Nội dung chi tiết

NGUYỄN VĂN TRIẾT - LAO TÙ LÀ NƠI TRUI RÈN Ý CHÍ
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 10/03/2009 .Lượt xem: 4714 lượt. [In bài]

Đinh Văn Mãnh

Lưng gù, mắt mờ, chân chậm, tai điếc... đó là hình ảnh của ông Nguyễn Văn Triết giờ đây. Chân dung ấy được tác tạo bởi tuổi già cùng những di chứng do tra tấn đánh đập hiểm ác của kè thù đối với ông tại các nhà lao Thông Đăng, miếu ông Cọp (Hội An), nhà tù Chí Hòa, Phú Lợi (Sài Gòn) trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nhìn ông hôm nay, ít ai nghĩ rằng Nguyễn Văn Triết từng là một thanh niên cường tráng, gan dạ của xã cát Điện Dương – áo vá vai, chân trần, tay cầm mác, hăng hái đi đầu trong dòng người rầm rập tiến về Vĩnh Điện, Hội An giành chính quyền từ tay thực dân phong kiến vào tháng Tám năm 1945.

Cứ ngỡ thời gian và cuộc mưu sinh nhọc nhằn làm cho ông lẫn thẫn, mệt mỏi ở chặng cuối cuộc đời. Nhưng không, khi nghe tôi, người cùng quê, lại là con trai của người đồng chí cùng thời mà ông quý trọng, xin tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của ông, thì lạ thay, trông mắt ông vui, phong thái họat bát hẳn lên, khác hẳn ông già Triết đã 84 tuổi, thường ngày đi lọm khọm trong căn nhà số 73 – Phan Châu Trinh - Hội An.

Cách mạng tháng Tám – 1945 thành công, anh thanh niên Nguyễn Văn Triết tham gia Việt Minh, làm tiểu đội trưởng dân quân tự vệ; rồi làm giáo viên dạy bình dân học vụ; sau đó là ủy viên thường vụ nông dân xã. Sức trẻ, với sự năng nổ, khát khao cống hiến, không ngại gian khổ hy sinh, Nguyễn Văn Triết luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Và vinh dự lớn đã đến, ngày 15/7/1949, Nguyễn Văn Triết được kết nạp vào Đảng Cộng sản (chi bộ Hồ Công Ngự, do Lê Công Bửu làm bí thư), trở thành một trong những cán bộ cốt cán của xã Điện Dương. Từ đây, Nguyễn Văn Triết lăn lộn bám đất bám dân, xây dựng và phát triển phong trào cách mạng, trường kỳ kháng chiến. Tháng 3.1975, Nguyễn Văn Triết bị địch bắt giam tại khu tế bần (Hội An). Mặc dù bị địch đánh đập tra khảo dã man, nhưng chúng không tìm ra chứng cứ, nên sau ba tháng phải trả tự do cho ông. Trở về, ông lại tiếp tục xây dựng cơ sở, phát triển mạng lưới quần chúng ủng hộ cách mạng, kháng chiến.

Hiệp định Giơnevơ ký kết, Nguyễn Văn Triết được tổ chức Đảng cấp trên phân công ở lại trong ban cán sự phụ trách 3 xã vùng cát Điện Bàn, gồm Chấn Hiệp, Hà My, Hà Quảng, đồng thời làm bí thư chi bộ Hà Quảng, bí mật lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi Mỹ - Diệm thi hành Hiệp định Giơnevơ, hiệp thương tổng tuyển cử. Kẻ thù tráo trở, diễn biến tình hình ngày càng xấu đi, chúng ra sức dò tìm cơ sở cách mạng để đánh phá, ngày đêm ra rả tuyên truyền “Chánh nghĩa quốc gia”. Ngày 23-10-1955, chúng độc diễn trò hề “trưng cầu dân ý”, trắng trợn thúc ép đồng bào thực hiện theo khẩu hiệu chúng nêu: “xanh bỏ giỏ, đỏ bỏ thùng”. Những ngày này, Nguyễn Văn Triết đã cùng với các đồng chí trong tổ chức Đảng... vận động nhân dân đấu tranh, biến cuộc bầu cử mị dân thành cuộc biểu tình thị uy của quần chúng, đòi địch thi hành Hiệp định. Hàng trăm đồng bào của Điện Dương tham gia cướp thùng phiếu. Địch đàn áp, bắt bớ, bắn bị thương nhiều người biểu tình. Nhân cớ đó, chi bộ Đảng đã lãnh đạo vận động bà con kéo xuống tỉnh đường tại Hội An đòi địch bồi thường. Sự kiện ngày 23.10 sống mãi trong lịch sử đấu tranh kiên cường của đất và người Điện Dương.

Bị địch theo dõi ráo riết, năm 1975, Nguyễn Văn Triết được cấp trên cho đổi vùng hoạt động. Ba tháng sau, ông lại bị địch bắt cùng với Nguyễn Lộc tại Phan Thiết (Bình Thuận). Tháng 8 năm đó, địch đưa ông về Hội An, giam ở nhà lao Thông Đăng cùng với Nguyễn Lộc - người cùng quê, và Lê Tự Kình (Điện Thắng). Ở nhà lao này, thường vào na đêm địch lại gọi đi đánh đập, tra khảo. Chúng dùng đọt tre tươi đánh vào mông người tù, đến khi máu tụ sưng to mới dừng. Tù nhân bị nắm tóc, ghì đầu xuống và bị thúc đầu gối vào ngực đến khi hộc máu mũi, máu miệng mới thôi. Hiểm ác nhất, là bọn cai tù đã dí điện vào hai tai, và dương vật làm cho tù nhân chết ngất; cũng có khi chúng dùng dùi cui nhựa đánh vào hai đầu gối, dùng nước ớt, nước xà phòng cho tù nhân đi “tàu bay, tàu lặn”. Những đòn thù tàn bạo và dai dẳng ấy người tù Nguyễn Văn Triết đều trải qua. Nhưng ông đã chịu đựng, đứng vững và không hé răng nửa lời làm phương hại đến tổ chức, cách mạng. Bất lực trước tên tù nhân cứng cổ, địch chuyển Nguyễn Văn Triết qua nhiều nhà lao với nhiều kiểu tra tấn, hành hạ, hăm dọa, dụ dỗ mua chuộc, song cuối cùng chẳng thể lấy được lời khai nào có lợi cho chúng cả. Địch lại đưa ông đi giam ở Chí Hòa rồi đến Phú Lợi (Sài Gòn). Ba năm bị giam giữ ở Phú Lợi, Nguyễn Văn Triết phải mang số hiệu tù, bảng tên, và bị giám sát chặt chẽ đến từng tiếng ho, tiếng ngáy... của những người “bạn tù” do địch cài cắm. Nhưng chính trong môi trường ấy, Nguyễn Văn Triết lại có được thông tin về sự suy yếu của địch, sự lớn mạnh của phong trào cách mạng từ những người đồng chí trung kiên. Tháng 11.1963, Ngô Đình Diệm bị đảo chính, Nguyễn Văn Triết được chuyển về giam tại Hội An cùng với Nguyễn Thúc, Nguyễn Ái, Tô Nhã (Đại Lộc), với Nguyễn Hợp, Từ Tá (Điện Bàn). Không tìm ra chứng cứ kết tội, trước sức ép của phong trào đấu tranh trong tù, địch buộc phải thả ông cùng một số đồng chí. Tuy nhiên, địch lại âm mưu thủ tiêu các chiến sĩ cách mạng khi trên đường thả về. Các đồng chí như Tô Nhã, Nguyễn Ái, Từ Tá đều bị địch giết hại theo cách đó. Riêng Nguyễn Văn Triết may mắn thoát chết. Trở về ông gặp được anh Lý Trân, Trương Minh Hoàng, và được các đồng chí sắp xếp lên căn cứ tại Tống Cói (huyện Đông Giang).

Được sống trong bầu không khí tự do ở chiến khu, trong tình đồng chí, đồng đội, Nguyễn Văn Triết tích cực công tác, năm 1946 được bầu làm phó bí thư nông hội Điện Bàn, rồi tham gia đoàn công tác phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng của huyện Điện Bàn, Hội An... Từ năm 1965 -1966, Mỹ đưa quân viễn chinh vào miền Nam, đưa cuộc chiến tranh leo thang lên tầm ác liệt. Nguyễn Văn Triết lăn lộn bám dân, bám phong trào, cùng với Đảng ủy, du kích Điện Dương tổ chức đánh địch bảo vệ vùng giải phóng. Trên đường đi công tác, không may ông bị địch bắt tại Cẩm Sa. Chúng đưa ông về Hà Quảng (Điện Dương) đánh đập tra tấn trước mặt nhiều đồng bào và người thân của ông. Chúng muốn ông không chịu nổi đòn tra khảo cả về thể xác lẫn tâm lý, buộc phải đầu hàng, cung khai tổ chức, nhằm hạ uy thế cách mạng. Địch treo ông lên xà nhà, dùng báng súng đánh đến ngất lịm, rồi cắt dây cho rớt xuống. Khi tỉnh lại, địch lại đặt ông lên tấm ván đổ nước đái trộn cứt vào miệng, đến khi trương bụng lên thì chúng nhảy lên đạp. Mỗi đợt mươi phút, lặp đi lặp lại, đánh và tra rồi dụ dỗ mua chuộc... Trong tình cảnh ấy, Nguyễn Văn Triết xác định thà hy sinh chứ quyết không đầu hàng. Ông lớn tiếng chửi thẳng và khạc nhổ vào mặt bọn ngụy quyền, và hội đồng hương chính xã, rồi hô to: Hồ Chí Minh muôn năm! Đả đảo đế quốc Mỹ xâm lược! Bọn địch hè nhau lao vào đánh đá ông túi bụi, Nguyễn Văn Triết ngất đi lúc nào không biết cho đến khi tỉnh lại ông mới hay mình đang ở trong một phòng kín tại trại Chi Lăng (Hội An). Kinh nghiệm từ nhiều lần bị địch bắt, tra tấn, mua chuộc, dụ dỗ đã giúp Nguyễn Văn Triết hiểu rõ hơn sự hèn yếu, tính phi nghĩa của kẻ thù. Vì vậy ông đã giữ vững khí tiết, trui rèn thêm ý chí, củng cố thêm niềm tin vào sự thắng lợi của cách mạng. Ba tháng sau,chúng đưa ông giam ở nhà lao Hội An, chuẩn bị đưa đi Côn Đảo, thì ngày 16.6.19966, quân ta đánh vào phá nhà lao Hội An. Nguyễn Văn Triết như chim sổ lồng, trở về ngay Điện Dương trong vòng tay đón nhận của đồng bào, đồng chí. Sau đó cấp trên cho ông lên căn cứ, vào bệnh viện Y 10 của tỉnh để điều trị bệnh và bồi dưỡng sức khỏe. Ít lâu sau, Nguyễn Văn Triết được phân công về ban thương binh tỉnh, tham gia chiến dịch Tổng tiến công xuân Mậu Thân – 1968.

Ba lần bị địch bắt, đánh đập tra tấn dã man, chết đi sống lại nhiều lần cùng với chế độ lao tù khắc nghiệt đã bào mòn sức lực Nguyễn Văn Triết, khiến ông lâm bệnh nặng. Tháng 3.1969, cấp trên cho ông ra miền Bắc để chữa bệnh, học tập văn hóa, chính trị. Đến mùa xuân năm 1975, Nguyễn Văn Triết đã cùng đoàn quân tiến vào Nam, giải phóng quê hương.

Đời cha cho chí đời con, lý tưởng cách mạng mà Nguyễn Văn Triết suốt đời trung thành đã được những người con của ông noi theo. Ông có ba người con đều thoát ly tham gia kháng chiến chống Mỹ, đều trở thành Đảng viên cộng sản, trong đó có người con trai – Nguyễn Văn Khương, huyện ủy viên Điện Bàn, đã hy sinh. Bây giờ ông sống lặng lẽ, thanh đạm trong ngôi nhà nhỏ ở phố cổ Hội An, nhưng câu chuyện của quê hương trong những ngày tranh đấu, câu chuyện của bao lần ông bị tù tội mãi mãi là những năm tháng không thể nào quên.

 

[Trở về]
Các tin mới hơn:
NHÀ LAO VĨNH ĐIỆN
NHÀ YÊU NƯỚC LÊ ĐÌNH DƯƠNG
NHÀ YÊU NƯỚC PHAN THÀNH TÀI
BÀI THƠ CA NGỢI ĐỒNG CHÍ ĐINH TÙNG
BÀI THƠ THƯ NHÀ
MỘT HỘI PHÓ NHIỀU NGƯỜI CHƯA BIẾT
CÁI CHẾT NGHIỆT NGÃ CỦA PHẠM XANG
BA MẸ CON CÙNG MỘT CHI BỘ
GƯƠNG BẤT KHUẤT CHỐNG TỐ CỘNG
RA ĐI … QUYẾT TỬ !
    
1   2   3   4  
    
Các tin cũ hơn:
KHI RƠI VÀO TAY GIẶC
THÂN KIỀM BẤT KHUẤT
TỬ NGỤC CHÍN HẦM
CHÍN NGÀY BẤT KHUẤT CỦA PHẠM NGHIỆNG
QUẢN CƠ – HÀ TÂN VỚI PHONG TRÀO NGHĨA HỘI
CỤ TRẦN CÔNG CHƯƠNG NGƯỜI CHỦ MƯU ĐỐT PHÁ TỈNH THÀNH QUẢNG NAM TRONG PHONG TRÀO DUY TÂN KHỞI NGHĨA NĂM 1916
TRƯỚC THỀM TRĂM NĂM TUỔI
TỪ MẢNH ĐẤT KIÊN TRUNG BẤT KHUẤT
LỜI GIỚI THIỆU
LỜI TỰA

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm