Nội dung chi tiết

Ý CHÍ NGƯỜI ANH HÙNG
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 11/03/2009 .Lượt xem: 3925 lượt. [In bài]

Nguyễn Cự

Trương Văn Hòa (tức Trương Hý) sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Bích Bắc, xã Điện Hòa. Năm 15 tuổi phải đi ở đợ cho nhà giàu để giúp cha mẹ và kiếm sống. Quê hương anh là vùng đất giàu truyền thống chống giặc ngoại xâm, đã tác động đến gia đình, làm anh sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1961 (24 tuổi) tham gia hoạt động bí mật, sau đó vào du kích, xã đội phó trực tiếp làm Trung đội trưởng đội du kích tập trung xã Điện Hòa. Từ năm 1962-1967 với thành tích chiến đấu, chỉ huy chiến đấu Trương Văn Hòa đã tiêu diệt và làm bị thương 440 tên địch (trong đó có 160 tên Mỹ), phá hủy 13 xe bọc thép, bắn rơi 1 máy bay, thu nhiều các loại súng, nổi bật nhất là trận chống càn với quy mô lớn của địch vào các năm 1963, 1965. Trương Văn Hòa còn là người đi đầu trong phong trào tự tạo vũ khí để diệt xe cơ giới của địch.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, năm 1965 Trương Văn Hòa được Ủy ban Trung ương Mặt trận giải phóng Trung Trung Bộ tuyên dương danh hiệu “Kiện tướng diệt Mỹ” và đã đi vào thơ ca Việt Nam: “Trương Văn Hòa du kích giữ làng – Trở thành kiện tướng vang lừng chiến công”. Năm 1966 anh vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương tại lễ kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam “Trương Văn Hòa 24 tuổi trong 4 tháng đã diệt 78 tên xâm lược Mỹ và 76 tên ngụy” (HCM toàn tập, NXB Hà Nội năm 1989 trang 323). Đặc biệt ngày 17/9/1967 Trương Văn Hòa mới 30 tuổi đời, 7 tuổi quân đã được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Quân chương hạng nhì và được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trưởng thành từ du kích giữ làng, đến tháng 5/1969 Trương Văn Hòa giữ chức vụ Huyện đội phó Điện Bàn. Tháng 9/1968 đơn vị C1 Điện Bàn phối hợp với D2 Quảng Đà đánh địch càn quét ở Giáng La và Châu Lâu xã Điện Thọ, cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra 2 ngày (9,10/9/1968) với Trung đoàn 51 ngụy và lính Mỹ, Trương Văn Hòa bị thương nặng lúc 12 giờ trưa hôm trước đến 9 giờ sáng hôm sau đã kiệt sức không thể tiếp tục chiến đấu, khi anh vào được hầm của nhà dân, địch phản kích phát hiện ném tiếp quả lựu đạn ngạt làm anh Hòa bất tỉnh, địch lôi từ hầm lên, thế là anh bị sa vào tay giặc. Cuộc đời tù bắt đầu từ đây, chúng đưa anh lên máy bay trực thăng chở đến căn cứ Bồ Bồ, soát xét trong anh có một Quyết định của Bộ tư lệnh Mặt trận 4 Quảng Đà bổ nhiệm Trương Văn Hòa chỉ huy Phó Huyện đội Điện Bàn. Tại đây địch khai thác, tra hỏi “Mày là Trương Văn Hòa Chỉ huy phó Huyện đội Điện Bàn, đi với ai, mấy người” – anh dõng dạc khai “Tôi không phải là Trương Văn Hòa, tôi là Trần Hoa làm công vụ cho Trương Văn Hòa”, thế là tên Trần Hoa trong tù được gọi từ đây.

Đến ngày thứ hai chúng đưa anh lên xe chở ra quân đoàn 1, rồi đưa đến trại giam Non Nước, rồi tiếp tục dụ dỗ, mua chuộc hòng khai thác các cơ sở cách mạng, các đơn vị bộ đội, nhưng Hòa một lần nữa phản bát luận điệu dụ dỗ của địch. Biết không thuyết phục được gì, mặc dù anh bị thương nặng nhưng chúng vẫn cứ tra tấn tàn nhẫn và liên tục hỏi khai thác thêm “Trung đoàn 36 Hải Phòng Quân khu 5, Mặt trận Quảng Đà, Huyện đội Điện Bàn ở đâu?”, song trước sau như một anh trả lời mới đến làm “công vụ cho Trương Văn Hòa” biết gì mà khai.

Sau một tuần tra hỏi, đánh đập tả tơi thân xác, nhưng anh vẫn không bao giờ xưng khai. Ngậm bồ hòn nên đến ngày thứ 10, gặp chuyến lưu đày chúng giải luôn anh theo chuyến đi Phú Quốc, đến đây chúng đưa anh vào trại giam khu A4. Vào tù, bọn chúng tiếp tục tra hỏi cũng xung quanh nội dung cũ, anh vẫn nêu những lời khai các lần trước, rồi chúng đưa đến khu biệt giam, nằm trong chuồng cọp chiều cao 50cm mà cứ nghe văng vẳng tiếng người kêu la thảm thiết, lẫn tiếng la hét tra tấn của kẻ thù. Người anh da thịt tím bầm, ngày đêm làm mồi cho muỗi tha hồ hút máu. Chúng còn giở trò cho anh nhịn đói, nhịn khát, dụ dỗ mua chuộc để anh xưng khai “Tù chiến cộng”, lúc nào anh cũng ở thế tiến công vạch mặt quân thù, thẳng thắn trả lời tôi là “Tù binh” không được bịa đặt “Tù phiến cộng” và lên tiếng phản đối cuộc sống khắc nghiệt ở đây.

Tại nhà tù Phú Quốc, địch dùng những thủ đoạn đánh đập, tra khảo hành hạ tù binh hết sức dã man, có những hình phạt ác độc như thời trung cổ và nhiều lần xả súng bắn thẳng vào trại giam, giết và làm bị thương mỗi lần mấy chục, có khi hàng trăm tù binh.

Giai đoạn ác liệt và phức tạp dai dẳng tại Phú Quốc là những năm 1969- 1972 bọn cai ngục, quân cảnh cùng với trật tự và số đầu hàng phản bội, chiêu hồi, phản cách mạng cam tâm làm tay sai, quay lại đánh đập hành hạ anh em tù binh một cách dã man trong các chiến dịch truy bức, cưỡng bức chiêu hồi.

Căm phẫn trước những hành động dã man của địch, anh em không ngừng nổi dậy diệt bọn trật tự, bọn mật báo, bắt quân cảnh làm con tin, trừng trị bọn giám thị... có những cuộc chúng bạo động trang bị cả 100 tên võ trang bằng cây gậy, củi khúc, roi cá đuối ập đến phân khu trại giam rồi tấn công vào tù nhân, nhiều anh em tù binh bị chết, nguy cơ nham hiểm địch âm mưu tù trị tù, Trần Hoa (Trương Văn Hòa) đề bạt ý kiến được đảng bộ bộ phận đồng ý cho thành lập đội tự vệ quyết tử, anh chỉ huy phản công địch cũng bằng củi khúc, bằng võ thuật đặc công và tiêu diệt một lúc 4 tên đầu hàng phản bội, bọn còn lại tháo chạy. Về sau bọn chúng mới chịu chùn tay là do những trận chống trả quyết liệt của ta.

Phong trào lúc này đồng đội tù binh tinh thần đoàn kết cao hơn nên bọn quản trại nghi ngờ chuyển toàn bộ anh em sang trại giam khu A7. Tại đây, Trần Hoa đặt ra phương án cương quyết vượt ngục, trở về đơn vị tiếp tục cầm súng chiến đấu để trả thù cho đồng đội và bản thân mình. Anh em bàn kế hoạch chọn điểm đào hầm, giấu đất. Khi thực hiện chẳng những cảnh giác bọn quản trại, bọn quân cảnh mà còn phải không được để cho những cặp mắt “tò mò” của bọn chiêu hồi phát hiện. Anh xác định ở lò bếp nấu cơm của tù binh là nơi đào được đường hầm, miệng hầm được mở dưới đáy lò, đào hơn 5 tháng mới hoàn thành con đường hầm dài 120m, được Đảng ủy phân công chọn người vượt ngục. Đợt này 6 người trong đó có Hòa. Ngay đêm ấy, bọn quản trại nghi ngờ triển khai điểm danh, phát hiện thiếu 6 người rồi huy động lực lượng truy tìm. Đoàn vượt ngục bị bắt quả tang dưới đường hầm. Viên thiếu úy - trưởng trại giam khu A7 ra lệnh tra khảo” Tìm gấp cho ra kẻ chủ mưu cầm đầu. Hòa không chút sợ hãi, dõng dạc bước ra hiên ngang nói: Chính tôi mới là người chủ mưu, tôi và 5 anh em bị bắt dưới đường hầm là những người chịu trách nhiệm chứ không ai khác.

Vượt ngục lần này dẫu không thành nhưng đã làm cho cả bọn sĩ quan đến cai ngục ở trại giam đảo Phú Quốc dù hung hăng nhưng ai cũng phải kính nể anh em ta và bàng hoàng lo sợ.

Mười lăm ngày sau, toàn bộ anh em tù binh khu A7 bị đưa đến khu A3, Hòa bị đưa đến khu biệt giam chuồng sắt. Chúng xây dựng nơi này bao bọc phòng giam bằng sắt, chiều cao chỉ 1m30 khi quá tải cũng không đứng lên được, trong một diện tích chừng 120m2 mà có gần 400 người bị dồn ép, chen chúc trong mùi hôi bốc. Mỗi ngày, mỗi người chỉ được ca nước để sử dụng trong mọi sinh hoạt, việc đi đại tiên chỉ cố định tại chỗ. Cứ mỗi tuần mới được dọn vệ sinh một lần. Nhớ những lần anh em nghẹt thở, người này phải thay phiên người kia, dìu nhau ngoi lên 15 phút để tìm không khí hít thở. Hòa chúng đưa về lại khu A3, anh được gặp lại đồng đội, lại tiếp tục kiếm kế vượt ngục.

Sau hơn 1 tháng ở khu A3, anh em mới tìm ra một cống thoát nước có triển vọng đào được hầm, cùng trao đổi kế hoạch đào hầm. Con đường hầm mới được tiến hành từ miệng cống, dần dần mở dài đến khoảng 30m thì một hôm lại có lệnh điều toàn bộ khu A3 sang khu A2. Tại đây có khoảng 200 tên chiêu hồi trà trộn trong trại giam, chúng công khai treo bảng “tân sinh họat”. Trong phòng bị kìm chế, dần dần có một số bị lung lạc tư tưởng, rời bỏ hàng ngủ, anh em còn lại có nguy cơ sa ngã, không chấn chỉnh sẽ mắc mưu địch. Mọi người họp lại cùng nhau tìm mọi cách để phản công. Bỗng một buổi sáng, Hòa bị bọn giám thị gọi lên chất vấn. Tên giám thị hỏi:

- Tụi bây ý định tổ chức quấy rối phải không

- Anh trả lời: - Không, chính các ông tổ chức bọn chiêu hồi lồng vào quấy rối chứ không phải chúng tôi.

Bất lực trước lời đối chất của Hòa, bọn chúng răn đe “con rắn đã chặt cái đầu, tụi bây ngoan cố chống đối quốc gia coi chừng sẽ bị phạt”.

Một thời gian sau, toàn bộ anh em tù binh khu A2 được chuyển về khu A5. Tại đây cũng có thêm 200 tù binh từ A9 chuyển đến. Nhiều đồng đội cũ gặp nhau, anh em càng trở nên gắn bó, đoàn kết, giữ vững ý chí cách mạng. Ở giai đoạn nào Hòa cũng tìm mọi cách tổ chức vượt ngục, hành động bất khuất của anh đã cổ vũ động viên tinh thần anh em trong tù đấu tranh với kẻ thù. Khu A5, một đường hầm mới được mở ngay dưới hầm vệ sinh ở phòng tắm. Rút kinh nghiệm ở những lần trước, lần này anh em cố gắng không để bại lộ ra bất cứ dấu hiệu nào, Hòa phân công anh Lê Văn Kiệm trước đây ở đơn vị R20 Quảng Đà, quê ở xã Xuyên Thanh – Duy Xuyên làm tổ trưởng tổ phân chia phi tang đất thừa, không để bọn cai trại phát hiện. Ròng rã suốt 8 tháng, từ tháng 10 năm 1971 đến ngày 11 tháng 5 năm 1972, đường hầm hòan tất, phải vượt qua những lớp sắt địch âm xuống đất để chống tù thoát lao. Anh em phải dày công đào sâu hơn mới qua được lớp sắt vỉ ấy. Rất công phu gian khó. đường hầm mở đến mục tiêu với độ dài 140m rồi mới trổ miệng lên. Đợt này dự kiến vượt ngục 30 người. Vào đêm 12 tháng 5 năm 1972, anh em lần lượt chui xuống đường hầm, dần dần trườn về trước. Chính anh đã ngất thở bao nhiêu lần anh cũng không thể biết được có bao người bị ngất. Khi người thứ 27 lên khỏi mặt đất, trời vừa hừng sáng thì bị lộ. Quân cảnh nổ súng, điều xe bọc thép đến ra lệnh tập hợp điểm danh, cho bọn quân cảnh và chiêu hồi vào tìm đường hầm. Tìm ra miệng hầm, chúng phát hiện 3 người còn nằm ngất xỉu trong hầm nên bị bắt đưa lên. Địch theo dấu vết truy đuổi bao vây nhiều ngày, nhưng anh em đã theo hướng sông Cá Sấu, bất kể những con cá sấu hung tợn, anh em nhanh chóng bơi vượt qua sông, rồi băng tìm đến khu du kích tại Dương Đông – Phú Quốc, trong đó Quảng Nam có Trương Văn Hòa, Hồ Tám, Võ Đức Tùng, Nguyễn Bảy, Ngô Đình Hải (Điện Bàn), Lê Văn Kiệm (Duy Xuyên), Huỳnh Ngọc Nhuận (Đại Lộc) và các anh ở tỉnh khác. Sau đó cùng tham gia lực lượng vũ trang huyện đảo. Gần một năm mới được nhiều người biết Trần Hoa không phải là công vụ của Trương Văn Hòa mà chính anh là Trương Văn Hòa, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, huyện đội phó Điện Bàn. Anh Trương Văn Hòa nhớ lại:

Trong số tù binh tại đảo Phú Quốc, bằng nhiều cách vượt ngục đã về đến căn cứ cách mạng được 261 anh em, trong đó có Trương Văn Hòa, thành lập thành tiểu đoàn đặc công 1, hoạt động tại huyện đảo Đông Dương, đã nhiều lần thọc sâu đánh địch gây cho chúng nhiều thiệt hại.

Sau 2 năm 6 tháng xa đơn vị, bước vào trận chiến đấu mới trong nhà tù, anh cùng đồng đội đã có 3 lần đào hầm, 2 lần tấn công địch và bọn đầu hàng phản bội. Anh tưởng chừng mình đã bỏ xác nơi đây, không thể nào gặp lại đồng đội, gặp lại gia đình nữa, song anh đã vượt lên tất cả, chiến đấu không mệt mỏi cho đến ngày vượt ngục thành công về với cách mạng.

Sau một năm vượt ngục, tham gia công tác tại huyện đảo Phú Quốc cho đến khi Trung ương cục miền Nam bắt liên lạc, vào tháng 4 năm 1973 Trương Văn Hòa cùng anh em được đưa vào đất liền công tác, học tập, làm trợ lý Phòng cán bộ Cục B2 miền Đông Nam Bộ. Đầu tháng 5 năm 1974, chuyển về công tác tại Mặt trận 4 Quảng Đà, rồi bổ sung về làm chỉ huy phó huyện đội Điện Bàn, tiếp tục chiến đấu và chỉ huy chiến đấu cho đến ngày toàn thắng 30 tháng 4 năm 1975.

Những năm tháng lừng danh trong đánh giặc, dũng cảm đấu tranh trong nhà tù Mỹ - Ngụy, tên tuổi và hình ảnh của Trương Văn Hòa đã đi vào sử sách của đất nước “Chân dung anh hùng thời đại Hồ Chí Minh” của dất Quảng Nam trung dũng kiên cường.

 

[Trở về]
Các tin mới hơn:
NHÀ LAO VĨNH ĐIỆN
NHÀ YÊU NƯỚC LÊ ĐÌNH DƯƠNG
NHÀ YÊU NƯỚC PHAN THÀNH TÀI
BÀI THƠ CA NGỢI ĐỒNG CHÍ ĐINH TÙNG
BÀI THƠ THƯ NHÀ
MỘT HỘI PHÓ NHIỀU NGƯỜI CHƯA BIẾT
CÁI CHẾT NGHIỆT NGÃ CỦA PHẠM XANG
BA MẸ CON CÙNG MỘT CHI BỘ
GƯƠNG BẤT KHUẤT CHỐNG TỐ CỘNG
RA ĐI … QUYẾT TỬ !
    
1   2   3   4  
    
Các tin cũ hơn:
CHI BỘ MANG TÊN ANH
TRỊNH QUANG XUÂN – SÁNG NGỜI LÝ TƯỞNG CÁCH MẠNG
VÕ TIẾN, MỘT NHÂN CÁCH
THÂN KIỂN - NGƯỜI CÁCH MẠNG KIÊN CƯỜNG
LỜI NGƯỜI Ở LẠI
NGUYỄN VĂN TRIẾT - LAO TÙ LÀ NƠI TRUI RÈN Ý CHÍ
KHI RƠI VÀO TAY GIẶC
THÂN KIỀM BẤT KHUẤT
TỬ NGỤC CHÍN HẦM
CHÍN NGÀY BẤT KHUẤT CỦA PHẠM NGHIỆNG
    
1   2  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm