Nội dung chi tiết

KHI RƠI VÀO TAY GIẶC
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 10/03/2009 .Lượt xem: 3557 lượt. [In bài]

Hồ Duy Lệ 

... Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, các anh Hồ Nghinh, Trần Thuận, Phạm Hồng Quang, dù bị địch bao vây bốn bề, thiết quân luật 24 trên 24, song nhờ các chiến sỹ giao liên mưu trí, đã đi trót lọt ra khỏi Đà Nẵng, về đến vùng giải phóng, lên tới núi Hòn Tàu. Tôi vẫn ở lại vì phải giải quyết một số công việc và cũng có ý xem các anh có chỉ đạo gì mới không. Thế rồi, tôi nhận được lá thư thứ ba của anh Tư Thuận (tức Trương Chí Cương), Phó Bí thư Khu ủy V, lúc đó xuống làm Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, triệu tập tôi ra ngay để họp. 

Sau khi gặp anh Sáu Hưng, rồi giao nhiệm vụ cho chị Mười Hoa và anh Dật đưa anh Văn (tức Cao) ra, thì tôi sẽ lên đường. Hôm ấy là sáng tháng 3 năm 1968.

7 giờ sáng, anh Văn lên đường. Tôi còn muốn nấn ná ở lại nhà chị Mười Hoa nghe tin tức và đọc báo, thì cô cháu gái chị Mười chạy sang tiệm hớt tóc, leo lên cầu thang, hớt hãi nói không ra lời:

- Có lính vô đòi soát nhà.

Biết chuyện chẳng lành đang đến, tôi đã từng quan sát quanh chỗ nhà chị Mười Hoa, đã tính nếu gặp tình huống xấu, hoặc nhảy xuống đường theo kiệt chạy về hường bờ sông Bạch Đằng, hoặc nhảy vọt sang mấy cái mái bằng người ta che để bán buôn, rồi chui vào đâu đó, không tính chạy trên đường Độc Lập (nay là đường Trần Phú), vì đang thiết quân luật. Nhưng đã nghe tiếng giày bước lên cầu thang (loại cầu thang đi ngoài trời lên tầng hai). Nhìn quanh đều có lính. Thì ra, chúng nó đã bao vây!

Hỏi giấy tờ, tôi rút trong túi ra, đưa cái căn cước có tên là Lê Việt. Trong túi quần tôi có đến ba cái căn cước giả. Vì đang chuẩn bị đi ra nên lấy bỏ hết trong túi quần. Lại thêm một miếng giấy nữa ghi mật mã găm dưới lai quần sẽ tìm sơ hở để hủy. Viên thiếu tá an ninh cầm cái căn cước tôi đưa, không thèm nhìn, tức thì chồm đến chụp cổ tôi như mèo vồ chuột. Ba tên vòng quanh, đứa bịt mắt, đứa bóp cổ, nhận khăn vào miệng, đứa kéo hai tay tôi ra sau, đưa vào còng số tám... Chúng dẫn tôi xuống cầu thang, kéo ra đường, đẩy tôi lên xe... Về phòng giam, mở khăn bịt mắt ra một lúc, tôi mới biết được đây là an ninh quân đội vùng một chiến thụât.

Chúng đưa tôi vào phòng hỏi cung ngay.

-   Tao đi đường thấy quán hớt tóc vào ngồi hớt tóc, xem báo. Tao không biết chi cả.

Hắn tát, hắn đạp. Trước sau, tôi chỉ nói một câu đó. Tức thì, chúng dí điện vào người tôi, làm tôi giật nẩy người, văng ra một đoạn.

Tra tôi ba ngày, ba đêm, mệt lả, ngất xỉu, nằm như một cái mền rách, chúng chuyển tôi từ nhà giam an ninh quân đội ra nhà giam Thanh Bình.

Bọn chúng lại tra hỏi. Mệt và khát, tôi nói:

- Chúng mày cho tao uống nước, tao sẽ nói.

Hắn mang đến một bình nước, đỡ tôi ngồi dậy. Uống liền hai cốc nước, người như tỉnh lại. Hắn hỏi:

-   Tay Chánh Dinh quan hệ với ông như thế nào?

-   Tao không biết đứa nào là Chánh Dinh cả.

Tôi chợt nhớ anh Nguyễn Chính, ngoài cái tên Phan Duy Nhân còn có một cái tên là Phan Chánh Dinh làm bí danh mà chỉ tôi và anh ấy biết. Vậy thì từ đâu mà bọn an ninh quân đội biết cái tên Dinh? Lẽ nào Nguyễn Chính đã khai nhận? Hay là Chính tiết lộ cho ai biết thêm cái bí danh Dinh? Nguyễn Chính bị bắt hôm đầu tiên khởi động xuống đường trước sân chùa tỉnh hội Phật giáo.

Hắn lại hỏi:

-   Ông vào nhà Trương Văn Thông khi nào?

-   Trương Văn Thông nào? Tôi không ở, không biết Trương Văn Thông nào cả?

-   Không ở, tại sao ông để lại một cái áo vét tông trong nhà ông Trương Văn Thông?

-   Mày nói láo, mày vu khống...

Câu hỏi này thật sự làm tôi líng túng và suy nghĩ nhiều, vì lẽ nào mà hắn biết khá cụ thể như thế?

18 tháng chạp năm Đinh Mùi 1967, chuẩn bị cho cuộc tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, tôi được Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà cho vào chỉ đạo lực lượng nổi dậy trong thành phố Đà Nẵng. Bắt tay đồng chí Hồ Nghinh, tôi hứa sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ... Anh Nghinh mỉm cười, nói hẹn gặp nhau giữa Đà Nẵng...

Đáng ra vào sớm hơn, nhưng gần Tết năm ấy, địch càn ở khu trung Duy Xuyên, mới xuống tới đồng bằng thì bị trực thăng rượt, du kích xã bắn lên, địch trên máy bay nện rốc-két xuống... Cậu Châu giao liên đưa tôi đi bị thương rồi bị địch bắt...

Mấy ngày sau, tôi ra tới Điện Hòa. Từ thôn Quang Hiện, tôi xuống chợ mới Ba xã chờ cơ sở ở Đà Nẵng vào đón ra.

Một người đàn ông cao to, lái chiếc Vespa Italia đưa tôi từ ngôi nhà bà Mảng ở chợ mới Ba xã ra ngay nhà mình. Đó là nhà  của vợ chồng thầy giáo Trương Văn Thông (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai). Gia đình dành cho tôi một cái phòng nhỏ phía sau. Căn phòng rộng phía trước, gia đình cho một nhân viên người Philippin thuê, như một bình phong che chở phía ngoài, không làm ai nghi ngờ nhà này chứa chấp cộng sản. Tôi thấy ở lại đây rất an toàn.

Trước khi tôi về ba ngày, anh Nguyễn Chính vào Đà Nẵng và cũng được ông bà Thông bố trí ở một phòng...

Ở được một hôm, thì chiều hôm sau, anh Chính vào phòng tôi, mời tôi đến chùa Nại Hiện Tây dự cuộc họp với anh em sinh viên, học sinh cơ sở, giao nhiệm vụ cho họ.

Như đã hẹn, vừa cơm tối xong, cô Hoàng Mai, con gái ông Thông, lấy xe đạp đèo tôi đến chùa.

Chờ đến gần 12 giờ khuya, bà con đi chùa về hết, anh Chính vào mời tôi sang họp. Cả thảy có tám người dự, có anh Chính, Lê Anh Xuân (bạn tình của Hoàng Mai)... không nhận ra mấy người ngồi ở phía sau dưới ánh đèn ne-ông mờ, riêng có một người tôi biết đó là Hoàng Đại Hoàn.

Ai mời mà có mặt anh ta ở cuộc họp này? Trong giờ phút quan trọng này? Tôi đã dặn anh Chính, tiếp xúc với ai thi tùy anh nhưng với Hoàng Đại Hoàn thì cần phải cảnh giác. Tôi nói cảnh giác, vì mấy hôm ở nhà ông Thông, tôi vẫn thấy Hoàng Đại Hoàn hay lui tới, có hôm ngồi lại rất lâu chơi bài tam cúc. Và từ hôm không hẹn mà gặp Hoàng Đại Hoàn ở nhà ông Thông, tôi đã rời nhà ông Thông đi ở nhà cơ sở khác. Tôi luôn nghĩ, anh ta đang theo dõi tôi.

Như vậy là không xong rồi. Tôi quyết định không nhận gì cả, đánh chết thì thôi.

Sau những trận đánh tra, đóng cả đinh vào đầu gối, rồi không cựa được nữa, thế là chúng kéo tôi ra để bên cầu tiêu. Chúng đặt một tấm ván ép bên cạnh cầu tiêu, kéo tôi nằm đó. Thấy tôi tỉnh dậy, mấy tên loay hoay đặt cây quạt máy cho tôi mát. Tôi nghĩ, bọn này đánh tra, cậy miệng không ra một lời khai nên giở trò “chiêu hồi” đây. Một tên vừa bưng quạt máy loay hoay tìm chỗ cắm điện, tôi đưa chân đạp hắn một đạp ngã nhào ra khỏi phòng cầu tiêu. Bọn chúng la toáng lên.

Tôi chỉ có cái xách tay bằng vải, trong xách có một bộ quần áo của cô Bảy người Phong Th là vợ của Ba Râu ở tù với tôi, gửi cho. Sau khi đạp một tên ngã lăn, tôi đứng dậy cầm dây xách đập túi bụi lên chúng nó. Chúng nó chạy, tôi đuổi theo đập, vì chúng chạy ra sân. Nhưng rồi, chúng cũng lùa được tôi vào phòng cầu tiêu.

Đến bữa ăn, bình thường có đĩa cơm với một con cá liệt kho mặn. Hôm đưa đến chỗ cầu tiêu, bữa ăn bỗng có hai con cá phèn! Tôi chỉ ăn một con, không thèm ăn con thứ hai. Có bữa, hắn bưng cơm lại, có thêm một đĩa rau luộc chấm mắm cái, nói để tôi mau bình phục. Tôi nhất định không ăn đĩa rau ưu tiên đó. Tôi chỉ ăn cá liệt, cá phèn. Còn các thức ăn khác, tôi biết đó là đồ ăn dụ dỗ, tôi không đụng tới.

Không khuất phục được, hắn đưa tôi vào xà lim. Dưới nền ximăng luôn ẩm ướt, trên trần, chúng gắn một bóng đèn cao áp chiếu thẳng vào mặt tôi.

-   Tụi bây muốn tau chết khô à? – Mỗi khi thấy tên nào đi qua, tôi chửi to lên như thế. Chúng cụp mặt làm thinh.

Tôi mắc cầu, gọi:

-   Cho tao đi cầu tiêu.

Hắn đưa cho tôi một cuộn giấy vệ sinh. Tôi lấy giấy đi cầu quấn quanh cái  bóng đèn che bớt nóng, bớt chiếu vào mặt. Nhưng một lúc thì cháy cả giấy, lại quấn giấy khác, lại cháy giấy...

Chúng lại kêu lên hỏi:

-   Ông về Đà Nẵng khi nào? Vào đây ông bắt nối những ai?

-   Tao có biết ai đâu mà mắc nối. Toàn người lạ cả. Tao xuống chỗ chợ Phong Thử, vào một nhà bà buôn gà, chỉ biết bà buôn gà, và rồi vào Đà Nẵng, có quen ai đâu mà móc với nối, mà cơ sở. Đừng hỏi dai!

Tôi chỉ nói một câu đó, trước sau cũng chỉ nói một câu đó, không sai một chữ.

Rồi một đêm nọ, đùng đùng mở cửa, dẫn tôi đi, hình như vào gần sân bay Đà Nẵng. Đến một nơi đã đào sẵn một cái huyệt đứng, nói là sẽ chôn sống tôi, nếu tôi không chịu khai. Hắn đẩy tôi xuống cái huyệt đó, đứng lút đầu. Hắn chĩa súng vào mang tai tôi, hỏi:

-   Mày có khai không?

Tôi cũng nói như câu tôi đã nói, không sai một lời.

Có một bao cát để bên huyệt, hắn xúc từng xẻng cát đổ xuống huyệt, cát lấp dần người tôi, lên tới ngực thì chúng dừng đổ cát. Mấy thằng nói gì với nhau, rồi đưa tay kéo tôi lên, lấy báng súng phan lên đầu, lên cổ tôi... Cái tên hỏi, đánh tra tôi hôm đầu mới vào nhà giam an ninh quân đội, lúc đó là trung tá, nay cũng chính hắn nhưng đeo lon đại tá.

Sau mười bảy ngày đêm tra tấn, hù dọa, dụ dỗ, không lấy được ở tôi một lời khai nào, sáng hôm ấy có một tốp, toàn là sĩ quan an ninh quân đội ở Sài Gòn ra, gồm hai thiếu tá, một đại uý, nhận tôi đưa lên máy bay vào Sài Gòn.

Khi máy bay cất cánh lên bầu trời Đà Nẵng, đưa mắt qua cửa sổ tôi nhìn thấy sông Cẩm Lệ. Ý nghĩ vọt máy bay cho rớt sông Cẩm Lệ chợt hiện ra, thôi thúc tôi, nhưng, không chỉ hai tay bị còng tréo mà còn bị cái còng nối chân tôi vào chân ghế đang ngồi...

Từ trên máy bay bước xuống, luôn có ba tên kè bên. Dưới cầu thang máy bay, một cái xe “đẩy hàng” trườn tới, đẩy tôi lên cái xe “đẩy hàng” ấy, ba thằng leo lên ngồi quanh tôi, khi ấy, tôi vẫn bị còng.

Đến nơi, để tôi ngồi trên chiếc ghế dài ngoài hành lang, trước một căn phòng rộng, chúng nói với nhau cốt cho tôi nghe:

-   Chờ đại tá đến tiếp.

Ý nói chỉ cỡ đại tá mới được quyền tiếp tôi, còn bọn chúng chỉ làm nhiệm vụ áp giải từ Đà Nẵng vào Sài Gòn.

Khi viên đại tá to cao vừa bước vào phòng, một viên đại úy đưa tôi vào phòng. Viên đại tá ngồi nguyên trên ghế, nhìn tôi, cái nhìn để lộ vẻ tội nghiệp trước một còn người đầu tóc rối bù, gương mặt xanh xao, một tấm thân gầy gò vì bị đánh đập, mất ăn... rồi hắn ta nhìn sang mấy viên sĩ quan, có ý trách sao lại dùng hình thức đánh tra mà không dùng biện pháp khác, phải “tâm lý” chứ!

Thấy tôi còn đứng, hắn chỉ cái ghế đối diện bên cạnh bàn làm việc, đưa hai tay mời tôi ngồi. Làm như tôi là khách quý của hắn vậy. Tôi cảnh giác.

Lấy ra bao thuốc salem, rút một điếu bật lửa hút, rồi rút ra một điếu khác  mời tôi. Tôi khoát tay, lắc đầu.

Ông sợ tôi mua chuộc à?

-   Tao có sợ thằng nào mua chuộc đâu!

-   Ông không sợ mua chuộc, thì xin mời ông một điếu thuốc thơm. Tôi biết, ông thèm thuốc mà!

Một tay tôi đẩy tay hắn cầm điếu thuốc, còn tay kia, tôi đưa ngón tay vào ngọn lửa nó vừa bật lên... tôi muốn cho hắn biết lửa tôi cũng không ngán!

Thấy tôi cứng đầu, không hợp tác, cự tuyệt, viên đại tá lệnh nhốt tôi vào xà lim. Một dãy xà lim ba cái đặt ngoài trời ngay trước phòng hỏi cung. Mùa hè, ở trong xà lim sắt như ở trong lò. Đến bữa ăn, một tên quân phạm bưng đĩa cơm đưa vào cửa. Tôi chưa kịp bưng đĩa thì thằng giữ phòng giam bước lại, thò tay kéo đĩa cơm ra, gạt gần hai phần đĩa cơm xuống thùng rác rồi đẩy đĩa cơm còn lại vào cho tôi. Nước uống thì chúng chỉ đưa vào chưa đầy nửa ca nhựa nước lã.

Lần thứ nhất, chúng cho tôi ăn đói, uống rất ít như vậy trong năm mười ngày. Lần thứ hai thì rút xuống còn ba mươi ngày.

Một hôm gần trưa, hắn thả tôi ra sân để “tắm nắng”. Trước đó một hôm, trời có một trận mưa đông nên khoảng đất cỏ cạnh sân có một cái vũng còn đọng nước. Một tên lính cầm cái ca nhựa lại múc nước ở cái vũng đọng ấy, gạt bỏ cỏ khô đi, đưa ca nước cho tôi uống. Tôi không cầm cái ca. Hắn để ca nước bẩn bên cạnh, rồi bỏ đi. Tôi biết hắn muốn hạ nhục tôi, vừa làm cho cơn khát của tôi dâng cao.

Bọn an ninh quân đội không khai thác được gì, hắn chuyển tôi qua phòng hỏi cung của bọn CIA. Hắn đưa đến một tên Mỹ cao to, mắt xanh, mũi lõ, mặc đồ thường phục, nói đây là ông nhà báo, muốn hỏi tôi đôi điều.

- Mày nói láo. Nhà báo thì ra ngoài chiến trường chứ làm gì ở nơi tra tấn này? – Tôi chỉ mặt thằng Mỹ - mày là tên CIA. Tao còn biết những người Việt Nam bu quanh mày là những tên chiêu hồi, loại người phản bội mà chúng tao khinh bỉ.

Khi đưa vào nhà lao Chí Hòa. Tôi mới thấm thía lời anh em tù từng đã ở đây. Đúng là một “trận đồ bát quái” chúng giao sự quản lý trực tiếp tù nhân cho bọn “tù quân phạm”. Bọn này gây tội ác ngoài đời bị tống vào, lại có dịp hành hạ, ức hiếp, bắt nạt và vơ vét của anh em tù, nhất là “tù chính trị”.

Một lần hắn làm vậy, tôi sừng sộ, thế là hắn genou (đánh đầu gối), tôi đỡ, hắn revert (đánh xuyên hông), tôi lại gỡ, tức quá, hắn lại đánh direct (đánh thẳng vào ngực), tôi hất hắn ngã nhào. Điên tiết, ba tên xúm lại túm được tôi, cột lại, đánh tôi gãy xương cụt, bể quai hàm...

Giam ở Chí Hòa một thời gian, chúng đưa tôi ra Côn Đảo, nhốt vào chuồng cọp. Ở đây, bốn mùa gió từ biển ùa vào lồng lộng. Mùa hè còn chịu được, mùa đông năm trên nền xi măng, lạnh thấu xương. May có bộ đồ của vợ Ba Râu nên cũng đỡ một phần...

[Trở về]
Các tin mới hơn:
NHÀ LAO VĨNH ĐIỆN
NHÀ YÊU NƯỚC LÊ ĐÌNH DƯƠNG
NHÀ YÊU NƯỚC PHAN THÀNH TÀI
BÀI THƠ CA NGỢI ĐỒNG CHÍ ĐINH TÙNG
BÀI THƠ THƯ NHÀ
MỘT HỘI PHÓ NHIỀU NGƯỜI CHƯA BIẾT
CÁI CHẾT NGHIỆT NGÃ CỦA PHẠM XANG
BA MẸ CON CÙNG MỘT CHI BỘ
GƯƠNG BẤT KHUẤT CHỐNG TỐ CỘNG
RA ĐI … QUYẾT TỬ !
    
1   2   3   4  
    
Các tin cũ hơn:
THÂN KIỀM BẤT KHUẤT
TỬ NGỤC CHÍN HẦM
CHÍN NGÀY BẤT KHUẤT CỦA PHẠM NGHIỆNG
QUẢN CƠ – HÀ TÂN VỚI PHONG TRÀO NGHĨA HỘI
CỤ TRẦN CÔNG CHƯƠNG NGƯỜI CHỦ MƯU ĐỐT PHÁ TỈNH THÀNH QUẢNG NAM TRONG PHONG TRÀO DUY TÂN KHỞI NGHĨA NĂM 1916
TRƯỚC THỀM TRĂM NĂM TUỔI
TỪ MẢNH ĐẤT KIÊN TRUNG BẤT KHUẤT
LỜI GIỚI THIỆU
LỜI TỰA

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm