Nội dung chi tiết

Cảng thị Kẻ Chiêm
Tác giả: Nguyên Phong – Cù Dung .Ngày đăng: 22/01/2023 .Lượt xem: 589 lượt. [In bài]
Theo các giáo sĩ phương Tây, ở giai đoạn thế kỷ XVII vương quốc Đàng Trong chỉ có 6 đơn vị hành chính cấp tỉnh là: “Đàng Trong được chia thành sáu tỉnh, mỗi tỉnh có chính quyền riêng và một khu vực tư pháp riêng. Các tỉnh phía bắc là Quảng Bình và Thuận Hóa, tỉnh ở giữa là Chàm, ba tỉnh phía nam là Quảng Nghĩa, Qui Ninh và Ranran.”.

Ngoài ra thông tin còn cho biết thêm có các thành phố chính của vương quốc là Ding-Cat (Dinh Cát ở Thuận Hóa), Dinh-Cham hay Dinh-Ciam (Dinh Chiêm ở Quảng Nam) và Faifo hay Han-San (Hội An ở Quảng Nam). Ở mô tả này cho thấy đây là vương quốc Đàng Trong ở thời điểm trước năm 1653 và sau năm 1651. Lúc này ở Đàng Trong đã có thành phố Faifo rất nổi tiếng và có cả thành phố Dinh Chàm nằm ở thượng nguồn.

Ở giai đoạn sớm hơn, khi cha De Rhodes mới vào Đàng Trong vào cuối năm 1624 và đến năm 1625 ông vẫn còn mô tả về cảng Cham khi nói đến cái chết của linh mục Pina: “ Người Cha nhân hậu này được yêu cầu đi thăm những người Bồ Đào Nha, họ đã đến gần cảng Cham, nơi neo tàu”. Lúc này Hội An đã được mô tả là một thành phố quan trọng và tồn tại cùng thành phố Cham hay Caichan. Thậm chí cảng Cham vẫn còn tồn tại đến tận giữa thế kỷ XVII cùng với cảng Faiso (tức Faifo hoặc Hội An ngày nay), hãy nghe chính cha De Rhodes kể vào năm 1645: “Tôi được biết một cách rất xác đáng rằng hai Cha dòng Thánh Phanxicô đã đến cảng Cham, rất gần Faiso, trên một con tàu Tây Ban Nha, đi từ Macao đến Philippines, đã bị bão buộc phải dạt vào Đàng Trong và đã bị bắt ở đó vài tuần”. Như vậy ở giai đoạn này vẫn thấy 2 cảng tồn tại riêng biệt là cảng Cham hay Caichan và cảng Faiso, đó chắc hẳn là cảng Chiêm hay Kẻ Chiêm và cảng Hội An của người Việt.


  Cùng ở giai đoạn cha de Rhodes vào Đàng Trong và đến Faiso (Hội An) cũng như Cham hay Caichan (Kẻ Chiêm), còn có một linh mục nổi tiếng khác, linh mục Christofle Borri cũng đến đây và thậm chí sớm hơn. Ông đã đến Đàng Trong vào những năm 1618-1622 và để lại cuốn hồi ký nổi tiếng Relation de la nouvelle mission des Pères de la Compagnie de Jésus au royaume de la Cochinchine. Theo Christofle Borri, thành phố Faifo hay Hội An đã là một đô thị của 2 cộng đồng người Nhật và người Hoa định cư: “Tại nơi này, vua Đàng Trong nhượng cho người Nhật và người Hoa một số cơ ngơi tương ứng với số dân của họ, để họ dựng lên một thành phố phù hợp với hội chợ đã nhắc tới ở trên. Thành mang tên Faifo và khá lớn, có thể nói như vậy vì một phần địa bàn thuộc về người Trung Quốc, phần còn lại thuộc về người Nhật. Hai cộng đồng này sinh sống riêng rẽ, độc lập với nhau, mỗi bên đều có người cai quản riêng, người Hoa theo luật Trung Hoa, người Nhật theo luật Nhật Bản”. Theo linh mục Christofle Borri thì thành phố Faifo lập ra dành riêng cho người Nhật và người Hoa và tất cả đều nhắm đến hội chợ ở cảng Cacciam, nơi mà lúc này mới là cảng giao thương chính: “Tuy vậy, thương cảng chính nằm ở Cacciam. Để vào cảng này có hai lối, hoặc từ Pulluciampello, hoặc từ Turon. Hai cửa sông này cách nhau ba hay bốn dặm, nhưng càng vào sâu trong đất liền thì hai con sông lại càng tách bạch nhau. Cuối cùng chúng hợp lưu thành một và tất cả các thuyền dường như đều đến được đó từ hai ngả”. Ở mô tả này, phần lớn các cách hiểu hiện nay đều cho đây là mô tả về cảng Hội An, tuy nhiên sự thật không phải như vậy. Ở giai đoạn này, các ghi chép đương thời đều phân biệt rất rõ địa danh Kẻ Chiêm (Cacciam và các biến âm của nó) và địa danh Hội An (Faifo và các biến âm của nó). Như vậy đây rất rõ là linh mục Christofle Borri mô tả cảng Cacciam mới là cảng chính của khu vực, và ở ngay đoạn kế tiếp ông ta đã mô tả thành phố Faifo của người Nhật và người Hoa, và họ lập thành phố này để chờ đợi hội chợ nằm ở cảng Cacciam (hay Kẻ Chiêm của người Việt). Như vậy ở quãng thời gian đầu thế kỷ XVII, cảng Kẻ Chiêm mới chính là nơi giao thương chính, và nó nằm về phía thượng lưu thành phố Faifo, tức Hội An của người Việt. Chính vì có vị trí như đã mô tả của linh mục Christofle Borri mà có thể hiểu, để vào cảng Cacciam, có hai hướng là từ Turon (cửa Đà Nẵng) và từ Pulluciampello (cửa Đại ở hướng cù lao Chàm).


Hình 1. Carte du Père de Rhodes (1653): Royaume d'Annam comprenant les royaumes
de Tumkin et de la Cochinchine (Nguồn : Thư viện Quốc gia Pháp)

Thông tin hai lối vào cảng Cacciam, trùng khớp với thông tin bản đồ Carte du Père de Rhodes (1653): Royaume d'Annam comprenant les royaumes de Tumkin et de la Cochinchine. Theo nội dung thông tin bản đồ này cũng cho thấy, định vị theo ngày nay đó là sông Hàn và sông Thu Bồn nối với nhau tại vị trí thượng lưu Haifo (tức Hội An), vị trí ngã ba sông này là nơi tọa lạc cảng Dinhciam (Dinh Chiêm) ở bờ bắc. Đó chính là hai lối đường thủy đi từ biển về cảng Cacciam ở thượng nguồn qua khu vực sông Vĩnh Điện (nối Kẻ Chiêm về Đà Nẵng) ở phía bắc và qua sông Chợ Củi (nối Kẻ Chiêm về cửa Đại) ở phía nam. Tất nhiên lúc này sông Vĩnh Điện chưa được đào khơi ở giai đoạn sau như đã biết, cần khảo sát chi tiết tuyến đường sông lịch sử này trong một chuyên đề khác. Phỏng đoán tuyến đường thủy phía bắc này này sử dụng đoạn hạ lưu sông Hàn để đi về thượng lưu và hướng về Kẻ Chiêm qua ngả khu vực Cẩm Sa hoặc quanh đó. Như vậy tuyến thủy lộ này chỉ trùng với ngày nay theo tuyến sông Hàn – sông Vĩnh Điện một đoạn, đoạn còn lại nối từ đó về sông Chợ Củi đã đã khuất lấp và cần hồi cố thông tin.

Vào năm 1614, một phái đoàn thương mại người Anh đã đến Đàng Trong, họ đến từ thương điếm Anh tại Nagasaki ở Nhật Bản và do Tempest Peacock dẫn đầu. Căn cứ nội dung bức thư do Richard Cocks, gửi cho Công ty Đông Ấn Anh qua bức thư đề ngày 25/11/1614, cho biết Tempest Peacock đã đến Đàng Trong tại Quảng Nam, mà ghi chép gọi là Quinham: “Và họ đã tới Quinham an toàn, cùng với lá thư và món quà của hoàng đế và họ cũng đã được tiếp đãi một cách chu đáo cùng với nhiều sự hứa hẹn trong nhiều lĩnh vực. Nhưng người Hà Lan, những người đã nhìn thấy chúng tôi vượt biển đến đây, họ sẽ làm những điều giống như vậy và họ đã gửi cho chúng tôi một con thuyền thúng khác; hơn nữa, tôi đã khuyên ông Peacok rằng ông ta không nên làm bất cứ điều gì và cũng không can thiệp vào bất cứ điều gì kể cả việc kinh doanh ở đây”. Lúc này người Hà Lan gọi Đàng Trong là Quinam hay Quinham, tức nước Quảng Nam, chính vì đi cùng với người Hà Lan mà người Anh cũng gọi là Quinham.

Khảo sát quãng thời gian xa hơn nữa, chắc hẳn Hội An chỉ hình thành ở khoảng cuối thế kỷ XVI trở về sau, bởi theo mô tả của người Bồ Đào Nha vào năm 1596 chỉ thấy cảng Cachan, mà chưa thấy cảng Faifoo hoặc đã có mà chưa ấn tượng gì: “Cuối cùng chúng tôi cũng đến cảng Cachan, khi tiếp cận nó chúng tôi phát hiện ra một đội thuyền 80 chiếc. Tướng của chúng tôi đã cử người đi trinh sát đội thuyền này, và chúng tôi được biết rằng nó đi mang cống phẩm hàng năm cho hoàng đế Trung Hoa; cống phẩm được nộp rất đều đặn, bao gồm vàng, lụa, vải vóc. Đó là vào ngày 15 tháng 7, chúng tôi vào cảng Cachan, nằm ở vĩ độ 5o40 phút vĩ độ bắc. Chúng tôi tìm thấy ở đó có một chiếc thuyền của Nhật Bản, trên đó có hai tu sĩ người Bồ Đào Nha thuộc dòng Thánh Augustinô; bởi vì một nửa số người Nhật trên đó theo đạo công giáo; những người còn lại là người ngoại giáo”. Mô tả này cho thấy cảng Cachan nằm ở vĩ độ 5o40 phút, chắc chắn là nhầm mà phải là 15o40 phút vĩ độ Bắc, đó chắc hẳn là cảng nằm kế bên thành phố Kẻ Chiêm. Thành phố Kẻ Chiêm, lúc đó gọi là thành phố Cachan, có thể đó chính là tòa thành Hoàn Vương của người Chăm được người Việt sử dụng ở giai đoạn sớm, nằm phía tây đường thiên lý và ngày nay đã nằm dưới lòng sông Thu Bồn bởi sự xâm thực của dòng chảy. Chính vì vậy mà về sau lỵ sở Quảng Nam được dời chuyển và xây dựng tại làng Thanh Chiêm kế bên, còn gọi là Dinh Chiêm thời chúa Nguyễn và nó khác hẳn Kẻ Chiêm ở giai đoạn sớm.


  Mô tả thời điểm này trong phần tiếp theo cho thấy thành phố Kẻ Chiêm, và vị trí tọa lạc thành phố này cách biển 2 dặm, tương đương 10 cây số, hãy xem mô tả sớm này: “Thành phố Cachan, nằm ở đất liền cách biển 2 dặm, nơi một con sông chảy qua, mà có thể chở được những con tàu có trọng tải 400 tấn; rất gần đó có một chiến thuyền mà người Hoa chiếm được sau khi ám sát Perez Gomez das Marinas, thống đốc Philippines. Chiếc thuyền bị mắc cạn trên cát và hoàn toàn không còn dây chão, chỉ còn lại thân tàu và cột buồm. Chính tại đất nước này, người Hoa đã đến nương náu, nhưng các vua Cachan, Sinoa và Tunquin đã lấy đi tất cả những gì họ có; và cái khiến các vị vua này hài lòng hơn cả là đại pháo, thứ mà họ sử dụng để chiếm lại một nửa vương quốc Tunquin, nơi đã nổ ra cuộc nổi dậy”. Như vậy đó chỉ có thể là thành phố Kẻ Chiêm nằm kề bên vị trí Dinh Chiêm về sau, mà không phải là thành phố Hội An hay Faifoo, vì Hội An chỉ cách biển chừng hơn 1 dặm (5 cây số). Có lẽ mô tả lúc này là lỵ sở đất Quảng Nam ở thời điểm này, được đặt tại thành cổ Hoàn Vương của người Chăm nên mới mang tên Kẻ Chiêm. Về sau đến khoảng năm 1602 chúa Nguyễn mới cho xây dựng dinh Thanh Chiêm kề bên và là nơi trú đóng của các thế tử chúa Nguyễn cai trị đất Quảng Nam, còn gọi là Dinh Chiêm. Đây cũng chính là vị trí mà đến năm 1807, vua Gia Long cho xây dựng tòa thành Thanh Chiêm và sử dụng đến năm 1832 thì phế bỏ, nằm bên đường thiên lý và sông Chợ Củi (nay là sông Thu Bồn).

Cũng ở thời điểm năm 1596, ghi chép của người Tây Ban Nha thì đã có sự phân biệt rõ hai vùng là Tonquin (Đàng Ngoài) và Cochinchine (Đàng Trong, Thuận Quảng) cho dù chưa có sự ly khai về chính quyền ở hai miền. Ngoài ra tại Cochinchine người đứng đầu chính quyền tại Thuận Hóa được gọi là vua Sinoa (Kẻ Hóa hay Huế ở Thuận Hóa) và người đứng đầu chính quyền tại Quảng Nam được gọi là vua Cachan (Kẻ Chiêm ở Quảng Nam), đều trực thuộc chính quyền vua Tonquin (Đông Kinh hay Đàng Ngoài). Điều này thể hiện rõ qua câu chuyện vị vua Đàng Ngoài đã ra lệnh cho vua Kẻ Hóa và vua Kẻ Chiêm cùng tấn công hạm đội Tây Ban Nha vào năm này: “Các vị vua Cachan và Sinoa tấn công hạm đội Tây Ban Nha theo lệnh của nhà vua Tunquin”. Qua trận thủy chiến này cho thấy rõ sự điều hành của vua Lê đối với hai thủ lĩnh tại Thuận Hóa và Quảng Nam, cũng được người Tây Ban Nha tường thuật lại và phân biệt qua hai vị vua rất rõ. Và nổi lên trên đó là thủ lĩnh tại Cachan, mà ghi chép mô tả là vua, có lẽ chính là người đứng đầu vùng đất Quảng Nam thời điểm này. Và chắc hẳn vị trí thành phố Kẻ Chiêm chính là tiền thân của Dinh Chiêm được xây dựng về sau kề bên, và cảng Kẻ Chiêm cũng chính là tiền thân của cảng Hội An về sau cũng như nó nằm ngay thành phố Kẻ Chiêm và cách biển 10 cây số.

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Giải Cờ tướng “Mừng Đảng - Mừng Xuân”, Đại hội TDTT thị xã lần thứ X năm 2025
UBND xã Điện Trung tổ chức ra mắt Câu lạc bộ Dance Kids
Tập huấn phát triển du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn
Hội thi “Bé tài năng – Sáng tạo” cấp học mầm non thị xã Điện Bàn
Hội Cựu chiến binh phường Điện Thắng Bắc tổ chức giải cờ tướng
Giải Bóng đá nữ viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo thị xã Điện Bàn năm học 2024-2025
UBMTTQVN thị xã tổ chức toạ đàm về xây dựng đô thị văn minh
Điện Bàn tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 49-KL/TW.
Bế mạc giải Cầu lông các Chi bộ Đảng xã Điện Thọ năm 2024
UBND thị xã tổng kết Đại hội TDTT cấp xã, phường năm 2024
    
1   2   3   4   5  
    
Các tin cũ hơn:
Theo dấu thành cổ
Trung tâm VH-TT&TT-TH phối hợp với Hội Cựu chiến binh thị xã tổ chức giải Cờ tướng
UBND thị xã Điện Bàn tổ chức Hội nghị tổng kết, khen thưởng thành tích xuất sắc trong Đại hội Thể dục thể thao
Hội nghị tổng kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” năm 2022
Lễ phát động sưu tầm hiện vật, tư liệu, hình ảnh phục vụ phòng trưng bày chuyên đề “Hoằng Hoá – Điện Bàn – Nghĩa nặng tình sâu”.
Khai mạc giải bóng đá thiện nguyện tranh cúp AT Spost lần thứ I năm 2022
Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam bế mạc lớp tập huấn “Bồi dưỡng kỹ năng thực hành di sản nghệ thuật Bài chòi”
UBND xã Điện Thắng Nam khánh thành công trình bể bơi phòng tránh đuối nước Trường THCS Thu Bồn.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam khai mạc lớp tập huấn thực hành di sản nghệ thuật Bài chòi
Điện Bàn, tham gia lớp tập huấn công tác phát ngôn, cung cấp thông tin cho Báo chí
    
1   2   3   4   5  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm