1. Chuồng trại:
Chuồng nuôi phải đảm bảo cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát, thích hợp với từng loại vật nuôi và từng lứa tuổi. Chủ động sử dụng bạt, phên hoặc vật liệu sẵn có tại địa phương để che chắn chống nắng và chống mưa tạt gió lùa vào chuồng nuôi. Sử dụng rơm hoặc trồng cây leo lên mái chuồng để chống nóng trực tiếp. Vào những ngày nắng nóng, phun nước lên mái chuồng, phun sương trong chuồng nuôi và bố trí quạt điện để quạt mát, tránh làm tăng độ ẩm trong chuồng nuôi.
Chuồng nuôi thoáng mát, phía trên có mái chống nóng
Khơi thông cống rãnh thoát nước thải và xử lý chất thải theo đúng quy định. Hàng ngày thu gom, vận chuyển phân, chất thải ra khỏi chuồng nuôi trâu, bò, lợn và đưa vào nơi ủ riêng. Đối với chăn nuôi trang trại theo hướng công nghiệp, cần chủ động nguồn cung cấp điện, nước để đảm bảo phục vụ sản xuất. Trồng nhiều cây xanh, che chắn xung quanh khu vực chuồng nuôi để tạo bóng mát.
2. Chế độ chăm sóc nuôi dưỡng:
- Thức ăn, nước uống:
Tăng cường thức ăn giàu đạm, thức ăn xanh (rau, củ, quả tươi...); giảm tinh bột (bột ngô, cám gạo, sắn...), chất béo trong khẩu phần ăn. Vào những đợt nắng nóng kéo dài, cần chia khẩu phần cho vật nuôi ăn nhiều bữa, tăng lượng thức ăn vào lúc sáng sớm, chiều mát và buổi tối, hạn chế cho ăn vào buổi trưa.
Cung cấp đầy đủ nước sạch và mát cho gia súc, gia cầm uống; tốt nhất chúng ta nên lắp các máng uống tự động để đảm bảo gia súc, gia cầm luôn có nước để uống. Để tăng cường sức đề kháng, phòng chống “stress nhiệt” cho gia súc gia cầm, cần bổ sung thêm các chất điện giải, các loại vitamin, nhất là vitamin C pha vào nước uống.
- Mật độ nuôi: Vào mùa nắng nóng nên giảm mật độ nuôi, nuôi nhốt gia súc, gia cầm với mật độ vừa phải phù hợp với từng loại vật nuôi, từng lứa tuổi. Cụ thể:
+ Đối với trâu, bò: Mật độ nuôi nhốt đối với trâu, bò trưởng thành 4-5 m2/con; trâu, bò non 2-4 m2/con.
+ Đối với lợn: Mật độ nuôi nhốt đối với lợn nái 3-4 m2/con, lợn thịt 2 m2/con.
+ Đối với gà: Mật độ nuôi nhốt đối với gà giai đoạn nuôi úm: 50-60 con/m2; gà 0,5-1 kg: 20-30 con/m2; gà 2-3 kg: 7-10 con/m2. Vào thời điểm nóng bức có thể thả gà ra vườn, gốc cây quanh chuồng, hạn chế gây xáo trộn trong đàn.
3. Quản lý vật nuôi:
Thường xuyên tắm chải cho trâu, bò, lợn từ 2-3 lần/ngày để giảm nhiệt độ cơ thể và định kỳ vệ sinh thân thể, phòng chống các bệnh ngoài da; không nên tắm vào buổi trưa và lúc nắng nóng.
Chăn thả gia súc sớm vào buổi sáng (từ 6-9 giờ), buổi chiều chăn thả muộn (từ 16-18 giờ), nên chọn những khu vực có bóng mát, cây xanh để chăn thả. Không nên chăn thả hoặc cho đi làm việc sau 10h trưa và trước 2h chiều để tránh trường hợp gia súc bị cảm nóng, cảm nắng.
4. Công tác vệ sinh phòng bệnh:
Định kỳ phun thuốc sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh, phun thuốc diệt côn trùng để diệt ve, mòng, ruồi, muỗi, bọ mạt… là những tác nhân truyền và gây bệnh cho vật nuôi. Thường xuyên vệ sinh máng ăn, máng uống, không để dư thừa thức ăn trong máng gây ôi thiu.
Phía trên chuồng nuôi làm sàn bảo quản rơm khô và có tác dụng chống nóng
Thực hiện tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi để tăng cường khả năng miễn dịch; định kỳ tẩy giun, sán cho vật nuôi. Hàng ngày, quan sát và theo dõi chặt chẽ tình trạng, sức khoẻ của đàn vật nuôi; trường hợp phát hiện vật nuôi có triệu chứng bệnh, kịp thời cách ly để theo dõi, điều trị; đồng thời, báo cáo với cơ quan thú y và chính quyền địa phương để xử lý, tránh lây lan dịch bệnh ra diện rộng.
Trong thời gian tới, dự báo thời tiết nắng nóng còn tiếp tục xảy ra nhiều. Chính vì vậy, các hộ chăn nuôi cần có kế hoạch, chủ động bố trí các giải pháp chống nóng phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế, nhằm giúp cho việc chăn nuôi được thuận lợi, đảm bảo được sức sản xuất cũng như khả năng sinh trưởng và phát triển của đàn vật nuôi một cách tốt nhất.