Ra đời dựa trên sự kế thừa của chương trình “Quản lý dịch hại tổng hợp trên cây lúa”(IPM), “3 giảm 3 tăng” sớm được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là TBKT mới và chỉ đạo nhân rộng từ năm 2006. Kỹ thuật này chú trọng đến hai yếu tố “đầu vào và đầu ra” - là mấu chốt của vấn đề “canh tác bền vững”. Các đầu vào nằm trong nội dung của ba giảm bao gồm: “giảm giống, giảm phân đạm và giảm thuốc bảo vệ thực vật”. Ngược lại, sản phẩm thu được sẽ cho năng suất tăng, chất lượng tăng và tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.
Huyện Điện Bàn có hơn 5600 ha lúa canh tác 2 vụ. Trong nhiều năm qua, UBND huyện đã thực hiện nhiều chương trình đầu tư nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng năng suất, chất lượng và tăng thu nhập cho người trồng lúa. Chương trình “3 giảm 3 tăng” là một trong những giải pháp đã được áp dụng nhiều nơi trên địa bàn huyện và bước đầu thu được những kết quả nhất định.
Lợi ích dễ nhận thấy khi áp dụng “3 giảm 3 tăng” là giúp bà con giảm được chi phí vật tư do giảm được số lượng các yếu tố giống, phân đạm và thuốc BVTV. Có nhiều lý do để các nhà khoa học chọn “giống” là vấn đề cần quan tâm trước nhất trong yêu cầu “3 giảm”. Giảm lượng giống gieo sạ có nghĩa bà con nên sạ thưa hơn so với bình thường. Cơ sở khoa học của việc sạ thưa nhằm điều khiển mật độ đồng đều hợp lý cho ruộng lúa. Nhờ đó, ánh sáng sẽ chiếu sâu vào từng gốc lúa và từng kẽ lá, giúp cây lúa tận dụng được tối đa nguồn năng lượng này để quang hợp tốt hơn, tích lũy chất khô nhiều hơn. Đây cũng là điều kiện giúp lúa cứng cây, đẻ nhánh khỏe và số nhánh hữu hiệu cao. Khi cây lúa khỏe mạnh, khả năng chống chịu đối với sâu bệnh và diễn biến thất thường của thời tiết cũng tốt hơn.
Lâu nay vì nhiều mục đích khác nhau, nông dân thường có thói quen gieo sạ dày với lượng giống sạ trung bình 5kg/sào (có nơi 7kg/sào). Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, đây là một trong những sai lầm của nông dân trồng lúa Châu Á. Thật vậy! trong quá trình canh tác, người nông dân thường xuyên phải đối mặt với sâu bệnh và cỏ dại. Và sạ dày là “điều kiện cần” để chúng có cơ hội phát sinh gây hại. Vì khi mật độ lúa trên ruộng vượt mức tối ưu, môi trường sống trở nên chật hẹp nên cây lúa phải tranh chấp dinh dưỡng lẫn nhau. Sự cạnh tranh sẽ làm cho cả quần thể lúa trở nên mỏng manh yếu ớt, sức đề kháng kém nên dễ đỗ ngã và dễ bị sâu bệnh tấn công. Theo kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, lượng giống sạ cấy thích hợp đối với lúa thường là 2,0 - 2,5kg/sào, lúa lai F1 là 1,2 - 1,5kg/sào.
Sau mỗi vụ canh tác, cây lúa lấy đi của đất một lượng dinh dưỡng nhất định. Nhờ có phân bón, con người đã phần nào “trả” được món nợ dinh dưỡng ấy cho đất. Trong bộ ba “đạm, lân, kali”, phân đạm luôn được quan tâm nhiều nhất. Đạm thường giúp lúa “khoe thành tích” ra bên ngoài bằng tốc độ sinh trưởng nhanh và có màu sắc đặc trưng. Vì vậy, tác dụng của nó dễ làm người nông dân nhầm tưởng và trở nên lạm dụng. Khi bón quá nhiều, cây lúa sử dụng không hết sẽ tạo ra lượng đạm dư thừa, lâu ngày dễ làm cho đất bị chai cứng và mất cân bằng dinh dưỡng. Mặt khác, đây là yếu tố làm tăng số lượng sâu bệnh hại đặc biệt là rầy nâu - kẻ thù nguy hiểm trên đồng ruộng. Vì khi bón thừa đạm sẽ dẫn tới hình thành nhiều protein và axitamin trong thân cây lúa, đây là những chất cần cho sự phát triển của rầy nâu. Do vậy, giảm phân đạm là yêu cầu quan trọng của “3 giảm 3 tăng”. Trên thị trường hiện nay đã xuất hiện nhiều chế phẩm sinh học vừa tốt cho cây trồng vừa có lợi cho đất như phân sinh học Wehg, phân vi sinh Biogro... Bà con có thể dùng các loại phân này để bón bổ sung và dần thay thế phân vô cơ.
Để tạo ra cây lúa khoẻ ngay từ ban đầu; bà con cần sạ thưa, bón phân cân đối và áp dụng các biện pháp chăm sóc phù hợp. Cây lúa khỏe không có nghĩa trên đồng ruộng hoàn toàn sạch cỏ dại và không có sâu bệnh hại mà khoẻ để tăng khả năng chống lại những tác nhân gây hại. Khi đó, sâu bệnh ít có điều kiện bùng phát thành dịch, người nông dân sẽ giảm được chi phí và công sức cho việc dùng thuốc BVTV. Như vậy, “giảm thuốc BVTV” là hệ quả của “giảm giống và giảm phân đạm”.
Có thể khẳng định “3 giảm 3 tăng” là chương trình thiết thực đối với bà con nông dân. Kết quả của những vụ trước là minh chứng rõ ràng nhất về hiệu quả của chương trình này. Theo kết quả hạch toán kinh tế từ các mô hình trình diễn vụ Đông Xuân 2008 - 2009 tại các xã cho thấy: áp dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” kết hợp công cụ sạ hàng giảm được chi phí 140.000đ/sào và cho năng suất 73,8 tạ/ha, tăng hơn 7,2 tạ/ha so với ruộng đối chứng.
Vụ hè thu năm 2010, được sự đầu tư hỗ trợ của chương trình khuyến nông tỉnh, Trạm Khuyến Nông - Khuyến Lâm huyện Điện Bàn phối hợp với HTXNN 1 Điện Phước và HTXNN 1 Điện Thọ tiếp tục thực hiện chương trình “3 giảm 3 tăng” trên diện rộng. Toàn bộ diện tích 45ha gồm 35ha ở Điện Phước và 10ha ở Điện Thọ đều được gieo sạ bằng công cụ sạ hàng. Sử dụng công cụ này giúp quá trình gieo sạ diễn ra nhanh, tiết kiệm giống, lúa mọc đồng đều và thẳng hàng. Do đó đến kỳ thu hoạch, việc áp dụng máy móc cơ giới cũng trở nên dễ dàng hơn. Đây là công cụ hỗ trợ đắc lực cho kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, là một bước tiến mới trong thâm canh lúa, góp phần cơ giới hóa khâu gieo cấy.
Trong những năm đầu thực hiện, chương trình “3 giảm 3 tăng” gặp khá nhiều khó khăn. Với việc gieo sạ thủ công, người nông dân rất khó điều khiển được mật độ sạ thưa đúng như yêu cầu. Bên cạnh đó, nếu giảm phân đạm bà con lại không tìm ra một loại phân nào phù hợp để thay thế. Hiện nay, với việc sử dụng công cụ gieo sạ tiên tiến cùng với sự xuất hiện nhiều loại phân bón hiệu quả cao nên việc nhân rộng chương trình này trở nên thuận lợi hơn. HTXNN 1 Điện Phước có gần 1/3 diện tích đất ruộng dùng để sản xuất lúa giống. Tại buổi tập huấn trước ngày gieo sạ, mặc dù được nghe cán bộ khuyến nông huyện phân tích rất rõ về “kỹ thuật 3 giảm 3 tăng kết hợp công cụ sạ hàng” song nhiều nông dân vẫn còn e ngại và chưa tin tưởng vào cách làm mới. Vì lượng giống dùng cho 1 sào rất thấp, giảm một nửa so với trước đây nên một số người dân cảm thấy chưa yên tâm tin tưởng. Chỉ khi lúa bắt đầu đẻ nhánh, nhìn những cánh đồng lúa thẳng đều tăm tắp - cây lúa cứng cáp vì bộ rễ bám sâu vào đất họ mới bắt đầu tỏ ra yên tâm. Để việc gieo sạ được diễn ra đồng bộ và tập trung, HTXNN 1 Điện Phước đã xây dựng các tổ làm dịch vụ, thuê lao động ngâm ủ giống và kéo sạ cho bà con. Với mỗi sào lúa gieo sạ, HTX sẽ thu của bà con 10.000đ. Đây là cách làm mới giúp người nông dân giảm sức lao động, tiết kiệm thời gian, góp phần tạo nên một bước tiến mới cho chương trình “3 giảm 3 tăng”.
Kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” trong canh tác lúa đã thực sự tỏ ra có nhiều ưu điểm nổi bật trong giai đoạn nông nghiệp hiện nay. Trước tình trạng giá cả vật tư ngày càng leo thang thì việc “giảm chi phí đầu vào” là lợi ích rất thiết thực đối với người nông dân. Bên cạnh đó, 3 lợi ích khác là tăng năng suất, tăng chất lượng và tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích đã thật sự làm hài lòng và tạo niềm tin cho bà con. Quan trọng hơn, sự thành công lớn nhất của “3 giảm 3 tăng” là kỹ thuật đã thực sự giúp người nông dân thay đổi tư duy và thói quen canh tác cũ, nhờ đó giảm được tác hại đối với sức khỏe con người và môi trường sống.
Ở Điện Bàn hiện nay, sản xuất lúa không chỉ để phục vụ nhu cầu gia đình mà hạt lúa đã dần trở thành sản phẩm hàng hóa được đem ra trao đổi trên thị trường. HTXNN 1 Điện Phước là một đơn vị sản xuất lúa giống “hàng hóa” điển hình của huyện. Bên cạnh đó, trên toàn huyện còn có 15 HTXNN chuyên sản xuất giống theo hợp đồng với tổng diện tích sản xuất bình quân trên 600 ha/vụ, được phân bố trên nhiều cánh đồng theo hình thức chuyên canh. Đây là một lợi thế chiến lược để nhân rộng mô hình “3 giảm 3 tăng”, lấy đó làm giá đỡ đưa sản phẩm “lúa Điện Bàn” trở thành thương hiệu đỉnh cao. Do vậy, việc tìm ra một giải pháp canh tác vừa có lợi cho người sản xuất vừa đáp ứng được yêu cầu khắt khe về chất lượng và giá cả của người tiêu dùng là hết sức cần thiết. Áp dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng sẽ đạt được những mong ước to lớn đó.