Hiện nay có nhiều loại vắc xin dùng cho vật nuôi đã được nghiên cứu thành công như: vắc xin sống, vắc xin chết, vắc xin DNA... Mặc dù lợi ích của việc phòng bệnh bằng vắc xin rất rõ ràng nhưng trong thực tế nhiều người dân vẫn không chủ động dùng vắc xin cho đàn vật nuôi của mình hoặc chỉ tiêm vắc xin khi đàn vật nuôi có biểu hiện bệnh, nguyên nhân một phần là do lo ngại phản ứng sau tiêm vắc xin. Dưới đây là cách nhận biết các phản ứng của vật nuôi sau khi tiêm vắc xin và một số điều cần lưu ý:
1. Phản ứng không phải do vắc xin:
Không phải bất cứ phản ứng nào xuất hiện ở động vật sau khi tiêm vắc xin cũng đều do vắc xin gây ra. Trong nhiều trường hợp, phản ứng xảy ra có thể xuất phát từ cơ thể động vật hoặc môi trường sống xung quanh. Hiện tượng này thường gặp khi vắc xin được tiêm cho vật nuôi có sức khỏe yếu, đang nung bệnh, dễ hoảng sợ hay việc tiêm phòng được thực hiện tại những nơi không thoáng mát, khi điều kiện thời tiết quá nóng, quá lạnh hoặc có sự hiện diện của các tác nhân gây dị ứng… đều có thể gây ra những phản ứng bất lợi cho động vật.
2. Phản ứng sinh lý:
Chúng ta có thể dự đoán vắc xin có hiệu quả hay không dựa vào phản ứng có kiểm soát của vật nuôi sau khi tiêm, mức độ phản ứng khác nhau từ cá thể này đến cá thể khác. Vật nuôi có phản ứng sinh lý sau tiêm vắc xin thường sốt nhẹ, có vẻ mệt mỏi nhưng vẫn ăn uống bình thường. Đây là một phản ứng tự nhiên có lợi, là đáp ứng đầu tiên trong chuỗi các phản ứng cần thiết khi cơ thể phản ứng với kháng nguyên trong hoạt động đáp ứng miễn dịch.
3. Phản ứng bệnh lý:
Phản ứng bệnh lý sau khi tiêm vắc xin là những phản ứng ít nhiều có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của động vật. Mức độ và phạm vi của những phản ứng này thay đổi từ nhẹ đến nặng, từ giới hạn ở vùng tiêm đến phản ứng toàn thân, thậm chí cá biệt có động vật biểu hiện phản ứng quá mẫn dẫn đến chết. Thông thường, người ta chia ra 05 loại biểu hiện như sau: hình thành u hoặc sưng ở vị trí tiêm; sưng mặt; phản ứng toàn thân (sốt, ói mửa, tiêu chảy); quá mẫn, sốc, chết.
4. Một số điều cần lưu ý khi tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi:
Phần lớn các phản ứng sau khi tiêm vắc xin là phản ứng có lợi và là một phần quan trọng trong chuỗi phản ứng đáp ứng miễn dịch của động vật. Nhiệm vụ của nhân viên thú y và người chăn nuôi là cần xem xét, đánh giá mức độ nguy hại đến động vật để đưa ra biện pháp xử lý phù hợp.
- Trong thực tế, phản ứng sau khi tiêm vắc xin xảy ra với tỷ lệ rất khác nhau từ vùng này đến vùng khác, thậm chí khi chúng ta sử dụng cùng một loại vắc xin, cùng lô vắc xin. Vì vậy, khi xây dựng kế hoạch tiêm phòng cần lưu ý đến các vùng thường hay có động vật bị phản ứng và chuẩn bị các biện pháp dự phòng để xử lý.
- Hiện tượng dị ứng có tính di truyền nên khi tiêm phòng cho con từ bố mẹ hay bị phản ứng hoặc ở những cá thể thường phản ứng thì điều trị dự phòng với thuốc chống dị ứng là điều cần thiết.
- Tình trạng phản ứng có thể giảm nếu không dùng vắc xin đa giá (chứa nhiều kháng nguyên), thực hiện đúng quy định về bảo quản, vận chuyển, sử dụng của nhà sản xuất và tuyệt đối tránh tiêm vào mạch máu.
Các phản ứng sau khi tiêm vắc xin cho vật nuôi rất đa dạng, biện pháp xử lý cho mỗi kiểu phản ứng là khác nhau. Vì vậy, để kế hoạch phòng bệnh bằng vắc xin cho vật nuôi đảm bảo tính khoa học và hiệu quả, nhân viên thú y cần thận trọng xác định đúng loại phản ứng để đưa ra cách xử lý phù hợp nhằm hạn chế thiệt hại, đem lại hiệu quả phòng bệnh cao; đồng thời, cần có phương án dự phòng để xử lý các tình huống phản ứng sau khi tiêm vắc xin./.