Đến với vòng trưng bày gồm có 35 sản phẩm xuất sắc được tuyển chọn từ Cuộc thi cấp cơ sở. Cuộc thi lần này đã thu hút gần 100 thí sinh với nhiều đề tài phong phú, đa dạng ở các lĩnh vực: Khoa học, Công nghệ, Toán học, Kỹ thuật,... Các học sinh mang đến cuộc thi các sản phẩm trưng bày sáng tạo, thiết thực, gần gũi với môi trường như: thiết bị phát hiện khói thuốc lá, thuốc lá điện tử; tái chế rác thải trong sinh hoạt thành những đồ dùng hữu ích, thân thiện môi trường; ứng dụng phần mềm Scratch lập trình “Khám phá vũ trụ tiếng anh”; kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn và lành mạnh,…
Tại cuộc thi, mô hình Nhà máy thuỷ điện của em Đặng Nhật Tân (lớp 9/3 trường THCS Nguyễn Văn Trỗi) được Ban Giám khảo đánh giá cao. Em Tân chia sẻ: Tham gia chương trình theo mô hình giáo dục STEM, đã kích thích trí tưởng tượng, yêu khoa học hơn của em. Em đã vận dụng từ lý thuyết đến thực tiễn, các kiến thức môn học Vật lí 9, Công nghệ 8, Tin học và các thiết bị điện tử thông minh để tạo nên sản phẩm này.
Thông qua hội thi, em mong muốn mang sản phẩm nhà máy thuỷ điện tới các hộ dân chưa có điện, nhất là những huyện miền núi như Tây Giang, Phước Sơn,… giúp đồng bào miền núi có nguồn điện để sử dụng trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày – em Tân bộc bạch.
Cùng với lĩnh vực Vật Lý, các em học sinh trường THCS Dũng Sĩ Điện Ngọc, Nguyễn Du, Lê Văn Tám,.. đã thực hiện các mô hình như: chế tạo máy hút chân không mini; hệ thống báo cháy, báo lũ tự động; chế tạo máy sưởi từ vật liệu tái chế; tạo ra điện từ nước muối,... Qua đó có thể thấy, cuộc thi này đã giúp các học sinh nâng cao tinh thần học hỏi, nghiên cứu, sáng tạo, vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống.
Bên cạnh đó, phần mềm ôn tập bằng câu hỏi trắc nghiệm do nhóm học sinh Nguyễn Văn Cảm, Thân Minh Quang, Nguyễn Quốc Siêu (lớp 8/6 trường THCS Dũng Sĩ Điện Ngọc) thực hiện cũng đã được Ban giám khảo ghi nhận.
Em Siêu chia sẻ, chúng em thiết lập phần mềm ôn tập các kiến thức đã học của bản thân thông qua các câu hỏi trắc nghiệm; các câu hỏi này được chọn một cách ngẫu nhiên trong “danh sách các câu hỏi” nên sẽ giúp các bạn không nhàm chán và ôn tập được nhiều kiến thức hơn.
Các câu hỏi trong phần mềm đa dạng với nhiều chủ đề, thời gian làm bài chủ động hơn. Các bạn cũng có thể làm bài ở nhà trong lúc rảnh, điều này có thể tăng hiệu quả ôn tập, tăng khả năng tương tác với máy tính của mình. Em Quang nói thêm.
Thầy giáo Lê Văn Chinh – Phó hiệu trưởng trường THCS Dũng Sĩ Điện Ngọc cho biết, khi sử dụng phần mềm này trong nhà trường sẽ giúp giáo viên tiết kiệm thời gian, tạo ra được ngân hàng câu hỏi đa dạng, phong phú, giảm chi phí in ấn. Việc chấm bài của giáo viên sẽ thuận lợi hơn và còn có thể tránh gian lận trong thi cử.
Các mô hình sản phẩm trưng bày sử dụng nguyên vật liệu tái chế, thân thiện môi trường, thể hiện công phu, khéo léo, nhiều ý tưởng độc đáo. Tham gia thuyết trình, giới thiệu sản phẩm, nhóm học sinh trường THCS Lê Đình Dương đã vô cùng hào hứng khi giới thiệu về những sản phẩm tái chế được thiết kế từ gỗ, giấy tái chế, giảm tối đa chi phí và góp phần bảo vệ môi trường.
Đây đều là những sản phẩm do chúng em thực hành thiết kế từ những nguyên vật liệu có sẵn như: vỏ lon bia, thuỷ tinh, kim loại, giấy, rác thải y tế, rác thải điện tử,.. để tạo ra đồ dùng sinh hoạt thân thiện môi trường như: thùng đựng rác, các đồ dùng trang trí, hệ thống trồng, chăm sóc rau, bảng nhóm đa năng,.. Em Nguyễn Thị Minh Tâm (lớp 9/1 trường THCS Lê Đình Dương) bày tỏ.
Chia sẻ về hiệu quả của Cuộc thi Trưng bày sản phẩm dạy học STEM dành cho học sinh cấp THCS, Bà Trần Thị Thanh Vân – Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Điện Bàn – Trưởng ban tổ chức cuộc thi cho hay: Những năm gần đây, giáo dục STEM không còn là lý thuyết mà đã đi vào đời sống của mỗi giáo viên và học sinh trên địa bàn thị xã. Đây là lần thứ ba Phòng GD&ĐT thị xã đã tổ chức Cuộc thi Trưng bày sản phẩm dạy học STEM, qua đó có thể thấy học sinh của đơn vị đều có sự chuẩn bị rất chuyên nghiệp, với những sản phẩm mà ngay cả thầy cô khi được trải nghiệm cũng thật ngỡ ngàng trước sự thông minh, sáng tạo của các em.
Cuộc thi là sân chơi trí tuệ bổ ích, là cơ hội để các em giới thiệu kết quả nghiên cứu sáng tạo KHKT, nghiên cứu, vận dụng những kiến thức của các môn học vào giải quyết những vấn đề trong thực tiễn cuộc sống. Bà Vân cho biết thêm.
Đây cũng là dịp để học sinh giao lưu, học hỏi, thể hiện năng lực học tập, rèn luyện các kỹ năng nghiên cứu, thuyết trình hùng biện, giao tiếp. Qua hoạt động này góp phần thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, công tác kiểm tra đánh giá, nâng cao chất lượng giáo dục của thị xã.
Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức đã trao giải nhất cho sản phẩm phần mềm ôn tập bằng câu hỏi trắc nghiệm của trường THCS Dũng Sĩ Điện Ngọc và sản phẩm Mô hình nhà máy thuỷ điện của trường THCS Nguyễn Văn Trỗi; đồng thời trao 5 giải nhì, 8 giải ba và 10 giải khuyến khích cho các sản phẩm của các đội có các tác phẩm trưng bày xuất sắc khác. Các sản phẩm đạt giải tại Vòng Trưng bày sẽ được tham dự cuộc thi STEM cấp tỉnh dự kiến diễn ra vào tháng 5/2024.