Thời gian nung bệnh từ khi mắc bệnh và bắt đầu xuất hiện các triệu chứng thường là 10 ngày đến 3 tháng, hi hữu có thể dưới 1 tuần hoặc trên 1 năm, phụ thuộc vào khoảng cách virus từ vết cắn di chuyển dọc theo dây thần kinh ngoại biên để đến hệ thần kinh trung ương.
Bệnh dại có 2 thể chính bao gồm:
Thể viêm não: Triệu chứng đầu tiên là sốt, nhức đầu hoặc kiệt sức, kèm theo bỏ ăn, mất ngủ, bồn chồn, đồng thời xuất hiện triệu chứng sợ nước, sợ gió. Ở giai đoạn này bệnh tiến triển tăng tiết nước bọt nên không thể nhai, nuốt và thường xuyên chảy nước dãi. Sau đó, đồng tử mắt sẽ bị giãn và con vật sẽ tử vong nhanh.
Thể liệt: Xuất hiện triệu chứng liệt tứ chi đến các cơ, rối loạn tiêu hóa. Sau đó xuất hiện ở cơ quan hô hấp thì con vật sẽ tử vong.
Cho đến nay, bệnh Dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh Dại gần như tử vong 100%.
Nhân viên thú y phường Điện An đang tiêm phòng bệnh Dại
Bệnh Dại nguy hiểm nhưng đã có vắc xin tiêm phòng cho vật nuôi và người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh Dại. Để chủ động phòng chống bệnh Dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
Một là: Tiêm phòng vắc xin Dại đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
Hai là: Hạn chế, không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.
Ba là: Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
Bốn là: Khi bị chó, mèo cắn, cào cần:
- Rửa kĩ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch – đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh Dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó, tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.
- Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.
- Đến ngay Trung tâm y tế thị xã để được tư vấn và tiêm phòng Dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa, không bị bệnh Dại. Bệnh dại khi đã lên cơn thì không chữa trị được.
- Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh Dại.
Nhằm chủ động phòng chống bệnh Dại cho động vật nuôi, ngăn chặn bệnh Dại từ động vật lây sang người, hằng năm UBND thị xã Điện Bàn đã ban hành kế hoạch tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi trên địa bàn thị xã, trong đó có tiêm phòng bệnh Dại chó, mèo.
Nhằm góp phần khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại trên địa bàn thị xã Điện Bàn, người chăn nuôi chó, mèo phải chấp hành nghiêm những quy định của pháp luật trong lĩnh vực phòng bệnh cho vật nuôi.