Để quản lý tốt bệnh đạo ôn cổ bông, cổ gié và rầy nâu + rầy lưng trắng trên đồng ruộng, bảo vệ an toàn sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024, Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp thị xã Điện Bàn hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật sau:
1. Đối với bệnh đạo ôn cổ bông, cổ gié:
Cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng để phun phòng đạo ôn cổ bông nhất là đối với các giống nhiễm như: 13/2, BC15, TBR225, Thiên ưu 8, J02… trước khi lúa trỗ 5 - 7 ngày, tiến hành dùng 01 trong các loại thuốc có các thành phần hoạt chất như Tricyclazole, Isoprothiolane, propiconazole, fenoxxanil…(tên thương mại Beam 75 WP, Fuji-one 40EC, Filia 525 SE, Flash 75 WP, Mapfamy 700WP…) để phun phòng trừ. Nếu chưa phun thuốc kịp thời ở giai đoạn trước trỗ thì phun ở giai đoạn sau trỗ từ 5 - 7 ngày. Tốt nhất nên phun thuốc phòng bệnh khi lúa trỗ lác đác.
2. Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng:
Tăng cường thăm đồng trong thời gian tới, vạch gốc lúa để kịp thời phát hiện rầy gây hại, phải quan sát khắp mặt ruộng để phát hiện các “ổ rầy” cục bộ, cần lưu ý trên các giống nhiễm rầy: HT1, Thiên Ưu 8, Đài Thơm 8. Khi phát hiện rầy có mật độ trung bình từ 2 - 3con/dảnh lúa (khoảng 1.000 - 2.000 con/m2) thì dùng các hoạt chất trừ rầy như fenobucarb, pymetrozone, thiamethoxam, lambda-cyhalothrin, imidacloprid (tên thương mại Chess 50WG, Alika 247SC, Map Jono 700 WP…) để phun trừ. Khi phun trừ rầy, cần phải khoanh vùng và phun kỹ các “ổ rầy” để diệt trừ triệt để.
Lưu ý:
- Khi phun thuốc phải đọc kỹ nhãn mác hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.
- Mỗi sào phải phun đủ từ 30 lít nước thuốc đã pha trở lên, pha đúng nồng độ hướng dẫn trên nhãn, bao bì.
- Khi phun thuốc trừ rầy và bệnh đạo ôn cổ bông – cổ gié ruộng cần có nước để đạt hiệu quả phòng trừ cao nhất.