiên rước được vua Duy Tân ra khỏi kinh đô Huế, trực tiếp kêu gọi khởi nghĩa thì lập tức phát động một cuộc tổng khởi nghĩa bạo động khắp các tỉnh miền Trung. Từ Huế sẽ bắn súng thần công báo hiệu lệnh cho hai tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, đồng thời ở đèo Hải Vân sẽ nổi lửa báo hiệu cho hai tỉnh Qủang Nam, Quảng Ngãi hưởng ứng đánh cướp tỉnh. Chẳng may cơ mưu bị tiết lộ tại Quảng Ngãi khiến viên khâm trứ Trung Kỳ kịp thời báo động khắp cắp các tỉnh giới nghiêm đề phòng.

Theo thời điểm ước hẹn, đêm mồng một rạng ngày mồng hai tháng tư năm Bính Thìn (ngày 3/5/1916), năm Duy Tân thứ 10, hai cụ Trần Cao Vân và Thái Phiên đã khéo léo đón rước vua Duy Tân ra khỏi hoàng thành, nhưng chẳng may có kẻ phản bội phát giác, tòa khâm sứ cùng với Nam triều hiệp lực phát nhiều toán quân ra sức truy lùng các tướng lãnh cách mạng Trần Cao Vân, Thái Phiên.

Khắp kinh thành Huế bị canh phòng cẩn mật, các trại lính và cửa thành đóng chặt, các đội lính tình nghi bị giải giới, phe cách mạng không rục rịch gì được, nên một giờ khuya đêm mồng một rạng ngày mồng hai chính là giờ quan trọng ước hẹn phát súng nổ lệnh báo hiệu cho các tỉnh khởi nghĩa, cho đèo Hải Vân nổi lửa, lại im lặng trôi qua không một tiếng súng thần công, một đốm lửa nào!

Tại Quảng Nam, từ nhiều ngày trước, cụ Trần Công Chương đã ráo riết điều vận lương thực, điều động luyện tập dân binh và chia từng tốp le tẻ đến ở các nhà quen trong và ngoài thành tỉnh Quảng Nam, cùng các vùng lân cận, chờ có hiệu lệnh thì xông vào đánh lấy thành.

Đêm hôm lịch sử ấy, cụ Trần Công Chương cùng một số dân binh lẻn vào thành từ sớm, chờ đợi từ lâu, bèn nổi lửa đốt một căn nhà bỏ trống của một viên đội lính dõng để làm hiệu cho bên ngoài biết là bên trong thành đã có sẵn nội ứng.

Cụ Trần Công Chương thao thức chờ đợi hiệu lệnh đốt  lửa ở đèo Hải Vân mãi đến gần sáng thì được tin quân lính ở tòa sứ Hội An kéo lên vây bắt. Biết cơ mưu bại lộ, sự việc bất thành, cụ liền cho dân binh giải tán. Cụ chạy về quê làng ẩn nấu độ nửa tháng thì bị lính ruồng bắt đem về giam tại nhà lao Hội An, rồi cùng nhiều người bị bắt khác, bị đày đi Lao Bảo, Quảng Trị, khoảng tháng 6 năm 1916, (Khải Định nguyên niên). Nhiều giấy tờ, tài liệu, quân nhu, quân phục chôn giấu ở các bãi cát bờ sông đều bị khám phá, tịch thu.

Tại Lao Bảo cụ Trần Công Chương đã khẳng khái chống lại bọn lính cai ngục nên bị bắn chết tại nhà lao, vào khoảng tháng 3 năm 1917. Lúc đó cụ vừa tròn 30 tuổi.

Để biểu dương tinh thần anh dũng, đấu tranh chống thực dân Pháp, khi cách mạng Tháng Tám năm 1945 bùng nổ, nhân dân địa phương đã lấy tên cụ ghép cùng tên cụ Lê Đình Dương thành tên mới, xã “Chương Dương”, gồm 6 thôn cũ: Tư Phú Đông, Tư Phú Tây, La Kham, Thạnh Mỹ, Vân Ly và Túy La, ngày nay đổi tên là xã Điện Quang.

4. Thay lời kết:

Hận làm dân mất nước, cụ Trần Công Chương đã cống hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp cứu nước, cứu dân, nêu cao khí phách kiên cường, bất khuất chống thực dân Pháp đến hơi thở cuối cùng, tấm gương trung liệt của cụ xứng đáng để con cháu đất Quảng anh hùng noi theo.

 

                     (Trích Tạp chí Đất Quảng tháng 5 năm 1989)

[Trở về]
Các tin mới hơn:
NHÀ LAO VĨNH ĐIỆN
NHÀ YÊU NƯỚC LÊ ĐÌNH DƯƠNG
NHÀ YÊU NƯỚC PHAN THÀNH TÀI
BÀI THƠ CA NGỢI ĐỒNG CHÍ ĐINH TÙNG
BÀI THƠ THƯ NHÀ
MỘT HỘI PHÓ NHIỀU NGƯỜI CHƯA BIẾT
CÁI CHẾT NGHIỆT NGÃ CỦA PHẠM XANG
BA MẸ CON CÙNG MỘT CHI BỘ
GƯƠNG BẤT KHUẤT CHỐNG TỐ CỘNG
RA ĐI … QUYẾT TỬ !
    
1   2   3   4   5  
    
Các tin cũ hơn:
TRƯỚC THỀM TRĂM NĂM TUỔI
TỪ MẢNH ĐẤT KIÊN TRUNG BẤT KHUẤT
LỜI GIỚI THIỆU
LỜI TỰA

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm