Trao đổi thẳng thắn về các khó khăn, vướng mắc gặp phải, đa số các doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản cho rằng các khó khăn xuất phát từ công tác giải phóng mặt bằng, gia hạn tiến độ, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và những khó khăn của thị trường bất động sản ở thời điểm hiện tại.
Ông Trần Xuân Đính – Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư Nông nghiệp Sài Gòn Thành Đạt cho biết, giai đoạn 2023-2024 doanh nghiệp gặp khó khăn trong cơ chế tín dụng, khi mà các ngân hàng không hỗ trợ cho vay. Nếu các ngân hàng cứ quyết giữ cơ chế như hiện nay, tỉnh Quảng Nam không có phương án tháo gỡ thì các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn tỉnh sẽ lâm vào tình cảnh bế tắc. Ông Đính cũng đề cập đến vấn đề chậm giải quyết các thủ tục, hồ sơ và việc kiểm toán quy hoạch cũng gây tốn nhiều thời gian trong quá trình triển khai dự án của doanh nghiệp.
Ông Lê Tự Tâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư & Xây dựng 501 - Chủ tịch Hội doanh nghiệp thị xã Điện Bàn cho hay, những khó khăn đã kéo dài từ giai đoạn sau Covid-19 đến nay chưa thể khắc phục, đến nay các doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với áp lực từ thanh tra, kiểm tra. Riêng doanh nghiệp bất động sản 2 năm qua gần như bị ngừng trệ hoạt động. Tháng 5/2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ trực tiếp những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp nhưng cho đến nay, Tổ công tác chưa giải quyết được điểm nghẽn nào cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp BĐS đã kiến nghị. Việc gia hạn tiến độ dự án đến nay chưa được cởi mở hơn với doanh nghiệp. Nếu tỉnh không có chủ trương gia hạn tiến độ, các ngân hàng sẽ không cho vay, nhiều doanh nghiệp trước đây đã vay tiền ngân hàng đóng vào ngân sách tỉnh rất nhiều, đến nay ngân hàng không cho vay nữa thì doanh nghiệp không có tiền trả lãi khiến ngân hàng đưa doanh nghiệp vào nhóm nợ vốn. Hiện nay, doanh nghiệp bất động sản vừa phải bỏ lượng tiền lớn ra để giải phóng mặt bằng, vừa phải nộp tiền sử dụng đất cùng lúc nhưng chưa được trừ chi phí giải phóng mặt bằng. Đây thực sự là một gánh nặng lớn đối với các chủ đầu tư, đề nghị từ cấp xã lên huyện thành lập Hội đồng đôn đốc giải phóng mặt bằng để theo dõi bám sát.
Việc áp giá bồi thường cũng gây ra khó khăn vì yêu cầu của người dân ngày càng thay đổi. Về vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Tâm cho rằng tỉnh Quảng Nam cần cho phép cấp 95% GCN QSDĐ của dự án, bởi hiện giữ lại 20% là quá nhiều, trong khi doanh nghiệp không có vốn để thực hiện. Lãnh đạo tỉnh cần làm việc với ngành thuế để giảm thuế từ 10% xuống 8% đối với bất động sản. Ngoài ra, vì vướng gia hạn tiến độ nên tiền nộp thuế không kịp, Cục thuế đã khoanh tài khoản, xử phạt doanh nghiệp chậm nộp thuế. Giá vật liệu xây dựng quá cao khiến doanh nghiệp lỗ ngay từ khâu đấu thầu. Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ về mức giá để hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Xuân Nhàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinaconex25 cho rằng, công tác đền bù cần bố trí cán bộ giỏi và cũng cần có những chính sách ưu tiên. Dự án mà doanh nghiệp đang làm đã vay 300 tỷ với lãi suất 12%, nếu dự án càng kéo dài thì doanh nghiệp càng lỗ, chưa kể người lao động không có việc làm cũng gặp nhiều khó khăn.
Ông Trần Xuân Đính – Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư Nông nghiệp Sài Gòn Thành Đạt cho biết, giai đoạn 2023-2024 doanh nghiệp gặp khó khăn trong cơ chế tín dụng, khi mà các ngân hàng không hỗ trợ cho vay. Nếu các ngân hàng cứ quyết giữ cơ chế như hiện nay thì cộng đồng doanh nghiệp đi vào bế tắc. Vấn đề chậm giải quyết các thủ tục, hồ sơ và việc kiểm toán quy hoạch cũng gây tốn nhiều thời gian trong quá trình triển khai dự án của doanh nghiệp.
Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, trong thời gian qua các hoạt động kinh tế của địa phương trong đó có lĩnh vực bất động sản gặp nhiều khó khăn, thách thức và lãnh đạo địa phương thấu hiểu khó khăn của doanh nghiệp. Về phía tỉnh Quảng Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc tháo gỡ vướng mắc để tạo động lực cho các dự án triển khai đúng tiến độ, đúng quy định. Nhiều khó khăn xuất phát từ hệ thống pháp luật, tỉnh có muốn cũng làm không được hoặc không thể làm nhanh để hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp. Vì vậy, tỉnh đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục hiến kế để lĩnh vực bất động sản có những tiến triển tích cực, mở ra thời kỳ mới đưa kinh tế chung của địa phương tiếp tục đi lên. Trong khi chờ đời kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương dự kiến vào quý II năm nay, tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch khắc phục các kết luận này và đang tiến hành bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện theo yêu cầu của Uỷ ban Kiểm tra và các Bộ, ngành Trung ương… Quan điểm của tỉnh là tháo gỡ được đến đâu sẽ tiến hành đến đó, nhanh chóng, kịp thời, để nhanh nhất có thể đủ cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp triển khai dự án, khắc phục các dự án đã và đang triển khai của giai đoạn hiện nay, ít nhất là cho đến cuối năm nay - trước thời điểm Luật Đất đai có hiệu lực.
Trong điều kiện thẩm quyền, lãnh đạo tỉnh sẽ vào cuộc, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, mức nào phân cấp được sẽ tiến hành giao cho các địa phương… Trên cơ sở nội dung cuộc đối thoại đầu năm này, tỉnh sẽ có phiên họp sớm tháo gỡ và cùng với cộng đồng doanh nghiệp và các Sở ngành liên quan xử lý. Mong các doanh nghiệp bình tĩnh cùng với địa phương tháo gỡ, có những cơ hội và hy vọng mới để vượt qua giai đoạn “giông bão” này, cùng nhau phát triển trong năm mới Giáp Thìn – 2024.
|