“Cẩm Sa ngày ấy có bao chuyện đáng nhớ, biết bao gương trung liệt, nhưng cái chết của ông Phạm Nghiệng, thực sự để lại một dấu ấn đặt biệt trong lòng dân bởi chí khí anh hùng của người Cộng sản” – ông Nguyễn Hồng Thắng, nguyên là Bí thư huyện ủy Điện Bàn, cũng là người con của đất Cẩm Sa nhớ lại. Phạm Nghiệng sinh khoảng năm 1926. Anh lớn lên khi đất nước, quê hương đang chìm đắm trong cảnh đời nô lệ. Hồi ấy, quê cát Cẩm Sa dù có khá hơn đôi chút so với các vùng khác ở Đông Điện Bàn, nhưng cũng đầy cảnh trái ngang. Bọn địa chủ cường hào ác bá thì ruộng đất thẳng cánh cò bay, thóc lúa đầy đồng, trong khi không ít nông dân phải làm ruộng rẽ, ăn cơm vay. Mà đến cơm cũng không có ăn, phải sắn khoai, môn, cá đồng độn vào thay bữa. Cảnh nghèo rạc buộc những thanh niên trai tráng của nông dân trong làng, lang thang đây đó tìm kế sinh nhai. Trên bước đường mưu sinh ấy, họ đã gặp được những người cộng sản đang tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lê Nin, cùng chủ thuyết của Đảng cộng sản Đông Dương về vấn đề dân cày. Người anh của Phạm Nghiệng – thường gọi ông Đội Ước vào Đảng, là một nhân tố trong lớp Đảng viên cộng sản tiền trào của đất Điện Nam. Từ ấy, Phạm Nghiệng sớm được giác ngộ lý tưởng cộng sản, anh tích cực tham gia phong trào thanh niên cứu quốc. Phong trào cách mạng mùa thu 1945 bùng nổ, Phạm Nghiệng tham gia cướp chính quyền, rồi chỉ một năm sau, anh vinh dự được đứng vào đội ngũ của Đảng cộng sản. Trải qua chín năm kháng chiến gian khổ, Phạm Nghiệng luôn được sự tín nghiệm cao của tổ chức, sự thương yêu quý trọng của đồng chí, đồng bào, đồng thời ở anh bộc lộ một phẩm chất của người cán bộ làm công tác vận động quần chúng khá tuyệt vời. Vì vậy, kết thúc cuộc kháng chiến 9 năm, Phạm Nghiệng đã trở thành một trong những cán bộ cốt cán của Huyện ủy Điện Bàn.
Hiệp định Giơnevơ được ký kết, phần lớn cán bộ miền Nam được tập kết ra Bắc. Để tiếp tục đấu tranh với địch, thống nhất đất nước, tổ chức đã phân công Phạm Nghiệng ở lại, đứng chân gầy được cơ sở cách mạng, lãnh đạo quần chúng đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử. Ở lại – thời ấy là một thử thách cam go. Trên nhiều mảnh đất ở miền Nam, trong đó có quê hương Điện Bàn của Phạm Nghiệng, bọn địa chủ, đảng phái phản động vốn nằm im chờ thời, nghe tin Ngô Đình Diệm cùng quan thầy Mỹ can thiệp, lập tức trỗi dậy, quậy phá, đòi trả những món nợ xương máu với những người cách mạng. Một rồi hai năm… ngày trở về của những đồng chí đồng đội đi tập kết bắt đầu vời xa. Cách mạng miền Nam, khi chưa có chủ trương đấu tranh võ trang, cả miền Nam như đêm đen mịt mùng. Chính quyền ngụy tề, cùng các đảng phái phản động bắt đầu thanh lọc, trả thù những người tham gia kháng chiến. Cẩm Sa và cả quê hương Điện Bàn trong những ngày đen tối ấy, thường chứng kiến biết bao cảnh máu chảy, đầu rơi. “Chỉ riêng làng Cẩm Sa trong giai đoạn tố cộng, diệt cộng đã có nhiều đồng chí hy sinh, với một khí phách anh hùng lẫm liệt”. Ông Nguyễn Hồng Thắng kể tiếp. Đồng chí Phạm Hồ khi bị địch bắt đã dụ chúng dẫn về Cẩm sa, rồi leo lên cây da hô to “Phạm Hồ không phản động, Hồ Chí Minh muôn năm!”. Song, Phạm Hồ buông mình từ cây da rớt xuống, chấp nhận sự hy sinh chứ không theo địch. Đồng chí Võ Định bị địch bắt học lớp tố cộng tại Đình La Thọ. Trong lúc đang sám hối, anh đã nhảy lên xóa đèn sám hối, xé cờ ba que và ảnh Ngô Đình Diệm; bọn dân vệ ập vào bắt trói Võ Định vào gốc cau, đánh đập rồi chuyển xuống nhà lao tra tấn mấy năm ròng. Đến khi Võ Định bị tâm thần mới thả. Đồng chí Phạm Toại cùng bị địch bắt, liền tự mổ bụng trong lớp học; đồng chí Lê Quyền nhảy xuống giếng tự vẫn; Trần Tuyển bị địch lấy bàn ủi đốt than ủi lên bụng. Đồng chí Lê Đình Xáng nhảy xuống sông Bến Đò Nhơn tự sát, phản đối lớp tố cộng của địch. Và còn có thêm những Lê Thước, Hồ Đây, Nguyễn Tước …bị địch bắt và thủ tiêu.
Trong bối cảnh ấy, để hoạt động được, đòi hỏi Phạm Nghiệng cùng các đồng chí được phân công ở lại hết sức cảnh giác, bám sát cơ sở, xây dựng phong trào. Các đồng chí Ngô Dinh, Tưởng Cơ, Nguyễn Hoàng (Trường) và Phạm Nghiệng… bọn ác ôn không lạ mặt gì. Chúng rình mò, theo dõi từng dấu vết của cán bộ cách mạng. Phạm Nghiệng được tổ chức phân công đứng chân tổ chức cơ sở ở vùng A, B, thuộc các xã Điện Tiến, Điện Hồng, Điện Thọ. Đến đầu tháng 3/1957, Ơhạm Nghiệng thực hiện chuyến công tác về vùng cát Cẩm Sa, để cùng tổ chức bàn đưa các đồng chí Phạm Ký (Phạm Dục) ra Bắc, về Cẩm Sa bàn việc ở nhà bà Thông Phán, ngoài Phạm Nghiệng có các đồng chí lãnh đạo huyện và còn có anh em tổ hành lang để dẫn đưa các đồng chí ra Bắc. Cuộc gặp mặt kẻ ở người đi, các đồng chí với nhau nhưng tình cảm thân thiết. Trong ánh dầu lờ mờ hắc ra, mặc dù có người cảnh giới, nhưng bọn địch luồn vào lúc nào không hay. Khi chúng tri hô bắt Việt Cộng thì tất cả đều bung chạy. Số thanh niên nhanh chân tẩu thóat. Phạm Nghiệng thì chạy vào xóm, luồn vào sau chuồng heo nhà ông Lê Dục trốn thoát. Riêng Phạm Nghiệng, người rất rành địa hình địa vật ở Cẩm Sa nhưng lại chạy ra trảng cát thôn Đông. Bóng Phạm Nghiệng vụt đi nhưng không qua được mắt bọn cú vọ. Chúng nhanh chân ập tới, trói nghiến Phạm Nghiệng ở gần Cồn Tương. Cùi chõ, những quả đẩm, cú đạp tới tấp phủ xuống đầu, ngực làm Phạm Nghiệng tối tăm mặt mũi. Bọn cảnh sát chi công an Điện Bàn, chỉ huy cuộc vây bắt nhận ra ngay Phạm Nghiệng. Một cuộc khảo tra đẩm máu tiến hành ngay tại hiện trường. Trong thế khó giữ được bí mật hành tung, tên tuổi. Phạm Nghiệng liền khai thẳng: “Tôi là cán bộ cách mạng, về đây tuyên truyền thực hiện Hiệp Định Giơnevơ. Các ông phải bỏ súng quay về với chính nghĩa, ủng hộ nhân dân dấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử”. Nghe thế, bọn địch lại ập vào đánh đá Phạm Nghiệng túi bụi. Nhưng càng bị đánh. Phạm Nghiệng càng nói, mỗi lúc một nói to. Địch đâm hoảng, sợ quần chúng nghe thấy sẽ ùa ra tương trợ cho Phạm Nghiệng, chúng liền lấy khúc cây khớp ngang miệng hàm của ông và dẫn về chi công an quận.
Về nơi tạm giam của bọn công an ngụy mặt người dạ thú, không những Phạm Nghiệng bị những đòn đánh phủ đầu ê ẩm, mà còn bị hành hạ về tinh thần. Trong cuộc sống mái đó, nếu chỉ một sơ hở trong lời khai thì sẽ ảnh hưởng nặng nề đến tổ chức đảng, cách mạng. Và nếu, đã khai một thì sẽ phải khai tiếp, khai rồi bị đánh, bị mua chuộc, dụ dỗ. Phạm Nghiệng rất tỉnh đòn, chỉ một mực nhận mình là cán bộ cách mạng hoạt động đơn tuyến, không rõ ai ở đâu, làm gì. Đồng thời ông thực hiện những cú phản đòn, tuyên truyền lý tưởng cộng sản cho bọn địch. Đấu lý, rồi tra tấn mãi vẫn không khai thác được gì thêm, kẻ thù đã cắt nhượng chân của Phạm Nghiệng và đưa ra trói ở cột cờ của chi công an quận Điện Bàn. Ngày thứ nhất, thứ hai, thứ ba… chầm chậm trôi qua; Phạm Nghiệng vẫn đứng đấy, đêm dầm sương, ngày dang nắng, trừng trừng nhìn lũ giặc. Nhiều người cũng bị địch bắt tù thấy rõ khí tiết của Phạm Nghiệng, nhưng đành gạt nước mắt, chưa biết cách gì cứu thoát ông. May thay, trong số tù, một ít anh em địch bắt đi hành dịch, đã bí mật mua đường phèn rồi tìm cách bón cho Phạm Nghiệng vượt qua ngưỡng đói - khát bình thường của con người để tồn tại trong tư thế tố cáo tội ác dã man của kẻ thù. Nhưng, đến ngày thứ chín thì Phạm Nghiệng tắt thở.
Trong chín ngày, cảnh Phạm Nghiệng bị phơi nắng, dầm sương đến chết đã làm rúng động bao câu chuyện của đồng bào. Nhiều người râm ran bàn tán, và có người còn bạo gan lên Vĩnh Điện để tìm cách chứng kiến khí phách anh hùng của người cộng sản. Sự chịu đựng và hy sinh anh dũng trước kẻ thù của Phạm Nghiệng đã trở thành một huyền thoại củng cố đức tin cho những người cộng sản, cho những gia đình có người thân đi kháng chiến, cho đồng bào, cho những cơ sở cách mạng. Kẻ thù đã bất lực khi muốn hạ uy thế của Đảng của cách mạng. Nếu không phải như thế thì làm sao đất và người Điện Bàn mỗi lúc một dâng cao khí thế tiến công vào đồn lũy giặc. Đó cũng là sự tiếp nối khí phách anh hùng của người Điện Bàn, từ chín ngày bất khuất của Phạm Nghiệng đến chín phút làm nên lịch sử của anh Nguyễn Văn Trỗi.