Trước cảnh nước mất nhà tan, hết thực dân Pháp đến giặc Nhật xâm chiếm đất nước, anh được các đồng chí sau khi bị tù đày về như Nguyễn Quốc (Bất Nhị), Nguyễn Sinh (La Thọ) giác ngộ và từ ấy anh nuôi chí làm cách mạng. Ban đầu là mở trường dạy học, vận động các cháu ở xóm làng đến học chống mù chữ. Học trò thầy Bốn rất đông, nhiều người sau này trưởng thành, là cán bộ cách mạng, là giáo sư... Dạy học, thầy chỉ thu học phí đối với con nhà khá giả, để hợp thức hoạt động Việt Minh bí mật. Thầy là hội trưởng hội tuyên truyền Quốc ngữ của làng Câu Nhi, ngày đêm vận động một số thanh niên đứng ra dạy học khắp các thôn xóm. Tổ chức Việt Minh bí mật do anh làm tổ trưởng, anh Thân Thỉnh (sau này là ủy viên Thường vụ tỉnh ủy Quảng Đà) làm tổ phó. Tổ anh có 7 hội viên, nay đã hy sinh chỉ còn 1 hội viên.
Trước tình hình thời cơ có một không hai đã đến, Mặt trận Việt Minh kêu gọi chuẩn bị tổng khởi nghĩa để đánh đuổi Pháp, đuổi Nhật, giành chính quyền về tay nhân dân, khí thế sục sôi. Thân Kiềm bí mật rèn dao làm vũ khí, may cờ đỏ sao vàng (lấy vải Tây điều ở các phổ hệ nhà từ đường tộc để may). Vận động một số học sinh chữ đẹp sao chép chương trình điều lệ Việt Minh và viết các khẩu hiệu:
- “Đánh Pháp, đuổi Nhật”
- “Lật đổ chính quyền bù nhìn”
- “Tẩy trừ Việt gian phản quốc”
- “Lập chính quyền cách mạng của nhân dân”
- “Việt Nam hoàn toàn độc lập”
Lệnh khởi nghĩa đến. Tổ Việt Minh do anh chỉ huy ráo riết vận động Thanh niên và nhân dân thôn Câu Nhi với gậy gộc, dáo mác, hàng ngũ chỉnh tề ra đường cái (từ Vĩnh Điện lên Ái Nghĩa) sẵn sàng hưởng ứng đoàn biểu tình của Tổng An Nhơn từ Thanh Long, Bì Nhai, Phong Thử, Bất Nhị, La Thọ, gặp hai xe Nhật, có xô xát, ba người hy sinh, nhưng đoàn người vẫn hùng dũng tiến đến Phủ Điện Bàn cùng các xã khác, bắt tên huyện trưởng bù nhìn huyện Điện Bàn đầu hàng vô điều kiện và cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện thắng lợi.
Cách mạng tháng Tám thành công, anh là chủ tịch UBND cách mạng lâm thời làng Câu Nhi, vừa làm phó chủ tịch UBND Tổng An Nhơn, ngày đêm lo công tác tổ chức xây dựng chính quyền và cùng một số đồng chí hoạt động xây dựng chính quyền các làng của Tổng.
Giặc Pháp gây hấn Nam Bộ, âm mưu cướp nước ta một lần nữa. Theo lời kêu gọi của Bác Hồ thân yêu, cả nước vùng lên kháng chiến cứu nước, đồng bào thực hiện tiêu thổ kháng chiến, vườn không nhà trống, tản cư. Huyện Điện Bàn năm 1947 cũng bị giặc Pháp chiếm liên tục nên anh cùng một số đồng chí luôn bám đất, bám địch, theo dõi tình hình chiến sự, đến lúc dân hồi cư, chăm lo xây dựng cơ sở, tổ chức sản xuất, xây dựng lực lượng kháng chiến. Để thống nhất chỉ huy chiến đấu, anh là phó bí thư kiêm chi bộ chính trị viên dân quân xã vừa là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến xã, đã tổ chức củng cố các đoàn thể, lực lượng vũ trang, chỉ đạo cán bộ thôn bám dân để họat động.
Xã Quý Cáp có nhiều thôn, có sông Thu Bồn và Vĩnh Điện xuyên qua, việc đi lại thiếu ghe đò nhiều lúc anh phải lội bơi để họat động và chiến đấu chống địch.
Sáng ngày 1 tháng 5 năm 1948 trời đổ mưa phùn, bọn giặc cải trang mang tơi, đội nón và mang súng liên thanh xếp. Anh cùng đồng bào lẫn lộn trong bọn địch. Thấy anh là cán bộ, địch giương súng kêu gọi đầu hàng. Quá bất ngờ, anh đập lựu đạn quăng vào đối phương, rất tiếc lựu đạn không nổ, anh bị sa vào tay giặc và bị trói dẫn về đồn Vĩnh Điện .
Tại nhà lao Vĩnh Điện, địch dùng mọi thủ đoạn để mua chuộc. Chúng giở đủ trò dụ dỗ để khai báo các cơ sở bí mật của ta (hồi đó làng Câu Nhi Bằng An có tề nên phải tổ chức cơ sở bí mật).
Đầu hàng, địch sẽ tha chết và biết anh có trình độ văn hóa khá sẽ sử dụng vào bộ máy bù nhìn. Anh kiên quyết không khai một lời. Hễ bọn Việt gian tra hỏi thì anh chửi thẳng vào mặt bằng tiếng Việt, hễ bọn Pháp hỏi và dụ dỗ thì anh chửi bằng tiếng Pháp. Sau một ngày dụ dỗ tra tấn hết sức dã man, chúng thấy không lay chuyển nên đưa đi xử bắn.
Sáng ngày 3 tháng 5 năm 1948 địch đưa đồng chí Thân Kiềm đến nghĩa địa Vĩnh Điện (máy lớn để hành hình). Chúng bắt anh cởi trần, trói hai tay dẫn khắp chợ Vĩnh Điện vừa la to “Bắt được Thân Kiềm, chủ tịch xã Quý Cáp, tên Việt Minh đầu sỏ”. Chưa đủ, chúng huy động một số thanh niên và bà con đến dự hòng uy hiếp tinh thần bà con nhưng trước giờ xử bắn, bà con chứng kiến tinh thần bất khuất của Thân Kiềm. Anh không cho giặc bịt mắt, trước mũi súng quân thù anh dõng dạc hô to:
“Đả đảo thực dân Pháp xâm lược”
“Hồ Chí Minh muôn năm”
“Việt Nam độc lập muôn năm!”
Đồng bào, đồng chí vô cùng thương tiếc và cảm phục tinh thần anh dũng của đồng chí Thân Kiềm, tặng khen dòng chữ “Thân Kiềm bất khuất trung dũng kiên cường” và thường vụ tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng đặt tên chi bộ lãnh đạo xí nghiệp sản xuất giấy của tỉnh ở Phú Gia là “Chi bộ Thân Kiềm”.
Cảm phục tấm gương Thân Kiềm, người chiến sĩ cách mạng kiên cường, nhà thơ Tường Linh có bài thơ ca ngợi Thân Kiềm đăng ở tạp chí “Việt Nam – Đất nước – Con người ”
Thân Kiềm quê ở Điện Bàn
Quảng Nam Đà Nẵng thuộc làng Câu Nhi
Gia đình cách mạng hàn vi
Quyết tâm học giỏi, quyết đi đúng đường
Đảng viên cộng sản Đông Dương
Từ khi Pháp Nhật còn đang hoành hoành
Bốn lăm khởi nghĩa hoàn thành.
Xã Quý Cáp có anh dẫn đầu
Quê nhà Pháp chiếm thương đau
Anh thề bám xã trước sau không rời
Nhân dân trong cảnh tơi bời
Lòng tin có Đảng sáng ngời qua anh
Pháp càng Nhứt Giáp vây quanh
Anh tung lựu đạn không thành sa cơ
Từ lâu chúng kiếm chúng chờ
“Thân Kiềm chủ tịch” bây giờ là đây
Việt gian bán nước lính Tây
Thay phiên tra tấn mấy ngày dã man
Giở trò dụ dỗ anh hàng
Thân Kiềm bất khuất hiên ngang đến cùng
Máu anh thấm đất anh hùng
“Quảng Nam trung dũng” lửa bùng thêm cao”.