Một là đường Hoàng Diệu ở quận Hải Châu nối đường Phan Châu Trinh ở Ngã Năm với đường Trưng Nữ Vương ở Chợ Mới được người Đà Nẵng vinh danh từ năm 1954 khi đổi tên đường Đỗ Hữu Vị thành đường mang tên người giữ thành Hà Nội quê xã Điện Quang - đến năm 1999 lại tiếp tục đặt tên đường Hoàng Diệu cho đoạn đường nối từ đường Trưng Nữ Vương đến đường Duy Tân. Hai là đường Lê Đình Dương ở quận Hải Châu nối đường Ông Ích Khiêm với đường Bạch Đằng - và có một giao lộ với đường Hoàng Diệu - được người Đà Nẵng đặt tên từ năm 1958 để vinh danh người thầy thuốc yêu nước quê xã Điện Quang từng tham gia cuộc vận động khởi nghĩa Thái Phiên-Trần Cao Vân năm 1916 (em trai Lê Đình Dương là Lê Đình Thám được đặt tên đường ở quận Hải Châu vào năm 1998 và thân phụ của hai ông là Lê Đỉnh cũng được đặt tên đường ở quận Cẩm Lệ vào năm 2013). Ba là đường Phạm Phú Thứ chỉ là một con đường nhỏ nhưng nằm ngay khu vực trung tâm quận Hải Châu, gần chợ Hàn, nối đường Bạch Đằng và đường Độc Lập (nay là đường Trần Phú) được người Đà Nẵng đổi tên từ đường Mission vào năm 1956 để vinh danh người trí thức từng có nhiều tư tưởng canh tân dưới thời nhà Nguyễn quê xã Điện Trung (cháu nội Phạm Phú Thứ là Phạm Phú Tiết cũng được đặt tên đường ở quận Hải Châu và quận Cẩm Lệ vào năm 2010). Bốn là đường Trần Quý Cáp ở quận Hải Châu nối từ đường Bạch Đằng đến đường Đống Đa, được người Đà Nẵng đổi tên từ đường Robert từ sau năm 1954 để vinh danh một trong ba người khởi xướng phong trào Duy Tân đất Quảng quê xã Điện Phước - con đường này giáp với cảng Đà Nẵng bên bờ sông Hàn nơi mà hồi đầu thế kỷ XX Trần Quý Cáp từng sáng tác bài thơ Đà Nẵng cảm hoài với hai câu kết giàu sức gợi: An năng tái khởi Trần Hưng Đạo/ Cộng vãn Đằng giang vĩ đại công (Khương Hữu Dụng dịch: Ước chi sống lại Trần Hưng Đạo/ Cùng lập Đằng giang trận thứ hai). Xin nói thêm rằng không chừng do liên tưởng nghệ thuật của Trần Quý Cáp nhìn sông Hàn thành sông Bạch Đằng mà năm 1956 người Đà Nẵng đã đổi tên đường Quai Courbet thành đường Bạch Đằng. Năm là đường Trần Cao Vân nằm chủ yếu trên địa bàn quận Thanh Khê, xuất hiện trên bản đồ Đà Nẵng từ năm 1962, nối đường Đống Đa với đường Điện Biên Phủ nhằm vinh danh người quân sư/“chính ủy” của cuộc vận động khởi nghĩa Thái Phiên-Trần Cao Vân năm 1916 quê xã Điện Quang.
*
Sau năm 1975, nhất là sau năm 1997, hạ tầng đô thị của Đà Nẵng phát triển mạnh, số lượng đường phố tăng lên nhanh chóng, tạo điều kiện để người Đà Nẵng vừa lưu giữ ký ức qua việc đặt tên đường phố bằng các địa danh cổ vừa tiếp tục vinh danh các danh nhân có nhiều công lao với đất nước qua việc đặt tên đường phố, trong đó có các danh nhân quê Điện Bàn. Trước hết phải kể đến đường Nguyễn Văn Trỗi được đặt tên từ sau năm 1975 nhằm vinh danh người chiến sĩ biệt động Sài Gòn quê xã Điện Thắng Trung - ban đầu đây là con đường dài 3.610m nối cổng sau sân bay Đà Nẵng với bãi tắm Mỹ Khê bên bờ Biển Đông, nhưng đến năm 1994 thì đoạn đường dài 1.350m từ cổng sau sân bay Đà Nẵng đến giao lộ với đường Núi Thành được đặt tên đường Duy Tân và đến năm 1998 đoạn đường dài 1.010m từ giao lộ đường Ngô Quyền đến bãi tắm Mỹ Khê được đặt tên đường Nguyễn Văn Thoại, vì thế đường Nguyễn Văn Trỗi chỉ dài 1.250m nối đường Núi Thành với đường Ngô Quyền, chạy ngang qua cầu Nguyễn Văn Trỗi trên sông Hàn và nằm trên địa bàn hai quận Hải Châu và Sơn Trà. Tiếp theo là đường Phan Thanh mang tên người thầy giáo cách mạng quê xã Điện Quang từ năm 1994, ban đầu nối dường Lý Thái Tổ với đường Nguyễn Tri Phương dài 1.253m - đến năm 1998 đoạn đường Phan Thanh từ giao lộ đường Nguyễn Văn Linh đến đường Nguyễn Tri Phương dài 453m được đổi tên thành đường Phạm Văn Nghị, do vậy đường Phan Thanh hiện nay chỉ dài 800m nối đường Lý Thái Tổ với đường Nguyễn Văn Linh, nằm trên địa bàn quận Thanh Khê (em trai Phan Thanh là Phan Bôi cũng được đặt tên đường ở quận Sơn Trà vào năm 2002).
Ngoài đường Nguyễn Văn Trỗi và đường Phan Bôi, trên địa bàn quận Sơn Trà còn có nhiều đường phố mang tên các danh nhân Điện Bàn như năm 1998 có đường Nguyễn Phan Vinh được đổi tên từ đường Trần Quốc Toản - nhằm vinh danh người thuyền trưởng tàu không số quê Điện Nam, hy sinh ở đường Hồ Chí Minh trên biển vào năm 1968 và được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1970; năm 2010 có đường Lê Tấn Toán - thầy giáo của thủ lĩnh Nghĩa hội Quảng Nam Nguyễn Duy Hiệu quê xã Điện Dương và đường Võ Nghĩa - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân quê phường Điện Nam Trung… Các danh nhân Điện Bàn cũng được vinh danh trên nhiều đường phố ở quận Ngũ Hành Sơn, chẳng hạn vào năm 1999 có đường Trần Thị Lý nối đường Núi Thành với đường Ngũ Hành Sơn, chạy ngang qua cầu Trần Thị Lý trên sông Hàn và nằm trên địa bàn hai quận Hải Châu và Ngũ Hành Sơn - nguyên mẫu nhân vật trữ tình Người con gái Việt Nam trong thơ Tố Hữu, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân quê xã Điện Quang; năm 2000 có đường Phan Thúc Duyện - người từng tham gia Phong trào Duy Tân đất Quảng đầu thế kỷ XX quê xã Điện Thọ; năm 2008 có đường Võ Như Hưng - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân quê phường Điện Nam Trung; năm 2012 có đường Hằng Phương Nữ Sĩ - nhà thơ quê xã Điện Quang, đường Phạm Đức Nam - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng quê phường Điện Nam Bắc và đường Trương Công Hy - nguyên Thượng thư Bộ Hình dưới triều Tây Sơn quê Điện Thắng; năm 2020 có đường Lê Trí Viễn - giáo sư văn học, Nhà giáo Nhân dân quê xã Điện Hồng và đường Mai Thúc Lân - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Đà Nẵng giai đoạn 1994-1996 quê xã Điện Phước...
Các danh nhân Điện Bàn cũng được vinh danh trên nhiều đường phố ở quận Hải Châu, chẳng hạn vào năm 1998 có đường Phan Thành Tài - mang tên một trong các yếu nhân của vận động khởi nghĩa Thái Phiên-Trần Cao Vân năm 1916 quê xã Điện Quang và đường Tống Phước Phổ - mang tên người nghệ sĩ tuồng quê xã Điện Phương; năm 2000 có đường Mai Dị - người từng tham gia Phong trào Duy Tân đất Quảng đầu thế kỷ XX và cuộc vận động khởi nghĩa Thái Phiên-Trần Cao Vân năm 1916 quê xã Điện Phước; năm 2005 đường Nguyễn Thành Ý -người xem là vị lãnh sự ngoại giao đầu tiên của nước Đại Nam tại Nam Kỳ thuộc Pháp quê xã Điện Quang và đường Nguyễn Xuân Nhĩ - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam năm 1946 quê xã Điện Hòa; năm 2008 có đường Nguyễn Phẩm - mang tên người nghệ sĩ tuồng quê xã Điện Minh và đường Nguyễn Trác - nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng năm 1945 quê xã Điện Hòa; năm 2015 có đường Xuân Tâm - nhà thơ tiền chiến quê xã Điện Quang… Một số đường phố ở quận Thanh Khê cũng được mang tên danh nhân Điện Bàn như năm 2010 có đường Lê Thị Tính - người bí thư quận ủy đầu tiên của Quận Nhì tiền thân của quận Thanh Khê ngày nay, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân quê xã Điện Hòa; năm 2012 có đường Nguyễn Thanh Năm - người bí thư quận ủy thứ hai của Quận Nhì sau khi người tiền nhiệm Lê Thị Tính hy sinh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân quê phường Điện Nam Bắc... Một số đường phố ở quận Liên Chiểu cũng được mang tên danh nhân Điện Bàn như năm 2000 có đường Phạm Như Xương - người đỗ Đình nguyên Hoàng giáp là học vị cao nhất trong lịch sử khoa bảng Quảng Nam thời quân chủ quê phường Điện Ngọc; năm 2010 có đường Lê Tự Nhất Thống - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân quê xã Điện Thắng Trung…
Các danh nhân Điện Bàn cũng được vinh danh trên nhiều đường phố ở quận Cẩm Lệ, chẳng hạn năm 2005 có đường Nguyễn Lai - mang tên người nghệ sĩ tuồng quê xã Điện Phương và đường Nguyễn Nho Túy - mang tên người nghệ sĩ tuồng quê xã Điện Minh; năm 2006 có đường Hà Văn Trí - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân quê xã Điện Hồng; năm 2007 có đường Cao Sơn Pháo - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam năm 1950 quê xã Điện Tiến và đường Phạm Tứ - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Đà Nẵng năm 1961, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam năm 1962 quê xã Điện Tiến; năm 2012 có đường Nguyễn Xuân Hữu - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Đà Nẵng năm 1949 quê xã Điện Hồng; năm 2013 có đường Nguyễn Văn Xuân - nhà văn và là nhà Quảng Nam học quê xã Điện Phương, đường Phan Khôi - nhà báo kỳ cựu quê xã Điện Quang (con trai Phan Khôi là nhà văn Phan Thao cũng được đặt tên đường ở quận Cẩm Lệ vào năm 2015) và đường Thu Bồn - nhà thơ quê xã Điện Thắng Nam; năm 2015 còn có đường Phan Triêm - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre năm 1945 quê xã Điện Quang; năm 2016 có đường Phạm Hữu Nghi - người từng giữ chức Tư nghiệp, Phó Hiệu trưởng Quốc tử giám thời vua Minh Mạng quê xã Điện Trung…
*
Đi trên những đường phố mang tên các danh nhân Điện Bàn, người Đà Nẵng càng thấy tự hào về vùng đất mình đang sống - nơi mà năm 1604 đã chuyển từ phủ Triệu Phong của Thuận Hóa sang trực thuộc phủ Điện Bàn của Quảng Nam; càng thấy biết ơn các danh nhân Điện Bàn được đặt tên đường phố không chỉ từng đóng góp tâm huyết, tài năng và cả máu xương cho đất nước quê hương mà còn góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ Đà Nẵng truyền thống yêu nước, sẵn sàng mang hết sở học để phụng sự cộng đồng, góp phần tích cực vào sự phát triển hôm nay của thành phố bên sông Hàn./.