Nội dung chi tiết

TRỊNH QUANG XUÂN – SÁNG NGỜI LÝ TƯỞNG CÁCH MẠNG
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 11/03/2009 .Lượt xem: 4760 lượt. [In bài]

Trịnh Minh Thế

Sinh ngày 25/12/1908, ông Trịnh Quang Xuân trải qua những năm tháng trường kỳ hoạt động cách mạng và giữ nhiều trọng trách quan trọng: Xứ ủy viên - Xứ ủy Trung kỳ, Quyền Giám đốc sở Công an liên khu V, và sau chuyển ngành sang Tổng cục Đường sắt Việt Nam.

Cũng như bao chàng trai khác ở làng quê Phong Nhị, Điện An, ông sinh ra trong một gia đình nông dân lao động nghèo khổ, lớn lên trong cảnh đất nước lầm than. Sớm thoát ly gia đình, ông ra Đà Nẫng ngược xuôi theo những chuyyến tàu lửa. Năm 1926, ông được phân làm trưởng tàu và từ đây ông bắt đầu tham gia hoạt động bí mật trong tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách Mạng Đồng Chí Hội với nhiệm vụ liên lạc và phụ trách cơ quan in báo và tài liệu cho tổ chức.

Ở nước ngoài, khi Nguyễn Ái Quốc vận động và thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, thì trong nước, ông là một trong những người đảng viên đầu tiên được kết nạp làm nòng cốt cho Xứ ủy Trung kỳ.

Sau phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, mật thám Pháp tăng cường lùng sục, bắt bớ. Năm 1931, ông bị rơi vào tay giặc trong khi đang điều khiển tàu tại Quảng Bình. Chúng đưa ông ra Vinh giam giữ và khai thác.

Dù áp dụng nhiều cực hình tra tấn dã man, bọn địch vẫn không thể tìm ra bất cứ một tin tức nào.Ngoài những trận đòn cá nhân mỗi khi lấy cung, bọn địch còn khủng bố tập thể, chúng dùng dùi cui đánh từ trên xuống, người nào cao bị đòn nhiều rồi đến người thấp.

Đến cuối năm 1931, chúng đày ông cùng 150 người nữa đi Kon Tum. Anh em tù biết đi như thế là khó trở về vì có muốn vượt ngục cũng khó lòng thoát khỏi nanh vuốt của kẻ thù. Tình hình trong đó rất ác liệt, anh em đấu tranh phản đối, chúng cho lính xiềng và bỏ lên xe chở đi. Dọc đường ông cùng anh em phân công nhau tuyên truyền, diễn thuyết, hô khẩu hiệu mỗi khi xe dừng lại. Do anh em tù đấu tranh dữ dội nên bọn địch có phần chùng tay. Chúng đưa 150 tù nhân ở Vinh vào cùng 150 người ở các nơi khác đến Dakpeck lao động khổ sai, một ngày làm 12 tiếng nhưng ăn uống thì cơm mục, mắm thối. Chúng đã vắt kiệt sức nhng người tù, hành hạ đủ kiểu, và án tử hình luôn treo lơ lửng trên đầu mọi người bất chấp lý do. Nhờ đấu tranh quyết liệt mà chế độ nhà lao có thay đổi, nhưng vẫn còn gạo mục cá ôi, việc làm nặng nhọc, đánh đập triền miên. Sau mỗi cuộc đấu tranh chúng nhượng bộ được 5-10 ngày rồi trở lại như cũ.

Sau 6 tháng khổ sai ở Dakbeck, chúng đưa các ông về tỉnh lỵ Kon Tum. Tại đây các ông móc nối với một số cai ngục có cảm tình và kiện toàn ban lãnh đạo nhà lao, phong trào đấu tranh ngày càng mạnh. Chế độ ăn uống có khá hơn, đau ốm có thuốc men, bớt đánh đập, chỉ phạt xà lim.

Cùng bị giam với ông còn có Hồ Tùng Mậu và Võ Trọng Bành. Ngoài đấu tranh đòi quyền lợi vật chất, các ông còn đấu tranh đòi sách báo để đọc và cho ra tờ “Ngọ báo” (đọc giữa trưa), tổ chức anh em lượm lặt những thông tin trên các mẫu báo để đọc, đồng thời viết bài tuyên truyền giáo dục, củng cố tinh thần đấu tranh cho mọi người mà nhất là anh em tù thường ở chung với tù chính trị. Bài viết của người nào người ấy đọc. Ngoài ra các ông còn sáng tác thơ, rồi tổ chức thi thơ, bài “Viếng mộ liệt sỹ” của ông đạt giải nhất.

Trong tù, anh em còn tổ chức dạy văn hóa để chống nạn mù chữ và tuyên truyền thảo luận bí mật trong từng nhóm. Các ông xác định thời gian ở tù là lúc rèn luyện đạo đức, văn hóa, chính trị để khi ra tù tiếp tục hoạt động.

Đến năm 1933, bọn địch chuyển ông cùng anh em tù sang nhà lao Buôn Mê Thuột - với hơn 1000 tù nhân, chủ yếu là tù chính trị. Tại đây cũng có ban lãnh đạo tổ chức đấu tranh đồng loạt la to, chúng khủng bố thì la to hơn. Cả nhà lao đồng thanh la hét nghe thật là khủng khiếp. Bọn địch thường bắt những người chúng nghi cầm đầu đấu tranh nhốt vào xà lim.

Cuối năm 1934, chúng đưa ông cùng 150 tù nhân đi Krong Ana trong đó có cụ Phan Đăng Lưu. Các ông tiếp tục tổ chức đấu tranh đòi cải thiện sinh hoạt bằng tuyệt thực. Trong hồi ký, ông viết: “Nhịn ăn 3-4 ngày đầu là khó chịu, đến ngày thứ 5-6, người lơ mơ rồi, nằm mấy cũng được”.

Năm 1935, Mặt trận bình dân can thiệp vấn đề tha tù chính trị. Bên ngoài cũng có nhiều áp lực, bọn cầm quyền lựa chọn một số tù để tha nhưng thực ra số này đã hết hạn tù. Thời kỳ này, sau mỗi cuộc đấu tranh các tù nhân đều bị tăng án. Khi bị giam, chúng kêu án ông ba năm, nhưng sau tăng thêm lên 7 năm, rồi 12 năm. Nhưng lúc này ông cũng được ra tù.

Với bầu nhiệt huyết cách mạng, ông lại móc nối với Xứ ủy và được phân công phụ trách nhóm đấu tranh nghị trường và phụ trách công tác tài chính của Xứ ủy Trung kỳ. Tháng 6/1936, ông được cử vào Ban chấp hành Xử ủy Trung kỳ.

Năm1940, ông bị thực dân Pháp bắt giam lần thứ hai tại Quảng Nam rồi chúng đưa về quản thúc tại địa phương. Dù bị theo dõi chặt chẽ, ông vẫn liên lạc với các đồng chí tại địa phương. Đầu năm 1945, ông vận động quần chúng thành lập tổ chức Việt Minh ở các xã trong huyện Điện Bàn để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa.

Cách mạng tháng Tám thành công, ông được giao trách nhiệm làm Phó ty trinh sát tỉnh Quảng Nam. Đến năm 1948, ông là Tỉnh ủy viên – Phó ty Công an tỉnh rồi quyền Giám đốc Sở Công an liên khu V. Từ năm 1951, ông là Tỉnh ủy viên - Trưởng ty Công an tỉnh Bình Định, đến tháng 6/1955, ông tập kết ra Bắc và công tác ở Tổng cục Đường sắt, làm Bí thư Đảng ủy - Trưởng ty Y tế. Đến năm 1967, ông sang phụ trách trường Đảng của Tổng cục Đường sắt với chức danh Giám đốc. Dù làm việc gì, ở cương vị nào, ông cũng tỏ rõ là con người cương trực, tận tụy với công việc, hết lòng với nhân dân.

Năm 1971, do sức khỏe ngày càng giảm sút, ông được nghỉ hưu. Tuy nhiên, với nghị lực của một Đảng viên, ông luôn cố gắng tham gia đóng góp xây dựng phong trào ở địa phương. Cuộc đời hoạt động của ông là bầu nhiệt huyết không bao giờ tắt, luôn cháy mãi, sáng mãi với thời gian, với quê hương, đất nước. Sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, được Đảng giáo dục, được sống trong tình thương yêu của đồng bào, đồng chí, được rèn luyện trong đấu tranh cách mạng, bị tù đày gian khổ, ông càng nêu cao phẩm chất cao quý của người cộng sản. Với những công lao và thành tích đã cống hiến, ông được Đảng và chính phủ tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Chiến thắng và nhiều Huân, Hy chương, Kỷ niệm chương khác.

Lúc còn trẻ, Trịnh Quang Xuân là một chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, một cán bộ lãnh đạo liêm khiết, chính trực. Khi về già, ông là một cán bộ hưu trí năng nổ. Trái tim cách mạng của ông đã vĩnh viễn ngừng đập vào hồi 1 giờ ngày 16.2.1985, trong vòng tay của đồng chí, đồng đội và gia đình thân thiết. Ông đã cống hiến cả cuộc đời cho quê hương, đất nước và Đảng luôn ở bên ông cho đến cuối cuộc hành trình.

 

[Trở về]
Các tin mới hơn:
NHÀ LAO VĨNH ĐIỆN
NHÀ YÊU NƯỚC LÊ ĐÌNH DƯƠNG
NHÀ YÊU NƯỚC PHAN THÀNH TÀI
BÀI THƠ CA NGỢI ĐỒNG CHÍ ĐINH TÙNG
BÀI THƠ THƯ NHÀ
MỘT HỘI PHÓ NHIỀU NGƯỜI CHƯA BIẾT
CÁI CHẾT NGHIỆT NGÃ CỦA PHẠM XANG
BA MẸ CON CÙNG MỘT CHI BỘ
GƯƠNG BẤT KHUẤT CHỐNG TỐ CỘNG
RA ĐI … QUYẾT TỬ !
    
1   2   3   4  
    
Các tin cũ hơn:
VÕ TIẾN, MỘT NHÂN CÁCH
THÂN KIỂN - NGƯỜI CÁCH MẠNG KIÊN CƯỜNG
LỜI NGƯỜI Ở LẠI
NGUYỄN VĂN TRIẾT - LAO TÙ LÀ NƠI TRUI RÈN Ý CHÍ
KHI RƠI VÀO TAY GIẶC
THÂN KIỀM BẤT KHUẤT
TỬ NGỤC CHÍN HẦM
CHÍN NGÀY BẤT KHUẤT CỦA PHẠM NGHIỆNG
QUẢN CƠ – HÀ TÂN VỚI PHONG TRÀO NGHĨA HỘI
CỤ TRẦN CÔNG CHƯƠNG NGƯỜI CHỦ MƯU ĐỐT PHÁ TỈNH THÀNH QUẢNG NAM TRONG PHONG TRÀO DUY TÂN KHỞI NGHĨA NĂM 1916
    
1   2  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm