Năm 2023 cũng là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thị xã Điện Bàn lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025. Hơn nữa nhiệm kỳ qua, mặc dù tăng trưởng kinh tế không như kỳ vọng nhưng các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận và các Đoàn thể đã tập trung nguồn lực cho phát triển văn hoá, y tế, giáo dục, an sinh xã hội. Kết cấu hạ tầng văn hoá, thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư; xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, phường văn minh đô thị được duy trì. Cuối năm có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là Điện Phước, Điện Phong, Điện Trung. Nhiều công trình, dự án trọng điểm của ngành đã hoàn thành đi vào hoạt động như Trung tâm Thể dục thể thao Bắc Quảng Nam, Công viên Mẹ Thứ, Công viên Thanh niên… góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho người dân.

Mặc dù thị xã đạt được kết quả trên lĩnh vực văn hoá như đã nêu trên, tuy nhiên còn nhiều vấn đề cần được quan tâm: Xây dựng văn hoá nông thôn mới, đô thị văn minh chưa thật bền vững; Công viên Dinh trấn Thanh Chiêm, Bia chữ Quốc ngữ còn dở dang, Vườn tượng Danh nhân chậm trong quá trình triển khai; công tác quản lý khai thác các khu vui chơi, giải trí phục vụ nhu cầu của người dân một số nơi chưa thật hiệu quả. Nhiều danh nhân văn hoá, lịch sử của Điện Bàn chưa được nghiên cứu sưu tầm, cập nhật đầy đủ; một số di tích văn hoá, lịch sử chưa được tôn tạo, quảng bá. Do ràng buộc về cơ chế chính sách nên các điểm tham quan văn hoá lịch sử và Bảo tàng Điện Bàn (một Bảo tàng có quy mô như bảo tàng cấp tỉnh) chưa mở cửa thường xuyên, thiếu nhân lực quản lý, hướng dẫn thuyết minh, phải chịu cảnh “áo gấm đi đêm”!
Trung ương và tỉnh đã có nhiều nghị quyết về phát triển văn hoá. Trong suốt thời gian dài thị xã đã ưu tiên nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế tạo nên vóc dáng mới cho đô thị, nông thôn. Đã đến lúc chúng ta cần cơ cấu lại đầu tư, bố trí nguồn lực cho lĩnh vực văn hoá-xã hội một cách xứng tầm, để văn hoá thực sự trở thành sức mạnh nội sinh góp phần khơi dậy khát vọng phát triển Điện Bàn-vùng đất “địa linh nhân kiệt”- trở thành đô thị sinh thái-văn hoá, làm động lực tăng trưởng nhanh và bền vững khu vực phía Bắc tỉnh Quảng Nam.

Trước hết, sớm hoàn chỉnh quy chế quản lý để vận hành, khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hoá, trước hết là Trung tâm Thể dục Thể thao Bắc Quảng Nam, tạo ra bước đột phá về phong trào thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao. Chủ động hợp đồng thêm nhân lực cho một số bộ phận và điều chuyển hợp lý viên chức từ các phòng ban khác để tăng cường cho ngành Văn hoá, đảm bảo Bảo tàng Điện Bàn, Tháp Bằng An và các điểm di tích, nhà lưu niệm được mở cửa thường xuyên, có người hướng dẫn thuyết minh và tổ chức các hoạt động chuyên môn thu hút đa dạng lượng khách. Có như vậy, những hiện vật thời Văn hoá Sa Huỳnh,Văn hoá Chăm, hiện vật từ thời kỳ mở cõi, hay trong giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng quê hương và bộ đèn cổ của người con quê hương hiến tặng… sẽ có nhiều cơ hội để lan tỏa các giá trị, thông điệp sâu sắc đến khách tham quan, nghiên cứu.
Năm 2024, công trình Nhà lưu niệm chí sĩ Trần Quý Cáp, Phạm Phú Thứ và đặc biệt Vườn tượng Danh nhân- điểm xuyết của khu trung tâm hành chính thị xã phải được hoàn thành. Sớm tổ chức Hội thảo để tham vấn ý tưởng của các chuyên gia, hoàn chỉnh thiết kế Dự án Công viên Dinh trấn Thanh chiêm và Bia chữ Quốc ngữ để năm 2025 triển khai xây dựng. Ngoài hạng mục chính là Bia chữ Quốc ngữ đầu tư từ ngân sách, các hạng mục khác kêu gọi đầu tư bằng nhiều hình thức để Công viên Dinh trấn không chỉ là điểm đến văn hoá mà còn cung cấp thêm nhiều dịch vụ khác cho du khách. Trên hành trình thiên lý Bắc - Nam, Công viên Dinh trấn Thanh Chiêm tại Điện Bàn hoàn thành sẽ là điểm dừng chân lý tưởng cho đông đảo người dân Việt Nam mục sở thị nơi khai sinh chữ Quốc ngữ, mở ra thời kỳ tân học của nền giáo dục nước nhà. Cùng với Làng nghề đúc đồng Phước Kiều, làng mộc, gốm Đông Khương, đặc sản bê thui Cầu Mống càng làm phong phú tour du khách trong tuyến hành trình di sản Quảng Nam.

Tỉnh đang đầu tư hai trọng điểm là Dự án Cầu Văn Ly + đường dẫn và Dự án đường Vành đai phía Bắc Quảng Nam. Đây là các dự án không những tác động mạnh mẽ phát triển kinh tế mà còn có sức lan toả trong lĩnh vực văn hoá và đời sống. Cầu Văn Ly nối hai bờ sông Thu, hình thành trục giao thông xuyên suốt từ Hội An đến vùng Tây Quảng Nam, khơi dậy trầm tích văn hóa Gò Nổi - nguồn tài nguyên quý giá bồi đắp cho đời sống văn hoá Xứ Quảng thêm phong phú. Kết nối với Đà Nẵng, đường vành đai Bắc Quảng Nam đã được khởi công bắt đầu từ cầu Quảng Đà, vượt qua sông Yên, đường sắt và đường cao tốc, nối liền một dải từ Hoà Tiến đến bãi biển Viêm Đông xinh đẹp. Cầu cảnh quan Thôn Ba (Điện Ngọc) soi mình trên dòng Cổ Cò đang được khơi dòng sẽ là điểm nhấn của dòng sông du lịch tương lai nối liền Cửa Hàn-Đà Nẵng với Cửa Đại-Hội An.
Là đô thị trẻ nhưng lại có bề dày về văn hoá và lịch sử, kết nối giữa thành phố Đà Nẵng và Hội An, mỗi làng xã Điện Bàn xây dựng Nông thôn mới sẽ là điểm đến của du lịch làng quê, sinh thái, du lịch khám phá, di tích lịch sử, về nguồn... Trách nhiệm của chính quyền địa phương phải làm sao cho Thanh Chiêm, Cẩm Phú, Bảo An… có thêm điểm vui chơi, mua sắm sản phẩm làng quê, sản phẩm Ocop (như bản Ca Cát – Lào Cai, bản Lát –Hoà Bình) để níu chân lữ khách. Rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở, nâng cấp, sửa chữa thiết bị đã xuống cấp, hư hỏng, đầu tư mua sắm thêm đảm bảo điều kiện sinh hoạt văn hoá, thể dục thể thao cho nhân dân trong từng thôn, khối phố.
Nói đến Điện Bàn là nói đến vùng đất của danh nhân, chí sĩ. Thời gian gần đây, sau tập Văn học Dân gian Điện Bàn, Những Danh nhân văn hoá - lịch sử Điện Bàn trước năm 1945, thị xã chưa có thêm đầu sách nào có tính hàn lâm để đưa vào giáo dục văn hoá -lịch sử địa phương. Phải nỗ lực hết mình mới hy vọng Địa chí Điện Bàn ra mắt kịp vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng quê hương 2025. Ngành Văn hoá và Giáo dục-Đào thị xã phải làm nhiều hơn nữa để những giá trị văn hóa phi vật thể như hát dân ca, bài chòi, võ cổ truyền vào trong trường học con em chúng ta. Điện Bàn còn là cái nôi của phong trào cách mạng, là “đất thép thành đồng” cho nên các di tích được công nhận cấp tỉnh, cấp quốc gia phải được sớm hoàn chỉnh thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong năm 2024 và khoanh vùng bảo vệ, tôn tạo, tu bổ.

Trên mảnh đất Điện Bàn trong những năm kháng chiến, kẻ thù đã gây nên bao cảnh tang thương như các vụ thảm sát tại Chương Dương, Thuỷ Bồ, Phong Nhất, Phong Nhị, Hà My, Phi Phú… Vết thương chiến tranh dù đã liền da, nhưng đau thương, mất mát này là không thể bù đắp dược. Năm mươi năm đã trôi qua, những nhân chứng sống không còn nhiều, ngay trong năm 2024 khẩn trương hoàn chỉnh việc sưu tầm, biên soạn, phát hành (phim ảnh và sách) về các cuộc thảm sát do thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và tay sai gây ra trên địa bàn thị xã để nhắc nhở con cháu về sau về giá trị xương máu mà cha ông chúng ta đã đánh đổi để có được độc lập, tự do.
Phát triển văn hoá và đời sống giai đoạn hiện nay phải được xây dựng trên nền tảng chuyển đổi số. Từ việc số hoá phòng trưng bày chuyên đề kỷ niệm 60 năm Hoằng Hoá-Điện Bàn cho chúng ta những kinh nghiệm quý cho công tác số hoá 3D Bảo tàng Điện Bàn và một số điểm di tích lịch sử văn hoá tiêu biểu với thuyết minh tự động phục vụ tham quan thực tế ảo; Gắn mã QR cung cấp thông tin tự động tại các điểm di tích và bảng tên đường phố; Phát triển các điểm phục vụ Wifi công cộng (ưu tiên tại các chợ và công viên) để cung cấp thông tin và thúc đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt; số hóa dữ liệu gắn với định hướng xây dựng Thư viện số cộng đồng…
Đẩy mạnh các phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, nhất là ở cơ sở; đổi mới nội dung, hình thức tổ chức, phù hợp với từng đối tượng, từng địa phương, tạo sự lan tỏa và thu hút quần chúng nhân dân tham gia. Nâng cao chất lượng hoạt động công tác truyền thanh, truyền hình; tăng cường công tác quản lý thông tin tuyên truyền trên địa bàn thị xã. Xây dựng Quy chế phối hợp giữa các ngành, địa phương trong công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực văn hoá.
Mặc dù kinh tế vẫn còn khó khăn nhưng thời cơ cũng cho chúng ta nhiều cơ hội để phát triển. Nguồn lực cho Điện Bàn, cho Quảng Nam phát triển văn hoá và đời sống không thiếu nếu có những giải pháp thích hợp; bởi suy cho cùng con người là yếu tố quyết định, mà Điện Bàn, Quảng Nam là vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Với quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện, tin rằng chúng ta sẽ thành công trong việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hoá của vùng đất, con người Điện Bàn.
|