Chỉ ba tuần sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập (2/9/1945), được sự giúp đỡ trực tiếp của quân Anh, đêm ngày 23/9/1945, thực dân Pháp đã nổ súng ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai.
Tết Bính Tuất - 1946 là Tết độc lập đầu tiên của dân tộc, nhân dân chưa được hưởng an bình của mùa xuân đầu tiên lại phải tiếp tục ra trận, nên cái Tết độc lập ấy, Bác viết bài thơ chúc năm mới đầy trăn trở nỗi niềm cho cái tết chưa thể sum vầy, song cũng tràn đầy niềm tin tưởng vào ngày mai thắng lợi:
“Hỡi các chiến sĩ yêu quí,
Bao giờ kháng chiến thành công,
Chúng ta cùng uống một chung rượu đào.
Tết này ta tạm xa nhau,
Chắc rằng ta sẽ Tết sau sum vầy.
Chúc đồng bào:
Trong nǎm Bính Tuất mới,
Muôn việc đều tiến tới.
Kiến quốc mau thành công,
Kháng chiến mau thắng lợi.
Việt Nam độc lập muôn nǎm!”
Đến ngày 28/2/1946, chính quyền Tưởng Giới Thạch và Chính phủ Pháp ký kết Hiệp ước Pháp - Hoa, trao cho thực dân Pháp quyền thay thế quân đội Tưởng tước vũ khí quân Nhật ở miền Bắc Việt Nam và Pháp thỏa thuận nhượng lại một số quyền lợi về kinh tế. Đến ngày 3/3/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị Tình hình và chủ trương, chỉ rõ "Điều cốt tử là trong khi mở cuộc đàm phán với Pháp, không những không ngừng một phút công việc sửa soạn, sẵn sàng kháng chiến bất cứ lúc nào và ở đâu, mà còn hết sức xúc tiến việc sửa soạn ấy và nhất định không để cho việc đàm phán với Pháp làm nhụt tinh thần quyết chiến của dân tộc ta". Vì vậy, chính quyền non trẻ của chúng ta lại phải thi hành những chính sách khôn khéo để hòa hoãn tạm thời trong cuộc chiến mà chúng ta biết không thể tránh khỏi. Với bản Hiệp định sơ bộ được ký với Pháp trong những ngày đầu Xuân 1946, cho thấy chúng ta đã có sự điều chỉnh về chủ trương, từ “Hoa-Việt thân thiện” để tập trung đấu tranh vào kẻ thù trực tiếp là quân Pháp đang tái chiếm miền Nam, chuyển sang “tạm thời hòa hoãn với Pháp” để đẩy quân Trung Hoa dân quốc ra mau, nhằm phân hóa kẻ thù, tranh thủ thời gian để xây dựng lực lượng. Ngày 14/9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký với đại diện Chính phủ Pháp một bản Tạm ước về quan hệ Việt Nam – Pháp nhằm kéo dài thời gian để chuẩn bị lực lượng.
Bác Hồ làm việc tại Bắc bộ phủ năm 1946
Có thể nói, mùa xuân độc lập đầu tiên ghi nhiều dấu ấn bởi tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam khi hàng vạn thanh niên lớp lớp xông pha xẻ dọc Trường Sơn để vào miền Nam chiến đấu. Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền càng khó vạn lần, để đến cuối năm đó, ngày 19/12/1946, Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến khi chúng ta đã có một thời gian trang bị đầy đủ cả về nhân vật lực: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.
Gần 80 mùa xuân đã trôi qua kể từ mùa xuân sôi động năm 1946, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuy non trẻ nhưng sự quyết tâm giữ vững nền độc lập ấy thì luôn bền bỉ, không gì lay chuyển nổi. Giai đoạn lịch sử này càng nhiều thử thách bao nhiêu thì khi nhìn lại ta lại thấy càng hào hùng bấy nhiêu. Để có được mùa xuân yên bình thế hệ chúng ta càng phải nhớ, tri ân đến những đồng bào, anh hùng đã ngã xuống không tiếc máu xương của mình cho một mùa xuân đầu tiên năm ấy để khởi đầu cho những mùa xuân rực rỡ như ngày hôm nay.