1.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Gò Nổi phù sa, cô giáo sinh học Nguyễn Thị Kiều Anh đam mê mùi thơm của cây sả và đã ấp ủ cho mình giấc mơ chế biến các loại tinh dầu bằng chính các cây gia vị, dược liệu sẵn có ở quê hương. Sản phẩm tinh dầu sả Java của Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Gò Nổi đã ra đời từ ý tưởng đó.
Chị Anh cho biết, qua tìm hiểu, cây sả Java có rất nhiều công dụng, tốt cho sức khỏe và có thể chiết xuất được lượng tinh dầu lớn. Từ đó, chị bắt đầu nghiên cứu về cây sả và tìm cách chiết xuất sản phẩm tinh dầu sả. Tận dụng 4.000m2 đất của gia đình và mua nguồn giống sả Java từ huyện miền núi Tây Giang - Quảng Nam và thành phố Đà Lạt - Lâm Đồng về trồng. Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng những giọt tinh dầu sả đạt chuẩn được chị Anh chưng cất thành công. “Ai đã từng dùng sản phẩm một lần sẽ nhớ mãi và hoàn toàn yên tâm về chất lượng bởi thành phần tinh dầu nguyên chất, tự nhiên, không hương liệu, không chất bảo quản và được cơ quan chuyên môn kiểm định đạt các tiêu chuẩn an toàn” - chị Nguyễn Thị Kiều Anh khẳng định.
Để mở rộng nguồn nguyên liệu, HTX Nông Nghiệp Xanh Gò Nổi đã và đang liên kết với các hộ nông dân ở thôn Bảo An, xã Điện Quang trồng 5 ha sả Java. Theo người trồng, mỗi sào sả, hằng năm cho thu hoạch được 3 tấn lá, thu nhập trên 9 triệu đồng, hiệu quả hơn hẳn rất nhiều lần so với trồng các loại cây nông sản khác.
Hiện nay, sản phẩm tinh dầu sả Java của HTX nông nghiệp xanh Gò Nổi đã và đang khẳng định về thương hiệu, chất lượng, đã tham gia nhiều hội chợ trong và ngoài tỉnh Quảng Nam và đã có mặt tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Sản phẩm được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận Ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh năm 2023, được Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện năm 2023. Đơn vị cũng đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký tham gia Chương trình OCOP trong năm 2023 này.
2.
Gò Nổi- Điện Bàn, vùng đất màu mỡ nhưng cũng lắm khắc nghiệt bởi thiên tai, lũ lụt. Người dân nơi đây chỉ canh tác được những loại cây trồng ngắn ngày, cuộc sống mưu sinh khó khăn. Thực hiện ước mơ khởi nghiệp từ sản phẩm nông nghiệp sạch gần 8 năm nay, Đỗ Dương Đông Phương đã mạnh dạn tìm hướng đi mới cho nông sản quê hương. Cây Măng tây đã bắt đầu được trồng từ đó. Qua nhiều năm trồng bị ngập lụt nhưng cây Măng tây vẫn sống tốt ở vùng đất Gò Nổi.
Với niềm tin, sự quyết tâm, ý tưởng sáng tạo, đến nay, Đỗ Dương Đông Phương đã thành công cho ra đời sản phẩm nước Măng tây mang thương hiệu Gò Nổi. Sản phẩm chứa hàm lượng dinh dưỡng cao. Với quy trình nghiêm ngặt từ khâu nguyên liệu đầu vào đến dây chuyền sản xuất, sản phẩm đã được chứng nhận Haccp, Iso 2200. Đồng thời, Nước Măng tây cũng đã vinh dự được UBND tỉnh Quảng Nam chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn Ocop 4 sao. Với nguồn nguyên liệu được trồng theo cách tự nhiên, quy trình chế biến khép kín, sản xuất hiện đại đã giúp sản phẩm làm ra chiếm hàm lượng dinh dưỡng cao, bổ sung nhiều vi lượng tự nhiên, hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch và ngăn ngừa lão hóa, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Nước măng tây Gò Nổi luôn đặt ra những yêu cầu khắc khe trong sản xuất như không sử dụng nguyên liệu phụ gia, chất bảo quản, nổ lực phát triển thị phần trong nước và đưa sản phẩm đến các thị trường mới.
3.
Lê Thị Hương – Chủ cơ sở sản xuất bột ngũ cốc Hương Bột, là một cái tên quen với nhiều chị em trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, nhưng với khát vọng đồng hành cùng người nông dân, Lê Thị Hương, ở khối 1 phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn được nhiều người biết đến với những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo với nhiều sản phẩm từ nông dân làm ra. Vượt qua mọi khó khăn, với nguồn vốn vay ưu đãi 100 triệu đồng, chị Hương đầu tư thêm khoảng 400 triệu đồng để hiện thực hóa ý tưởng của mình xây dựng cơ sở chế biến đủ điều kiện và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chị đầu tư xây dựng nhà xưởng, tổ chức liên kết với nông dân phát triển đa dạng sản phẩm.
Dồn hết tâm huyết vào tạo dựng chất lượng sản phẩm, Lê Thị Hương đã gây ấn tượng tại nhiều cuộc triển lãm, trưng bày hàng nông sản từ cuối năm 2018 đến nay. Thương hiệu bột ngũ cốc “Hương Bột” tại thị xã Điện Bàn được nhiều người tiêu dùng tin tưởng. Năm 2019, sản phẩm bột ngũ cốc Hương Bột được đánh giá xếp hạng Ocop 3 sao cấp tỉnh. Đến nay, cơ sở sản xuất bột ngũ cốc Hương Bột có 3 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng Ocop 3 sao gồm: Bột ngũ cốc, trà đậu rang mộc và sản phẩm muối sả ớt lá chanh.
4.
Điện Bàn không chỉ có những cánh đồng lúa, hoa màu tươi tốt bởi nằm dọc các dòng sông mà còn nhiều làng nghề truyền thống vùng biển. Làng nghề Hà Quảng là một làng nghề làm nước mắm lâu đời ở vùng biển Điện Dương. Hiện nay ở đây có nhiều người làm mắm nhưng sản xuất quy mô nhất phải kể đến cơ sở của bà Trần Thị Thuận.
Sinh ra và lớn lên ở làng biển, bà Thuận cũng như nhiều phụ nữ quê biển khác, biết đến nghề làm mắm từ rất sớm. Từ việc làm mắm phục vụ bữa ăn gia đình rồi làm nhiều để bán, nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng với mắm truyền thống ngày càng tăng, bà Thuận đã đầu tư nhiều bể chượp để muối mắm. Mỗi năm cơ sở thu mua khoảng 30 tấn cá cơm được đánh bắt từ vùng biển Điện Dương. Cá được ướp với muối theo tỷ lệ 3 kg cá 1kg muối. Hỗn hợp này sẽ được ướp trong bể. Người làm mắm sẽ thường xuyên khuấy đảo. Sau từ 12-13 tháng mắm sẽ chín. Những giọt nước mắm đầu tiên được gọi là mắm nhỉ hay mắm cốt.
Bên cạnh làm mắm nước truyền thống, gia đình bà Thuận còn làm mắm ruốc, mắm cái. Hằng năm cơ sở của bà Thuận đưa ra thị trường khoảng hơn 2.000 lít mắm, 5 tấn ruốc mang thương hiệu nước mắm, mắm ruốc Hà Quảng. Riêng mắm ruốc, phần lớn cơ sở xuất thô, không nhãn hiệu cho nhiều đại lý.
Được sự hỗ trợ của địa phương, đến nay, sản phẩm mắm ruốc, nước mắm và mắm cái của cơ sở bà Trần Thị Thuận đã được công nhận Ocop 3 sao. Theo bà Thuận, từ khi nằm trong danh sách xét công nhận tiêu chuẩn ocop, cơ sở đã được hỗ trợ kinh phí để nâng cấp nhà xưởng, tem nhãn mác mã hóa và nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá khác.
5.
Trong các nghề truyền thống của Điện Bàn, tập trung nhiều, nổi tiếng nhất là ngành nghề thủ công mỹ nghệ. Có thể kể đến nghề đúc đồng Phước Kiều, mỹ nghệ gốm nung Lê Đức Hạ, mộc mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp. Với nền tảng này, những năm qua, Điện Bàn tập trung phát triển các sản phẩm ocop trên lĩnh vực thủ công mỹ nghệ.
Sau 10 năm thai nghén, năm 2011, công ty Gỗ nghệ thuật Âu Lạc ở xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn đã chính thức ra đời và hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh sản phẩm tranh tượng gỗ. Sản phẩm gỗ của Âu Lạc khá đa dạng từ lưu niệm, mỹ thuật cho đến các công trình bằng gỗ. Đặc biệt trong năm 2023, công ty gỗ nghệ thuật Âu Lạc đã thực hiện công trình 11 bức phù điêu kích cỡ tương đối lớn cho giáo xứ đức mẹ LaVang tại California, Mỹ. Bên cạnh đó công ty cũng có những công trình tượng phật trên đất Thái Lan, một số biệt thự, công trình ở Đà Nẵng, Đắc Lắc…
Trong nhiều tác phẩm của mình, công ty Gỗ nghệ thuật Âu Lạc đã lựa chọn một số tác phẩm để tham dự chương trình Ocop. Điện Bàn có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn ocop 4 sao thì 2 sản phẩm này đều của Công ty Gỗ nghệ thuật Âu Lạc. Đó là Đèn thôn nữ đạt Ocop 4 sao năm 2020 với hình tượng yếm đào của thôn nữ, bên trên là hoa trái cỏ cây đồng quê. Năm 2021, bộ đèn hồn thiêng sông núi của công ty cũng được đánh giá tiêu chuẩn Ocop 4 sao. Năm 2023 này, công ty đang chờ kết quả đánh giá Ocop cho bộ đèn Thần nông. Ngoài tham gia chương trình Ocop bằng các sản phẩm gỗ mỹ nghệ tinh xảo, công ty còn hướng đến lĩnh vực sản phẩm du lịch văn hóa với không gian và câu chuyện lịch sử văn hóa bằng những tác phẩm điêu khắc gỗ của Âu Lạc. Đây là một lĩnh vực hầu như có rất ít sản phẩm tham gia và đạt chuẩn Ocop.
Thực hiện chương trình Ocop, từ 2018 đến nay, Điện Bàn tích cực tuyên truyền vận động, phát hiện những sản phẩm có khả năng phát triển thành sản phẩm ocop. Những lợi ích từ chương trình đã được lan tỏa và khuyến khích nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ kinh doanh tích cực tham gia xây dựng các sản phẩm ocop đặc biệt là các sản phẩm làng nghề, sản phẩm phát triển từ tài nguyên bản địa và sáng tạo. Sau hơn 5 năm triển khai, Điện Bàn phát triển 25 sản phẩm trong đó có nhiều sản phẩm đồ uống, thực phẩm, sản phẩm về thủ công mỹ nghệ. Các sản phẩm này đã đưa lên các sàn thương mại điện tử cũng như quảng bá trên những trang web của thị xã và tỉnh Quảng Nam.
Khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn, sức mua của người dân giảm sút, hoạt động xuất khẩu đình trệ. Vì vậy càng cần nhiều hơn nữa những doanh nghiệp lớn, những chuyên gia có uy tín và kinh nghiệm dẫn dắt trong hệ sinh thái khởi nghiệp; nhiều chủ trương chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn nữa đặc biệt là thúc đẩy đổi mới sáng tạo để cộng đồng khởi nghiệp Quảng Nam nói chung, Điện Bàn nói riêng vượt khó, từng bước nâng tầm sản phẩm, khẳng định thương hiệu trên thị trường./.