Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc của dân tộc ta, có rất nhiều gia đình, toàn bộ đều tham gia cách mạng, và đã góp phần vào trang sử đấu tranh chói lọi, huy hoàng của Tổ Quốc. Điện Bàn là một huyện đã có không ít gia đình như thế, trong đó có gia đình mẹ Hà Thị Nỳ, quê làng Thanh Quýt xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn. Bản thân mẹ và chồng cùng bảy người con, tất thảy đều tham gia vào sự nghiệp “giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc” và đã từng chịu nhiều hy sinh gian khổ, từng bị kẻ thù bắt tù đày, tra tấn dã man. Nhưng tất cả ở họ đều nêu cao ý chí tiến công và trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, góp phần tô đậm truyền thống đấu tranh vẽ vang trên mãnh đất “trung dũng, kiên cường”.
Chồng của mẹ là ông Nguyễn Hữu Nỳ, người đã sớm giạc ngộ cách mạng. Trong những năm kháng Pháp, ông hăng hái ủng hộ và tham gia đấu tranh cách mạng chống áp bức, bóc lột, chống bất công và xâm lược. Sau khi tái chiếm lần thứ hai, giặc Pháp tăng cường mở những cuộc tiến công với quy mô lớn, đánh chiếm đến đâu, chúng tiến hành bình định rồi thành lập ngụy quyền đến đó, sử dụng lực lượng bao vây, càn quét thực hiện chính sách “Cướp sạch, phá sạch, đốt sạch” (ba sạch). Trong thời gian nầy, ông đang tham gia hoạt động trong ban hậu cần. Cũng vào cuối năm đó, trong chuyến đi công tác ở vùng đông Điện Bàn, không may bị địch phục kích, ông hy sinh tại xã Như Xương (nay thuộc xã Điện Ngọc). Nhà cửa, vườn tược của gia đình lúc bấy giờ cũng bị chúng thiêu trụi.
Trong túp lều tạm bợ, mẹ Nỳ cố nén chặt nổi đau khôn xiết, rồi một mình tần tảo nuôi con. Tất cả bảy người con của mẹ lần lượt đứng vào hàng ngủ cách mạng khi tuổi đời còn rất trẻ. Ở tuổi mười lăm, người con trai cả là anh Nguyễn Hữu Thông đã tham gia bộ đội, chiến đấu ngoan cường, dũng cảm. Từng trực tiếp tham gia hàng loạt trận đánh, pháp hủy hàng chục đồn bót, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm tên giặc… Tiếp đến anh Nguyễn Hữu Lỳ, người con thứ hai của mẹ chưa đầy mười bốn tuổi nhưng là chiến sỹ trong đội Công an xung phong Điện Bàn đầy mưu trí và gan dạ. Qua bài vè còn mãi lưu truyền trong dân chúng, đã khắc họa hình ảnh người chiến sĩ nhỏ tuổi này. Trong cuộc mit ting của Phủ Điện Bàn tổ chức tại Vĩnh Điện khi được tin vua Bảo Đại từ Thái Lan “hồi loan” (1948): “…Lựu đạn em giấu kỹ càng/ Lén vào cuộc lễ quyết lòng lập công…” (Trích “Vè Nguyễn Hữu Lỳ - tác giả Lê Tự Kình).
Tiếp bước sau anh Thông, anh Lỳ và các anh chị: Nguyễn Thị Mỳ, Nguyễn Hữu Bì, Nguyễn Thị Kháng, Nguyễn Hữu Láng và chị Nguyễn Thị Xẩm. Họ là những chiến sĩ giao liên, là cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… Với phẩm chất của người cách mạng, nên ở cương vị nào, chiến sĩ hay chỉ huy họ đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao phó. Khi không may sa vào tay giặc, họ vẫn kiên trung một dạ, dũng cảm đấu tranh trước cực hình man rợ của kẻ thù để bảo tồn khí tiết và lý tưởng cao đẹp của mình. Trong số những người con đã từng bị giặc bắt, rồi giam cầm đày đọa trong nhiều năm, điển hình anh Nguyễn Hữu Bì, người từng trải qua nhiều nhà lao và đối mặt với vô vàn tàn bạo của chính quyền Mỹ - Ngụy.
Để ghi nhớ về cuộc đời anh trong những năm tháng đi tù đày. Hội tù yêu nước Quảng Nam – Đà Nẵng đã tặng anh bia bằng đá cẩm thạch có dòng chữ: “KIÊN TRUNG – BẤT KHUẤT – CHỐNG CHÀO CỜ - BẢO VỆ KHÍ TIẾT CÁCH MẠNG’.
Năm 1964, vừa tròn 29 tuổi, nhưng Nguyễn Hữu Bì trải qua mười lăm năm hoạt động cách mạng và đang là đội trưởng đội công tác nội thành. Trong chuyến công tác về Điện Hòa, Điện Bàn, Nguyễn Hữu Bì không may sa vào tay giặc. Bị đày qua nhiều nhà lao như: Vĩnh Điện, Hội An, nhà giam Thừa Phủ Huế, kho đạn Đà Nẵng, khám Chí Hòa…và sau cùng, vào tháng hai năm 1966 đày ra Côn Đảo. Tại hầm đá, chuồng cọp thuộc khu trại II, anh là đối tượng được chúng “hết sức quan tâm vì nổi tiếng là tù nhân chính trị đấu tranh chống chào cờ ngụy, chống chế độ cấm cố khắc nghiệt và đàn áp đẩm máu ở Đảo ngục ngày ấy. Mặc dù dưới sự chỉ huy của chúa ngục, bọn an ninh, trật tự bắt anh cùng số anh em “không rớt” đẩm mình trong bể cực hình man rợ nhưng ý chí cách mạng vẫn không hề suy giảm, tất cả đoàn kết cũng cố mặt trận tiếp tục đấu tranh. Không ít lần đích thân chúa ngục cùng an ninh xuống tận phòng giam túm lôi các anh ra nói thẳng: “Tụi bây chào cờ thì tau thả về, được ra khỏi chuồng cọp, hầm đá!...Ngược lại, biết rồi chứ!”…Chúa ngục lên giọng đe dọa. Nguyễn Hữu Bì vẫn tư thế hiên ngang: “Không! Khi sa cơ, bị bắt vào đây, chúng tôi không chấp nhận cờ ba que… thì làm sao mà chào!”. Bất lực, dồn hết căm tức, bọn chúng càng cuồng điên đánh đạp các anh em cho đến bất tỉnh.
Đến năm 1973, Hiệp đình Paris được ký kết, chúng trả anh về địa phương với âm mưu dồn anh vào con đường cụt rồi thủ tiêu. Bấy giờ thân hình anh bại liệt và đầy thương tật, chúng khiêng đổ anh xuống bên vệ đường quốc lộ thuộc địa phận xã Điện Thắng, nhờ sự phát hiện của học sinh trường huyện; rồi đồng bào, chiến sĩ ta nhanh trí, bí mật tìm cách đưa anh về hậu cứ. Sau khi phục hồi sức khỏe, anh Nguyễn Hữu Bì tiếp tục với nhiệm vụ của mình cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Với các cương vị như Thường vụ đảng ủy xã, rồi Bí thư, Chủ tịch xã Điện Thắng, anh là người cán bộ đầy nhiệt tình, năng nổ, cùng với nhân dân quyết tâm xây dựng lại quê hương mình từ cảnh hoang tàn, đổ nát, nghèo đói và lạc hậu để từng bước đi lên. Hiện nay anh đã nghỉ hưu, nhưng không ngừng tham gia công tác xã hội ở địa phương. Anh Bì thường tâm sự: “Được cống hiến cho xã hội là niềm hành phúc!”.
Và bản thân mẹ Hà Thị Nỳ là người phu nữ rất mực đảm đang, sau khi chồng hy sinh, mẹ thay chồng làm chổ dựa vững chắc của các con. Ngoài việc chăm lo gia đình, mẹ còn tham gia cách mạng, làm công tác binh vận, hậu cần. Mẹ là người trong số tiên phong bám sát quần chúng lúc bấy giờ để đấu tranh trực diện với kẻ thù. Không quản ngày đêm, mưa nắng, gió sương, mẹ lặn lội trong khắp các làng để móc nối cơ sở cách mạng và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, chiến sĩ hoạt động. Mẹ luôn kêu gọi quần chúng ủng hộ và tham gia phong trào đấu tranh cách mạng, phục vụ yêu cầu kháng chiến.
Năm 1957, Mỹ - Diệm tiếp tục ra tay đàn áp, gây nhiều tội ác với nhân dân, giết hại cán bô, đảng viên, gia đình kháng chiến. Mẹ Nỳ đã nhiều lần bị chính quyền tay sai xã Thanh Trường giam cứu và bắt buộc “từ con”. Có lần chúng đe dọa: “Nếu không từ lũ con phản nghịch thì mụ già phải dùng hai cái chai rượu này gánh đổ đầy hồ rộng kia, rồi mới được về!”. Trước đám Hội đồng xã, mẹ giật phắt cả hai cái chai trên tay của một thằng trong bọn, đập vỡ toang trước mặt tên xã trưởng, giọng đanh thép: “Thử hỏi trên đời này có bà mẹ nào từ con. Con tao đẻ ra, nó lớn rồi nó làm theo suy nghĩ của nó, tao nào buộc được!...”. Chúng càng điên tiết rồi hành hạ mẹ hơn. Và đến những năm chống Mỹ, mẹ vẫn tiếp tục tham gia cách mạng và đã từng bị giặc bắt tù đày, bị tra tấn cực hình nhiều lần chết đi sống lại, vậy mà mẹ không ngừng vạch mặt những tên phản bội, chiêu hồi, gây vô vàn tội ác, phản lại quê hương.
Với những công lao đóng góp, của cải và xương máu của cả gia đình (có 5 liệt sĩ, chồng và 4 ngời con) cho sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc, mẹ Hà Thị Nỳ được Nhà nước phong tặng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng và nhiều Huân, huy chương, bằng khen… cho mẹ và người thân trong gia đình. Hiện nay, con mẹ - những anh chị còn sống đang tiếp tục cống hiến cho quê hương, đất nước.
Tháng 5/2005