Theo dự báo, thời tiết trong tuần đến vẫn âm u, có mưa tạo điều kiện rất thuận lợi cho các loại sâu bệnh phát sinh, phát triển mạnh. Để phòng trừ sâu bệnh đạt hiệu quả, Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp Điện Bàn hướng dẫn một số biện pháp như sau:
1. Bệnh khô vằn:
Hiện nay, bệnh khô vằn phát sinh mạnh trên các chân ruộng sạ dày, bón thừa đạm. Bà con cần thường xuyên kiểm tra đồng, khi bệnh phát triển mạnh phun trừ bằng một trong các loại thuốc như: Anvil 5SC, Validacin 3L, 5L,,...
2. Bệnh lem lép, thối hạt:
- Đối với diện tích lúa đã trỗ, qua điều tra nhận thấy bệnh lem lép - thối hạt đã phát sinh gây hại; với tình hình thời tiết nắng mưa xen kẽ sẽ tạo điều kiện cho bệnh phát sinh mạnh. Vì vậy, cần khẩn trương phun các loại thuốc đặc hiệu để phòng trừ như: Starner 20WP, Anvil 5SC, Tilt super 300EC,… hạn chế bệnh phát sinh nặng.
- Đối với diện tích lúa chưa trỗ: Cần phun phòng trước và sau khi trỗ 5-7 ngày bằng một trong các loại thuốc trên. Việc phun phòng bệnh lem lép, thối hạt cũng giúp trừ bệnh khô vằn hại lúa.
3. Rầy nâu + rầy lưng trắng:
Hiện qua điều tra trên đồng ruộng nhận thấy: rầy đã phát sinh gây hại trên giống nhiễm HT1, Đài Thơm 8 với mật độ nơi cao 1.500 con/m2. Vì vậy, các địa phương cần thông báo hướng dẫn người dân tăng cường thăm đồng trong thời gian tới, vạch gốc lúa để kịp thời phát hiện rầy gây hại, phải quan sát khắp mặt ruộng để phát hiện các “ổ rầy” cục bộ, cần lưu ý trên các giống HT1, Thiên Ưu 8, Đài Thơm 8. Khi phát hiện rầy có mật độ trung bình từ 2 - 3con/dảnh lúa (khoảng 1.000 - 2.000 con/m2) thì dùng các loại thuốc như: Chess 50WG, Alika 247SC, Map Jono 700 WP… để phun trừ. Khi phun trừ rầy, cần phải khoanh vùng và phun kỹ các “ổ rầy” để diệt trừ triệt để; luôn giữ nước trong ruộng khi phun trừ rầy mới đạt hiệu quả cao.
Lưu ý:
- Khi phun thuốc phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên bao bì, nhãn mác trước khi dùng.
- Mỗi sào phải phun đủ từ 30 lít nước thuốc đã pha trở lên, pha đúng nồng độ hướng dẫn trên nhãn.
- Xử lý thuốc vào chiều mát, tránh thời gian lúa đang phơi màu.