Trong đó, có cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động; thực hiện làm vệ sinh môi trường hàng tuần/ tháng ở khu dân cư, nơi công cộng, các đoạn đường phụ nữ tự quản; trồng và chăm sóc các tuyến đường hoa; duy trì sinh hoạt các mô hình “Phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường”, “Việc làm nhỏ - công trình lớn”, “Biến rác thành tiền”, “Ngôi nhà xanh thu gom rác thải tái chế”, “Gia đình 5 không 3 sạch xây dựng nông thôn mới"… Các mô hình thiết thực mà Hội LHPN xã thực hiện đã góp phần tham gia bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
Hưởng ứng thực hiện các mô hình thu gom phế liệu và rác thải nhựa do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Điện Thọ triển khai, chi hội phụ nữ Đông Đức nhận thấy mô hình này mang đến nhiều lợi ích thiết thực, không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tạo được nguồn quỹ hỗ trợ nhiều hoàn cảnh khó khăn, động viên phụ nữ vươn lên trong cuộc sống nên triển khai trong toàn chi hội và được chị em nhiệt tình hưởng ứng.
Chi hội phụ nữ thôn Đông Đức đã nhận được sự đánh giá rất cao của cấp uỷ, chính quyền địa phương và Hội cấp trên, tạo sự lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư, thu hút nhiều hội viên phụ nữ và nhân dân tham gia thực hiện. Đặc biệt, việc thực hiện tốt chương trình “Việc làm nhỏ - công trình lớn” đã mang lại ý nghĩa kép, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường lẫn hỗ trợ cuộc sống của nhiều phụ nữ và trẻ em nghèo trên địa bàn xã nói chung và thôn Đông Đức nói riêng.
Để thực hiện mô hình, Ban Chấp hành chi hội đã phân công thành viên đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động và chia sẻ mục đích, ý nghĩa của việc thành lập mô hình. Đồng thời, trực tiếp hướng dẫn các hộ gia đình phân loại rác thải hữu cơ và vô cơ. Với rác thải hữu cơ, các gia đình sẽ đào hố rác để chôn lấp các loại rác phân hủy được và tận dụng làm phân bón hữu cơ. Với rác thải vô cơ (rác thải không tái chế được), các gia đình sẽ tự thu gom sau đó đưa đến nơi tập kết để xử lý tập trung. Các rác thải tái chế như vỏ lon bia, chai nhựa, sắt vụn, bìa giấy…. mỗi gia đình tích góp lại để ủng hộ cho mô hình.
Trước đây, khi chi hội mới chỉ thực hiện chương trình “Việc làm nhỏ - công trình lớn”, nguồn quỹ thu được còn hạn chế. Kể từ đầu năm 2022, khi triển khai mô hình “Ngôi nhà xanh”, kết hợp với việc vận động, tuyên truyền rộng rãi trong toàn dân thì đến nay, nguồn quỹ thu được từ các mô hình phân loại rác thải đã dần lớn hơn. Định kỳ hằng quý, sau khi phân loại rác thải nhựa, lon bia, nước ngọt chi hội sẽ đem bán, số tiền thu về bình quân từ 400.000 đồng/ lần thu gom. Số tiền thu được từ việc triển khai mô hình được ủng hộ cho quỹ Hội, sử dụng cho mục đích thăm hỏi, tặng quà, trao phương tiện sinh kế cho các hội viên phụ nữ và trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn.
Hoạt động tuy đơn giản, nhưng để thực hiện được trên địa bàn thôn Đông Đức, với địa hình rộng, dân cư đông không phải là việc có thể triển khai ngày một, ngày hai. Các hội viên phụ nữ đã tích cực đến từng ngõ, gõ từng nhà để mô hình được triển khai triệt để nhất. Thời gian đầu cũng là giai đoạn khó khăn trong việc thay đổi thói quen và lối sinh hoạt lâu năm của người dân.
Không chỉ mang đến lợi ích trong công tác bảo vệ môi trường, chỉnh trang cảnh quang làng xóm, mô hình hay của Hội LHPN xã còn là nguồn động viên cho hội viên phụ nữ và trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Trong giai đoạn 8 tháng đầu năm, chi hội Đông Đức đã thu gom được trên 1 tấn phế liệu các loại. Sau đó, bán và thu được số tiền trên 3.000.000 đồng. Sử dụng số tiền trên, chi Hội đã tổ chức thăm, tặng quà cho phụ nữ và trẻ em nghèo và góp vào nguồn quỹ trao phương tiện sinh kế cho phụ nữ nghèo của xã. Những món quà nhỏ nhưng là nguồn cổ vũ lớn cho các em nhỏ có thêm niềm vui đến trường, phụ nữ có động lực để vượt khó. Số tiền định kỳ đều đặn đã hỗ trợ Hội rất nhiều trong công tác chăm lo cho các hoàn cảnh phụ nữ và trẻ em khó khăn.
Từ một công trình nhỏ, được nhân rộng ở quy mô xã, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh cũng như tạo niềm động viên cho nhiều người. Hoạt động của mô hình đã tạo được nguồn quỹ định kỳ để hỗ trợ các gia đình hội viên nghèo, tạo động lực giúp hội viên nghèo nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống đồng thời xây dựng được tình đoàn kết, gắn bó, nghĩa tình giữa các hội viên phụ nữ và người dân ở cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, nhận thức và ứng xử của cộng đồng với môi trường cũng có nhiều chuyển biến tích cực, mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân đã có thói quen phân loại rác thải trong gia đình và xã hội góp phần bảo vệ môi trường sạch đẹp.