Từ bỏ công việc ổn định
Trước đây, chị Yến tốt nghiệp ngành điều dưỡng sau đó chị về công tác ở Bệnh viện Đa khoa thành phố Hội An. Sau 3 năm chị đành nghỉ việc vì có nhiều khó khăn phát sinh sau khi sinh con đầu lòng. Năm 2017, chị quyết định tiếp nối nghề sản xuất phở khô truyền thống của gia đình nhà chồng.
Chia sẻ về quyết định từ bỏ công việc ổn định chị Yến bộc bạch; Mỗi người sẽ chọn cho mình một hướng đi quan trọng là bản thân có kiên định và quyết tâm với mục tiêu đó hay không; bản thân tôi chọn khởi nghiệp ở chính mảnh đất quê hương bởi tôi thấy ở địa phương mình có nguồn nguyên liệu gạo khá dồi dào và thơm ngon nhưng khi bán ra thị trường giá cả lại thấp. Từ đây, tôi quyết định chọn nghề làm phở truyền thống của gia đình để khởi nghiệp. Tôi muốn làm ra những sợi phở chất lượng để cung cấp cho người tiêu dùng, để từ đó nâng cao giá trị của hạt gạo do chính người dân địa phương sản xuất” - chị Yến cho hay.
Xác định sẽ gặp không ít khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, nên ngay từ khi bắt tay vào công việc mới, chị Yến đã đặt ra cho mình những nguyên tắc trong sản xuất, kinh doanh như: không dùng chất phụ gia tẩy rửa, không dùng chất làm dai, giòn, không dùng chất bảo quản, không chọn nguyên liệu kém chất lượng... Điều này, đã được cơ quan chức năng kiểm nghiệm, cấp nhãn hiệu có ghi rõ nơi sản xuất, số điện thoại liên hệ.
Tin vào quyết định của bản thân
Chị Yến chia sẻ: "Kinh doanh có cái khó là không phải cứ "làm tốt” là có ngay được khách hàng. Cơ sở sản xuất quy mô nhỏ không như các doanh nghiệp lớn có chiến lược, kinh phí dành cho quảng cáo, tiếp thị nên những ngày đầu tôi phải tự mày mò chở hàng bằng xe máy đi các chợ, cửa hàng, đại lý trong tỉnh để giới thiệu sản phẩm, gửi bán thử. Khi đã có đơn hàng, mới yên tâm bắt tay vào sản xuất”.
Thức dậy từ 4 giờ sáng để làm các công đoạn: đãi gạo, ủ, nghiền, ép khô, tuốt sợi, phơi... đến 6 - 7 giờ tối mới được ngơi tay. Công việc vất vả là vậy, song chị Yến và chồng chưa khi nào nản lòng. Bắt đầu ngày mới của chị Yến là cùng 2 nhân công bận rộn sản xuất và đưa sợi phở mang ra giàn phơi dưới nắng để dự trữ cho mùa đông. “Trời nắng nóng, cơ sở của tôi sản xuất càng nhiều phở càng tốt để chất lượng sản phẩm thơm ngon. Mùa mưa thì việc này khó hơn vì không có nắng trực tiếp, phải dùng lò sấy với cường độ cao, tốn điện” - chị Yến giải thích.
Vợ chồng chị Yến đầu tư hơn 200 triệu đồng để sắm máy móc, mua nguyên liệu và bắt đầu phục hồi nghề sản xuất phở lấy tên cơ sở là Bún - phở khô Bà Yến. "Chở hàng nặng lại đi xa, nhiều hôm về tới nhà, tay chân mệt mỏi rã rời, song chỉ dám nghỉ vài tiếng đồng hồ rồi lại bắt tay vào sản xuất để kịp giao các đơn hàng” - Chị Yến bày tỏ.
Tạo việc làm cho lao động địa phương
Uy tín, chất lượng làm nên thương hiệu, hiện tại, trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất của gia đình chị Yến làm 2 tấn gạo, thu lại khoảng 180kg phở khô. Mỗi ký phở khô có giá 40 nghìn đồng. Thị trường tiêu thụ phở của chị là các chợ truyền thống, siêu thị lớn và nhỏ ở tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Doanh thu đem lại cho chị khoảng 100 triệu đồng/tháng, sau khi trừ chi phí nhân công, nguyên liệu thì lợi nhuận còn lại khoảng 30 triệu đồng/tháng. Chị Yến dự định trong thời gian tới sẽ mở rộng quy mô sản xuất, giữ vững và nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.
Để có nguồn gạo Q5 phục vụ cho việc sản xuất phở, chị Yến còn liên kết với hàng chục hộ nông dân ở địa phương sản xuất giống lúa này và thu mua hằng năm, giúp nông dân có nguồn tiêu thụ ổn định. Cơ sở sản xuất phở của chị còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương với thu nhập 200 nghìn đồng/ngày.
Hiện nay, chị Yến đã hoàn tất hồ sơ tham gia Hội thi Khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh tổ chức vào tháng 5/2024. Dự kiến năm tới chị sẽ mở rộng cơ sở sản xuất, đầu tư thêm máy móc để sản xuất số lượng lớn để cung cấp cho khách hàng.
Một trong số những lý do giúp sản phẩm bún phở khô của gia đình chị Yến được thị trường ưa chuộng là nhờ nguồn nguyên liệu sạch và tất cả các công đoạn sản xuất đều đảm bảo vệ sinh, không chất bảo quản. Những lao động ở đây yêu mến chị Yến và người tiêu dùng ưa thích sản phẩm bún phở khô bà Yến chính bởi cái tâm của người chủ cơ sở sản xuất, cái tâm mong mỏi mình và mọi người cùng thoát nghèo, cùng làm giàu; cái tâm ước nguyện mỗi một sản phẩm đến với người tiêu dùng là một sản phẩm sạch.
Ông Đoàn Công Đạo - Phó Chủ tịch UBND phường Điện Phương cho biết, “Nhờ sự năng động, nắm bắt tốt nhu cầu của thị trường, với quyết tâm làm giàu; gia đình chị Yến đã vươn lên trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương. Cơ sở chị Yến còn đóng góp đầy đủ các loại quỹ, tích cực tham gia ủng hộ công tác an sinh xã hội, giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn”.