Tham dự Hội thảo có ông Trần Minh Hải – Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ & khuyến nông (thuộc Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ); đại biểu Phòng Kinh tế, Trung tâm KTNN thị xã Điện Bàn; đại diện lãnh đạo UBND, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ xã Điện Phước, Điện Tiến và hơn 50 nông dân của 02 địa phương.
Vụ Hè Thu năm 2024, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp thị xã Điện Bàn phối hợp với UBND xã Điện Phước và xã Điện Tiến triển khai mô hình thử nghiệm giống lúa BĐR999, quy mô 05 ha tại thôn Hạ Nông Tây và thôn Châu Sơn 2. Mô hình sử dụng giống TH5 làm đối chứng.
BĐR999 là giống lúa thuần do Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ chọn tạo, có kiểu hình gọn, dạng hạt bầu, độ đóng hạt dày, gạo trắng, phù hợp với chế biến bún, bánh. Hàm lượng amylose (đặc tính quyết định độ dẻo, tính mềm hay cứng cơm) >26%.
Qua theo dõi nhận thấy: lúa trong mô hình sinh trưởng phát triển tốt, thời gian sinh trưởng ngắn (86 ngày), đẻ nhánh trung bình, trỗ bông tập trung, độ đồng đều cao. Giống lúa ở mô hình cứng cây, khả năng chống đỗ ngã tốt, giống có số hạt trên bông cao, hạt sáng mẫy.
Tình hình sâu bệnh trên cây lúa vụ hè Thu 2024 có sâu cuốn lá gây hại cục bộ một số giống, bệnh lem lép hạt xuất hiện ở giai đoạn lúa trổ đến chín. Tuy nhiên, giống BĐR999 chống chịu tốt với các đối tượng sâu bệnh, trong cả vụ không phát hiện sâu bệnh gì đáng kể, ít sử dụng thuốc BVTV. Mặc dù giai đoạn trổ gặp mưa nhưng lúa ở mô hình không bị bệnh lem lép hạt. Trên cùng chân ruộng, tỷ lệ lép của giống đối chứng cao hơn ở mô hình, năng suất lúa ước tính ở mô hình đạt 70,6 tạ/ha, (cao hơn so với đối chứng là 12,1 tạ/ha). Kết quả, mô hình sản xuất lúa gạo chế biến BĐR999 thu lãi cao hơn so với giống đối chứng TH5 là 472.000đ/sào (9.440.000đ/ha).
Qua thử nghiệm vụ Hè Thu 2024, nhận thấy giống BĐR999 có nhiều ưu điểm nổi trội, được bà con nông dân đánh giá cao. Đây là giống lúa ngắn ngày, phù hợp với cơ cấu luân canh cây trồng, rút ngắn được thời vụ, giảm thiểu các tác động bất lợi do thời tiết, sâu bệnh …