Nghe tin anh hy sinh, cả làng đau đớn tiếc thương vô hạn. Lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương quyết định tổ chức lễ truy điệu anh tại cồn Âm Linh (xóm Tây, làng Diệm Sơn). Đây là một nơi xa hoang vắng, nhưng là điểm kín đáo và lễ diễn ra vào một đêm tối trời nên bọn địch từ Bồ Bồ nhìn ra không thấy được. Mọi người dự lễ không cầm được nước mắt và bày tỏ lòng cảm phục trước một tấm gương chiến đấu kiên cường, hy sinh lẫm liệt của Hoàng Cẩn. Bài điếu văn truy điệu anh không dài nhưng nêu được cuộc đời và quá trình tham gia cách mạng của anh, đặc biệt là tinh thần kiên trung, bất khuất trong nhà tù. Chi bộ mang tên Hoàng Cẩn đi suốt chiều dài của thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Anh Hoàng Hạc ở phái Nhất tộc Hoàng làng Diệm Sơn kể lại: Hoàng Cẩn, liệt sỹ đầu tiên của tộc Hoàng, làm rạng danh truyền thống đấu tranh anh dũng trong nhà tù thực dân ngay trong thời điểm những năm đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trước cách mạng tháng 8 năm 1945, anh đã từng ở Ban truyền bá chữ Quốc ngữ và tham gia trong Ban vận động chuẩn bị khởi nghĩa với các đồng chí Cao Sơn Pháo, Hoàng Trường, Hoàng Cầu, Hoàng Hạc... Cách mạng tháng Tám bùng lên, Hoàng Cẩn được bầu làm Tổng thư ký Ban khởi nghĩa, lãnh đạo nhân dân toàn xã đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân. Trong một trận càn của giặc vào làng Tứ Sơn vào tháng 8 năm 1947, Hoàng Cẩn và Hoàng Cầu không may bị sa vào tay giặc. Từ xóm Bắc, bọn chúng dẫn hai anh đi quanh đường làng tới Lạc Thành (xã Điện Hồng). Dọc ven đường xóm lúc ấy là những đồng mía tỏa lá che khuất mịt mù. Lợi dụng sơ hở của tên lính giải giao tù nhân, Hoàng Cầu táo bạo bỏ chạy lao ngay vào đồng mía và thoát được, còn Hoàng Cẩn do sức khỏe ốm yếu không chạy nổi nên bọn chúng dí súng vào người và răn đe “Mày chạy nữa là bắn bỏ tại chỗ. Chạy vào bãi mía là đốt mía thiêu xác mày luôn”, rồi sau đó chúng giao anh về đồn Ái Nghĩa để tra tấn, đánh đập, làm anh chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần. Nằm trong tù, phần thì đói cơm, khát nước, phần thì bị bọn cai tù đánh không thương tiếc nên sức khỏe anh ngày càng bị suy kiệt và anh đã anh dũng hy sinh.
Anh Nguyễn Hựu, người cùng ở tù với Hoàng Cẩn kể rằng: “Tôi là người cùng nằm chung xà lim với Cẩn và là người chôn cất thi thể của anh nên tôi được tận mắt chứng kiến về khí phách đấu tranh kiên cường của anh trong lao tù. Càng bị tra tấn, Hoàng Cẩn càng tỏ rỏ bản lĩnh, nghị lực của một người cách mạng. Anh đã từng chửi thẳng vào mặt kẻ thù: “Tao không sợ chết, thà chết vinh hơn sống nhục”. Trước lúc nhắm mắt đi xa, Hoàng Cẩn lấy từ trong túi áo chiếc huy hiệu có chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bí mật cất giữ từ lâu ra đặt trên ngực mình (đó là chiếc huy hiệu mà anh được tặng thưởng về thành tích xuất sắc trong khóa học tập về hợp tác xã Nghĩa Thương do tỉnh tổ chức) và hô to ba lần “Hồ Chí Minh muôn năm”.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình phú nông, nhưng anh là một trong những người giác ngộ cách mạng, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Từ Phó bí thư chi bộ sau đó anh được tổ chức phân công giữ cương vị trọng trách Chủ tịch Ủy ban vận động cứu quốc làng Diệm Sơn, người cộng sản trí thức của làng này vững vàng trên mọi vị trí chiến đấu, kiên định lập trường cách mạng, được đồng bào, đồng chí tin yêu, mến phục.
Gần 60 năm trôi qua, điều đau xót đối với gia đình và tộc họ anh là tuy được sự giúp đỡ của đồng đội, đồng chí, gia đình đã nhiều lần tìm kiếm quanh khu vực đồn Ái Nghĩa cũ của địch, nơi anh đã anh dũng hy sinh, nhưng hài cốt của anh vẫn chưa tìm được và đang còn nằm im trong lòng đất.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1997), một số bà con nội ngoại phái Nhất, tộc Hoàng, làng Diệm Sơn hiện ở Đà Nẵng đã xây dựng một cuộn băng ghi âm bài truy điệu anh và kính tặng chị hiền thê và các hiếu tử của anh Hoàng Cẩn gọi là chút tình lưu niệm của bà con gia tộc ở quê nhà. Bài điếu văn có đoạn “Thảm thương thay! Khi anh rủi lâm vào tay lang cẩu, mặc cho đánh đập dã man, nắm xương tàn anh không tiếc quyết đem bồi đắp cho giang san. Cứ chửi Pháp, cứ mắng Việt gian, mặc cho tay trói, chân cùm, bầu máu nóng nhiệt thành anh đã đem rửa hận thù cho Tổ quốc. Than ơi! Đời Cách mạng từ đây anh chấm dứt, chốn trần gian anh gởi lại gánh sơn hà...”