Chương trình với chuỗi các hoạt động như Liên hoan văn nghệ “Tự hào phụ nữ Việt Nam”, trình diễn áo dài hưởng ứng sự kiện “Tuần lễ Áo dài” Việt Nam, phát động phong trào “1.000 áo dài cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn”, hưởng ứng năm Quốc gia khởi nghiệp: trưng bày sản phẩm Ocop, sản phẩm khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, sản phẩm quê hương của phụ nữ.
Liên hoan văn nghệ “Tự hào phụ nữ Việt Nam” diễn ra vào đêm 3/3 tại Quảng trường thị xã. Bà Đặng Thị Lệ Thủy – Tỉnh ủy viên – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo các Ban chuyên môn của Hội LHPN tỉnh, ôngTrần Hải Vân – Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã; bà Nguyễn Thị Thúy Hằng – Thị ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thị xã đã đến dự.
Liên hoan diễn ra khá quy mô và chất lượng. Các tiết mục văn nghệ của 11 đơn vị được chọn từ vòng sơ khảo vào vòng chung khảo được Ban tổ chức đánh giá cao cả nội dung tư tưởng và nghệ thuật với các chủ đề biết ơn những nữ anh hùng trong đấu tranh giữ nước, tôn vinh người phụ nữ hiện đại ngày càng có tri thức, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hoá, giàu lòng nhân hậu, tình yêu thương người phụ nữ dành cho gia đình, tài năng và những đóng góp của người phụ nữ đối với xã hội.
Về nghệ thuật, các tiết mục đa dạng về thể loại và sự đầu tư rất lớn cả kịch bản, trang phục, đạo cụ, âm nhạc. Diễn xuất của diễn viên không chuyên đã mang lại cảm xúc cho khán giả. Những giọt nước mắt lặng lẽ rơi khi xem diễn viên Trần Thị Mỹ Hạnh (đơn vị Điện Tiến) vào vai người mẹ với ngọn đèn dầu làm ám hiệu chở che cho các anh bộ đội và nỗi đau ngút trời khi nhận lại những kỷ vật của con mình nhưng vẫn mạnh mẽ để các chiến sỹ yên tâm tiếp tục chiến đấu. Chị đã viết kịch bản, đạo diễn và vào vai chính thật xuất sắc, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Chị chia sẻ, bản thân chị được sinh ra ở mảnh đất Điện Tiến được mệnh danh là chiếc nôi cách mạng, qua lời kể của bà, của mẹ, được biết những hy sinh to lớn của bao người trong kháng chiến trong đó có chị em phụ nữ nên khi đảm nhận viết kịch bản và dàn dựng tiết mục dự thi, chị đã hoá thân những người mẹ vĩ đại bằng tất cả cảm xúc chân thực nhất của mình. Một vai diễn nữa để lại ấn tượng đẹp với khán giả là bà Trưng Trắc trơng trích đoạn cải lương Tiếng trống Mê Linh với sự thể hiện của Nguyễn Thị Ái Linh đến từ đơn vị Điện Thọ. Chị đã biểu diễn thật xuất thần những đoạn hào khí anh hùng, gương mặt uy nghiêm và đôi mắt ánh lên sự mạnh mẽ, căm hờn, khi nhấn nhá những câu hiệu triệu đôi môi mím lại lột tả được sự quyết đoán kiên cường. Các tiết mục Liên khúc “Hát về phụ nữ Việt Nam” của đơn vị Điện Trung, hát múa Người Mẹ làng sen của đơn vị Vĩnh Điện, tổ khúc dân ca Tự hào phụ nữ Việt Nam của đơn vị Điện Thắng Nam, Tự hào hai bà Trưng của đơn vị Điện Hoà, Liên khúc bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn + cô gái Sài Gòn đi tải đạn của đơn vị Điện Phước, tiết mục hát múa Hình ảnh phụ nữ trong tim tôi của đơn vị Điện Dương, Đất nước lời ru của đơn vị Điện Quang, Xinh tươi Việt Nam của đơn vị Điện Phương đã thể hiện ngôn ngữ hình thể, xây dựng nổi bật hình tượng Hai Bà Trưng, người mẹ Việt Nam anh hùng, chị Võ Thị Sáu, 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc và hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện đại ngày nay. Đặc biệt, hoạt cảnh Cúc ơi – Vẻ vang phụ nữ Việt Nam của đơn vị Điện Ngọc đã thuyết phục hoàn toàn đông đảo khán giả và Ban giám khảo bởi sự phối hợp khá hoàn hảo giữa âm nhạc, diễn xuất, tạo dấu ấn rõ nét tại Liên hoan.
Chị Lê Thị Minh Trâm (đơn vị Điện Phước) cho biết, khi thể hiện liên khúc bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn + cô gái Sài Gòn đi tải đạn, trong chị trào dâng niềm xúc động nên hát bằng cả trái tim của mình khi nghĩ về những người con gái mới 18, đôi mươi đã dành trọn thanh xuân của mình cống hiến cho Tổ Quốc, rất nhiều người đã ngã xuống và vô cùng biết ơn sự hy sinh to lớn của các chị để giành lại độc lập tự do.
Phần trình diễn áo dài, hầu hết các thí sinh tự tin thể hiện sự nhẹ nhàng, uyển chuyển, tôn vinh được vẻ đẹp phụ nữ và tà áo dài Việt Nam.
Nhìn chung, đây là một Liên hoan khá quy mô và chất lượng bởi các đơn vị chuẩn bị đầu tư rất bài bản. Ban tổ chức đã trao giải nhất văn nghệ cho đơn vị phường Điện Ngọc, trao giải nhì cho đơn vị Điện Thọ và Vĩnh Điện, giải ba thuộc về các đơn vị Điện Tiến, Điện Trung, Điện Thắng Nam. Giải nhất toàn đoàn thuộc về đơn vị phường Vĩnh Điện, giải nhì đơn vị Điện Thọ và Điện Thắng Nam nhận giải ba.
Với mong muốn những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thị xã cũng được khoe sắc trong tuần lễ áo dài cũng như trong các dịp lễ, tết, ngày hội. Với tinh thần “Tặng áo dài - trao gửi yêu thương”, Hội LHPN thị xã phát động phong trào “1.000 áo dài cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thị xã”, đã nhận được sự hưởng ứng rất tuyệt vời, nhanh chóng của các Hội cơ sở. Tại đêm diễn, Hội LHPN thị xã đã trao tặng 42 chị mỗi chị 1 bộ áo dài và 500.000đ. Hưởng ứng đợt phát động của thị hội, Hội LHPN 20 xã phường đã ủng hộ 1.350 bộ áo dài mới. Thị uỷ Điện Bàn tặng 20 bộ áo dài, Văn phòng Tổng đại lý Prudential Điện Bàn tặng 20 bộ trị giá 6 triệu đồng, Bệnh viện đa khoa khu vực Quảng Nam tặng 5 triệu đồng, Studio Nguyên Lực tặng 14 bộ áo dài trị giá 4.200.000 đồng, BV Đa khoa Vĩnh Đức tặng 3 triệu đồng, Áo dài Trần Vân tặng 10 bộ áo dài trị giá 3 triệu đồng, Hệ Thống Viện điều trị Da liễu-thẩm mỹ Dr Aquar tặng 5 bộ áo dài, 4 suất quà trị giá 3.500.000 đồng và tặng 120 voucher chăm sóc da chuyên sâu.
Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm ngày QTPN, chiều ngày 3.3, Hội LHPN 20 xã phường đã trưng bày sản phẩm Ocop, sản phẩm khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, sản phẩm quê hương của phụ nữ tại Quảng trường thị xã, thu hút sự quan tâm của nhiều người. Đông đảo khách tham quan khá ấn tượng với gian hàng sản phẩm quê hương của đơn vị Điện Tiến được trưng bày rất đẹp và nhiều sản phẩm. Hoạt động này diễn ra song song với các hoạt động văn nghệ, trình diễn áo dài nên rất vất vả cho các xã phường nhưng các đơn vị đã chuẩn bị rất chu đáo và trưng bày đẹp mắt. Ban tổ chức đã trao giải nhất cho đơn vị phường Vĩnh Điện, trao giải nhì cho đơn vị Điện Thọ và trao giải ba cho đơn vị Điện Thắng Nam.