Năm 2023 là tròn 190 năm Tỉnh thành La Qua được xây dựng, trong đó, vai trò lịch sử của một thành tỉnh tồn tại được 112 năm, từ 1833 đến 1945. Gần 2 thế kỷ trôi qua, “dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/nền cũ lâu đài bóng tịch dương” (thơ Bà Huyện Thanh Quan), bóng dáng của một tỉnh thành với những hành cung, dinh thự, ty, niết…chỉ là “vệt mờ” trong những sử liệu đó đây…
Vai trò lịch sử
Theo các sử liệu, Thành tỉnh Quảng Nam: ở xã La Qua huyện Diên Phước. Năm Minh Mạng thứ 14 (1833) dời trụ sở (Dinh trấn Thanh Chiêm) đến làng La Qua. Thành có chu vi 89 trượng, xung quanh có hào rộng 4 trượng 5 thước, sâu 7 thước linh, thành cao 1 trượng 2 thước linh được đắp bằng đất. Đến năm Minh Mạng thứ 16 (1835), xây dựng lại bằng gạch. Tường thành xây cao khoảng 4m, dày 0,9m, có kích cỡ chiều dài 19cm, rộng 13,5cm, dày 6cm, gia cố bên trong bờ tường một lớp đất dày khoảng 0,8m theo kiểu taluy. Bốn góc thành nhô ra kiểu chân rùa. Bốn cổng thành, phía trên có vọng lâu cao khoảng 3,5 m. Đông Môn (cửa Tả) lối lưu thông bình thường, Tây môn (cửa Hữu) lối lưu thông bình thường; Nam môn (của Tiền), chỉ mở khi nhà vua đi tuần du; Bắc môn: (cửa Hậu), chỉ sử dụng khi đưa tù nhân hành án. Từ Nam môn đi vào, chính giữa có kỳ đài. Tiếp đến là sân Triều Yết. Tòa hành cung nằm trung tâm, bên trong là chiếc ngai thếp vàng để vua ngự mỗi khi vi hành hoặc vào dịp lễ Vạn thọ, tết cổ truyền…, hai bên là những sạp gỗ được chạm trổ hoa văn hổ, rồng, biểu tượng cho uy quyền. Cách hành cung chừng 200 mét về phía đông là Đốc bộ đường, dinh thự quan Tổng đốc, phía tây là dinh thự quan Bố chánh sứ. Song song với dinh thự quan Tổng đốc chếch về phía bắc là dinh thự quan Lãnh binh và trại lính, bên cạnh dinh thự quan Bố chánh sứ là dinh quan Án sát và các phòng như ty phiên, ty niết, nhà lao, trại lính, cai ngục, gia cư các quan chức, đồn trú, trạm lính canh, lính tuần tiễu…
Một cổng của Thành tỉnh Quảng Nam
Trong hồi ký của tác giả Lê Khôi và ký ức của các bậc cao niên vùng Vĩnh Điện, những người từng được chứng kiến buổi vọng triều bên trong thành tỉnh La Qua vào ngày mồng một Tết Ất Dậu năm 1945: những bức tường thành cổ rêu phong, nóc cổng thành phất phới cờ bay, tòa hành cung nguy nga phô trương rồng phượng, các hàng lính khố xanh mặc lễ phục trắng bồng súng đứng chào, công sứ Pháp, các viên quan lại, chức sắc áo thụng xanh đỏ tề tựu đông đủ… nhưng cũng không xua tan được không khí ảm đạm. Tuy là một ngày đầu xuân nhưng chỉ cần băng qua cổng thành kia vài trăm mét, đã bắt gặp những đám người ăn xin chạy nạn chạy đói lũ lượt trên phố Vĩnh Điện. Một mùa xuân lạnh lẽo, như báo hiệu cho cái Tết cuối cùng của một vương triều!
Năm 1946, thực hiện lệnh tiêu thổ kháng chiến của chính quyền cách mạng, không để cho giặc chiếm lại thành làm cơ quan cai trị, tỉnh thành La Qua bị triệt phá hoàn toàn.
Điểm xuyết những sự kiện
Trong vai trò của một tòa thành tỉnh lỵ, con số 112 năm tồn tại của thành La Qua so với 143 năm triều đại các vua Nhà Nguyễn cũng là điều đáng nhớ. Thành tỉnh La Qua còn gắn với một số sự kiện lịch sử tiêu biểu đã diễn ra trên vùng đất Điện Bàn, Quảng Nam.
Có thể nhắc đến là sự kiện sau ngày 1.9.1858, khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta tại Đà Nẵng. Thành tỉnh La Qua không phải là tiêu điểm chính trong sự kiện này nhưng lại có mối liên hệ khắng khít, và đặc biệt hơn là ở đó, có sự đồng tâm đồng lòng, tinh thần đoàn kết, đấu tranh chống ngoại xâm không chỉ từ vua tôi triều Nguyễn bấy giờ mà lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân Điện Bàn, Quảng Nam. Tỉnh thành La Qua với sông đào Vĩnh Điện như một huyết mạch quan trọng nối liền với cảng thị Đà Nẵng là một mục tiêu cho cuộc tấn công bằng đường thủy. Theo “Đại Nam thực lục chính biên”: “Để ngăn chặn khả năng Pháp đưa tàu chiến ngược dòng sông Cẩm Lệ, đến Điện Bàn để đánh chiếm tỉnh thành ở làng La Qua, Quan tỉnh Quảng Nam xin thuế bắt dân phu Điện Bàn làm sọt tre, vật liệu gỗ đổ đất đắp sông Vĩnh Điện khiến cho thế nước chảy dồn về cửa Đại Chiêm thì mạn hạ lưu nông cạn, thuyền tam bản của Tây dương không thể tiến vào được, quan quân có thể chuyển sức phòng bị một mặt trên bộ. Vua y cho”. Tinh thần chống giặc lan truyền mạnh mẽ, hai người con của quê hương Điện Bàn là Phạm Phú Thứ và Phạm Hữu Nghi đang làm việc tại Nội các triều Nguyễn đã dâng sớ xin cho các quan lại, thân sĩ, binh lính quê Quảng Nam đang ở kinh đô được trở về tỉnh nhà lập đội nghĩa dũng chống giặc. Theo sử liệu và một số gia phả cùng các dấu vết điền dã, những “trận địa pháo” dọc theo sông Vĩnh Điện và các vùng lân cận theo kế liên hoàn đã được thành lập để ngăn chặn khi địch tiến công tỉnh thành La Qua.
Tháng 7 năm 1885, kinh đô Huế thất thủ, vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương. Cùng với cả nước, sĩ phu, văn thân Điện Bàn Bàn, Quảng Nam đã anh dũng đứng lên lãnh đạo nhân dân chống Pháp. Nghĩa hội Quảng Nam được thành lập. Tháng 9-1885, Nghĩa hội Quảng Nam dưới sự chỉ huy của Tiến sĩ Trần Văn Dư bao vây chiếm tỉnh thành La Qua. Tuần phủ, bố chánh quân triều đình bỏ thành rút chạy. Nghĩa hội làm chủ được tình thế. Nhưng sau đó, dưới sự hỗ trợ của lực lượng quân Pháp, Nam triều đã phản công chiếm lại thành. Trước sức mạnh và vũ khí tối tân của địch, Nghĩa hội liên tục bị truy kích, tấn công. Tháng 12-1885, Hội chủ Trần Văn Dư bị bắt tại La Qua và đã bị đem bắn ngay góc thành tỉnh vào ngày 13-12-1885. Nghĩa hội Quảng Nam dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến tiếp tục hoạt động đến năm 1887 thì suy yếu. Phan Bá Phiến khẳng khái chọn cái chết bi tráng. Nguyễn Duy Hiệu giải tán Nghĩa hội và nhận hết “tội” về mình. Ngày 1-10-1887, Nguyễn Duy Hiệu bị chém đầu thị chúng ở pháp trường An Hòa – Huế. Cùng với nhiều sĩ phu tham gia Nghĩa hội, Hoàng Giáp Phạm Như Xương, người con quê hương Điện Bàn – “đệ nhất khoa bảng Quảng Nam” – người trực tiếp biên soạn Hịch văn thân kêu gọi sĩ phu và nhân dân tham gia Nghĩa hội chống Pháp cũng bị bắt và bị đục tên khỏi bia Tiến sĩ Văn Miếu ở Huế và bia văn thánh ở phủ Điện Bàn.
Một thời điểm khác, tháng 5- 1898, mốc lịch sử huy hoàng của nền khoa bảng Quảng Nam với 3 tiến sĩ, 2 phó bảng đỗ đạt, được vinh danh “Ngũ phụng tề phi”, trong đó 2 Tiến sĩ: Phạm Tuấn, Phạm Liệu; 2 Phó bảng: Ngô Lý, Dương Hiển Tiến đều là người Điện Bàn và Tiến sĩ Phan Quang người Quế Sơn. Tổng đốc Quảng Nam lúc bấy giờ là nhà soạn tuồng nổi tiếng Đào Tấn, đã tổ chức lễ vinh quy bái tổ cho các vị tân khoa ở tỉnh thành La Qua. Bức trướng “Ngũ phụng tề phi” với hình ảnh 5 con chim phụng bay lên tượng trưng cho tinh thần hiếu học, đỗ đạt của sĩ tử Quảng Nam. Cũng trong dịp này, Bố chánh tỉnh Quảng Nam, Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại được giao trọng trách làm một bài ký, đặt tên cho nhà hát được Tổng đốc dựng bên bờ bắc sông Vĩnh Điện, gọi là “Khán Hoa Đình” làm nơi đặt tiệc đón các vị tân khoa. Từ nội dung văn vẻ của bài ký, có thể cảm nhận được vẻ đẹp thơ mộng đôi bờ sông Vĩnh Điện “cát trắng nước cạn, trúc rậm bóng im”, được so sánh với dòng Hương giang, gọi là “Thanh lương tân” (bến sông trong sáng mát mẻ).
Đầu thế kỷ XX, tháng 3-1908, phong trào chống sưu cao thuế nặng, khởi phát từ Đại Lộc và lan nhanh trong toàn tỉnh Quảng Nam đến 10 tỉnh Trung Kỳ. Tại Điện Bàn, nhân dân sôi nổi xuống đường đấu tranh. Trong cuốn “Trung Kỳ dân biến thi mạt ký”, cụ Phan Châu Trinh viết: “Ở huyện Điện Bàn, dân nghèo tụ tới tỉnh thành và tòa sứ hơn sáu ngàn người, làm ồn dữ…” Từ tỉnh thành La Qua, nhân dân tràn ngập theo đường cái lớn đến Phủ đường Điện Bàn dài 3 cây số. Đồng bào la lớn “Xin xâu” làm cho lính phủ hoảng sợ bỏ chạy. Đoàn biểu tình bắt Tri phủ Trần Văn Thống bỏ lên xe, kéo xuống vây tòa Công sứ tại Hội An. Sự kiện dân biến ở Điện Bàn năm 1908 bị đàn áp đẫm máu nhưng để lại tiếng vang trong lịch sử đấu tranh chống áp bức, sưu cao thuế nặng của nhân dân ta. Cũng sau vụ việc đó, Tiến sĩ Trần Quý Cáp – người con ưu tú của quê hương Điện Bàn- một trong ba cựu thủ lĩnh phong trào Duy Tân nhằm “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” đã bị ghép tội với án “Mạc tu hữu” (không cần tội danh cũng xử), bị “yêu trảm” (chém ngang lưng) tại Khánh Hòa, để lại nỗi oan ức, niềm tiếc thương và sự kính trọng cho muôn đời sau.
Thành tỉnh Quảng Nam trong bản đồ
do Sở Địa dư Đông Dương vẽ xuất bản 1908
Năm 1906, cuộc khởi nghĩa nổi dậy khắp Trung kỳ dưới ngọn cờ vua Duy Tân do cụ Thái Phiên và Trần Cao Vân khởi xướng. Cuộc khởi nghĩa được chuẩn bị với quy mô lớn, ngoài việc mộ quân, rèn đúc vũ khí như giáo, mã tấu, sản xuất bom tự chế, các nhà lãnh đạo khởi nghĩa còn may đồng phục, may cờ, đúc ấn, đúc con dấu, phân công chức vụ sau khi đại sự thành công. Tại tỉnh thành La Qua, cụ Phan Thành Tài là người chỉ huy khởi nghĩa cùng các đội quân đánh chiếm tỉnh thành, trong đó có cụ Phan Khôi và Trần Chương (cháu của cụ Trần Cao Vân). Theo kế hoạch, cuộc khởi nghĩa sẽ phát động vào 1 giờ sáng ngày 3-5-1916 tại trung tâm điểm là kinh thành Huế. Khi lửa báo hiệu rực cháy trên đỉnh đèo Hải Vân thì các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi cùng nhau khởi sự. Tuy nhiên sắp đến ngày hành động thì sự vụ bị bại lộ. Không nhận được lệnh khởi nghĩa nhưng nghĩa quân do cụ Trần Chương chỉ huy đã đột nhập vào bên trong tỉnh thành La Qua, đốt cháy các gian nhà để làm tín hiệu. Do sự việc đã bị thất bại nên nghĩa quân bị lính tập bao vây giải giáp. Cuộc khởi nghĩa Duy Tân bất thành, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp. Vua Duy Tân bị bắt cùng với Thái Phiên, Trần Cao Vân. Nhà vua bị giam, sau đó bị đày sang đảo Réunion (châu Phi). Thái Phiên và Trần Cao Vân bị chém ở pháp trường An Hòa - Huế. Một tháng sau, ngày 9-6-1916, Phan Thành Tài cũng bị bắt, đưa về xử chém tại bờ sông Vĩnh Điện. Cụ Lê Đình Dương bị đày lên nhà lao Buôn Mê Thuột, bị tra tấn, khổ nhục và đã quyên sinh vào năm 1919.
Ngày 18.8.1945, thực hiện lệnh phát động khởi nghĩa của Uỷ ban bạo động phủ Điện Bàn, thanh la, trống mõ nổi lên vang dội từ xã này đến tổng khác. Đồng bào Điện Bàn, Quảng Nam trang bị băng cờ, giáo mác, gậy gộc rầm rập xuống đường cướp chính quyền. Ba mũi quần chúng khởi nghĩa của Điện Bàn từ Giáp Năm kéo vào, Bất Nhị kéo xuống, Gò Nổi kéo qua tiến về tỉnh thành La Qua nhưng bị quân Nhật xả súng, ngăn cản. Đến 7 giờ sáng, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ Hội An giành được thắng lợi trọn vẹn. Một đại đội tự vệ được vũ trang đầy đủ vũ khí, do đồng chí Võ Toàn chỉ huy, cấp tốc hành quân bằng ô tô, chi viện cho các phủ, huyện. Đoàn xe tiến thẳng vào tỉnh thành La Qua, mở cửa nhà lao, giải phóng tù nhân, toàn bộ lính giữ thành giao nộp vũ khí cho chính quyền cách mạng. (Theo Lịch sử Đảng bộ huyện Điện Bàn, 1930-1975)
Lưu lại một dấu tích
Những biến thiên thời cuộc đã hầu như xóa đi dấu tích của một cổ thành. Nhưng đó không thể là dấu chấm hết. Vùng đất Điện Bàn, nơi đã được lịch sử lựa chọn, trao sứ mệnh tọa lạc của những tòa thành, xa xôi hơn từ dấu tích thành cổ Hoàn Vương đến Dinh trấn Quảng Nam và tỉnh thành La Qua…, vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết.
Khu vực Thành tỉnh hôm nay
Định hướng bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử, đồng thời tạo điểm nhấn trong kiến trúc cảnh quang đô thị, Điện Bàn có danh mục đầu tư phục chế một cổng của thành tỉnh Quảng Nam và một đoạn tường thành. Tại bảo tàng Điện Bàn, công trình văn hóa được xây dựng ngay trên khu vực đất của tòa hành cung xưa, còn lưu giữ bức ảnh chiếc ngai thếp vàng. Liệu rằng, trong 112 năm tồn tại của tỉnh thành Quảng Nam, cánh cổng Nam môn có từng được mở để đón vị vua triều Nguyễn nào vi hành, lễ triều trên chiếc ngai ấy ?...
Lưu lại một dấu tích, tổ chức những hoạt động khoa học để xác minh, hệ thống các nguồn dữ liệu, cũng là một trọng trách của các thế hệ người Điện Bàn hôm nay với vùng đất giàu văn vật này.