Nội dung chi tiết

Vươn lên thoát nghèo
Tác giả: Lan Uyên – Trần Đức .Ngày đăng: 11/02/2024 .Lượt xem: 371 lượt. [In bài]
Về Điện Bàn trong những ngày cuối năm, tôi có dịp được giới thiệu gặp một số gương điển hình thoát nghèo bền vững. Đọng lại trong tôi sau những cuộc gặp ấy là ý chí quyết tâm sắt đá vươn lên vượt qua nghịch cảnh của những người không may mắn, là sự đồng hành hỗ trợ bằng nhiều biện pháp của chính quyền địa phương. Tất cả cộng hưởng để những người nghèo vươn lên xây dựng một cuộc sống ấm no hơn.

Khi chúng tôi đến thăm, anh Nguyễn Dũng ở khối phố Ngọc Liên, phường Điện An, thị xã Điện Bàn đang thái chuối cây cho bò. Tôi khá bất ngờ, khi một người tật nguyền hai chân như anh lại làm việc một cách thành thục đến vậy. Anh Dũng vừa làm vừa kể: Hồi 10 tuổi, tôi lên cơn sốt bại liệt rồi hai chân teo dần và không đi lại được. Khi lập gia đình, dù cần cù làm lụng nhưng với hai đứa con còn nhỏ, gia đình tôi vẫn quẩn quanh trong cảnh nghèo khó. Buông con dao giữa chừng, anh Dũng nhìn lên vừa cười vừa nói: Nhưng mình không nản chí. Đôi chân mình không khỏe thì mình dựa vào bàn tay và khối óc của mình để vươn lên, cố gắng không trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội.

 

   Nghĩ sao làm vậy. Mọi việc trong nhà, những gì có thể làm được, anh Dũng đều cố gắng tự làm. Thấy anh Dũng ham học hỏi và có nhu cầu về chăn nuôi, hội nông dân đã đưa anh vào danh sách tham gia lớp học nghề kĩ thuật chăn nuôi bò do địa phương tổ chức. Bản thân tật nguyền, không thể lao động nặng nhọc, nhưng với kiến thức đã học được, anh Dũng cùng vợ đã mạnh dạn mua con giống và phát triển mô hình chăn nuôi bò 3B. Thấy nuôi hiệu quả, anh vay thêm nguồn vốn tín dụng chính sách dành cho hộ nghèo. Hiện nay gia đình anh nuôi khoảng 4-8 con. Mỗi năm bán 3-4 con bò, lãi ròng khoảng 50-60 triệu. Với một hộ nghèo, số tiền này có ý nghĩa rất lớn. Chi hội trưởng chi hội nông dân khối phố Ngọc Liên, phường Điện An, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, ông Đỗ Như Mai chia sẻ: Anh Dũng rất cần cù chịu khó. Dù tật nguyền nhưng anh không trông chờ ỷ lại vào chính quyền địa phương. Anh nắm bắt kĩ thuật chăn nuôi rất nhanh  và áp dụng vô cùng hiệu quả. Mô hình chăn nuôi bò của anh trở thành mô hình điểm của thôn.

Bên cạnh ý chí thoát nghèo mạnh mẽ, gia đình anh Dũng luôn nhận được sự động viên hỗ trợ về tinh thần và vật chất của các ban ngành, đoàn thể như hội nông dân, hội phụ nữ... Ngoài đàn bò, anh nuôi gần 150 con gà thịt và lấy trứng. Cùng với làm lúa, việc chăn nuôi thuận lợi, hiệu quả  nên kinh tế gia đình anh Dũng dần được cải thiện.  Năm 2019 anh Dũng đã đăng kí thoát nghèo. Nói về nỗ lực thoát nghèo của anh Dũng, PCT UBND phường Điện An, khẳng định: Với nghị lực của mình, anh Dũng không chỉ thoát nghèo mà còn là nông dân sản xuất giỏi điển hình của thị xã Điện Bàn.


   Chia tay anh Dũng, chúng tôi đến thôn Phong Thử 2, xã Điện Thọ. Ở đây hầu như ai cũng biết câu chuyện nỗ lực vượt khó nuôi con ăn học của chị Nguyễn Thị Thanh Hồng. Cách đây nhiều năm, chồng chị Hồng - lao động chính trong nhà sớm qua đời vì bạo bệnh, để lại cho chị 1 mẹ già và 3 đứa con thơ đang tuổi ăn học. Bí thư chi bộ khối phố Phong Thử 2, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, ông Phan Minh Lộc nhớ lại: Hồi đó cuộc sống nhà chị Hồng rất khó khăn. Cấp ủy, ban nhân dân thôn đã trực tiếp gặp gỡ và tìm hiểu nguyện vọng của gia đình. Nhận thấy chị Hồng có mong muốn buôn bán nên đã đề xuất địa phương hỗ trợ chị 1 xe máy để làm phương tiện đi lại”. Có xe máy, chị Hồng mạnh dạn vay vốn dành cho hộ nghèo, tận dụng mặt bằng phía trước của gia đình để buôn bán hàng vật tư nông nghiệp. Việc mua bán ban đầu cũng không dễ dàng. Tuy nhiên với sự chân thành và giữ được chữ tín, chị Hồng đã được nông dân địa phương ủng hộ. Nhờ đó chị có điều kiện nuôi 3 đứa con ăn học.  Hiện nay, 2 người con gái đầu đã tốt nghiệp đại học và đi làm. Còn  cậu trai út đang học lớp 12. Dù vất vả ngược xuôi nhưng con cái chăm ngoan và học hành thành người là điều mãn nguyện rất lớn của chị Hồng. Gia đình chị đã thoát nghèo cách đây vài năm. Nhìn lại hành trình hơn 10 năm qua, bên cạnh sự bền bỉ và nghị lực vượt qua nghịch cảnh, chị Hồng vẫn luôn thấy ấm áp vì có sự đồng hành của các ban ngành đoàn thể ở địa phương. Chị Hồng nói với chúng tôi mà mắt rưng rưng: “Hồi đó suy sụp, khổ lắm. Nhờ nguồn vốn hỗ trợ cũng như sinh kế địa phương trao, đặc biệt là sự động viên của chị em trong hội phụ nữ, mẹ con tôi mới có ngày ni.”

Tận dụng diện tích mặt nước của một nhánh sông Vu Gia, đoạn chảy qua thôn Thái Cẩm, xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, anh Trần Văn Lộc đã nhạy bén xây dựng mô hình nuôi cá lồng bè để thoát cảnh nghèo khó. Hôm chúng tôi đến là một ngày nắng đẹp. Mặt nước lấp loáng nắng, dòng sông nhộm một màu vàng trong ánh chiều tà. Hai vợ chồng anh Lộc đang cho cá ăn. Tiếng cá quẫy nước, đớt mồi nghe rào rào. Anh Lộc vừa làm vừa kể với chúng tôi: “Trước đây vợ chồng tôi làm nhiều nghề để mưu sinh nhưng công việc bữa đực bữa cái, cuộc sống khó khăn lắm. Sau thấy họ nuôi cá lồng bè hiệu quả mà nhà mình ở trước mặt sông nên đánh liều gom góp mượn người thân mua một ít con giống và làm 1 bè nuôi cá. Sau thời gian thấy hiệu quả, tôi mạnh dạn vay gần 100 triệu đồng từ ngân hàng chính sách với lãi suất ưu đãi dành cho hộ cận nghèo để mở rộng lồng nuôi, phát triển kinh tế gia đình.”


   Hiện nay anh Lộc có 12 lồng nuôi cá với các loại: cá diêu hồng, trắm cỏ, cá leo, cá lăng. Trong đó cá leo, cá lăng có giá trị kinh tế khá cao. Anh thả cá giống nhiều đợt theo kiểu gối đầu. Mỗi lứa khoảng 7 tháng là xuất bán. Mỗi năm anh bán 3-4 lứa cá. Nuôi cá lồng có nhiều ưu điểm như dễ chăm sóc, nuôi mật độ cao, nhiều chủng loại... nhờ vậy chi phí thấp. Những năm đầu lồng nuôi ít, mỗi năm anh lãi 40-50 triệu. Nhưng với cánh làm và hướng đi đúng thị trường của anh ngày càng rộng mở, lượng cá thương phẩm tăng, lợi nhuận cũng tăng lên, đến nay lãi ròng mỗi năm hơn 200 triệu đồng. Nói về mô hình của anh Lộc,  Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn tỉnh Quảng Nam, ông Lê Văn Phục cho biết:Anh Lộc rất cần cù siêng năng lại nhạy bén, năng động. Có thêm đòn bẫy nguồn vốn vay của ngân hàng chính sách, từ hộ cận nghèo với nhiều khó khăn, gia đình của anh Trần Văn Lộc đã vươn lên ra khỏi danh sách hộ cận nghèo. Không những vậy anh còn nhiều lần được tuyên dương là gương điển hình sản xuất kinh doanh giỏi của phường Điện Tiến và thị xã Điện Bàn”.

Từ cơ chế hỗ trợ của các chương trình mục tiêu giảm nghèo cũng như các chương trình phát triển kinh tế khác, thị xã Điện Bàn đã xây dựng nhiều mô hình giảm nghèo phù hợp, hiệu quả. Điều quan trọng là từ những mô hình sinh kế bền vững này đã lan tỏa tinh thần khắc phục khó khăn, năng động trong sản xuất, nỗ lực vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước. Những gương điển hình này sẽ tiếp tục tạo cảm hứng, động lực để những người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn, góp sức xây dựng quê hương Điện Bàn ngày càng phát triển, giàu đẹp hơn./

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Giải pháp nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi trong mùa Đông
Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Điện Bàn tổ chức tập huấn hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã cho cán bộ, hội viên
Hội Nông dân các địa phương đồng loạt ra quân diệt chuột
Dự báo tình hình sinh vật gây hại trên cây trồng vụ Đông Xuân 2024 - 2025
PC Quảng Nam tri ân khách hàng năm 2024 với nhiều hoạt động thiết thực vì cộng đồng
Hội Nông dân thị xã Điện Bàn phát động ra quân đầu vụ sản xuất nông nghiệp Đông Xuân 2024 – 2025
Kết quả mô hình nâng cao chất lượng đàn lợn giống trong dân
Chuyện lão nông xuất sắc ở Điện Thọ
Lễ kết nạp đoàn viên và thành lập Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Y khoa Trí Tâm
Phường Điện Thắng Bắc tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất nông nghiệp năm 2024
    
1   2   3   4   5  
    
Các tin cũ hơn:
Khởi nghiệp ở Điện Bàn
Bảo hiểm xã hội thị xã Điện Bàn đánh giá kết quả hoạt động Tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT năm 2023
Điện lực Điện Bàn phát tờ rơi an toàn điện và tặng quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Trường THCS Lý Tự Trọng
Một thanh niên làm kinh tế giỏi ấp ủ một tấm lòng ấm áp
Ban đại diện Ngân hàng Chính sách thị xã tổng kết hoạt động tín dụng chính sách năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024
Tổng kết công tác phòng chống dịch bệnh động vật năm 2023
Cụm thi đua số 1 (BHXH tỉnh Quảng Nam) tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2023.
Hướng dẫn chăm sóc, quản lý dịch hại cây trồng giai đoạn sau gieo trồng vụ Đông Xuân 2023 - 2024
Điện lực Điện Bàn với nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực đến khách hàng và công tác xã hội tại địa phương
Bế mạc Ngày hội khởi nghiệp thị xã Điện Bàn lần thứ I - Techfest Điện Bàn năm 2023
    
1   2   3   4   5  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm