Khi Phan Lam ở độ tuổi thanh niên thì bị thực dân Pháp bắt đi lính, đến tận đồng Mang Cá (Huế). Tuy nhiên, không hiểu sao khi ông ở trong quân ngũ Pháp chưa lâu thì có lệnh giải tán. Phan Lam trở về quê làm ăn sinh sống. Khoảng năm 1940, ông lấy vợ, tên là Trương Thị Ních, người cùng xã. Hai vợ chồng sống với nhau khá lâu nhưng không có con. Do hoàn cảnh nhà nghèo, Phan Lam lại vào Nam làm thuê cho các đồn điền cao su, rồi đi khắp nơi, đặt chân đến tận Đà Lạt.
Cách mạng tháng Tám – 1945 thành công, Phan Lam từ Đà Lạt trở về quê nhà, tham gia dân quân địa phương. Đến ngày 20 tháng 7 năm 1954, hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đất nước tạm thời chia cắt để chờ hai năm sau tổng tuyển cử, một số cán bộ tập kết ra Bắc. Phan Lam ở lại quê nhà, bám trụ làm cơ sở nuôi giấu cách mạng Sau khi Ngô ĐÌnh Diệm lên nắm chính quyền ở miền Nam, chính quyền tay sai đã thực thi chính sách “tố cộng, diệt cộng” nhằm dập tắt ngọn lửa cách mạng trong quần chúng nhân dân. Chúng thực hiện chính sách “Giết lầm hơn bỏ sót”, sùng lục, càng quét những nơi chúng nghi ngờ có dấu hiệu cộng sản, bắt bớ tất cả những ai chúng cho là cơ sở cách mạng.
Tình hình lúc đó thật căng thẳng, nhưng ngay trong nhà mình tại Giáng La, Phan Lam đã bí mật đào hầm nuôi giấu các đồng chí cách mạng như: Phan Huyên, Phan Tựu, Phạm Kỳ, Hoàng Trường… suốt một thời gian dài mà bọn địch không hề hay biết.
Đầu tháng 6-1956, do cơ sở bị lộ, một số người bị chúng bắt bớ, giam cầm, đánh đập dã man nên dần dà chúng đã nắm được vài nguồn tin về Phan Lam. Bọn tề xã Kỳ Minh do tên Hội cầm đầu nghi Phan Lam có liên quan đến những cơ sở cách mạng nên chúng cố rình mò, theo dõi và cuối cùng là bắt Phan Lam đem về giam tại nhà Thông Đào (thôn Tây, Điện Thọ), tra tấn dã man hơn 1 tuần lễ nhằm khai thác đầu mối cách mạng.
Việc Phan Lam bị bắt giam và tra tấn trong một tuần với những hình thức cực kỳ dã man cho đến chết và chuyện chúng bí mật đưa xác Phan Lam đi chôn vội vã trong đêm, rồi đào bới nhiều lần và cuối cùng là ném xuống sông phi tang đã được nhiều người biết đến và kể lại như một minh chứng về tội ác của bọn tay sai cho giặc.
Trước tiên, chúng dùng roi vọt, gậy gộc đánh Phan Lam để lấy lời khai. Thấy biện pháp này không có kết quả, bọn ác ôn bắt trói Phan Lam rồi thi nhau dùng giày đinh đá vào ngực, vào bụng, rồi nhảy lên người đạp mạnh xuống. Chết đi sống lại nhiều lần, Phan Lam vẫn một mực không hé răng dù chỉ một lời. Bọn chúng điên rồ chuyển sang hình thức khác, đó là dùng máy phát điện quay tay (gọi là máy manh-nhê-tô), cột dây điện lên tay, chân Phan Lam. Điện giật làm Phan Lam bất tỉnh. Giặc lại đổ nước vào người cho tỉnh, rồi tiếp tục tra khảo. Phan Lam vẫn không khai một điều gì. Chúng dùng hai dây trói hai chân Phan Lam lại rồi treo ngược lên xà nhà, để như vậy trong mấy ngày liền. Phan Lam vẫn không khai báo. Quá tức tối, tên Hội và đồng bọn dùng dây điện trói chặt Phan Lam trên một chiếc ghế dài, đổ nước xà phòng vào miệng, dùng khăn bịt kín miệng mũi cho ngạt thở. Phan Lam vẫn không khai, chúng tiếp tục tra khảo. Tên Hội nói: “Thằng này “lặn” và nín thở giỏi lắm, cứ đổ thêm nước xà phòng vào miệng nó nữa đi!”. Với hình thức tra tấn quá dã man cộng thêm sức tàn lực kiệt, sau một thời gian đánh đập giam cầm, lại không được ăn uống gì nên Phan Lam hấp hối. Tên Hội chưa tin Phan Lam chết, sai bọn dân vệ tổng đoàn dùng tranh khô chất xung quanh để đốt anh.. Lửa bùng lên, cháy cả tóc, áo quần và da thịt khét lẹt nhưng Phan Lam vẫn nằm bất động. Lúc này bọn chúng mới tin là Phan Lam chết thật. Tra tấn đã làm chết người song không có chứng cớ buộc tội Phan Lam nuôi giấu cách mạng, nên bọn chúng rất sợ. Ngay trong đêm đó, chúng lập tức đưa xác Phan Lam đi chôn mép đầu cầu Xá Nho nay là thôn Ái Mỹ (Điện Thọ) nhằm phi tang tung tích. Sáng hôm sau, chị Ních đem cơm đến cho chồng ăn nhưng không thấy liền hỏi, thì bọn chúng giải thích: “Chồng bà đã tẩu thoát rồi. Đi đâu chúng tôi không biết”. Nghi có điềm không may xảy ra, chị Ních chạy về báo cho anh Phan Công Lụa (anh chồng) cùng với Phan Bách, tất cả mọi người trong gia đình cùng bà con trong thôn xóm đổ xô đi tìm tung tích Phan Lam. Thấy “động”, chúng lại bới xác Phan Lam lên và bí mật đem đi chôn ở bãi cát Bàu Hụ (nay là khu vực gần nghĩa trang Thủy Bồ). Cũng sợ có dấu hiệu gia đình tìm tới, chúng lại đào lên đem chôn tại đuôi bãi cát cạnh cầu sắt La Nan. Như vậy, không đầy một tháng, chúng đã mang xác Phan Lam đi chôn đến ba lần.
Chừng một tháng sau, vào một buổi trưa, lũ trẻ đang chăn trâu cạnh cầu sắt La Nam thì thấy một đàn quạ bâu lại rỉa rói một cái gì. Lũ trẻ xúm lại xem mới phát hiện ra đó là hai đầu gối của một xác người đã thối rửa, liền chạy về báo cho mọi người biết. Ông Phan Nhung, Phan Công Lụa và chị Ních nghe tin vội chạy đến xem thì thấy đúng là xác của Phan Lam. Quá tức giận, tất cả mọi người kéo đến nhà tên thôn trưởng tố cáo bọn ác ôn đã thủ tiêu Phan Lam mà không có lý do. Trước sức ép của gia đình, bọn chúng nhận tội đã “lỡ tay” đánh chết Phan Lam. Nhưng vì sợ tang chứng nên lúc này chúng nó vẫn khăng khăng không cho gia đình đem xác về chôn. Tối hôm đó, tên Hội ra lệnh “Thiết quân lực” toàn xã, tổ chức cho bọn dân vệ ăn uống say sưa đến khuya rồi chỉ đạo trong đêm tối lập tức đào xác Phan Lam cho vào một bao tải lớn. Chúng đưa xác anh lên cầu sắt La Nan, bỏ thêm nhiều đá cục thật nặng vào bao tải và ném xuống nước để phi tang. Đây là đoạn sông sâu nhất vùng, chúng nghĩ sẽ không có người nào lặn xuống đáy sông để mạng lên được. Vậy là thi thể Phan Lam đã vĩnh viễn nằm sâu dưới lòng sông quê mẹ, ngay dưới chân cầu sắt La Nan. Lúc này anh mới 41 tuổi và cũng chưa được đứng vào hàng ngũ những người Đảng viên Cộng Sản.
Nhờ một mực không khai báo, mà đường dây nuôi giấu cách mạng của Phan Lam không bị lộ, các cơ sở được bảo vệ an toàn. Tuy nhiên, về sau căn hầm bí mật trong nhà đã được Phan Bách phá bỏ để tránh những nguy hiểm khi bọn tề tìm đến.
Sau sự kiện đó, những người trong gia đình Phan Lam – đầu đơn là vợ Phan Lam đã đem đơn kiện gởi lên hiến binh Quận Điện Bàn về cái chết của chồng mình, buộc chúng phải điều tra, xét xử những kẻ cầm đầu trong vụ này. Lần lữa mãi, đến năm 1958, chúng mới mở tòa án binh tại Đà Nẵng xét xử bọn Nguyễn Hội. Trước tòa, bọn Nguyễn Hội đã khai tất cả những hành vi từ các “công đoạn” tra tấn dã man đến chết cho đến các lần đào bới xác và sau cùng là hành động thủ tiêu vứt xác Phan Lam xuống sông.
Phan Lam đã hy sinh để bảo toàn cơ sở bí mật và đã được công nhận là liệt sĩ. Hiện nay, mộ anh ở nghĩa trang liệt sĩ xã Điện Thọ, nhưng chỉ là ngôi mộ “gió” mà những người anh em, cháu và vợ đã dựng lên đểr tưởng nhớ đến một người con Giáng La bất khuất kiên cường đấu tranh và hy sinh anh dũng trong những ngày cách mạng gặp khó khăn sau Hiệp định Giơ – ne – vơ.
(Theo lời kể của các ông : Phan Văn Ba, Nguyễn Hùng, Phan Bách)
Cầu sắt La Nan (nay là cầu sắt Châu Lâu - Điện Thọ) nơi bọn địch đã ném xác Phan Lam xuống để phi tang - Ảnh : Bửu Thuyên