Tổng khởi nghĩa bùng nổ, cách mạng tháng Tám thành công. Đáp lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh. Lê Giai xung phong vào Đội tự vệ chiến đấu của xã Cộng Hòa, hăng say luyện tập tham gia canh gác bảo vệ chính quyền non trẻ, bảo vệ các cuộc mitting, biểu tình của huyện, xã. Chiến sự bùng nổ ở các tỉnh Nam bộ rồi lan dần, theo chủ trương của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, nhân dân ta tích cực đóng góp vào tuần lễ vàng, tuần lễ đồng, hủ gạo đồng tâm để ủng hộ Nam Bộ kháng chiến. Vào thanh niên xung phong tòng quân, gia nhập Giải phóng quân, Lê Giai là một trong những thanh niên tích cực lúc bấy giờ, tham gia không sót một phong trào hay công tác nào do cấp trên giao phó. Miệng nói, tay làm, hồ hởi, phấn khởi, động viên gia đình, bà con, anh em cùng tham gia, bản thân anh tích cực và gương mẫu không quản ngày đêm. Đêm 19/12/1946, toàn quốc kháng chiến, Lê Giai là một trong những chiến sĩ tự vệ chiến đấu của xã, huyện tham gia ở Mặt trận Đò Xu – Đà Nẵng, để rút kinh nghiệm. Anh được đề bạt từ Tiểu đội trưởng lên Trung đội phó Đội tự vệ cứu quốc thôn và là thôn đội trưởng dân quân thôn Tân Mỹ. Trước khi chiến sự lan đến Điện Bàn (tháng 3/1947), các cơ quan và nhân dân được lệnh sơ tán vào vùng an toàn. Được lệnh của Ban chỉ huy xã đội và Ủy ban kháng chiến hành chính xã, Lê Giai và đội tự vệ bảo đảm an ninh trật tự trong địa phương, đồng thời bảo vệ đồng bào và tài sản đi tản cư được an toàn, phòng gian, trừ gián. Không quản ngày đêm mệt nhọc, vất vả, anh cùng toàn đội phối hợp cùng bộ đội và dân quân đào các hệ thồng giao thông hào làm phòng tuyến dọc các sông Thanh Quýt, Ngọc Tam, Vĩnh Điện, phá hoại cầu cống, làm các vật cản trên các trục giao thông dự kiến quân địch sẽ sử dụng khi vận chuyển cơ giới.
Sau khi địch chiếm Điện Bàn, được lệnh hồi cư nhân dân lần lượt trở về. Đội tự vệ trụ bám địa bàn bảo vệ chính quyền và nhân dân, phòng gian bảo mật, củng cố chính quyền và các đoàn thể cứu quốc. Điện Minh là vùng trọng điểm của Điện Bàn và vùng bị chiếm phía Bắc tỉnh. Vĩnh Điện là nơi giặc Pháp đặc sở chỉ huy tiểu khu và là căn cứ xuất phát các cuộc đánh phá bình định các huyện Điện bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Hội An, là bàn đạp tấn công vùng tự do Quảng Nam và liên khu 5.
Với cương vị thôn đội trưởng thôn Tân Mỹ, địa bàn bao quanh căn cứ Vĩnh Điện, ngày đêm Lê Giai dựa vào dân trụ bám địa phương cũng cố ổn định tinh thần đồng bào, nắm tình hình địch báo cáo về trên, đưa cán bộ, bộ đội về hoạt động vũ trang tuyên truyền mitting, gọi loa địch vận, kêu gọi đồng bào chống bắt xâu, bắt lính. Năm 1949, hợp nhất các xã Cộng Hòa, Trực Tuyến, Tân Phương thành xã Điện Minh. Hệ thống chính trị từ xã đến thôn được cũng cố, hoạt động đều đặn. Tuy địch đã lập được bộ máy Tề, nhưng sau khi ta diệt được tên phó lý trưởng thì toàn bộ hệ thống lý trưởng từ tổng xã đều bị vô hiệu hóa, đặc biệt xuất hiện chính quyền hai mặt do ta điều khiển hạn chế sự đánh phá, cướp bóc, bắt xâu, nhất là bắt lính của giặc (trừ một số cựu binh của chế độ Nam Triều và số ở Pháp về bị trưng tập lại).
Trong những thành tích chung đó có sự đóng góp tích cực của Lê Giai nên anh đã vinh dự được kết nạp vào Đản Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng cộng sản Việt Nam) vẫn giữ chức thôn đội trưởng và kiêm tổ trưởng tổ Quân Báo. Là người địa phương, anh biết từng người, hiểu từng nhà, thuộc từng con đường, lũy tre nên nắm được tình hình địch, giúp trên chỉ đạo phong trào. Điện Minh tuy bị giặc chiếm đóng dày đặc, 17 đồn bót tháp canh và căn cứ quân sự nhưng phong trào kháng chiến vẫn giữ vững và phát triển, đảng bộ và chính quyền vẫn nắm và quản lý dân. Một số đồng chí lãnh đạo xã được điều lên cấp trên bổ sung cho huyện, một số được đi học tập, đào tạo ở vùng tự do. Ban chỉ huy xã đội có đủ các ban ngành chuyên môn: chính trị, quân báo, địch vận liên trinh và đội du kích tập trung xã với đầy đủ quân số, tuy trang bị còn thô sơ và thiếu thốn nhưng tinh thần anh em rất dũng cảm, chịu đựng gian khổ. Anh được điều về làm xã đội phó (lúc này đồng chí Nguyễn Tấn Minh đã về huyện đội), đồng chí Trần Công Hội làm xã đội trưởng, Lê Giai kiêm luôn chức chi Quân Báo xã (khi đồng chí Nguyễn Đình Huyện hy sinh cùng đồng chí Hồ Triều). Công tác nắm địch ở căn cứ quân sự Vĩnh Điện đòi hỏi phải xông xáo, mạnh dạn, dựa vào dân. Được sự chỉ đạo của cấp trên và của ngành, chi Quân Báo xã Điện Minh đã nắm tương đối chặt chẽ tình hình quán số, vũ khí, trang bị, công sự, phòng sự đặc biệt là về âm mưu càn quét bình định cướp bóc, bắt lính, đôn quân và một số kế hoạch hành quân lớn của địch như tập trung quân, vận chuyển vũ khí. Vì vậy, trong đại hội tình báo quân báo QN – ĐN năm 1952, chi Quân Báo xã Điện Minh và chi Quân Báo xã Điện Phong đã được BCH tỉnh đội tặng bằng khen. Lê Giai cũng được tặng bằng khen của BCH tỉnh đội về công tác nắm tình hình địch phục vụ cho các chiến dịch của bộ đội khu, tỉnh, huyện và phong trào địa phương.
Trong Đại hội Đảng bộ Điện Minh hè 1952, anh được bầu vào Đảng ủy xã và giữ chức xã đội trưởng, một lần đi dự Đại hội của huyện, đi học lớp quân chính tại Quán Rường và một lần đi dự đại hội thi đua huyện quân lập công của tỉnh tại Tam Kỳ.
Hiệp định giơnevơ tháng 7/1954 ký kết, hòa bình được lập lại. Một cuộc diễn binh lớn của tỉnh ở Tam Kỳ để biểu dương lực lượng gây phấn khởi cho quân dân và tiễn đưa lực lượng vũ trang và đại bộ phận cán bộ chuyển quân tập kết, một số cán bộ trung kiên được bố trí ở lại hoạt động trong đó có Lê Giai. Chia tay với đồng đôi, Lê Giai phấn khởi nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị của Đảng. Sau khi được dự một khóa tập huấn ngắn ngày do Huyện ủy tổ chức, nắm vững đường lối dấu tranh thống nhất nước nhà dựa vào các điều khoản của Hiệp định Giơ- ne-vơ. Lê Giai trở về địa phương, hoạt động bí mật theo hình thức “đơn tuyến liên hệ”. Từ tháng 8/1945 đến năm 1955 chính quyền Ngô Đình Diệm, tay sai đế quốc Mỹ còn bận với việc tiếp quản các vùng tự do và giải quyết các giáo phái như Hòa Hảo, Bình Xuyên, Cao Đài, chính quyền xã thôn còn có nơi 2 mặt. Qua năm 1956, chúng ổn định được tình hình ra tay đánh phá cách mạng với quốc sách “tố cộng, diệt cộng” nhằm vào là những Đảng viên Cộng sản, những người tham gia kháng chiến, những thân nhân, gia đình có ngời tập kết thoát ly.
Với các thủ đoạn và hình thức hết sức thâm độc như bắt trình diện, làm tường thuật, thanh lọc, phân loại, bắt học tập tố cáo lẫn nhau đến sám hối, ly khai, xé cờ. Lê Giai vốn được bọn tay sai địa phương nắm rất rõ lai lịch nên được xếp vào loại một “nguy hiểm cho chính thể quốc gia”.
Lúc đầu, anh bị bắt đi trình diện hàng tháng, đến mang áo quần, chăn chiếu đi “học tập” gọi là chỉnh huấn ở xã, sau bị chuyển lên La Thọ, Thanh Quýt 2 – những địa điểm tố cộng điển hình của tên quân trưởng ác ôn Trần Quốc Thái. Lê Giai bị giam giữ, với các hình thức tra tấn đặc biệt kết hợp giữa thời trung cổ và hiện đại như : sám hối, cưỡng bức đứng đèn cả ngày và đêm, quỳ trên sạn mắt nhìn vào cờ ba sọc và mặt Ngô Đình Diệm, hai tay giang ngang có hai viên gạch. Tuy vậy, địch vẫn không khai thác được gì ở anh. Chúng liền chuyển sang hình thức tra tấn khác như tra điện vào dương vật, đầu ngón tay. Thâm độc hơn, bọn giặc còn cắt cả nhượng chân, đục xương của anh. Suốt mấy tháng ròng liên tục bị tra tấn, hết nhốt chuồng sắt lại chuyển sang nhốt hầm đất, nhưng Lê Giai vần kiên gan chịu đựng. Bọn mật vụ dùng rất nhiều cực hình tàn khốc, nhưng anh vẫn giữ ý chí gan thép, bất khuất với quân thù, không hề để lộ một cơ sở bí mật nào.
Sau chín tháng ở các lớp chỉnh huấn, các đợt sám hối, Lê Giai bị đưa xuống nhà lao Hội An cùng với các đồng chí Lê Ngọc Giá, Phan Nguyên. Ở đây, anh lại liên tục chịu đựng các hình thức tra tấn dã man. Về phần gia đình, vợ và hai con nhỏ của anh do bọn ác ôn địa phương truy bức khủng bố liên tục nên phải đi ở đợ tại Lâm Đồng. Sau sáu tháng giam cầm, tra tấn, nếm đủ các nhục hình tại nhà lao Hội An, Lê Giai vẫn một mực trung thành với lý tưởng cách mạng, với con đường vinh quang mà anh đã chọn. Anh đã anh dũng hy sinh tại nhà lao Hội An. Sau đó, được bà con đưa về an táng tại quê nhà.
Sau ngày quê hương được giải phóng, Lê Giai được truy tặng danh hiệu liệt sĩ. Cuộc đời hoạt động cách mạng và ý chí kiên cường của anh tại các nhà lao Vĩnh Điện, Hội An trở thành tấm gương sáng cho bao lớp trẻ noi theo. Anh xứng đáng là người con ưu tú của quê hương Điện Minh anh hùng.