Đồng chí Nguyễn Đình Trân, sinh năm 1919 trong một gia đình giàu lòng yêu nước, ở làng Bàng Lãnh – Gò Nổi, huyện Điện Bàn. Thời niên thiếu, đồng chí Trân đã từng chứng kiến nỗi đau của người dân mất nước và cảnh lầm than khốn khổ của nhân dân sống trong nô lệ với hai tròng áp bức. Đồng chí sớm giác ngộ cách mạng và cống hiến cả tuổi thanh xuân phục vụ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Những năm tiền khởi nghĩa (1930-1940), cách mạng ta còn ở thời sơ khai, đồng chí Trân là hạt giống đỏ trên quê hương dâu tằm. Đồng chí là người chiến sĩ Cộng sản đầu tiên cắm cờ đỏ búa liềm tại cầu Chiêm Sơn trên quê hương Gò Nổi, đã làm nức lòng nhân dân dọc sông Thu Bồn. Mùa thu tháng Tám năm 1945, với cương vị Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, đồng chí cùng với lãnh đạo huyện ủy Điện Bàn triệu hiệu toàn quân, toàn dân vùng lên cướp chính quyền từ tay giặc. Tên tuổi của đồng chí Trân luôn sáng ngời trong các phong trào đấu tranh cách mạng, được nhân dân quê nhà ngưỡng mộ, tin yêu và mến phục.
Đất nước chia cắt, ở miền Nam, bọn Mỹ Diệm ra sức đàn áp, khủng bố những người yêu nước. Gò Nổi, xứ sở dâu tằm tơ lụa nhuộm thắm một màu tang tóc dưới chế độ độc tài của gia đình họ Ngô. Bọn giặc ngày đêm lùng sục tận thôn cùng, xóm vắng để thực hiện âm mưu “tố cộng, diệt cộng”. Trong những ngày đen tối đó, không may đồng chí Trân sa vào tay giặc. Chúng giam đồng chí tại nhà lao Vĩnh Điện để khai thác với những cục hình tra tấn dã man. Qua điều tra, bọn giặc biết đồng chí Trân là một chiến sỹ cộng sản quan trọng và có uy tín với nhân dân, cuối cùng bọn chúng quyết định đày đồng chí ra nhà lao Thừa Phủ. Mặc dù sống trong cảnh cá nằm trên thớt, nhưng chờ bọn giặc sơ hở, đồng chí tranh thủ thời gian, tìm mọi cách liên lạc với tù nhân, trao đổi, tuyên truyền đường lối của Đảng và vạch trần những âm mưu thủ đoạn của bọn Mỹ Diệm. Hưởng ứng tinh thần đấu tranh của đồng chí Trân, tù nhân cách mạng thành lập (kín) nhóm chống chuyển hướng (tức là nhóm chống lại những tư tưởng phản cách mạng). Theo đó phong trào đấu tranh của tù nhân dâng cao. Đặc biệt nhóm sáng tác thơ ca, viết báo, tranh ảnh đã phá vỡ âm mưu thâm độc tố cộng, diệt cộng. Chúng chuyển sang âm mưu phân tán những chiến sĩ cách mạng trung kiên bằng nhiều hình thức hèn hạ, dã man như: dẫn đi thủ tiêu hoặc lưu đày biệt xứ ngoài Côn Đảo. Đồng chí Trân cùng 5 đồng chí khác bị giam vào xà lim cầm cố. Để ngăn chặn vận động tuyên truyền đấu tranh, bọn cai ngục xà lim bày ra trò quỷ quái, bắt mỗi tù nhân ngậm một thẻ vào miệng, ngồi riêng biệt một góc. Cửa ra vào xà lim niêm khóa im ỉm. Dù hình phạt đã dã tâm, hay trăm mưu nghìn kế đi chăng nữa cũng không thể nào ngăn nổi bầu nhiệt huyết cách mạng của đồng chí Trân. Không thể khoanh tay ngồi trong 4 bức tường xà lim để kẻ thù lung lạc ý chí anh em. Bao đêm trăn trở tìm cách đưa thông tin ra ngoài, vận động tù nhân tiếp tục chiến đấu, đồng chí Trân chọn điểm an toàn nhất là dùng ống hố xí làm hộp thư để trao đổi tình hình bên ngoài, qua đó chỉ đạo các phòng giam thống nhất họat động. Như chống chào cờ ba sọc, chống tham gia ca kịch phản động, chống cần lao nhân vị và tẩy chay bữa ăn ngon chiêu đãi tù mừng “sinh nhật” và “Quốc khánh” của Diệm...
Năm 1960, một sự kiện lớn của Cách mạng miền Nam, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam được ra đời. Đây là một bước ngoặc lịch sử, một luồng sinh khí mới tạo cho tù nhân một niềm tin thắng lợi thuộc về chính nghĩa. Còn bọn Mỹ Diệm thì điên rồ, cuồng loạn ra sức đàn áp bắt bớ dân lành. Nhà lao Thừa Phủ bấy giờ đầy ắp tù nhân, không khí ngột ngạt. Nhằm dập tắt ngọn lửa đấu tranh chống phá tại nhà lao, vào đêm đông năm 1960, bọn tay sai Ngô Đình Cẩn vào xà lim còng tay đồng chí Nguyễn Đình Trân cùng 3 đồng chí khác là Nguyễn Minh Vân, Nguyễn Trung Dân và Nguyễn Quí. Mọi người đều nghĩ chúng đưa đi thủ tiêu. Nhưng tàn nhẫn hơn, chúng tống giam các đồng chí vào tử ngục 9 hầm để chết dần, chết mòn trong ngục tù. Tử ngục 9 hầm nào khác là mồ chôn sống tù nhân. Ở đây chỉ có tra khảo, đói rét, bệnh tật... và ai đã vào đây thì không có đường ra. Tử ngục 9 hầm này do tên Việt gian khét tiếng Ngô Đình Cẩn cùng một số thuộc hạ tay chân của hắn xây dựng thành mồ chôn để dần dần giết những chiến sĩ cộng sản trung kiên, gan dạ.
Mãi đến tháng 11.1963, chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật dổ, người ta mới khám phá nơi giam cầm đồng chí Trân và đồng đội. Nhưng chỉ còn 3 sinh linh da bọc xương, tàn tụy xanh xao đang hấp hối, còn đồng chí Trân đã hy sinh. Theo đồng chí Nguyễn Quí, một trong số những tù nhân bị giam ở tử ngục 9 hầm xúc động kể lại sự ra đi của đồng chí Trân: Anh Trân bị địch tống xuống hầm giữa mùa đông vuốt giá. Hầm sâu, thiếu ánh sáng, chật chội, mưa thì ướt dột, nằm trong hầm không chiếu chăn, rét lạnh, anh lâm bệnh lao phổi. Cộng thêm ăn uống thiếu thốn, không thuốc men. Nằm hầm bên nghe từng cơn ho rũ rượi của anh vọng sang, làm tâm can chúng tôi xốn xang tưởng như mình đang bị hành hạ. Đến ngày 24/6/1961, anh Trân kiệt sức vĩnh biệt đồng đội ra đi...
Sự hy sinh quả cảm của đồng chí Nguyễn Đình Trân, mãi 25 năm sau ngày quê hương giải phóng mới được rõ. Gia đình và đồng đội đã trở lại tử ngục 9 hầm để tìm hài cốt đưa về quê nhà mai táng. Nhưng đều vô vọng, kẻ thù đã phi tang thân xác để chôn lấp sự nham hiểm lòng lang dạ thú của chúng. Và 25 năm sau, người chiến sĩ cộng sản kiên trung Nguyễn Đình Trân được Đảng và Nhà nước truy tặng bằng Tổ quốc ghi công.