1. Cơ sở pháp lý
Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước Hội đồng nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình.
Hoạt động tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Hội đồng nhân dân (HĐND), đại biểu HĐND các cấp nói chung và cấp huyện, cấp xã nói riêng. Đồng thời đó cũng là cầu nối giúp đại biểu dân cử lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị chính đáng của người dân. Việc người dân thể hiện ý chí, nguyện vọng dưới nhiều hình thức như: người dân có thể gửi trực tiếp đến cơ quan HĐND cấp huyện, cấp xã; qua hoạt động tiếp công dân định kỳ, qua tiếp xúc cử tri; qua bưu điện, qua trang thông tin điện tử … Các ý kiến, kiến nghị, phản ánh của công dân được Thường trực HĐND chỉ đạo tổng hợp, chuyển đến UBND cùng cấp, các cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền. Bên cạnh đó, đại biểu HĐND thực hiện chức năng của mình đó là giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.
Trong thời qua, pháp luật về Tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo được Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, chính quyền các cấp quan tâm và đã ban hành các văn bản chỉ đạo như: Nghị quyết 759/2014/UBTVQH13 quy định chi tiết về hoạt động tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành; Luật Tiếp công dân số 42/2013/QH13; Luật Khiếu nại số 02/2011/QH13; Luật Tố cáo số 25/2018/QH14 và các văn bản dưới Luật để hướng dẫn, thi hành. Các cấp HĐND tuân thủ làm theo hướng dẫn và đạt được một số kết quả nhất định như công tác giám sát việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân đã được HĐND cấp huyện triển khai, thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, có hiệu quả. Đoàn giám sát lựa chọn các đơn vị có những vấn đề cử tri quan tâm hoặc còn vướng mắc trong quá trình thực hiện để giám sát trực tiếp. Qua giám sát đã đánh giá tình hình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại một số đơn vị địa phương; làm rõ những hạn chế, khó khăn và nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong quá trình tổ chức thực hiện và đưa ra những kiến nghị, đề xuất với các cấp, các ngành nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của đơn vị, địa phương.
Tuy đã đạt được những kết quả tích cực song trên thực tế, hoạt động tiếp công dân HĐND, đại biểu HĐND, việc xử lý, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo và giám sát việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn còn tồn tại, hạn chế như hoạt động tiếp công dân ở một số đơn vị cấp xã còn chưa được quan tâm đúng mức; Việc thực hiện trách nhiệm tiếp công dân của một số đại biểu HĐND còn hạn chế, nhiều nơi chưa phát huy hết “sức mạnh” của đại biểu HĐND trong công tác giám sát, đôn đốc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, do đó hiệu quả chưa được như mong muốn dẫn đến người dân bức xúc gửi đơn thư vượt cấp. Vì vậy, cần phát huy hơn nữa vai trò của HĐND, đại biểu HĐND trong việc tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nhằm mang lại quyền, lợi ích hợp pháp cho người dân.
2. Vai trò Hội đồng nhân dân, đại biểu HĐND trong việc tiếp công dân, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh
Đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định của pháp luật. Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức để đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình tiếp công dân. Khi nhận được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm nghiên cứu, kịp thời chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị biết; đôn đốc, theo dõi và giám sát việc giải quyết. Người có thẩm quyền giải quyết phải thông báo cho đại biểu Hội đồng nhân dân về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân trong thời hạn do pháp luật quy định. Trong trường hợp xét thấy việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đúng pháp luật, đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền gặp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan để tìm hiểu, yêu cầu xem xét lại; khi cần thiết, đại biểu Hội đồng nhân dân yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó giải quyết đồng thời Đại biểu Hội đồng nhân dân phải liên hệ chặt chẽ với cử tri nơi mình thực hiện nhiệm vụ đại biểu, chịu sự giám sát của cử tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri; thực hiện chế độ tiếp xúc cử tri và ít nhất mỗi năm một lần báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân nơi mình là đại biểu, trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri. Sau mỗi kỳ họp Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm báo cáo với cử tri về kết quả của kỳ họp, phổ biến và giải thích các nghị quyết của Hội đồng nhân dân, vận động và cùng với Nhân dân thực hiện các nghị quyết đó.
- Việc tiếp công dân của Hội đồng nhân dân
Trong việc tổ chức để đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình tiếp công dân, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã có trách nhiệm sau đây: Sắp xếp lịch tiếp công dân cho đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp và thông báo cho đại biểu biết; Lịch tiếp công dân phải được niêm yết công khai tại nơi tiếp công dân, đồng thời công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương; Bố trí nơi tiếp công dân để đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp công dân; Đề nghị đại diện các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tại địa phương cùng tham dự tiếp công dân để tiếp nhận, xử lý những vấn đề liên quan khi cần thiết.
- Việc tiếp nhận, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thường trực Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có trách nhiệm tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; tổ chức nghiên cứu, chuyển đơn đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền giải quyết; theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết theo quy định của pháp luật. Việc tiếp nhận, xử lý bước đầu, phân loại, chuyển nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền thụ lý, giải quyết được thực hiện theo quy định tại Điều 25 và Điều 26 của Luật tiếp công dân 2013.
- Việc thông báo về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được chuyển đến
Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền nhận được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh do Thường trực Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp chuyển đến có trách nhiệm thông báo việc tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh do cơ quan, đại biểu chuyển đến; Xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của Luật khiếu nại, Luật tố cáo, pháp luật có liên quan và thông báo kết quả giải quyết đến cơ quan, đại biểu đã chuyển đơn biết. Trường hợp vụ việc đã được giải quyết trước đó thì thông báo ngay cho cơ quan, đại biểu đã chuyển đơn biết.
Thường trực Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có trách nhiệm thông báo kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến người đã khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định tại Điều 28 của Luật tiếp công dân 2013.
- Việc theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo
Trong trường hợp cho rằng việc giải quyết khiếu nại, tố cáo không đúng với quy định của pháp luật thì Thường trực Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết xem xét lại; trường hợp vẫn không đồng ý với kết quả giải quyết lại thì có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cấp trên của người đứng đầu đó xem xét.
Trường hợp không đồng ý với kết quả giải quyết của cấp trên của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền thì Thường trực Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân báo cáo với Hội đồng nhân dân cùng cấp để thực hiện việc giám sát theo quy định của pháp luật.
3. Giải pháp nâng cao vai trò tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của HĐND, đại biểu HĐND
Mặc dù, Luật tiếp công dân 2013 đã dành 1 chương (Chương V) quy định cụ thể hoạt động tiếp công dân của HĐND, đại biểu HĐND các cấp nhưng thời gian qua, việc tiếp công dân chủ yếu do Thường trực HĐND, các Ban HĐND thực hiện, các đại biểu khác hầu hết chưa thực hiện trách nhiệm của mình trong việc tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Thường trực HĐND (hoặc Chủ tịch HĐND cấp xã) có trách nhiệm tổ chức để đại biểu HĐND cấp mình tiếp công dân; sắp xếp lịch tiếp công dân của đại biểu Hội đồng nhân dân; cử công chức tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh, cấp huyện; tổ chức để đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp công dân tại nơi tiếp công dân ở địa phương mà đại biểu ứng cử. Đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện tiếp công dân theo lịch đã được phân công. Khi nhận được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm nghiên cứu, hướng dẫn công dân gửi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến đúng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Trong trường hợp cần thiết, đại biểu Hội đồng nhân dân trực tiếp hoặc thông qua Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp (ở cấp xã thì thông qua Chủ tịch Hội đồng nhân dân) chuyển đơn đến cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết.
Để nâng cao vai trò tiếp công dân, xử lý các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân, trước hết cần tăng cường vai trò của Thường trực HĐND trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân, xử lý các loại đơn, thư và giám sát việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền.
Thứ hai: Ban hành và Thông báo rộng rãi trên cổng thông tin điện tử, niêm yết công khai tại nơi tiếp công dân về lịch tiếp công dân của HĐND, đại biểu HĐND, duy trì hoạt động của đường dây nóng, công khai số điện thoại của người có trách nhiệm để thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, các tổ chức có liên quan trong việc kịp thời cung cấp thông tin.
Thứ ba: Tập trung giám sát những vấn đề, lĩnh vực có nhiều đơn thư, khiếu nại, tố cáo như công tác quản lý nhà nước về đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng các công trình, dự án; xây dựng trái phép; chế độ, chính sách đối với người có công… Qua đó, góp phần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước trong việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Thứ tư: Bố trí cán bộ có năng lực, có kinh nghiệm để tham mưu, phục vụ Thường trực HĐND và đại biểu HĐND trong hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn thư; đồng thời quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng cho cán bộ tiếp công dân.
Thứ 5: Đại biểu HĐND phát huy hơn nữa trong việc thực hiện chức năng của mình đó là giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đối với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đúng quy định của pháp luật./.