Sự quan tâm “đặc biệt”
Cơn đau tim đã mang mẹ của Hiểu Trân ra đi mãi mãi khi Trân mới một tuổi, đáng thương nhất là em của Trân phải dứt sữa mẹ khi chào đời không bao lâu. Ba và bà nội của Trân phải đi xin từng giọt sữa. Những tưởng thiếu hơi ấm của mẹ, hai chị em được bù đắp bởi tình yêu thương của ba và nội, nhưng rồi ba Trân cũng lâm bệnh nặng bỏ chị em Trân côi cút giữa dòng đời. Bà nội già yếu vừa làm cha vừa làm mẹ chở che hai đứa cháu bất hạnh. Thương bà, hai chị em Trân chỉ còn biết ngoan ngoãn và cố gắng học hành trong vòng tay yêu thương của thầy cô, bạn bè và sự giúp đỡ của Hội khuyến học các cấp cùng các nhà tài trợ luôn lặng thầm dõi theo.
Có thể nói rằng, sự quan tâm của Hội khuyến học thị xã và các xã, phường đến số phận trẻ em kém may mắn để lo tìm nguồn hỗ trợ trong thời gian qua đã giúp đỡ được nhiều em tiếp tục hành trình đi tìm con chữ. Thời gian qua, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập luôn được thị xã Điện Bàn và các xã phường đặc biệt quan tâm. Sự chung tay của từng cá nhân, gia đình, dòng họ và của cả xã hội cùng đưa phong trào khuyến học, khuyến tài ngày càng đi vào chiều sâu. Hiện nay, 140/140 thôn, khối phố đều có chi hội khuyến học, 78 Ban khuyến học các đơn vị trường học, 698 Ban khuyến học tộc họ và 16 Ban khuyến học tôn giáo.
Lan tỏa tinh thần khuyến học
Ngay từ đầu năm, Ban thường trực Hội yêu cầu các cấp Hội cần quan tâm phối hợp với các nhà trường trên địa bàn xã, phường thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, xây dựng các mô hình học tập. Hội KH thị xã đã lập danh sách 10 em học sinh hoàn cảnh gia đình nghèo, khó khăn đề nghị nhận học bổng của Hội khuyến học tỉnh Quảng Nam, phối hợp với Phòng giáo dục và các đơn vị trường THCS lập hồ sơ 17 học sinh giỏi tiếng Anh để xét chọn ửng cử viên đề nghị hưởng lợi chương trình học bổng Vòng tay Thái Bình năm học 2022 – 2023. Các cấp hội từ thị xã đến các xã, phường, các chi hội khuyến học thôn, khối phố, các Ban khuyến học trường học, các tộc họ… đã tích cực vận động các công ty, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cá nhân ủng hộ 4 tỷ 995 triệu đồng. Đặc biệt có 5 địa phương triển khai mô hình đỡ đầu cho học sinh các cấp vượt khó vươn lên học tập tốt là Hội Khuyến học phường Vĩnh Điện 45 em, Hội Khuyến học xã Điện Thọ 44 em, Hội Khuyến học Điện Phương vận động các doanh nghiệp đỡ đầu 3 học sinh, Hội Khuyến học Điện Thắng Trung trao 25 suất học bổng, 18 xe đạp, hỗ trợ 5 học sinh khó khăn với tổng trị giá 51 triệu đồng, Hội Khuyến học Điện Thắng Bắc khen thưởng 60 em học sinh xuất sắc, tổng trị giá 30 triệu đồng. Ban khuyến học 5 đơn vị trường THPT trao học bổng và khen thưởng cho học sinh xuất sắc, giỏi, tài năng 2.694 suất, 770 triệu đồng. Một số xã đã huy động được nguồn kinh phí lớn từ 150 triệu đồng trở lên gồm các xã phường Điện Minh, Điện Trung, Điện Thọ, Điện Hồng , Điện Phước, Vĩnh Điện…
Hội Khuyến học thị xã luôn là chỗ dựa vững chắc cho các em
trên con đường học vấn của mình. Ảnh: Huyền Chi
Việc cấp phát học bổng, hỗ trợ, trợ cấp cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chú trọng. Hội khuyến học thị xã đã cấp phát học bổng cho 230 em, với 210.000.000 đồng, vận động Hội đồng hương Điện Bàn tại TP Hồ Chí Minh hỗ trợ trao tặng xe đạp cho 36 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tổng trị giá 54 triệu đồng.
Ngoài ra, Hội Khuyến học thị xã phối hợp Ban điều hành giải thưởng Phạm Phú Thứ Điện Bàn, Phòng Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị trường học tổ chức xét chọn vinh danh 26 trường hợp trong đó 3 giáo viên và 23 học sinh THCS, THPT đoạt giải cao.
Ông Lê Công Hai – Chủ tịch Hội Khuyến học thị xã Điện Bàn cho biết, phong trào Mẹ đỡ đầu đã được lan toả, ngày càng có nhiều đơn vị và cá nhân giúp đỡ các em học sinh mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt được tiếp tục đến trường với mong muốn không có em nào bị bỏ lại phía sau. Tiêu biểu trong phong trào này là Hội LHPN phường Vĩnh Điện, Hội LHPN xã Điện Thọ.
Với vai trò nòng cốt, trách nhiệm, Ban chỉ đạo Xây dựng xã hội học tập, Hội Khuyến học và các trường đã tích cực, chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền nhằm thực hiện tốt phong trào xây dựng “Cộng đồng học tập” cấp xã, giúp UBND các địa phương đánh giá thực trạng xây dựng “Cộng đồng học tập” cấp xã và làm căn cứ đề ra các biện pháp chỉ đạo phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương.
Có thể thấy, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác khuyến học, khuyến tài của thị xã Điện Bàn đã góp phần quan trọng vào việc đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; tạo tiền đề thuận lợi để thúc đẩy tiến trình xây dựng xã hội học tập trên địa bàn toàn thị xã.