Khi sáp nhập các xã Tân Kiển, Cẩm Thành, Sùng Công, Tứ Sơn thành xã Điện Tiến, có thời kỳ đồng chí làm bí thư chi bộ xã, Hội phó Hội phụ nữ.
Do thành tích xuất sắc trong hoạt động của Hội, chị được huyện Điện Bàn chọn đưa vào Đoàn cán bộ của huyện đi dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ nhất tháng 2/1950 tại Bầu Bầu – Tam Kỳ- Quảng Nam.
Tại Đại hội lịch sử này, cô gái làng Giáng La đã nên duyên với đồng chí Cao Sơn Pháo, người vừa được bầu làm Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng. Và cũng từ đây Mười Nhạn gắn cả cuộc đời của mình với cách mạng, với chồng con, với gian truân, với tù tội và với bà con…
Năm 1954 đến năm 1956 khi chưa tìm bắt được Bí thư tỉnh ủy Cao Sơn Pháo thì Mười Nhạn luôn ở trong tầm ngắm của bọn tay sai Mỹ - Diệm ở Điện Thọ, Điện Tiến – Điện Bàn.
Khi đồng chí Cao Sơn Pháo bị sa vào tay giặc, hy sinh thì Mười Nhạn bị bắt. Đây là đợt bể vỡ đầu tiên ở Kỳ Minh - Kỳ Châu. Rất nhiều Đảng viên cán bộ bị rơi vào tay giặc.
Biết rõ Mười Nhạn là vợ của Cao Sơn Pháo nên địch cho đây là đối tượng nguy hiểm, chúng xiềng Mười Nhạn và đồng chí Phan Hy vào một xiềng, suốt 5 tháng liền, ăn, nằm, ngồi cùng một chỗ trong một xiềng xích.
Chúng không từ một thủ đoạn dã man, tồi tệ nào để tra tấn người phụ nữ mới có một đứa con đầu lòng chưa đầy 6 tuổi, chỉ một câu hỏi giằng co:
- Giấu Cộng sản ở đâu?
- Cao Sơn Pháo ở đâu?
Khi chúng trói, kéo ngược chị lên xà nhà thì cái thai 2 tháng tuổi trong bụng chị không tài nào chịu được, máu trong người chị túa ra ướt cả hai chân chị, máu lai láng trên nền nhà … Vậy mà bọn ác ôn của huyện Điện Bàn vẫn chưa thôi, chúng bắt anh Lê Mân, từng là cơ sở của Mười Nhạn đã khiếp sợ ra đầu thú, phải hiếp chị. Tất nhiên, chị không bao giờ để bọn chó má kia làm nhục chị và cũng không tài nào lấy được ở người đảng viên trẻ tuổi này một lời khai làm hại tổ chức, làm hại nhân dân…
Đến tháng 9 năm 1959 chúng đưa chị từ nhà giam khu Kỳ Phú – Kỳ Lam về nhà lao Vĩnh Điện rồi thả chị về.
Sau khi Thường vụ Huyện ủy Điện Bàn cử cán bộ trung kiên xây dựng được địa bàn đứng chân ở Châu Bí – Điện Tiến thì nối lại được liên lạc với Mười Nhạn vừa ở tù ra. Biết chị là vợ của đồng chí Cao Sơn Pháo và biết chị đã kiên trung bất khuất trong nhà tù của giặc nên đưa chị vào sinh hoạt ở chi bộ Giáng la do đồng chí Phan Là làm Bí thư. Chi bộ được củng cố, phong trào được phục hồi nhanh chóng.
Các đồng chí Phan Là, Nguyễn Thị Nhạn, Phan Thảng đã trở thành chổ dựa tin cậy của xã, của huyện là “nơi” nuôi giấu cán bộ ở trên về công tác để sát dân, sát phong trào, chỉ đạo nổi dậy phá “ấp chiến lược”, diệt tề, làm liên lạc cho huỵện ủy, tỉnh ủy…
Năm 1961, tỉnh ủy cho con trai độc nhất của chị là Bùi Chí Cường ra miền Bắc để học tập. Trên đường đưa Cường đi thì tình cờ gặp anh Tín là cơ sở hoạt động của địa phương, nhưng khi Tín bị bắt, bị tra tấn chịu không nổi lại khai chị Mười Nhạn đã đưa con trai ra miền Bắc, chị còn có quan hệ với cách mạng… Thế là chị bị bắt lại.
Trong tù chị đòi đối chất với Tín – Trước mặt bọn thẩm vấn chị khẳng định:
- Con tôi đang ở Sài Gòn, với cô ruột nó. Lúc tôi đưa con đi Sài Gòn tôi có khai báo với chính quyền, với ông Hoanh là đại diện xã Kỳ Minh. Không tin, tôi sẽ gọi con tôi ở sài Gòn về thì rõ cả. Nếu cần, các ông hỏi cô ruột của Tín là bà Trí sẽ biết sự thật.
Sau đó chúng cho rằng Tín đã khai bừa, vu khống và không thể giam được nữa. Đầu năm 1962 được thả về, chị báo cáo với chi bộ và trên xét thấy không thể để chị hoạt động hợp pháp được nữa mà cần phải thoát ly.
Đây là thời kỳ Huyện ủy Điện Bàn đang phát động “đồng khởi” phá kìm, giành dân, tạo chổ đứng để phát triển phong trào xuống vùng cát… nên rất cần nhiều thanh niên lên đường tham gia vào lực lượng vũ trang, vào các đội công tác. .. Trong tình hình đó nhiều cơ sở hợp pháp thấy đã bị lộ ở lại sẽ bị rơi vào tay giặc nên cũng muốn thóat ly. Thế là Nguyễn Thị Nhạn, Nguyễn Hữu Mười (Mười Tùy) quyết định tổ chức một đêm mitting tại chợ Phong Thử lên án bọn ác ôn và tay sai bán nước, kêu gọi thanh niên lên đường cầm súng đánh giặc…
Sau buổi mitting với đông đảo bà con ở Phong Thử đến dự hôm ấy Mười Nhạn chia tay bà con thoát ly ra vùng giải phóng.
Trưa hôm sau thì bọn Trần Quốc Thái quận trưởng Điện Bàn và tay chân ở Vĩnh Điện nghe được tin Mười Nhạn tổ chức mitting và đã thóat ly tức điên lên nhưng đã muộn rồi…
Sở dĩ tên quận trưởng gian ác Trần Quốc Thái tức tối và cay đắng vì trước đó không lâu, khoảng tháng 3/1958 tại một cuộc mitting ở làng Đông Hồ - xã Điện An, ngoài dân làng địa phương chúng còn bắt trên 11.000 người mà chúng gọi là “can cứu chính trị” của Điện Bàn đến dự để nghe hắn huênh hoang rằng: “Đã diệt xong 27 tên cán bộ cộng sản nằm vùng”, “đã đánh tận gốc những người theo Cộng sản”, “đã nhổ sạch cỏ”…
Vậy mà, từ trong cỏ, trong tranh, trong lúa và trong dân lành “cộng sản nằm vùng” đã đứng lên mitting, hàng ngàn dân đến dự trong vui mừng, háo hức… và các cơn bão “đồng khởi” đã nổi lên khắp nơi vây bủa, đẩy lùi, tấn công vào sào huyệt của kẻ thù.
Thoát ly ra vùng giải phóng, Huyện ủy Điện Bàn phân công chị làm công tác tuyên huấn, công tác tổ chức, công tác đấu tranh chính trị…
Thời kỳ chuẩn bị cho chiến dịch lịch sử Xuân Mậu Thân – 1968 đồng chí Hồ Nghinh – Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà ký quyết định điều động đồng chí Nguyễn Thị Nhạn lên tỉnh, phân công về “ban đấu tranh chính trị”, chuyên trách công tác nội thành Đà Nẵng.
Chuẩn bị cho chiến dịch, cùng với hoạt động quân sự. Đặc khu ủy Quảng Đà chủ trương tăng cường xây dựng lực lượng nội thành, đặc biệt nắm cho được số đồng bào ở nông thôn bị địch đánh phá ác liệt hoặc bị xúc tác chạy vào… Vì vậy một số lớn cán bộ, đảng viên ở các vùng nông thôn được giao nhiệm vụ ở trong thành phố, từ đây hình thành nên các chi bộ, gọi là “chi bộ 2”. Đồng chí Nguyễn Thị Nhạn được Ban đấu tranh chính trị tỉnh phân công làm bí thư Ban cán sự…
Từ năm 1972 đồng chí Nguyễn Thị Nhạn được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Đà, rồi ủy viên Ban chấp hành tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng, giữ chức chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng… cho đến khi nghỉ hưu năm 1990.
Quá trình hoạt động cách mạng đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng nhiều huân chương, huy chương các loại. Với những năm tù đày, bị tra tấn, hành hạ, đồng chí được Đảng đánh giá là “đã nêu cao tinh thần kiên trung bất khuất, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc”.
Đã được về nghỉ hưu, dù tuổi cao, sức yếu song Mười Nhạn không chịu nghỉ, chị tham gia công tác ở phường, ở Hội, làm công tác từ thiện. Đặc biệt những ngày lễ, những ngày kỷ niệm chị tích cực góp tiền mua quà, về Sùng Công, về La Thọ, về Xuân Diệm, Cẩm Sơn… thăm bà con, thăm những cơ sở, những gia đình đã chịu khó, chịu khổ, chịu tang cửa nát nhà nuôi nấng, chở che chị và những người đồng chí của chị trong những năm khó khăn, đen tối, gian khổ, ác liệt.
Chị luôn nghĩ rằng, chị công tác được là nhờ bà con, chị còn sống sót lại được đến sau chiến tranh là nhờ bà con những nơi chị đã đến, đã ở lại…Vì vậy, còn sống được đến hôm nay, còn vui được ngày nào là chị còn nhớ đến và biết ơn bà con…