Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp thị xã Điện Bàn khuyến cáo phòng, chống bệnh cúm gia cầm như sau:
1. Tìm hiểu về bệnh Cúm gia cầm:
Bệnh Cúm gia cầm là một bệnh truyền nhiễm ở loài chim (bao gồm cả gia cầm và chim hoang dã) và động vật có vú (bao gồm cả người); gây ra do vi rút cúm tuýp A. Ở Việt Nam hiện nay đã xác định chủng vi rút gây bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao là H5N1 và H5N6. Gia cầm mắc bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao có thời gian ủ bệnh ngắn, thường từ 01 đến 03 ngày. Do vậy, gia cầm mắc bệnh thường bị chết đột ngột và không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng.
Trong chăn nuôi, gà thường bị mắc bệnh rất nặng, vịt thường mang mầm bệnh nhưng ít khi có biểu hiện triệu chứng lâm sàng và là nguồn chủ yếu gieo rắc mầm bệnh ra môi trường.
2. Phòng bệnh:
Cúm gia cầm là bệnh do virut gây ra nên không có thuốc điều trị. Vì vậy, tuyệt đối phải sử dụng vắcxin cúm gia cầm để tiêm phòng cho gà, vịt. Liều lượng, đường tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc-xin.
3. Tiêm phòng khẩn cấp khi có ổ dịch xảy ra:
Khi có ổ dịch cúm gia cầm xảy ra, cần tổ chức tiêm phòng cho gia cầm khỏe mạnh tại nơi xảy ra dịch; đồng thời tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch theo hướng từ ngoài vào trong đối với gia cầm mẫn cảm tại nơi chưa có dịch trong cùng xã và các xã tiếp giáp xung quanh xã có dịch.
4. Xử lý gia cầm mắc bệnh: Gia cầm bị tiêu hủy trong các trường hợp sau đây:
- Đàn gia cầm phát hiện mắc bệnh, chết, có dấu hiệu mắc bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao;
- Đàn gia cầm nuôi thả rông chưa được tiêm phòng vắcxin cúm và đã tiếp xúc với đàn gia cầm mắc bệnh hoặc tiếp xúc với đàn gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao;
Việc tiêu hủy gia cầm phải được thực hiện ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút cúm A/H5N1, A/H5N6 hoặc chủng vi rút cúm có khả năng lây bệnh và gây tử vong cho người được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương kiểm tra, xác minh và kết luận là mắc bệnh cúm gia cầm.
5. Khuyến cáo:
- Không chăn thả rông gia cầm trong khu dân cư.
- Chuồng trại chăn nuôi đảm bảo cách ly với khu vực sinh hoạt của người.
- Thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi 01 lần/tuần.
- Không ăn thịt gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và gia cầm không rõ nguồn gốc.
- Đảm bảo ăn chín, uống sôi, rửa tay bằng xà phòng khi có tiếp xúc với gia cầm và các sản phẩm gia cầm.
- Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
- Khi phát hiện có gia cầm bị bệnh, tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo cho chính quyền địa phương.
- Khi tiếp xúc với gia cầm cần mang khẩu trang, quần áo bảo hộ và phải vệ sinh sạch sẽ trước khi rời khỏi khu vực chăn nuôi.
Cúm gia cầm H5N1 là bệnh truyền nhiễm có thể lây sang người. Vì vậy, bà con không được chủ quan mà phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm ngặt theo khuyến cáo của cơ quan thú y.