Trong điều kiện thời tiết như hiện nay, khả năng khống chế sự phát tán mầm bệnh thấp, nguy cơ lây lan dịch bệnh LMLM trên đàn gia súc là rất cao. Trước tình hình trên, để chủ động phòng dịch bệnh hiệu quả, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Điện Bàn hướng dẫn cho bà con nhân dân cách nhận biết và phòng tránh như sau:
1. Đường truyền lây:
Vi rút có trong nước bọt, phân, nước tiểu, tinh dịch, sữa, dịch trong các mụn mủ của con bệnh hoặc ở trong không khí, dụng cụ môi trường…
Lây trực tiếp do nhốt chung con bệnh với con khỏe;
Lây gián tiếp qua người chăm sóc, phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi, ở các bãi chăn thả, chất thải chăn nuôi, môi trường có mầm bệnh;
Lợn sau khi khỏi bệnh vẫn bài thải vi rút trong 1-2 tháng, trâu bò có thể thải vi rút trong 3-6 tháng, thậm chí mang vi rút hàng năm, vì vậy trâu bò có thể lây bệnh do chăn thả cùng khu vực;
2. Triệu chứng của bệnh:
- Ở trâu, bò: Thời gian nung bệnh từ 2 - 5 ngày, có thể đến 21 ngày. Trâu, bò mắc bệnh, trong 2, 3 ngày đầu sốt cao trên 400C, kém ăn hoặc bỏ ăn, miệng chảy nhiều dãi và bọt trắng như bọt xà phòng; viêm dạng mụn nước ở lợi, lưỡi, vành mũi, vành móng, kẽ móng, đầu vú. Khi mụn nước vỡ ra làm lở loét mồm và dễ làm long móng.
- Ở lợn: Thời gian nung bệnh 2 - 4 ngày, có thể đến 21 ngày. Lợn mắc bệnh, sốt cao liên tục 40 - 41,50C; lợn chảy dãi, xuất hiện những mụn nước ở vùng quanh móng chân, bàn chân, kẽ móng, các mụn này phát triển thành mảng lớn, vỡ ra, tạo vết loét. Lợn bị bệnh ngại vận động, hay nằm, ăn ít; lợn bị bệnh nặng, có thể di chuyển bằng đầu gối, gây sây sát ở đầu gối. Ở lợn nái, mụn có thể mọc ở núm vú, gây đau nên lợn mẹ không cho lợn con bú, mụn vỡ tạo vết loét có thể gây viêm vú. Lợn nái mang thai sẽ bị sảy thai.
- Dê, cừu: Thời gian nung bệnh 2 - 7 ngày, dê, cừu mắc bệnh, sốt cao 41,50C trong 2 - 4 ngày, xuất hiện những mụn nước dầy đặc xung quanh miệng, sau đó đến chân, vú; mụn nước vỡ ra làm lở loét miệng nên dê, cừu đau miệng khó ăn.
- Ở thể huỷ diệt, triệu chứng xuất hiện ở đường tiêu hoá hoặc viêm phổi, gia súc chết nhanh trong vòng 12 - 20 giờ nên chưa có triệu chứng nào khác.
3. Bệnh tích:
Bệnh tích điển hình của bệnh LMLM là các mụn nước và vết loét ở miệng, móng, vú. Ở thể huỷ diệt có những biến đổi ở cơ vân, cơ tim, có thể gây viêm gan, thận và biến đổi ở lách.
4. Các biện pháp phòng bệnh:
- Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, nâng cao sức đề kháng của đàn gia súc, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học.
- Thường xuyên theo dõi sức khỏe của đàn gia súc. Khi phát hiện gia súc có hiện tượng ốm, chết bất thường cần khai báo ngay với chính quyền, thú y xã phường để được hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Không vứt xác gia súc bừa bãi ra ngoài môi trường.
- Hàng ngày vệ sinh, chuồng trại. Phát quang bụi rậm để xua đuổi côn trùng ngoài tự nhiên. Định kỳ tiêu độc, khử trùng bằng thuốc sát trùng, rắc vôi bột tại các lối vào khu vực chăn nuôi, khu vực cống rãnh, nơi thoát nước thải.
- Tiêm phòng đầy đủ vắc-xin LMLM cho lợn mọi lứa tuổi.
- Khi sử dụng thức ăn tận dụng phải nấu chín kỹ mới cho lợn ăn.
- Nhập lợn giống rõ nguồn gốc, từ các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
- Hạn chế người thăm quan, ra vào chuồng nuôi, đặc biệt là thương lái. Tiêu độc khử trùng kỹ các phương tiện, dụng cụ, con người ra, vào trại.
- Cơ sở giết mổ nhập lợn rõ nguồn gốc, từ cơ sở an toàn dịch bệnh.
Để hạn chế dịch bệnh xảy ra, đảm bảo an toàn cho vật nuôi, đề nghị các hộ chăn nuôi nắm vững và áp dụng tốt các biện pháp nêu trên. Khi phát hiện lợn có triệu chứng không bình thường, nghi mắc bệnh phải khai báo ngay với chính quyền địa phương và Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Điện Bàn để xử lý kịp thời./.