Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có 6 anh em, là con út nên ông được học hành hơn hẳn, đã qua lớp yếu lượt - một học vị không cao nhưng so với những người dân suốt ngày chân lấm tay bùn thì ông được coi là người có chữ nghĩa. Cũng nhờ vốn học lực này mà ông sớm giác ngộ cách mạng và được đứng vào hàng ngũ những người cộng sản khi mới 23 tuổi. Trong kháng chiến chống Pháp, ông tỏ rõ là một du kích gan dạ, kiên cường bám địch dựa vào dân để hoạt động. Lần lượt qua các chức danh cán bộ chỉ huy tiểu đội, trung đội tự vệ chiến đấu, rồi xã đội trưởng xã Điện An. Ông đã cùng đồng đội bao vây, bám đồn, diệt tề, trừ gian, và là người trực tiếp chỉ huy du kích phối hợp bộ đội chủ lực tiêu diệt đồn Ngũ Giáp và lô cốt Ngọc Tam, đồng thời vận động binh lính địch bỏ ngũ. Nắm rõ tâm lý địch, với chính sách vận động khôn khéo ông đã giác ngộ 3 lính Âu Phi và 1 lính người Việt mang súng chạy sang hàng ngũ cách mạng.
Sau Hiệp định Giơnevơ, trước bối cảnh khó khăn, phức tạp do địch đánh phá, tố cộng rất quyết liệt, ông vẫn kiên định, vững vàng động viên các đồng chí chi ủy, chi bộ gây dựng lại cơ sở để hoạt động. Ông cải trang thành người bán hàng rong, thậm chí làm người hoạn heo để đi khắp thôn cùng ngõ xóm, móc nối với các cơ sở cách mạng. Địch tăng cường lùng sục, bắt bớ, nhiều cơ sở bị vỡ. Tình thế cực kỳ gian khổ, ông cùng đồng đội phải chịu đói, chịu rét để giữ ngọn lửa cách mạng.
Tháng 2 năm 1955, ông bị bắt, chúng đem về giam tại khu hành chính Nha Thanh Quýt – nơi mà những tên ác ôn khét tiếng như Lê Hà Lâm, Lê Hà Tráng ra tay đàn áp quần chúng và phong trào cách mạng. Để đánh lừa địch, ông khai nhận mình là dân đi làm ăn, còn với đồng đội ông tuyên truyền vận động các đồng chí bảo vệ bí mật tổ chức Đảng, giữ vững khí tiết của người Cộng sản. Sau đó, ông vượt ngục, trốn thoát trở về nhà đồng chí Võ Tấn Đâu - lúc này là bí thư chi bộ thôn Phong Nhất. Nhằm đánh lừa địch và tạo ra dư luận xấu, ông cho tung tin địch đã bỏ Thân Kiển vào bao bố thả sông, rồi vận động quần chúng nhân dân đấu tranh với địch làm bọn chúng hết sức hoang mang. Đầu năm 1956, ông chỉ đạo đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử và trực tiếp chỉ đạo chi ủy thôn Phong Nhứt thành lập Hội tề, thành phần tham gia là các Đảng viên bí mật và quần chúng được giác ngộ. Lúc đó, Hội tề thôn Phong Nhấtđóng tại nhà ông Trần Xuân Mai, nhân dân có phần ấm lòng tin tưởng vì biết nơi này là cơ sở của ta.
Năm 1958, ông sống dưới hầm bí mật tại cánh đồng ở Đồng Nao (Phong Nhị, Điện An) trong một miếu thờ. Do có kẻ khai báo nên địch bao vây và bắt được ông. Bọn địch rất hí hửng, vừa dẫn giải, chúng vừa oang oang: “Bắt được Thân Kiển, bắt được Thân Kiển rồi!”. Chúng lùa nhân dân ra hòng uy hiếp tinh thần đấu tranh của đồng bào. Tuy nhiên, ông vẫn tươi cười và bình tĩnh vạch mặt tụi ác ôn, vận động bà con tin tưởng vào sự thắng lợi của cách mạng. Chúng đưa ông vào trại giam Bằng An, rồi tiếp tục giam cầm ở Vĩnh Điện, Hội An. Biết ông là cán bộ cách mạng nên bọn địch tra tấn hết sức dã man hòng tìm ra những đầu mối quan trọng nhưng ông đã kiên cường, không khai báo điều gì bất lợi cho cách mạng. Do không khai thác được gì từ người cán bộ trung kiên này, địch đày ông ra Côn Đảo. Trên đường đi, khi tàu đến Nha Trang, lợi dụng sơ hở địch, ông trốn xuống khoan tàu rồi nhảy ra biển, thế là, một lần nữa ông đã vượt ngục thành công. Đây là lần thứ hai ông Thân Kiển thoát chết từ tay địch.
Trở về, tiếp tục liên lạc lại với Thường vụ Huyện ủy Điện Bàn, ông được bố trí làm đội trưởng đội công tác xã Điện An. Lúc này cuộc kháng chiến ngày càng ác liệt và phong trào cách mạng cũng đã lớn mạnh lên nhiều, ta đã dùng đấu tranh vũ trang để khống chế địch. Cuối năm 1963, trong lúc về làng Đông Hồ, xã Điện An lãnh đạo phong trào, ông bị bọn địa phương quân của tên Cho phục kích. Biết rơi vào vòng vây của địch, ông chống trả quyết liệt và đã anh dũng hy sinh khi vừa tròn 37 tuổi. Kẻ thù thật man rợ, ngay đến khi chết chúng vẫn không từ bỏ thủ đoạn đê hèn. Chúng kéo xác ông xuống cầu Vĩnh Điện nhằm uy hiếp, khủng bố tinh thần của nhân dân. Để xứng đáng với sự hy sinh cao quý ấy, các đồng chí lãnh đạo đã vận động nhân dân và các cơ sở cách mạng đấu tranh đòi địch trả xác ông và đưa về chôn cất. Về sau, đồng đội tổ chức phản công và tiêu diệt được tên Cho, vừa để trả thù cho người lãnh đạo của họ vừa chứng minh cách mạng đang tiềm ẩn và phát triển.
Ông Thân Kiển đã cống hiến trọn đời mình cho quê hương đất nước. Ra đi, ông không để lại gì ngoài một nhiệm vụ chưa thành và một lời hẹn ước với người con gái La Thọ - chị Lê Thị Phân về ngày hạnh phúc trong niềm vui chung của dân tộc.
Ông Thân Kiển hy sinh để lại lòng tiếc thương vô bờ cho đồng chí, đồng đội và nhân dân. Sau bao lần bị địch bắt, khi trốn thoát trở về, ông đều bám địa phương để hoạt động. Mặc dù giết được ông nhưng chúng không giết được phong trào cách mạng ngày ấy, khí thế đấu tranh vẫn bừng bừng sôi sục trong lòng dân.