Thương hiệu
Cuối tháng 9/2022, lần đầu tiên kênh youtube giới thiệu sản phẩm của Công ty TNHH Gỗ nghệ thuật Âu Lạc (Điện Phong) đạt nút vàng khi chạm mốc 1 triệu lượt người đăng ký theo dõi. Sự kiện trở thành dấu mốc đáng nhớ không chỉ của gỗ Âu Lạc mà còn khẳng định sức hút của một sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên địa bàn thị xã. Thông qua những clip ngắn quay lại quá trình chế tác và hoàn thiện sản phẩm, các nghệ nhân Âu Lạc đã mang đến người xem sự thích thú khi trực tiếp chứng kiến quá trình ra đời của những sản phẩm gỗ mỹ nghệ từ thô sơ đến hoàn thiện một cách sinh động nhất.
Vài năm gần đây sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (gọi chung là sản phẩm nông thôn) đã không còn xa lạ với người tiêu dùng bởi chất lượng tốt, mẫu mã đẹp. Rất nhiều sản phẩm OCOP đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Tại Công ty TNHH Gỗ nghệ thuật Âu Lạc, bình quân mỗi tháng xuất xưởng hàng chục sản phẩm các loại, chủ yếu là hình mẫu nhân vật hoạt hình, truyện tranh... khách hàng đa phần đến từ các nước trên thế giới như Mỹ, Pháp, Úc, Đài Loan…
Tính đến năm 2022, Điện Bàn có 25 sản phẩm của 18 chủ thể được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP, hầu hết thuộc nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ và thực phẩm chế biến. Cùng đó, hàng chục làng nghề truyền thống và hàng trăm cơ sở sản xuất, hộ gia đình rải rác trong dân. Một số sản phẩm OCOP như nước măng tây xanh Gò Nổi (Điện Quang), bột ngũ cốc Hương Bột (Vĩnh Điện), nước mắm Hà Quảng (Điện Dương)... đang dần tạo được chỗ đứng trên thị trường với số lượng tiêu thụ lớn. Riêng Cơ sở Nước mắm Hà Quảng, bình quân mỗi ngày xuất ra thị trường gần 100 lít nước mắm và 50 ký mắm ruốc, khách hàng hầu như khắp nơi, từ Hội An, Đà Nẵng đến Sài Gòn, Hà Nội… đặt mua.
Bên cạnh quá trình đánh giá, phân hạng khắt khe theo các tiêu chuẩn quy định cùng hiệu quả tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tốt, thì yếu tố tạo sức hút cho sản phẩm nông thôn Điện Bàn chính là niềm tin của người tiêu dùng về một sản phẩm địa phương an toàn, chất lượng. Đặc biệt, sự nỗ lực không ngừng nghi của các chủ thể trong cải tiến chất lượng, mẫu mã, nhãn mác, bao bì gắn với các hoạt động thương mại điện tử... đã góp phần xác lập chỗ đứng ổn định cho sản phẩm nông thôn Điện Bàn trên thị trường, được đối tác, khách hàng đón nhận.
Chuỗi giá trị sản phẩm
Phát triển sản phẩm nông thôn luôn được Điện Bàn xác định là hướng đi hiệu quả nhằm giúp tạo sinh kế, cải thiện thu nhập người dân, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, tài nguyên bản địa. Trong đó, tìm đầu ra cho sản phẩm, nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa trở thành vấn đề quan trọng nhằm hiện thực hóa mục tiêu này. Mặc dù đạt được những kết quả tích cực nhưng nhìn chung phát triển sản phẩm nông thôn Điện Bàn thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có. Đa phần doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông thôn trên địa bàn thị xã có quy mô nhỏ hoặc mang tính gia đình, hàng hóa ra thị trường thấp, không ổn định, chủ yếu bán lẻ, việc cung ứng đơn hàng lớn hầu như chưa đáp ứng được. Đặc biệt, chưa có sự gặp nhau giữa nhà sản xuất và nhà phân phối sản phẩm.
Ông Huỳnh Duy Chương – Giám đốc Công ty TNHH Huỳnh Khôi Hưng, đơn vị quản lý hệ thống siêu thị mini Giadamart Đà Nẵng nhìn nhận, các chủ thể hiện mới chỉ tập trung vào sản xuất chưa chú trọng đến thị trường, chưa quan tâm đến xu hướng tiêu dùng, kể cả các quy tắc kinh doanh, mặc dù đa phần chủ thể là những người sản xuất rất giỏi, chất lượng mẫu mã tốt. “Tôi từng đặt vấn đề với một số nhà sản xuất ở Điện Bàn về hợp tác kinh doanh như chương trình chiết khấu, ký gởi, chính sách đổi hàng hết hạn sử dụng, kể cả yêu cầu cung cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, mã vạch, hóa đơn, chứng từ sản phẩm… thì hầu hết lúng túng vì họ không hiểu các phương thức kinh doanh bởi đa phần quy mô hoạt động theo kiểu gia đình, mặc dù họ sản xuất rất giỏi, chất lượng mẫu mã rất tốt, nhưng để hàng hóa ra thị trường số lượng lớn đủ sức cạnh tranh chừng đó vẫn chưa đủ”, ông Chương phân tích.
Thực tế, những năm gần đây, rất nhiều cơ chế, chính sách dành cho phát triển, tiêu thụ sản phẩm nông thôn đã được các cấp, ngành của tỉnh và thị xã ban hành, hướng dẫn nhằm phát triển sản phẩm nông thôn theo chuỗi liên kết, tạo ra sản phẩm chủ lực địa phương, sản phẩm thế mạnh theo hướng đa dạng hóa, chế biến sâu nhưng kết quả mới chỉ bước đầu. Ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn khẳng định, thị xã luôn tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh như quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại những sự kiện, hội chợ, kết nối với nhà phân phối đưa hàng hóa ra thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh các chủ thể. Đặc biệt, khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các HTX, hộ kinh doanh phát triển gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển làng nghề, các cơ sở sản xuất sản phẩm truyền thống dựa trên tài nguyên, bản sắc, sự sáng tạo của người dân địa phương giúp gia tăng giá trị hàng hóa. “Rất nhiều chương trình hỗ trợ từ đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến đến xây dựng thương hiệu, định hướng quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ đã được thị xã triển khai thời gian qua nhằm giúp các tổ chức kinh tế phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, quy mô hàng hóa, từng bước hướng đến sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, góp phần nâng cao năng suất, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng doanh thu của đơn vị đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương”, ông Chơi chia sẻ.
|