Nội dung chi tiết

LỜI NGƯỜI Ở LẠI
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 10/03/2009 .Lượt xem: 3438 lượt. [In bài]

Hải Uyên

Tôi đến Việt Nam vào một buổi sáng tháng năm. Mới tám giờ mà trời đã nắng rát da. Trong lòng tôi đầy phân vân khi đi tìm lại chân dung một người chiến sĩ, mà thời gian đã trải qua gần 50 năm. Đồng đội của anh ai còn ai mất, họ còn nhớ gì khi quá khứ đã lùi về phía xa. Nhưng ngoài sự phỏng đoán của tôi, khi đến vùng đất Cẩm Sa này hỏi đến Phạm Hồ hầu như ai cũng biết.

Theo sự chỉ dẫn của anh Tạo, trưởng thôn, tôi gặp bác Phạm Hải, Nguyễn Thị Cúc, Bùi Văn Khanh, chú Ba Giáo... Câu đầu tiên họ hỏi tôi: “Có phải ông Phạm Hồ, người đã gieo mình từ cây đa xuống để tự vẫn khi bị địch bắt không?”. “Ông ấy thật gan dạ!” Đó là ấn tượng mà Phạm Hồ đã để lại trong lòng người dân Cẩm Sa, với những lời kể đầy xúc động...

Sinh ra trên một vùng đất đầy cát và nắng, “tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm”, thế nhưng anh rất to, khỏe. Hằng ngày, anh phải chứng kiến cảnh thực dân Pháp bắt bớ, đánh đập, tàn sát những người dân vô tội. Cát đã thắm đầy máu và nước mắt. Anh quyết định tham gia vào đội du kích thôn Trung, do Võ Nhự làm Đội trưởng và anh là Đội phó. Sau một thời gian, để củng cố và phát triển phong trào, anh được bầu làm Bí thư chi bộ thôn Trung, gồm các đồng chí: Nguyễn Đảng, Lê Chân, Lê Diện, Nguyễn Thị Cúc, Nguyễn Đạm, Phan Xe, Phạm Miêu, Lê Sửu, Võ Nhiễu, Võ Chí, Võ Thanh... Ngày đêm anh cùng đồng đội theo dõi địch, chủ động đánh địch khi chúng càn quét, vận động nhân dân đào hầm bí mật để bảo vệ tính mạng và tài sản của mình.

Sau Hiệp định Giơnevơ, ta khẩn trương thực hiện việc chuyển quân tập kết, bố trí lại lực lượng cho cuộc chiến đấu mới, một số cán bộ ở lại được cài vào hàng ngũ địch, một số ở ngoài để gây dựng phong trào. Trong lúc đó, địch đưa quân tiếp quản các địa phương, xây dựng bộ máy ngụy tề và tổ chức đánh phá ta ngay từ đầu. Lợi dụng thời cơ, ta đưa số người cốt cán được dân bầu vào trong Ban Hội đồng ở địa phương, đây là điều kiện thuận lợi cho ta. Mỗi khi bọn ngụy quyền hoặc tên Trần Quang, Trưởng khu hành chính Thanh Quýt, nguyên là Chủ tịch xã Điện Quang đã đầu hàng địch trong kháng chiến chống Pháp, cho lính càn, khủng bố, đàn áp... thì anh Phạm Hồ hay các đồng chí trong tổ mà ta đã cài vào, đánh ba dùi trống liên tục. Nếu không có địch thì đánh ba hồi cách quãng, để báo động cho quân ta cảnh giới.

Năm 1955, Mỹ - Diệm xây dựng hệ thống ngụy quyền tại Quảng Nam-Đà Nẵng. Sau đó, chúng thực hiện chiến lược “Chiến tranh một phía”, với nội dung cơ bản là “tố cộng, diệt cộng”, xem đó là một chiến lược quốc sách. Để thực hiện chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” địch huy động bộ máy đàn áp gồm ngụy quân, ngụy quyền, mật vụ, gián điệp, chiến tranh tâm lý, cùng hệ thống trại giam, nhà tù, trại cải huấn, trường lớp tố cộng khắp nơi trong huyện. Một số cơ sở bị địch phát hiện. Nhiều cán bộ Đảng viên bị bắt trong đó có anh Phạm Hồ. Chúng giải anh về nhà lao Vĩnh Điện tra tấn, đánh đập rất dã man, nhưng anh không một lời khai báo. Biết không khai thác được gì ở người cộng sản cứng đầu này, địch định trong đêm sẽ bỏ bao tời thả sông Vĩnh Điện thủ tiêu Phạm Hồ, để loại trừ một tên mà chúng cho là nguy hiểm. Nắm được âm mưu của địch, suốt đêm đó trong phòng giam anh trằn trọc không ngủ và quyết định nếu có chết thì chết nơi anh đã từng sinh ra, thân xác được nằm vào lòng đất mẹ, chứ không thể để bọn địch thả nổi sông. Và cũng như bao thanh niên khác của làng Cẩm Sa, trai lớn có vợ, gái lớn có chồng. Hạnh phúc của anh như được nhân đôi khi đứa con trai đầu lòng ra đời xinh xắn khỏe mạnh. Nhưng niềm vui chưa trọn vẹn thì tai họa ập xuống gia đình anh. Vợ anh không may bị bệnh qua đời khi đứa con mới vừa ba tháng tuổi. Anh vừa công tác, vừa phải chăm con. Không có bầu sữa mẹ, thằng bé ngày đêm khóc khan cả cổ, ai cũng thương xót nên sẵn lòng giúp đỡ. Vợ chồng anh Phạm Muộn có con nhỏ nhận đem về chăm sóc và cho bú ban đêm. Ngày thì ông bà nội ngoại bồng cháu đi xin sữa các bà mẹ có con nhỏ ở xóm. Con anh cứng cáp hơn trong niềm cảm thương, đùm bọc của xóm làng. Bây giờ khi con chưa đầy một tuổi không lẽ lại mồ côi cha, lòng anh quặng đau như cắt, thương con, nhưng anh chỉ có một con đường lựa chọn. Thà chết chứ không để bọn địch làm nhục.

Sáng ra, anh báo với địch: “Đưa tôi về làng, tôi sẽ chỉ nơi cất giấu súng, tài liệu cho”. Bọn địch huênh hoang tưởng rằng đã khuất phục được anh. Giữa canh trưa ngày 13 tháng 3 năm 1956 (ÂL) làng Cẩm Sa đang vắng lặng, thì bỗng nghe tiếng giày thình thịch, tiếng chó sủa vang cả xóm. Mọi người không dám ra đường sợ bị liên lụy, chỉ đứng nép sau cánh cửa ngó ra. Gặp cha mẹ vợ, anh Phạm Hồ bùi ngùi gởi lại đứa con thơ, rồi chào vĩnh biệt. Địch giải anh đến cây đa miếu An Hòa, thôn Cẩm Sa, cởi trói và hét lớn:

- Tài liệu đâu? Mầy trèo lấy xuống mau lên!”

Cây đa to mười vòng tay ôm không xuể, cao như gần hai mươi mét, thế nhưng anh trèo dễ dàng như ngày nào cùng lũ bạn trong xóm chơi đùa nghịch ngợm. Khi đến ngọn cây, anh hô lớn:

- “Vĩnh biệt bà con. Phạm Hồ này quyết không bao giờ phản Đảng. Bác Hồ muôn năm...”

Từ độ cao, anh buông mình thả xuống. Nhưng khi rơi xuống, người lọt vào trúng cái ao gần đó, địch chạy lại túm cổ anh lôi lên. Lợi dụng lúc chúng sơ hở, anh liền tháo chạy, nhưng chỉ chạy được khoảng năm mươi mét, đến trước ngõ nhà ông Phan Đạt thì bị bắn ngã. Anh chết trên vũng máu, nhưng đôi mắt còn đầy sự căm thù. Chờ cho bọn địch rút lui, thân nhân đã đem xác anh về chôn cất tại Cồn Bàu Dừa. Cái chết oanh liệt và lời anh gởi lại đã tạo được lòng tin của dân vào Đảng. Nhiều cán bộ, đảng viên xem đó như một tấm gương trung liệt, là động lực tiếp thêm sức mạnh để chống lại quân thù. Năm 1957, ông Phạm Nghiệng (Cẩm Sa) bị địch phát hiện bắn bị thương và bị bắt. Địch dùng nhiều hình thức tra tấn nhưng ông Phạm Nghiệng dũng cảm không khai báo. Bọn ngụy quyền ở Điện Bàn đã khớp miệng ông, đưa về nhà lao Vĩnh Điện cắt nhượng chân và cột ông ở trụ cờ Chi Công an quận Điện Bàn suốt chín ngày đêm. Ông Phạm Nghiệng đã chịu đói, chịu nắng suốt chín ngày, cuối cùng ông đã hy sinh. Ông Phạm Toại (Cẩm Sa) căm phẫn trước những lời phỉ báng, nói xấu của địch, đã chửi lại chúng rồi mổ bụng đấu tranh tại lớp học tố cộng...

Miếu xưa và cây đa một thời gắn bó với dân làng đã bị chiến tranh tành phá. Sau ngày giải phóng nhân dân đóng góp công sức xây dựng lại miếu. Đặt biệt khi nói đến ngôi miếu này, mọi người như thấy lại hình ảnh của người chiến sĩ dũng cảm năm xưa, hiên ngang trước kẻ thù. Khâm phục tinh thần đấu tranh của anh ta, ba mươi hộ trong làng có nguyện vọng thờ ông trang trọng trong ngôi miếu, xem đây như một niềm tự hào của người dân Cẩm Sa.

Cho dù cát đã chuyển mình, cuộc sống người dân Cẩm Sa đã no ấm và đầy đủ tiện nghi hơn, song âm vọng của những ngày tháng đấu tranh ác liệt của vùng đất này vẫn được nhân dân truyền tụng lại cho bao thế hệ con cháu...

 

[Trở về]
Các tin mới hơn:
NHÀ LAO VĨNH ĐIỆN
NHÀ YÊU NƯỚC LÊ ĐÌNH DƯƠNG
NHÀ YÊU NƯỚC PHAN THÀNH TÀI
BÀI THƠ CA NGỢI ĐỒNG CHÍ ĐINH TÙNG
BÀI THƠ THƯ NHÀ
MỘT HỘI PHÓ NHIỀU NGƯỜI CHƯA BIẾT
CÁI CHẾT NGHIỆT NGÃ CỦA PHẠM XANG
BA MẸ CON CÙNG MỘT CHI BỘ
GƯƠNG BẤT KHUẤT CHỐNG TỐ CỘNG
RA ĐI … QUYẾT TỬ !
    
1   2   3   4  
    
Các tin cũ hơn:
NGUYỄN VĂN TRIẾT - LAO TÙ LÀ NƠI TRUI RÈN Ý CHÍ
KHI RƠI VÀO TAY GIẶC
THÂN KIỀM BẤT KHUẤT
TỬ NGỤC CHÍN HẦM
CHÍN NGÀY BẤT KHUẤT CỦA PHẠM NGHIỆNG
QUẢN CƠ – HÀ TÂN VỚI PHONG TRÀO NGHĨA HỘI
CỤ TRẦN CÔNG CHƯƠNG NGƯỜI CHỦ MƯU ĐỐT PHÁ TỈNH THÀNH QUẢNG NAM TRONG PHONG TRÀO DUY TÂN KHỞI NGHĨA NĂM 1916
TRƯỚC THỀM TRĂM NĂM TUỔI
TỪ MẢNH ĐẤT KIÊN TRUNG BẤT KHUẤT
LỜI GIỚI THIỆU
    
1   2  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm