Nội dung chi tiết

Người con Điện Nam anh hùng
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 11/08/2010 .Lượt xem: 11097 lượt. [In bài]

Đầu tháng 8, tôi về Điện Bàn thăm gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Tấn Viễn - một trong 7 dũng sĩ Điện Ngọc năm xưa để tìm hiểu thêm về những trận đánh vang dội của các anh mà trước đây chỉ được biết qua tác phẩm “Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc” của nhà văn Nguyễn Trung Thành.

Chiến công tiếp nối chiến công

Lê Tấn Viễn (còn gọi là Lê Tấn Hiền, Bảy Hiền) sinh ngày 7-11-1932, trong một gia đình nông dân nghèo xã Điện Nam (nay là xã Điện Nam Bắc), Điện Bàn. Từ năm 15 tuổi, Bảy Hiền đã làm liên lạc và trinh sát cho bộ đội huyện. Tuy tuổi còn nhỏ nhưng Viễn là một  thiếu niên dũng cảm, mưu trí, luồn lách qua các vùng trọng yếu của địch để chuyển tài liệu, đi trinh sát... Nhờ lập những thành tích xuất sắc, tháng 12-1950, Lê Tấn Viễn vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đầu năm 1953, Lê Tấn Viễn được điều về Đại đội Đặc công (Đại đội 11) thuộc Tỉnh đội Quảng Nam, tham gia nhiều trận đánh tiêu diệt địch ở Đại Lộc, Đà Nẵng. Tháng 4-1954, Lê Tấn Viễn tham gia trinh sát cầu Câu Lâu (Điện Bàn) và cùng đơn vị tiêu diệt gọn một đại đội địch đang chiếm giữ cầu. Trong trận đánh, do sức nổ của bộc phá, ông bị thương nặng. Ngay sau khi điều trị lành vết thương, ông lại tiếp tục tham gia điều tra chiến trường, phục vụ chiến đấu.

Trên bia chiến công 7 dũng sĩ Điện Ngọc có ghi dòng chữ “Ngày 26-4-1962, 7  chiến sĩ đặc công của tỉnh cùng một số cán bộ của huyện Điện Bàn và xã Điện Ngọc đã dùng ao này chiến đấu, chống trả trên 2.000 tên địch, lập nên chiến công vang dội non sông đất nước”.

Sau khi tập kết ra Bắc về, tháng 7-1959, ông được Tỉnh ủy Quảng Nam giao nhiệm vụ huấn luyện lực lượng vũ trang các huyện Hiên, Giằng, Trà My và Tam Kỳ. Tháng 9-1960, ông phụ trách trinh sát trận địa cùng đơn vị H29 Đặc công tỉnh đánh đồn Bót Xít, huyện Giằng, gần biên giới Việt - Lào, tiêu diệt gọn Đại đội Bảo an, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng. Tháng 10-1969, ông cùng đơn vị Bộ binh H30 của tỉnh đánh tiêu diệt cứ điểm Ga Lâu, huyện Hiên, tiêu diệt 120 tên địch, thu gom toàn bộ vũ khí. Một năm sau, ông được giao nhiệm vụ điều tra nắm tình hình địch ở Hòa Liên, Hòa Vang (Đà Nẵng). Nhiệm vụ của ông là đánh nhà chỉ huy điện đài của địch. Dù trên đường hành quân bị sốt nặng, ông vẫn gắng vượt qua để chỉ huy mũi tấn công cắt hàng rào tiến vào bên trong cứ điểm địch đánh chiếm nhà chỉ huy điện đài...

Trận đánh để đời

Ngày 26-2-1964, cấp trên giao nhiệm vụ cho Lê Tấn Viễn chỉ huy một bộ phận gồm 7 chiến sĩ đặc công của tỉnh và một số cán bộ chính trị huyện Điện Bàn về xây dựng cơ sở ở vùng cát Điện Bàn. Trong khi di chuyển, bộ phận công tác đã bị địch phát hiện. Đến tầm 8 giờ sáng, địch triển khai lực lượng bao vây, trong đó có một đại đội biệt kích từ Non Nước kéo vào, 3 đại đội biệt kích từ Hội An kéo ra cùng với lực lượng tổng đoàn, công an, dân vệ trang bị vũ khí đầy đủ, khoảng trên 2 nghìn tên. Trước tình hình đó, Lê Tấn Viễn nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu vừa đánh vừa tranh thủ rút quân qua các vùng lân cận của các xã Điện Ngọc, Điện Nam để bảo toàn lực lượng. Đến 16 giờ, địch bắt đầu tổ chức bủa vây, dồn  lực lượng ta xuống một giếng cạn giữa cồn cát Điện Ngọc. Bọn địch lợi dụng ưu thế đông người, dự định bắt sống các chiến sĩ đang cố thủ trong giếng cạn; nhưng thấy không thể bắt sống được, chúng ném lựu đạn vào trong giếng, các anh nhanh chóng chộp ném trả lại. Bọn địch đưa loa phóng thanh gọi hàng, Lê Tấn Viễn động viên anh em tiếp tục chiến đấu, sẵn sàng hy sinh chứ nhất định không đầu hàng. Cuộc chiến đấu không cân sức kéo dài đến khoảng 19 giờ tối, bất ngờ một quả lưụ đạn ném vào lòng giếng, do trời tối không quan sát kịp, lựu đạn nổ làm 2 chiến sĩ hy sinh, còn lại 4 người, trong đó 2 người đã bị thương nặng. Lợi dụng lúc trời nhá nhem tối, các chiến sĩ đã dìu nhau thoát khỏi vòng vây địch.

Năm 1977, Lê Tấn Viễn nghỉ hưu về sống tại xã Điện Nam, Điện Bàn, tiếp tục tham gia công tác tại địa phương. Trong quá trình  tham gia cách mạng, ông đã được tặng thưởng nhiều Huân - Huy chương, năm 1964 được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua Quân khu 5. Năm 2000, ông lâm trọng bệnh rồi qua đời. Tháng 2-2010, Lê Tấn Viễn được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Với địa hình vùng cát sâu, địch dễ kiểm soát và trận đánh không cân sức về lực lượng, song nhờ sự mưu trí, dũng cảm, gan dạ và ngoan cường, quyết tử cho cách mạng, các chiến sĩ ta đã chống trả quyết liệt và tiêu diệt hơn 100 tên địch, trong đó có tên phó ty công an. Đây là trận đánh tiêu biểu, vang dội, thể hiện tinh thần quả cảm của những chiến sĩ đặc công dưới tài chỉ huy của thủ lĩnh Lê Tấn Viễn. Trận chiến ở giếng cạn (Điện Ngọc) đã đi vào lịch sử đánh giặc Mỹ của nhân dân Điện Bàn, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đấu tranh cách mạng ở địa phương. Tại nơi đây, vào ngày 31-8-1991, chính quyền và nhân dân Điện Bàn đã được dựng bia chiến công 7 dũng sĩ Điện Ngọc và đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

ĐINH VĂN DŨNG (Theo Báo Quảng Nam)

 

[Trở về]
Các tin cũ hơn:
Gặp lại “chị” Chính, người cán bộ binh vận xuất sắc
TRƯỚC THỀM TRĂM NĂM TUỔI
CHẾT VINH HƠN SỐNG NHỤC
GƯƠNG HY SINH CỦA LIỆT SĨ NGUYỄN ĐÌNH TRÂN
HOÀNG HỮU NAM TẤM GƯƠNG SÁNG VỀ LÒNG TRUNG THÀNH VỚI DÂN VỚI ĐẢNG
PHAN TRIÊM (1916-2001)
NGUYỄN XUÂN NHĨ(1912 – 1983)
VÕ CỮU NGƯỜI CON KIÊN TRUNG BẤT KHUẤT CỦA ĐIỆN BÀN
ĐI THEO CON ĐƯỜNG CỦA ĐẢNG ĐÃ VẠCH
NGUYỄN XUÂN HỮU NGƯỜI CON ƯU TÚ CỦA TỈNH QUẢNG NAM
    
1   2   3  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm