Trên cây màu cũng phát sinh một số đối tượng gây hại như nấm mốc đen, mốc trắng gây hại trên lạc, nấm hạch gây hại trên cây cove. Với tình hình thời tiết âm u, nắng mưa xen kẽ, đêm lạnh, sáng sớm có sương mù tạo điều kiện rất thuận lợi cho bệnh bùng phát mạnh trên diện rộng.
Để bảo vệ an toàn cho vụ sản xuất, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Điện Bàn hướng dẫn một số biện pháp chăm sóc, phòng trừ dịch hại như sau:
I. Đối với cây lúa
1. Biện pháp chăm sóc:
- Thường xuyên thăm đồng, kiểm tra đòng lúa để bón phân đón đòng đúng lúc, cần bón đầy đủ và cân đối theo quy trình hướng dẫn của Sở NN và PTNT, bón đủ lượng phân Kali (2 - 3 kg/sào) để giúp lúa tăng khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh bất lợi, đồng thời giúp cho quá trình tạo hạt tốt hơn. Đặc biệt, cần quan sát màu sắc lúa để bón, khi lúa làm đòng bộ lá lúa chuyển sang màu vàng chanh, nếu ruộng lúa vẫn còn bộ lá màu xanh đậm thì nên giảm lượng phân ure để không bị thừa đạm dễ dẫn đến bộc phát bệnh đạo ôn.
- Cần tranh thủ đắp bờ giữ nước để bón đòng và đảm bảo cho cây lúa làm đòng, trỗ được thuận lợi.
2. Quản lý dịch hại:
2.1. Đối với chuột hại:
Giai đoạn hiện nay khi lúa chuẩn bị làm đòng thì biện pháp diệt chuột hiệu quả nhất là dùng các loại bẫy như bẫy kẹp, bẫy lồng, bẫy bán nguyệt…, việc đánh bã ít mang lại hiệu quả.
Đặt bẫy nên đặt vào lúc chiều tối, thu bẫy vào sáng hôm sau. Bẫy được đặt trên đường đi của chuột. Với những đám chuột cắn từng chòm, vạt thì đặt trên đường đi và xung quanh vạt cắn cách xa tầm 01 mét vì xu hướng chuột sẽ đi theo lối mòn và cắn lan rộng ra.
2.2. Đối với bệnh Đạo ôn lá:
Trên đồng ruộng, bệnh đạo ôn lá đã phát sinh gây hại trên một số giống như Xi23, 13/2, BC15, TBR225… tại một số xã, phường vùng Đông như Điện Nam Đông, Điện Nam Trung, Điện Phương…, cục bộ cháy chòm một số diện tích bón thừa đạm. Trước tình hình thời tiết thuận lợi cho bệnh phát triển, các địa phương cần thông báo cho nông dân thăm đồng để kiểm tra kỹ, khi phát hiện bệnh thì xử lý ngay không cho bệnh lây lan ra diện rộng. Nên dùng các loại thuốc đặc hiệu như: Fujione 40WP, Filia 525SE, FuAn 40EC,.. để phun trừ.
Lưu ý:
- Khi ruộng bị bệnh đạo ôn cần phải phun thuốc ngay và dừng bón phân đến khi ruộng không phát sinh vết bệnh mới. Không kết hợp các loại phân bón lá với thuốc để phun xử lý bệnh. Đọc kỹ hướng dẫn trên bao bì trước khi sử dụng.
II. Đối với cây màu:
1. Bệnh mốc đen, mốc trắng trên cây lạc:
Bệnh phát triển do nấm. Thời kỳ gây hại từ khi lạc bắt đầu ra hoa trở về sau. Trong điều kiện trời có mưa nắng xen kẽ, độ ẩm trong đất cao, nhiệt độ không khí cao như hiện nay tạo điều kiện cho bệnh phát sinh mạnh. Một số biện pháp nông dân nên áp dụng để phòng trừ bệnh như:
+ Sử dụng nấm đối kháng Trichoderma bón bổ sung cho đất.
+ Dùng thuốc phun vào gốc cây để chống bệnh héo rũ lạc do nấm như: Kasumin 2L (1,5-2l/ha); Topsin M-70WP (0,4-0,6kg/ha). Phun phòng giai đoạn lạc ra hoa, đâm tia nhất là sau các đợt mưa.
+ Nhổ bỏ cây bệnh khi mới chớm phát sinh, rắc vôi bột vào gốc trên mặt luống hoặc tưới nước vôi loãng 4% vào gốc để hạn chế các loại nấm gây bệnh.
+ Sử dụng các thuốc phía trên phun khi cây bị bệnh để tránh lây lan diện rộng.
2. Bệnh nấm hạch trên cây Cove:
Đây là bệnh thường gây hại Cove giai đoạn quả lớn, gây ảnh hưởng năng suất. Cần tăng cường thăm đồng để kịp thời phát hiện bệnh, nhất là thời điểm nhiệt độ không khí xuống thấp, dùng các loại thuốc có hoạt chất Iprodione (như Viroval 50 BTN, Hạt vàng,...) để phòng trừ.
Trên đây là một số biện pháp để chăm sóc và quản lý chuột, bệnh đạo ôn lá gây hại trên lúa và một số nấm bệnh trên cây màu. Đề nghị các địa phương tập trung tuyên truyền, thông tin, vận động nông dân thực hiện tốt những biện pháp hướng dẫn của Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp để bảo vệ an toàn sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021 được thắng lợi.