Nhà tôi nằm đối diện nhà ông, tôi gọi bằng ông bởi năm nay ông đã bước qua cái tuổi lục tuần - cái tuổi mà đáng ra phải thảnh thơi dong ruổi chén trà, chén ruợu cùng vong niên, hàng xóm. Nhưng với ông vẫn bận rộn lắm. Bà con trong xóm vẫn thường gọi là ông Tú “bún” bởi nghề bún là nghề của gia đình ông từ lâu đời nay, đến bây giờ dù ông không còn làm nữa nhưng những đứa con trai, con gái ông dù có chồng, có vợ nơi xa vẫn nối nghiệp làm bún gia đình.
Ở đây nhiều người biết đến ông Tú như một điển hình của ý chí vươn lên làm giàu từ đôi bàn tay trắng. Sinh ra ở vùng quê thuần nông, vợ chồng ông cũng như bao gia đình khác, ngày ngày vác cuốc ra đồng, chỉ trông chờ vào vụ mùa từ những cây lúa, cây bắp,… quanh năm đầu tắt mặt tối mà vẫn thiếu ăn. Rồi ông quyết định chuyển sang chăn nuôi, ban đầu chỉ là nuôi heo thịt với số lượng nhỏ, dần tích luỹ được vốn ông bàn với vợ mở rộng chuồng trại chăn nuôi kết hợp nuôi lợn nái lấy giống phát triển. Tuy không mở rộng quy mô chăn nuôi theo hình thức trang trại nhưng mô hình chăn nuôi tại gia đình ông Tú cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện tại ông đang nuôi 30 con heo với 6 ô chuồng, trong đó có 5 heo nái. Thức ăn chủ yếu bột, cám tổng hợp, còn có chuối cây trộn cám. Cứ hai đến ba tháng xuất bán một lần, mỗi lần xuất chuồng hơn 6 tạ heo thịt. Tận dụng nguồn phân thải từ chăn nuôi ông đầu tư xây dựng hầm biogas, hệ thống khí thải từ hầm biogas được ông sử dụng vào việc đun nấu thức ăn và thắp sáng, tiết kiệm được chi phí khá lớn, tính ra hằng tháng lợi được từ 300.000 - 400.000 đồng. Với diện tích vườn rộng hơn 50m2 ông nuôi hơn 100 con gà thả vườn, vừa nuôi lấy thịt, vừa lấy trứng bán. Mỗi năm từ nguồn thu chăn nuôi gà, lợn trừ chi phí ông thu về từ 40-45 triệu đồng. Kinh nghiệm nuôi heo của ông Tú trước hết là chọn giống heo nái, heo mẹ tốt sẽ sinh ra đàn con tốt và phải phòng bệnh cho đàn heo khi còn trong bụng mẹ, chuồng trại luôn đảm bảo vệ sinh, định kỳ mỗi tháng một lần ông tự phun thuốc tiêu độc, khử trùng cho chuồng trại. Mặc dù hiện nay dịch bệnh tai xanh đang xảy ra khắp nơi trên địa bàn huyện, xã nhưng nhờ chú trọng trong khâu vệ sinh, tiêu độc mà đàn heo của ông vẫn khoẻ mạnh và phát triển tốt.
Nhờ chú trọng trong khâu vệ sinh, tiêu độc mà đàn heo của ông vẫn khoẻ mạnh
và phát triển tốt
Điều tôi cảm phục nhất ở ông là đức tính cần cù, lao động. Từ sáng sớm tiếng gà, lợn trong chuồng nhà ông làm rộn lên một góc xóm. Ngày ngày hai vợ chồng ông dậy từ rất sớm, quần quật công việc cả ngày là thế nhưng chưa bao giờ tôi nhìn thấy ông than vãn mệt mỏi. Ngoài việc cùng gia đình phát triển kinh tế đạt hiệu quả, ông Tú còn là người nhiệt tình tham gia các phong trào thi đua và hoạt động xã hội tại địa phương, mỗi cuộc vận động của thôn, tổ gia đình ông luôn xung phong đi trước, là tấm gương tiêu biểu cho thế hệ trẻ noi theo.
Nhờ chí thú làm ăn lại biết áp dụng mô hình mới nên ông Phan Phụng Tú, thôn Phong Thử 3, xã Điện Thọ đã có cuộc sống khá giả, thu nhập ổn định. Giờ đây những ai đi qua nhà ông đều hết lời khen ngợi, cảm phục ông bởi ngôi nhà ngói cũ kỹ ngày xưa, cứ mỗi mùa mưa đến lại siêu vẹo, dột mái, năm nào lụt lớn cũng ngập gần quá đầu người thì giờ đây là căn nhà được xây dựng khang trang với kiến trúc hiện đại, sang trọng và đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Đó là thành quả, là công sức lao động mà cả vợ chồng ông đã xây dựng nên. Song điều đáng nói là ông Tú luôn sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm với tất cả bà con nhân dân để mọi người cùng có thể đầu tư làm ăn hiệu quả. Ông chia sẻ “ Có được kết quả như ngày hôm nay thì bản thân tôi cũng đã trải qua nhiều lần thất bại, tôi sẵn sàng chia sẻ với bà con, mong muốn ai cũng có hướng đi đúng để phát triển kinh tế gia đình.