Nguyên nhân chi phí chăn nuôi cao là do giá thức ăn chăn nuôi trên thị trường tăng cao, người chăn nuôi chưa sử dụng thức ăn tinh đúng cách, chưa nắm được kỹ thuật tự chế biến thức ăn cho bò theo công thức, còn phụ thuộc nhiều vào thức ăn công nghiệp. Bên cạnh đó, người nông dân chưa tận dụng các phụ phẩm của ngành trồng trọt làm thức ăn cho bò một cách hiệu quả để hạ giá thành thức ăn chăn nuôi. Mặt khác, bà con chưa tận dụng hữu hiệu nguồn phân bò, chất thải chăn nuôi bò chưa được quan tâm xử lý, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.
Trước thực trạng đó, Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp thị xã xây dựng mô hình “Chế biến, bảo quản, dự trữ thức ăn cho bò và xử lý chất thải chăn nuôi bằng men vi sinh” để triển khai thực hiện tại xã Điện Quang trong năm 2024. Ngày 16/5/2024, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp tổ chức lớp tập huấn cho hơn 40 hộ chăn nuôi bò tại thôn Bến Đền, xã Điện Quang. Tại đây, bà con được cán bộ chuyên môn chia sẻ nhiều nội dung về: cách chọn giống bò; phương pháp chế biến thức ăn cho bò từ các nguyên liệu chính sẵn có ở địa phương; phương pháp chăm sóc, nuôi dưỡng bò với chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp theo từng giai đoạn nuôi dưỡng; cách xử lý chất thải chăn nuôi bằng men vi sinh, cách phòng trị một số bệnh phổ biến ở bò... Ngoài ra, bà con còn được hướng dẫn cách hạch toán kinh tế trong chăn nuôi bò để có sự đầu tư một cách hiệu quả, góp phần mang lại thu nhập ổn định và bền vững.
Mục đích, ý nghĩa của mô hình là:
- Hướng dẫn kỹ thuật tự phối trộn thức ăn cho bò theo công thức, bằng các nguyên liệu sẵn có ở địa phương như: bắp, lúa, cám gạo, bánh dầu… kết hợp với các chế phẩm premix khoáng, vitamin, hoạt chất cân bằng độ pH dạ cỏ, men vi sinh đường ruột, thức ăn giàu đạm như bột cá, bột ruốc… nhằm cân đối đầy đủ dinh dưỡng để vật nuôi phát huy tối đa tiềm năng năng suất, khả năng sinh sản. Từ đó, giúp hạ giá thành thức ăn chăn nuôi, giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế.
- Chuyển giao kỹ thuật chế biến, bảo quản phụ phẩm nông nghiệp từ việc thu gom thân cây bắp nếp, bắp lai sau khi thu hoạch trái để ủ chua yếm khí trong các túi ủ, giúp phụ phẩm không bị hư thối, có thể sử dụng quanh năm (nhất là thời điểm mưa lũ). Phụ phẩm sau khi được ủ chua bò ăn được nhiều hơn, tỉ lệ tiêu hoá cao hơn, góp phần giảm chi phí thức ăn, tăng hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, việc cho bò ăn thức ăn được ủ chua bằng men vi sinh còn góp phần làm giảm phát thải khí mê tan (khí gây hiệu ứng nhà kính) do quá trình tiêu hoá thức ăn trong dạ cỏ.
- Hướng dẫn người dân ủ phân bò bằng chế phẩm vi sinh ngay tại trang trại nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra nguồn phân hữu cơ cung cấp cho cây trồng, góp phần cải tạo đất, giảm chi phí trồng trọt.
Đối với giống bò thịt cao sản đặc biệt là bò 3B, người nông dân cần có sự đầu tư chăn nuôi một cách khoa học, chăm sóc nuôi dưỡng đúng kỹ thuật để phát huy tối đa hiệu quả, tiềm năng của con giống; có như vậy nghề chăn nuôi bò mới đạt được hiệu quả kinh tế cao.