Nội dung chi tiết

NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ QUẢ CẢM !
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 11/03/2009 .Lượt xem: 3746 lượt. [In bài]

Nguyễn Điện Nam

Trên quê hương Điện Bàn có biết bao bà mẹ phải tiễn chồng, con và cháu ra đi kháng chiến, trong đó có hơn 1.500 bà mẹ  được phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Nổi bật là hình ảnh và những trang đời huyền thoại của mẹ Nguyễn Thị Thứ - người đã có 11 người thân là chồng, con và cháu hy sinh cho cách mạng. Ở vùng đất này, đâu cũng có thể gặp những người mẹ, người chị từng tham gia đội quân tóc dài, đấu tranh chính trị binh địch vận. Họ - những người chỉ có vũ khí duy nhất là tình yêu quê hương, lòng căm thù giặc, đã chịu nhiều đau thương nhất trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Trường hợp gia đình mẹ Nguyễn Thị Bưng, ở xã Điện Dương, Điện Bàn là một trong những hoàn cảnh như thế.

Mẹ Nguyễn Thị Bưng sinh năm 1911, tuổi Tân Hợi. Dân gian thường truyền tụng: Tuổi Hợi nằm đợi mà ăn, nhưng suốt cuộc đời mẹ Bưng phải cày xới cơ cực mới có miếng ăn, bởi gia đình mẹ nghèo mà bọn địa chủ đã cướp hết ruộng đất. Chính vì vậy khi cách mạng tháng Tám 1945 bùng nổ, mẹ Bưng tích cực tham gia khởi nghĩa, giành chính quyền ở xã. Từ đấy, bước vào cuộc kháng chiến chín năm, mẹ Nguyễn Thị Bưng làm ủy viên Ban chấp hành Phụ nữ Điện Dương, tích cực tham gia tổ chức các phong trào của Hội mẹ chiến sĩ. Trong kháng chiến chống Pháp, gia đình mẹ Bưng là một gia đình cách mạng tiêu biểu của xã. Bốn người em trai của mẹ Bưng đều thoát ly đi kháng chiến, trong đó có đồng chí Nguyễn Phiên (Lam), cán bộ lãnh đạo của xã; Nguyễn Biềm tham gia Vệ quốc đoàn (sau hy sinh); Nguyễn Tính và Nguyễn Nho bộ đội chủ lực Quân khu 5 (đều hy sinh trên các chiến trường).

Cuộc kháng chiến chín năm kết thúc nhưng Hiệp định đình chiến đã bị Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai phá bỏ. Không bao lâu sau những chuyến tàu tập kết của những người cán bộ miền Nam ra Bắc, một nữa đất nước lại đắm chìm trong đêm đen nô lệ thực dân mới. Mẹ Bưng đã cùng với các đồng chí cán bộ ở lại, lặn lội đến các ngõ sâu xóm vắng vận động đồng bào tẩy chay cuộc bầu cử Ngô Đình Diệm, vạch rõ trò hề trưng cầu dân ý của kẻ thù. Ngày 23 tháng 10 năm 1955, mẹ Bưng lãnh đạo một mũi quần chúng tham gia cướp thùng phiếu bầu cử Tổng Thống Diệm ở Điện Dương. Cuộc đấu tranh trực diện đầu tiên của nhân dân Điện Dương với bè lũ tay sai của Mỹ đã bị nhấn chìm trong máu, một số người biểu tình đã bị bắn chết, một số khác bị địch bắt, giam cầm, tra tấn. Mẹ Bưng không lọt khỏi danh sách đen của bọn ngụy tề, và lập tức bị bỏ tù 6 tháng, bị cầm cố ở lao Hội An, mẹ Bưng bị địch tra tấn dã man nhưng rồi chúng không tìm được bằng chứng gì ngoại việc khép mẹ vào diện can cứu vì gia đình có người thân tham gia kháng chiến. Ra tù, dù bị địch theo dõi, nhưng mẹ Bưng đã bí mật nuôi  giấu cán bộ nằm vùng. Nhà mẹ trở thành cơ sở để các đồng chí Nguyễn Đức An, Đặng Nhơn, Võ Nghĩa… trụ bám, đi về hoạt động gây dựng cơ sở cách mạng.

Với âm mưu tố cộng diệt cộng, chính quyền tay sai cùng bọn đảng phía phản động, ác ôn đã ra sức đàn áp, hòng dập tắt ngọn lửa  yêu nước vẫn âm ỉ cháy trong các xóm làng miền Nam. Chúng thành lập những đoàn “bình định”, thực hiện ba cùng với cơ sở, riết róng tìm cách chia rẽ đồng bào với cách mạng, làm ly tán những gia đình có người thân tham gia kháng chiến, gây những cuộc đấu tố, huynh đệ tương tàn. Trong bối cảnh ấy, đến đầu năm 1957, nhiều cơ sở cách mạng bị đánh phá quyết liệt, và Nguyễn Thị Bưng bị chỉ điểm là một đầu mối đường dây cơ sở cách mạng liên xã (*). Thế là lần thứ hai mẹ Bưng phải vào tù. Đợt này, do có chỉ điểm khai báo nên địch quần riết, hết khảo rồi đánh, hết cho mẹ Bưng đi tàu thủy rồi tra điện, treo ngược lên xà nhà. Đánh từ nhà lao Vĩnh Điện cũng không moi móc được gì ở mẹ thì lại  chuyển xuống Hội An hành hạ tiếp. Ba  năm như vậy, mẹ Bưng chịu đủ mọi đòn roi, địch vẫn không khai thác được gì, đành phải thả. Năm 1960, khi phong trào đồng khởi sắp nổ ra, mẹ Bưng được ra tù. Về ngay Điện Dương, Nguyễn Thị Bưng tìm người đồng đội cũ. Lúc này, đồng chí Văn Thanh Tùng, Huyện ủy viên về gặp mẹ tổ chức lại cơ sở, và mẹ Bưng cùng hoạt động với các đồng chí Văn Đắt, Lê Tỵ… Đến một ngày cuối năm 1962, lính ngụy lại ập vào nhà mẹ Bưng lục sóat. Chúng lục tung từng chim lúa, chum khoai, dỡ chuồng heo, chuồng bò, quậy đổ cây rơm… nhằm tìm tài liệu cách mạng mà mẹ Bưng cất giấu.Không tìm được gì, chúng đập báng súng vào lưng mẹ Bưng, rồi trói mẹ dẫn đi. Lần này, địch dẫn mẹ Bưng vào một trường học rồi trói ngửa và đổ nước bẩn đến khi bụng trương lên thì nhảy vào dẫm. Đánh ngất, chúng chở mẹ về quận Hiếu Nhơn, giam hai tháng mới thả. Ba lần bảy lượt bị bỏ tù, tra tấn dã man như vậy nhưng mẹ Bưng vẫn một lòng kiên trung với Đảng, với cách mạng. Tuy nhiên, sự hành hạ của kẻ thù đã làm sức mẹ suy kiệt. Đến tháng giêng năm 1968, mẹ Nguyễn Thị Bưng đã hy sinh trong trận thảm sát Hà My của lính Nam Hàn (**).

Trong những cống hiến của gia đình mẹ Nguyễn Thị Bưng cho cách mạng, ngoài bản thân mẹ còn có những người em trai mẹ, và cả ba người con: Văn Thị Bán, Văn Đức Thạc, Văn Thị Hành. Chị Hành là du kích xã, hy sinh năm 1967. Anh Thạc là ủy viên thường vụ, trưởng ban tổ chức đảng ủy xã Điện Dương hy sinh năm 1970. Riêng người con gái đầu của mẹ Nguyễn Thị Bưng là Văn Thị Bán, cũng là một người từng trải qua những năm tháng tù đày, hy sinh nhà lao Tân Hiệp (Biên Hòa).

