Việc phân vùng hoạt động máy gặt đập liên hợp ở xã Điện Quang ngay vào thời điểm thu hoạch lúa hè thu là sáng kiến của HTX Dịch vụ sản xuất kinh doanh tổng hợp Điện Quang (HTX Điện Quang), cùng lúc giải quyết được nhiều vấn đề nảy sinh lâu nay. Đó là đảm bảo được thời gian thu hoạch theo hợp đồng cũng như số lượng máy tham gia thu hoạch; thống nhất mức thu chung trên địa bàn toàn xã (với mức thu hiện tại từ 130 - 150 nghìn đồng/sào). Đồng thời gắn trách nhiệm cho các chủ máy phải tu sửa bờ ruộng, kênh mương bị hư hại do máy gây ra.
Trước đây, hoạt động của các máy gặt đập chủ yếu mang tính tự phát, nếu có hợp đồng thì cũng nhỏ lẻ, không bền vững. Các chủ phương tiện tự cân đối diện tích đảm nhận và tự hợp đồng với các địa phương khác nên dẫn đến tình trạng thu hoạch chưa hết diện tích theo hợp đồng đã sang địa phương khác làm việc.
|
Nhờ có máy gặt đập liên hợp, nông dân ít tốn chi phí và công sức ở mỗi mùa gặt. Ảnh: H.N |
Nhiều khi máy móc hư hỏng nhưng không có sự hỗ trợ giữa các chủ phương tiện với nhau nên dẫn đến thời gian thu hoạch kéo dài. Gặp lúc thời tiết bất lợi thì người chịu thiệt là các chủ ruộng. Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Chủ nhiệm HTX Điện Quang giải thích: “Khi phân vùng ổn định từng máy thì cái lợi trước hết là các chủ ruộng. Chủ ruộng khỏi phải lo đi kêu gọi từng máy mà giao quyền ký kết hợp đồng cho đội trưởng. Đội trưởng có trách nhiệm liên hệ, chỉ cần máy tới là thông báo qua trạm truyền thanh xã, những chủ ruộng chỉ cần đem bao và tiền tới nơi là gặt xong đám ruộng”.
Bên cạnh việc phân vùng hoạt động cho các chủ máy, UBND xã Điện Quang và HTX Điện Quang còn đứng ra liên hệ giúp cho các chủ máy trong việc giới thiệu hợp đồng ở những xã lân cận, nhằm tạo điều kiện cho các máy phát huy hết công suất trong những ngày mùa. Cho đến thời điểm này, riêng Điện Quang, nông dân đã thu hoạch được trên 60% tổng diện tích lúa. Nếu thời tiết thuận lợi thì chỉ trong vài ngày nữa là thu hoạch xong toàn bộ diện tích lúa của xã. Chưa bao giờ người dân Điện Quang phấn khởi như vụ thu hoạch năm nay.
|
Máy gặt đập liên hợp. |
Trước đây, để gặt xong một sào lúa họ phải bỏ ra hơn 250 nghìn đồng thuê nhân công, đấy là chưa kể công phơi rạ, cào lúa... Bây giờ, chỉ cần 140 nghìn đồng là thong dong hứng bao chở lúa về nhà. Ông Nguyễn Văn Bảy cho biết thêm: “Chủ trương đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng của xã là rất phù hợp trong điều kiện lao động chính đi làm ăn xa. Việc càng ngày có nhiều hộ nông dân đầu tư mua máy gặt đập liên hợp về phục vụ nhu cầu của nông dân trong xã cho thấy tiềm lực trong dân là rất lớn”.
Cũng theo lời ông Bảy, HTX Điện Quang gần đây đã theo sát nông dân để đưa ra những cách làm hay, tháo gỡ vướng mắc cho bà con trong quá trình sản xuất. Chẳng hạn như mô hình bảo hiểm cho bò đang được số đông nhân dân ủng hộ. Hay chủ trương thủy lợi hóa đất màu đã phủ một màu xanh ngút ngàn trên đồng ruộng Điện Quang. Điều quan trọng hơn là HTX Điện Quang lâu nay không chỉ làm tốt vai trò “bà đỡ” cho kinh tế hộ xã viên mà còn giải quyết hài hòa các mối quan hệ trong cộng đồng làng.
HOÀI NAM
(Theo Báo Quảng Nam)