Sinh ra tại vùng cát xã Điện Nam (1914), tuổi thơ của Nguyễn Yết tháng ngày đi làm thuê, ở mướn, lao động cực nhọc, vất vả từ rất sớm để nuôi bản thân và góp phần phụ giúp gia đình, cái mà cậu bé Yến may mắn hơn so với đa số trẻ con cùng thời và được học chút ít chữ quốc ngữ và chữ nho, để sau này lớn lên tiếp tục tự học thêm làm thầy thuốc bắc. Cái nghề đã giúp ông chạy chữa cho đồng nghiệp, đồng chí bị bệnh trong chốn lao tù về với quê hương.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 bùng nổ và giành thắng lớn trên phạm vi cả nước. Cuộc đời của Nguyễn Yết cũng giở sang một trang mới đầy ý nghĩa. Ông tham gia công tác ở Đội tự vệ xã. Đến năm 1947, sau khi thực dân Pháp tái chiếm quê hương, ông cùng gia đình vào sinh sống và tiếp tục tham gia kháng chiến tại xã Tam Lãnh (Phú Ninh) với tư cách là Tổng trưởng phân chi Liên Việt xã (1947–1950). Cũng tại Tam Lãnh, ngày 02/8/1950, Nguyễn Yết vinh dự được đứng vào hàng ngủ những đảng viên Cộng sản, sinh hoạt tại chi bộ Trần Đình Long.
Sau ngày hòa bình lập lại (1954), Nguyễn Yết cùng gia đình trở về quê cũ, tiếp tục những năm tháng họat động cách mạng, đối diện trực tiếp với Mỹ - Ngụy và chư hầu trên vùng tạm chiếm. Lúc bấy giờ ông được giao nhiệm vụ bám trụ tại địa phương, làm bí thư chi bộ xã Cổ An, bí thư chi bộ thôn 3 xã Điện Phương (1967 1969). Đây có lẽ là quản thời gian khó khăn gian khổ và đầy nguy hiểm trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Yết. Ông được cấp trên giao nhiệm vụ sống chung với địch trong vùng tạm chiếm, lãnh đạo nhân dân đấu tranh trực diện với quân thù, không cho chúng tàn phá xóm làng, giết hại dân thường; bảo vệ cơ sở cách mạng, nuôi giấu cán bộ và làm công tác địch vận. Không trực tiếp cầm súng như bộ đội ngoài chiến trường, nhưng công việc mà Nguyễn Yết phải đối diện hàng ngày cũng không kém phần nguy hiểm, gian khó. Chính trong những năm tháng đó, với sự cương quyết và khôn khéo, ông đã nhiều lần vận động và tổ chức cho nhân dân địa phương không cho địch bắn phá vào làng, phá hoại sản xuất và sinh hoạt của đồng bào. Ông còn lân la với bọn lính Đại Hàn, tuyên truyền giáo dục gây chia rẽ, mâu thuẩn trong hàng ngũ địch, tổ chức rãi truyền đơn kêu gọi, cảnh cáo kẻ thù. Rất nhiều hoạt động mà Nguyễn Yết trực tiếp chỉ đạo và tham gia lúc ấy đã mang lại thành công. Không ít lần địch phải nhượng bộ nhân dân, bỏ thói ngông nghênh cướp bóc; hà hiếp dân thường; để yên cho bà con sản xuất; thậm chí có những lúc trước sự đấu tranh kiên quyết của đồng bào, bọn địch buộc phải hạn chế tốc độ cày ủi, tàn phá làng quê. Nhờ thế mà nhiều cán bộ cách mạng tạm trú trong các hầm bí mật có đủ thời gian tìm cách rút lui an toàn. Cũng chính từ những kết quả quan trọng trên mặt trận binh vận, mà đầu năm 1969, lãnh đạo công tác binh vận của huyện Điện Bàn đã đề nghị Nguyễn Yết báo cáo cụ thể kinh nghiệm trong đấu tranh binh vận để nhân rộng ra toàn huyện.
Dũng cảm, kiên quyết và khôn khéo trong việc tổ chức hàng loạt hoạt động trong lòng địch, dĩ nhiên Nguyễn Yét khó mà tránh khỏi sự dòm ngó của kẻ thù. Vì thế, sẽ không có gì ngạc nhiên khi trong gần hai mươi năm trực tiếp tham gia đấu tranh với Mỹ - Ngụy, Nguyễn Yết đã ba lần bị bắt vào ngục tù của địch. Lần thứ nhất, ông bị địch bắt tại Tam Kỳ và tống giam tại nhà lao sau khi đã tra tấn, hành hạ dã man (cuối năm 1957 đến đầu năm 1958). Lần thứ hai, ông lại bị lộ và bị bắt giam cũng tròn một năm (1963) tại nhà lao Hội An. Và lần thứ ba, dài nhất (từ tháng 10.1969 đến tháng 5.1972), ông bị bắt giam tại Hội An khi có người mật báo với kẻ địch ông là bộ địch vận của cách mạng. Ba lần vào tù với tổng cộng 5 năm sống trong gông cùm, xiềng xích nhưng ông vẫn một lòng son sắt, thủy chung với dân, với nước. Điểm nổi bật ở ông trong những năm tháng lao tù, có lẽ là ý chí cách mạng tiến công và tình thương yêu, chia sẻ với anh em, đồng chí. Ngay trong lần đầu tiên vào tù, cũng là lần đầu tiên bị tra tấn, hành hạ bởi đòn roi của địch, ông vẫn nén những cơn đau ê ẩm của bản thân để chữa chạy cho hàng trăm đồng đội bị tê cúm trong tù, bằng vốn liếng y học cổ truyền của mình. Lần vào tù thứ hai, mặc dù bị tra tấn tàn bạo dã man hơn lần trước, song ông vẫn cùng đồng đội, đồng chí tiếp tục giữ vững ý chí chiến đấu và hoạt động cách mạng trong tù: tổ chức tìm hiểu, tiếp nhận thông tin thời sự từ bên ngoài; sinh hoạt chính trị tư tưởng bên trong, đấu tranh chống sự hà khắc của chế độ nhà tù… Khi bị bắt lần thứ 3, sức khỏe ông đã suy giảm do hậu quả của những trận đòn thù trước đó, nhưng kẻ địch vẫn chưa chịu buông tha. Cũng chính trong lần này, ông lại bị tra tấn, hành hạ tàn bạo, khủng khiếp nhất và giam cầm lâu nhất. Để đến khi sức tàn lực kiệt, chúng mới dùng xe tù đưa ông từ nhà lao Hội An về chợ Lai Nghi trao trả cho bọn tề ngụy địa phương quản thúc. Lúc này, thân ông chẳng ra một con người: toàn thân bầm tím, người đen đúa, da bọc lấy xương. Từ đó cho đến ngày đi vào thế giới vĩnh hằng (1989), ông thật sự trở thành người tàn phế. Hôm gặp chúng tôi, anh Đinh Lập, con rể ông đang sống tại thôn 7 – Điện Nam, kể lại: “Cha tội bị suy sụp hẳn về thể xác từ lúc ra tù. Những năm cuối đời ông bị đau ốm liên miên, chân đi không được do bị kẻ thù tra tấn quá dã man, tàn bạo…”
Ba lần vào ra nơi chốn lao tù với không biết bao nhiêu trận khủng bố, hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần, nhưng điều đáng quý ở Nguyễn Yết là, mỗi khi ra tù ông lại lao ngay vào hoạt động cách mạng, vẫn sôi nổi và nhiệt tình; khôn khéo và táo bạo như chưa có điều gì xảy ra. Dẫu trong di bút còn lại, ông vẫn tự nhận mình có lúc tưởng như mình sẽ chết trước những trận đòn tàn bạo và sự khủng bố tinh thần của kẻ thù, nhưng rồi ông vẫn sống, vẫn tiếp tục bất chấp hiểm nguy luôn rình rập để đấu tranh với kẻ thù, bảo vệ cách mạng, bảo vệ nhân dân. Nếu không phải xuất phát từ tình yêu quê hương đất nước, từ sự thủy chung son sắc với cách mạng và dũng khí kiên cường, ông khó có thể trụ được và vẫn tham gia hoạt động cách mạng ngay trong vùng tạm chiếm và sau những trận đòn roi…