Đồng chí Văn Thị Bán cũng là một người cán bộ cách mạng xông xáo, luôn thường trực trong sổ đen của bọn mật vụ, ngụy tề. Bởi vì chị là con của mẹ Bưng, là vợ của một cán bộ tập kết, đồng thời bản thân chị là một cơ sở tin cậy của những người kháng chiến. Cũng bị ghép vào thành phần can cứu, và luôn sát cánh bên mẹ Bưng, nên chị Bán phải nhiều lần vào từ ra tội. Trong trận càn năm 1968 của lính Nam Hàn, chị Bán bị thương nặng và bị mất ba ngón tay phải chuydển ra Đà Nẵng chữa trị. Vừa lành vết thương, chị Bán trở về hoạt động đứng chân ở vùng chợ mới Ba xã, và Hòa Hải (Hòa Vang), có lúc lần theo đường dây vào tận Điện Bình (Điện Bàn). Năm 1969, Văn Thị Bán trở lại Điện Dương, là đảng viên phụ trách trưởng ban đấu tranh chính trị của xã. Nhưng chỉ được hai năm, đến năm 1971, cơ sở bị vỡ, chị lại bị bắt. Lần bị bắt này, do có bọn chiêu hồi cung khai, địch nắm rõ hành tung của chị Bán và tiến hành khảo tra, đánh đập tàn nhẫn để hòng moi tin tức về các đồng chí trong đường dây hoạt động cách mạng. Nhưng Văn Thị bán chấp nhận bị địch tra tấn, chuyển từ lao xá này đến nhà tù khác mà vẫn một mực không khai. Chúng đành chuyển chị Bán vào giam tại  nhà lao Tân Hiệp (Biên Hòa). Nơi đây địch tiếp tục hành hạ tra tấn Văn Thị Bán với những phương thức man rợ, chị Lê Thị Thu Hường, con gái đồng chí Văn Thị Bán, nghe những người cùng ở tù với mẹ mình kể lại rằng: “địch đã cột đầu tóc dài của mẹ tôi lên xà nhà rồi mặc sức đấm đá túi bụi, sau đó đột ngột thả dây cho rớt từ trên cao xuống làm tụt từng mãnh da đầu và tóc…”. Không những không khuất phục trước kẻ thù, chị Văn Thị Bán còn cổ động chị em nữ tù đấu tranh với bọn quản ngục, tố cáo tội ác dã man của chúng. Địch đã  phải thủ tiêu Văn Thị Bán, nhằm làm thui chột tinh thần đấu tranh của tù nhân.

Nguyễn Thị Bưng – Văn Thị Bán, hai mẹ con, hai người đồng chí, hai cuộc đời bị tù đày, rồi cuối cùng đều hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Từ tấm gương kiên trung của họ, bao người đồng chí, bao lớp phụ nữ đã được tiếp thêm sức mạnh để đi tới, cống hiến cho kháng chiến những giọt máu tinh anh. Mẹ Nguyễn Thị Bưng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng và chị Văn Thị Bán đã trở thành liệt sĩ, nhưng trong cõi vĩnh hằng vẫn còn rung nhịp đập trái tim người phụ nữ biết – nuôi con – và – đánh – giặc…

                                                                               

(*) Theo lời kể của chị Lê Thị Thu Hường, cháu ngoại của mẹ Bưng thì: “Vào một buổi chiều, dì tôi đang tắm cho tôi, bỗng nhiên thấy một tốp lính ngụy súng ống trên tay và có thêm một người không mặc đồ lính vào nhà bắt bà ngoại tôi trói tay dẫn đi…

(**) Theo nhiều nhân chứng ở Điện Dương kể thì trận này nhằm ngày 26 tháng giêng năm Mậu Thân, tức 24/12/1968, lính Nam Hàn đã thảm sát hơn 140 người dân, chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em.

[Trở về]
Các tin mới hơn:
NHÀ LAO VĨNH ĐIỆN
NHÀ YÊU NƯỚC LÊ ĐÌNH DƯƠNG
NHÀ YÊU NƯỚC PHAN THÀNH TÀI
BÀI THƠ CA NGỢI ĐỒNG CHÍ ĐINH TÙNG
BÀI THƠ THƯ NHÀ
MỘT HỘI PHÓ NHIỀU NGƯỜI CHƯA BIẾT
CÁI CHẾT NGHIỆT NGÃ CỦA PHẠM XANG
BA MẸ CON CÙNG MỘT CHI BỘ
GƯƠNG BẤT KHUẤT CHỐNG TỐ CỘNG
RA ĐI … QUYẾT TỬ !
    
1   2   3  
    
Các tin cũ hơn:
NHỚ MÃI TẤM GƯƠNG PHAN ĐỜN
TƯỞNG HOẰNG CƠ SỞ CÁCH MẠNG TRUNG KIÊN
Ý CHÍ NGƯỜI ANH HÙNG
CHI BỘ MANG TÊN ANH
TRỊNH QUANG XUÂN – SÁNG NGỜI LÝ TƯỞNG CÁCH MẠNG
VÕ TIẾN, MỘT NHÂN CÁCH
THÂN KIỂN - NGƯỜI CÁCH MẠNG KIÊN CƯỜNG
LỜI NGƯỜI Ở LẠI
NGUYỄN VĂN TRIẾT - LAO TÙ LÀ NƠI TRUI RÈN Ý CHÍ
KHI RƠI VÀO TAY GIẶC
    
1   2  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm