Nội dung chi tiết

LÊ TẬP VÀ CUỘC CHIẾN ĐẤU BẤT KHUẤT
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 12/03/2009 .Lượt xem: 3962 lượt. [In bài]

Bửu Thuyên

Lê Tập sinh năm 1928 tại làng Thủy Bồ - xã Điện Thọ trong một gia đình nông dân nghèo có truyền thống yêu nước và hiếu học. Cha là ông Lê Hiển – từng tham gia các phong trào yêu nước Trung kỳ. Ông cũng từng lều chõng ra kinh thành Huế nhưng vận may chưa đến nên đành trở về quê dùi mài kinh sử, mở lớp dạy học. Ngoài ra, ông còn là một lương y giỏi chữa bệnh cho bà con trong vùng.

            Khi cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra. Lê Tập bấy giờ đã là một trong những thanh niên trẻ nhất làng tham gia Đoàn thanh niên cứu quốc tại địa phương cùng với các bạn lúc đó như: Hai Lịch Hai Thống, Bốn Phụng…

            Sau khi thực dân Pháp tái chiếm Việt Nam, lực lượng Việt Minh chuyển vào hoạt động bí mật. Lúc nay, Pháp thực hiện chính sách kiểm soát những vùng chiếm đóng theo kiểu quân sự bằng hệ thống đồn bót. Cả một vùng Điện Phước, Điện Thọ đến Điện Tiến bây giờ luôn dưới quyền kiểm soát của 3 đồn lớn đó là: Đồn Bồ Bồ, đồn Phong Thử và đồn Bình Long. Tuy chúng kiểm soát bằng súng ống như vậy, nhưng thực ra cách mạng đã ở trong lòng dân. Ban ngày bọn địch kiểm soát, nhưng đến đêm thì cán bộ lại về với dân. Năm 1948, Lê Tập lấy vợ là Lê Thị Nận – người làng Ái Mỹ sinh trưởng trong một gia đình nông dân chất phá, vừa lo việc gia đình, anh vừa là một cán bộ xã hoạt động bí mật ngay trong vùng tạm chiếm. Ban ngày là một anh nông dân, nhưng đến tối anh lại là một trong những đầu mối rất quan trọng của cách mạng. Năm 1950 Lê Tập đã là Đảng ủy viên, Bí thư liên chi phụ trách tuyên truyền.

            Hiệp định Giơ-ne-vơ (20/7/1954) được ký kết, đất nước tạm thời bị chia cắt thành 2 miền. Một số cán bộ tập kết ra Bắc, số khác ở lại lãnh đạo cơ sở thi hành hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Lúc này Lê Tập là Đảng ủy viên xã, Bí thư chi bộ Liên Châu. Ngay trong nhà Lê Tập có một căn hầm bí mật do tự tay anh đào. Lê Tập bí mật liên lạc với các tổ chức cách mạng ở các nơi, nhận và thực hiện các chỉ thị mà cấp trên yêu cầu. Một vài cuộc họp bí mật được tổ chức ngay trong nhà của anh. Khi có những khả nghi, bọn tề tìm đến thì tất cả xuống hầm bí mật ẩn nấp. Nhờ vậy mà trong một thời gian dài bọn chúng không hề phát hiện gì được ngay cả khi lùng sục vào nhà.

            Năm 1955, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm “lật đổ” Bảo Đại để lên nắm quyền bằng cuộc “trưng cầu dân ý” mà chúng tuyên truyền cho nhân dân là “phiếu xanh bỏ giỏ, phiếu đỏ bỏ thùng”. Vừa lên chức Tổng Thống, Diệm thực hiện ngay chính sách “Tố cộng, diệt cộng”. Hàng loạt bót đồn của thực dân Pháp ngày trước nay được cũng cố và mở rộng để bắt bớ, giam cầm những người yêu nước, những người mà chúng tình nghi là cơ sở cách mạng. Lúc này, một vài cơ sở bị lộ, nên đã có những chi tiết liên quan đến Lê Tập. Vì vậy vào khoảng tháng 4 năm 1957, bọn dân vệ được giúp sức của bọn tề đã lùng bắt ráo riết những người chúng tình nghi là hoạt động khu vực Điện Phước, Điện Thọ như Nguyễn Trượt, Nguyễn Đức Tùy (tức Mười Tùy), Ngô Yên, Nguyễn Đức Thành, Lê Công Huynh và cả Lê Tập. Tất cả được đưa về nhà Thông Đào (cơ quan xã tại thôn Tây – Điện Thọ) để khai thác. Chúng tình nghi trong số người có một nhân vật “tầm cỡ” nên ra sức đánh đập để khai thác. Ngay tại nhà Thông Đào, chúng bắt trói tất cả, sau đó chúng thi nhau dùng giày đinh đá túi bụi vào người, Lê Tập là người chúng đánh nhiều nhất, đến mức chấn thương, hư mất một con mắt. Tuy vậy, địch vẫn không hề lấy được một lời khai nào. Bọn giặc đã nghỉ ra cách là cần phải tách từng người ra để khai thác mới có kết quả. Do đó, trong cuộc đấu tranh sinh tử này, dù là đồng chí của nhau, nhưng khi bọn chúng hỏi thì tất cả đều một mực trả lời: “không biết”.

             Khoảng tháng 5 năm 1957, chúng thả về một số người mà chúng cho là “không quan trọng”, riêng Lê Tập, bọn dân vệ cho là “phần tử ngoan cố” cần phải tra khảo nhiều hơn nữa mới lòi ra manh mối. Thế rồi, vào một buổi chiều tháng 5, bọn chúng quyết định dẫn anh vào khu Kỳ Lam. Hình như đoán biết đây là lần ra đi “định mệnh”, nên Lê Tập xin chúng cho được tạt ngang qua nhà để thăm vợ con. Đến xế chiều, chúng dẫn anh về dến nhà. Vừa thấy anh về đến trước cửa, chị Nận và các con mừng rỡ chạy ra ôm chầm lấy anh. Chị Nận hỏi: “Có phải anh được tha về không?”, Lê Tập lắc đầu nói: “Không, tôi về thăm mình và các con một chút rồi phải đi ngay”. Nếu trong vài ngày tới mà tôi trở về thì có nghĩa là tôi còn sống, bằng không thì … coi  như… Mình ở lại, cố gắng nuôi các con nên người. Anh rơm rớm nước mắt nhìn vợ và 3 con nhỏ(đứa lớn nhất 5 tuổi, đứa nhỏ nhất 1 tuổi) đang vui đùa hồn nhiên, nhìn ngôi nhà thân yêu một lần cuối cùng rồi cất bước ra đi trong tiếng thúc dục của bọn dân vệ. Chị Nận như chết lặng người, đợi đến lúc anh khuất sau lũy tre rồi mới ôm các con khóc nức nở. Những đứa con thơ ngây của anh nào đâu biết đó là lần gặp mặt cha cuối cùng. Đến khu Kỳ Lam, chúng tra khảo Lê Tập hết sức dã man. Hằng ngày có hai tên dân vệ lực lưỡng kẹp tay anh ra phía sau để cho một tên khác dùng giày đinh đá vào ngực, bụng anh tới tấp. Lê Tập vẫn chịu đựng không khai một lời nào. Tại khu Kỳ Lam hơn một tháng trời, anh bị bọn chúng tra tấn nhưng vẫn không khai thác được gì.

             Đến ngày 12/7/1957, chúng quyết định đưa anh lên nhà lao Điện Bàn. Nơi đây, Lê Tập phải chịu những đợt tra tấn tàn bạo, dã man hơn gấp nhiều lần. Đến chiều ngày 28/7/1957, thấy anh không cựa quậy gì được, miệng trào máu và mật xanh, nằm bất động, bọn dân vệ quận liền khiêng  anh ra ngoài bỏ trên một chiếc giường tre rồi cho người gọi vợ anh đến nhận về. Nghe được tin báo, chị Nận vội khăn gói chạy đến. Từ ngoài hàng rào nhìn vào, chị thấy chồng mình nằm bất động, miệng trào máu ra từng vũng. Nhìn anh, chị nóng lòng xin vào chăm sóc, đút cho anh vài muỗng cháo, nhưng Lê Tập không thể mở miệng được, chỉ còn vài hơi thở thoi thóp. Thấy khả năng anh thể sống được, bọn dân vệ quận nạt nộ, hối thúc chị Nận: “Bà mau vào quận xin giấy để đưa xác về ngay bây giờ. Nếu không kịp, bọn tau sẽ cho đưa ra nhà xác ngay đêm nay, hiểu chưa”. Vậy mà khi chấp thuận cho đưa Lê Tập về, chúng còn đe: “Nếu sau vài ngày mà hắn còn sống thì bọn tau sẽ cho đưa lên đây trở lại để khai thác tiếp tục”. Vậy là Lê Tập được vợ và hàng xóm láng giềng đưa về nhà cứu chữa. Nhưng do thương tích quá nặng, anh không ăn uống được gì, miệng luôn trào máu khó thở, bụng càng ngày càng chướng căng. Đến ngày 30/7/1957, Lê Tập đã trút hơi thở cuối cùng ngay trong căn nhà nhỏ của mình ở thôn Thủy Bồ. Lúc này anh mới hai mươi chín tuổi. Lê Tập nằm xuống đem theo những bí mật của tổ chức đảng ở cơ sở, những đảng viên cốt cán, những đường lối, chỉ thị của cách mạng mà bọn giặc điên cuồng đánh đập, tra khảo, hành hạ thân xác anh nhưng anh vẫn không thể hé răng. Đây quả là một thất bại lớn về chính sách “tố cộng, diệt cộng” của bọn tay sai Ngô Đình Diệm. Chính sự đàn áp dã man những người “kháng chiến cũ” mà bọn Diệm luôn trong trại thái nơm nớp lo sợ, tình nghi đủ thứ. Đâu đâu chúng cũng thấy là Cộng sản. Chúng càng tăng cường ráo riết chính sách “giết lầm hơn bỏ sót”, những người bị chúng tình nghi là cộng sản thì ngược lại, nhân dân càng oán ghét, căm thù chúng hơn. Nhân dân Thủy Bồ, Điện Thọ lại càng đoàn kết, một lòng, một dạ theo Đảng, bám trụ chiến đấu kiên cường cho đến ngày toàn thắng.

 

                                             (Theo lời kể của bà Lê Thị Nận và ông Nguyễn Đức Thành)

[Trở về]
Các tin mới hơn:
NHÀ LAO VĨNH ĐIỆN
NHÀ YÊU NƯỚC LÊ ĐÌNH DƯƠNG
NHÀ YÊU NƯỚC PHAN THÀNH TÀI
BÀI THƠ CA NGỢI ĐỒNG CHÍ ĐINH TÙNG
BÀI THƠ THƯ NHÀ
MỘT HỘI PHÓ NHIỀU NGƯỜI CHƯA BIẾT
CÁI CHẾT NGHIỆT NGÃ CỦA PHẠM XANG
BA MẸ CON CÙNG MỘT CHI BỘ
GƯƠNG BẤT KHUẤT CHỐNG TỐ CỘNG
RA ĐI … QUYẾT TỬ !
    
1   2   3  
    
Các tin cũ hơn:
NGƯỜI CÁN BỘ CÁCH MẠNG GAN DẠ
PHAN LAM – NGƯỜI CON GIÁNG LA BẤT KHUẤT
LÊ GIAI – NGƯỜI CON ƯU TÚ CỦA ĐIỆN MINH
VỀ MỘT GIA ĐÌNH BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG
TRẦN VĂN PHÙNG – NGƯỜI CHIẾN SĨ BẤT KHUẤT
NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ QUẢ CẢM !
NHỚ MÃI TẤM GƯƠNG PHAN ĐỜN
TƯỞNG HOẰNG CƠ SỞ CÁCH MẠNG TRUNG KIÊN
Ý CHÍ NGƯỜI ANH HÙNG
CHI BỘ MANG TÊN ANH
    
1   2   3  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm