Ngày 20 tháng 7 năm 1941, quân Nhật tước vũ khí Pháp. Bọn tay sai gặp được chủ mới càng ra sức đàn áp nhân dân, chúng hô hào tuyên truyền theo chủ thuyết Đại Đông Á của Nhật. Nhân dân lúc đó chịu một cổ ba tròng: Pháp, Nhật, phong kiến địa chủ. Cứ mỗi lần nghe dân làng than van về cảnh bần cùng, khổ cực do áp bức, bất công, Võ Tiến thầm nuốt hận vào lòng. Mới 13 tuổi, anh đã nuôi chí lớn tiêu diệt bọn cường hào, tay sai, đế quốc phong kiến. Muốn được tự do khi không còn là người nô lệ, ý nghĩ ấy ngấm ngầm thấm sâu trong anh.
Ngày 19/8/1945, Tổng khởi nghĩa bùng nổ, anh cùng đoàn người cầm băng cờ, biểu ngữ tuần hành quanh làng hò reo mừng cách mạng cướp chính quyền thành công. Ấn tượng ngày ấy còn đọng lại trong tâm trí nhiều người.
18 tuổi, anh tham gia vào đội tự vệ xã Tứ Hải. Sau khi vỡ mặt trận Thái Phiên (Ngũ Hành Sơn), anh được chuyển vào thế hợp pháp, ở lại, không tản cư. Thời gian sau anh giữ chức Trung đội trưởng Thanh niên quyết tử xã Tứ Hải. Năm 1949, được kết nạp vào hàng ngũ Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, giữ chức xã đội phó dân quân xã Điện Ngọc. Từ 1950 đến tháng 7-1954, được điều động lên làm tiểu đội trưởng Cảnh vệ tỉnh. Sau Hiệp định Giơnevơ, anh được ở lại công tác ngành Công an, hoạt động tại các địa phương Hội An, Thăng Bình, An Tân, Tam Kỳ.
Năm 1956-1957, anh được chuyển về công tác ở Điện Bàn, phụ trách xã Điện Dương, chỉ đạo bàn đạp thôn 5 Điện Ngọc. Không may, anh bị địch phục bắt và đem giam tại nhà lao Vĩnh Điện. Tháng 3 năm 1958, anh vượt ngục về công tác, giữ chức vụ Trưởng quản trị Hành chính miền Tây, Quảng Nam. Tháng 2 năm 1960, anh được điều về Điện Bàn. Tháng 10 năm 1960, anh trúng cử vào BCH Huyện ủy Điện Bàn, họat động ở vùng cát Điện Bàn. Bọn chúng đánh hơi truy tìm người huyện ủy viên Võ Tiến nằm vùng, chúng ráo riết truy lùng và bắt được anh đem về nhà lao Vĩnh Điện. Tại đây, bọn giặc đã dùng nhiều hình thứ tra tấn cực hình man rợ. Để giữ trọn khí tiết người cộng sản, anh dùng dao tự cắt cổ trước mặt quân thù. Thấy máu trào ra, bọn giặc hoảng hốt lo cứu chữa, cố giữ vết thương cho lành để tiếp tục khai thác. Bọn giặc chuyển anh xuống nhà lao Hội An. Tại đây, anh quyết tâm vượt ngục. Sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu địa hình, tình thế, anh bắt đầu thực hiện vượt nhà lao. Địch phát hiện, rượt đuổi và bắn xối xả. Nhanh trí, anh chui vào cống nước, qua mắt được địch. Anh trở về quê nhà, tiếp tục công tác. Năm 1962, anh được bầu bổ sung vào Thường vụ huyện ủy Điện Bàn.
Đứng hoạt động tại vùng cát, anh đã lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Tháng 4 năm 1962, Thường vụ huyện ủy Điện Bàn chủ trương phát động quần chúng khởi nghĩa diệt tề trước 8 xã, trong đó có xã Thanh Thủy (tức Điện Ngọc bây giờ) do đồng chí Thụ (tức Tiến) được Thường vụ huyện ủy phân công làm Bí thư ban cán sự Đảng vùng cát Điện Bàn. Địch phát hiện truy đuổi, lúc này anh cùng 4 đồng chí trong đội công tác của huyện phối hợp với 7 đồng chí bộ đội tỉnh, anh chỉ huy dàn quân thành trận đánh lớn tại vùng cát Điện Bàn. Sau đó địch tăng cường quân tiếp viện, hơn cả tiểu đoàn Bảo An cùng bọn dân vệ, bọn tề ngụy xã bủa vây. Anh ra lệnh chỉ huy chiến đấu đến cùng, giữ trọn lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Triển khai đội hình theo cách lấy ít đánh nhiều, phân tán đội hình, đánh nhỏ lẻ, đánh tiếp cận. Suốt cả ngày trời, 11 đồng chí gan dạ, dũng cảm, dựa vào địa hình địa thế, chống cự với hàng ngàn tên địch. Địch đông hơn ta gấp nhiều lần, chúng lại cưỡng bức bắt ép dân dùng cây gậy thành phòng tuyến phía trước, làm bia đỡ đạn cho chúng. Nhưng nhờ mưu kế và tinh thần dũng cảm ta đã tiêu diệt hàng trăm tên địch, lập nên chiến công vang dội với chiến tích “Bảy dũng sĩ Điện Ngọc” lẫy lừng, góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.
Năm 1964, trong trận bão lụt lớn, nhiều mạng sống và tài sản của nhân dân bị tổn thất nặng. Nhận được lệnh phân công của Thường vụ huyện ủy, anh trực tiếp chỉ đạo chống bão lụt, cứu dân. Không ngờ, khi anh trong tư thế tay không, bọn Ngụy quân đoàn I dùng máy bay trực thăng đổ quân bao vây. Trước tình thế hiểm nghèo, anh nhanh trí đóng vai người dân đang sống trong cảnh ngập lụt. Thừa lúc địch sơ hở, anh thoát chạy được một đoạn. Địch phát hiện, rượt đuổi bắn. Anh trúng đạn, gãy cánh tay và ngã xuống. Giặc bắt được anh, đem về an ninh quân đoàn tra tấn, hành hạ. Không khai thác được gì ở anh, chúng chuyển từ nhà lao này đến nhà lao khác. Sau đó, anh bị chuyển vào khám Chí Hòa. Chúng cùm đôi chân anh bằng xích sắt, đeo bám suốt những tháng ngày dài đến khi đôi chân đen tím không còn đứng ngồi được. Anh lại bị đày ra Côn Đảo. Suốt 9 năm tù ngục với bao cực hình ác độc, chuồng bò, chuồng cọp, xà lim, hầm đá, giam cầm cấm cố, biết bao gian khổ, anh vẫn giữ vững ý chí, tổ chức nhiều cuộc đấu tranh tại nhà tù Côn Đảo, buộc địch giải quyết những yêu sách của anh em tù nhân. Địch đánh hơi anh là người cầm đầu trong các cuộc đấu tranh, chúng hành hạ anh không ngớt, có khi phải tắm mình nhiều ngày với nước bẩn, nước vôi, hơi cay, nước ớt...
Hiệp định Paris năm 1973 được ký kết, chúng đưa anh về đất liền rồi thả tự do ở đường phố Sài Gòn. Cơ sở ta nhanh chóng chuyển anh về căn cứ rồi đưa ra miền Bắc điều trị an dưỡng.
Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, anh trở về quê hương đoàn tụ gia đình. Nhưng niềm vui sum họp chưa được bao lâu, anh ngã bệnh, bị bại liệt, ăn nằm một chỗ. Gia đình chạy chữa đủ phương nhưng không cứu vãn được. Căn bệnh kéo dài hai năm, tuy không nói được nhưng anh vẫn biết và hiểu được nghĩa cử của bà con, đồng đội, làng xóm đến thăm, chia sẽ nỗi đau cùng mình.
Ngày 17 tháng 2 năm 1977, trước giây phút ra đi mãi mãi, anh mỉm cười rồi vĩnh biệt cuộc đời trước bao gương mặt thân yêu, để lại niềm luyến tiếc cho người thân và với đồng đội, với lớp trẻ, sẽ mãi mãi nhớ về anh với lòng ngưỡng mộ, khâm phục: Võ Tiến, một nhân cách lớn!